Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 3: Những tượng đài bất tử

Bảo Nga - Văn Ngọc Thủy| 16/03/2013 08:20

(HNM) - Nhắc đến trận hải chiến trên đảo chìm Gạc Ma (Trường Sa) huyền thoại, lịch sử đã khắc ghi những cái tên: Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Trần Văn Phương, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh...


Suốt hai ngày "đeo bám" Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng - anh Nguyễn Văn Tấn, chúng tôi cũng tìm được Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Nguyễn Văn Lanh. Khác hẳn với hình dung của chúng tôi về những anh lính công binh "mình đồng, da sắt", anh Lanh ngồi đó, lọt thỏm giữa vòng tay bạn bè, đồng đội. Tôi hỏi vui: "Lính công binh nom bé teo thế này thì sức đâu xây đảo?". Anh cười hiền khô: "Ngày nớ mình khỏe lắm, hai tay kẹp hai bao xi măng vẫn chạy băng băng. Từ dạo bị thương đến chừ, lúc khỏe nhất cũng chỉ được 46kg, gân tay cũng yếu rồi, không làm chi nổi!". Ít ai có thể ngờ, người lính hải quân nhỏ bé ấy, hơn 20 năm trước đã dũng cảm dùng tay không chiến đấu với kẻ địch, bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma và vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi tròn 23 tuổi.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (trái) và cựu binh Lê Hữu Thảo gặp lại nhau sau 25 năm.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo đông con ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh (nay là huyện Quảng Ninh), tỉnh Quảng Bình, học hết lớp 7/10 anh Lanh phải nghỉ học ở nhà làm ruộng, phụ giúp bố mẹ. Tháng 8-1985, anh lên đường nhập ngũ và gia nhập Trung đoàn 83 Công binh Hải quân. Hơn 2 năm gắn bó với đời lính hải quân, anh Lanh lần lượt tham gia xây dựng công trình K25 ở Hải Phòng và khu căn cứ Hòa Khương (Đà Nẵng). Đời lính công binh hải quân luôn khó khăn, gian khổ trăm bề, nhưng chàng trai Quảng Bình lúc nào cũng hăng hái, lạc quan, hoàn thành tốt nhiệm vụ... Một buổi sáng đầu tháng 3-1988, anh Lanh và đồng đội nhận lệnh chuẩn bị quân trang, lên đường ra xây dựng đảo Gạc Ma. Không thể tả hết niềm vui của những người lính lần đầu tiên được ra đảo. Đêm trước khi lên tàu, anh và đồng đội quây quần bên đống lửa, cùng hát vang bên cây đàn ghi - ta... Chỉ vài giờ sau khi tàu HQ-604 do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy tiếp cận đảo Gạc Ma, ngay trong đêm 13-3 lực lượng công binh và chiến sĩ Lữ đoàn 146 nhận được lệnh bí mật chuyển vật liệu xây dựng đảo, đồng thời đổ bộ, cắm cờ Việt Nam để khẳng định chủ quyền…

25 năm đã trôi qua và có thể mãi mãi sau này, anh Lanh sẽ không thể nào quên được thời khắc lịch sử rạng sáng ngày 14-3-1988. "Khi đó chừng 6h sáng, chưa kịp nhận khẩu phần ăn sáng thì anh Trần Văn Phương, anh Lê Hữu Thảo cùng một nhóm anh em khoảng 20 người được lệnh rời tàu HQ - 604, dùng xuồng tiếp cận đảo Gạc Ma. Đang tiết xuân, nước biển lạnh ngắt. Mọi người chỉ kịp truyền tay nhau điếu thuốc để xua đi cái lạnh của sương sớm. Khi lá cờ đỏ sao vàng được truyền đến tay anh Phương, vừa kịp cắm xuống cọc thì đối phương bất ngờ đổ bộ. Hai bên giáp lá cà, giằng co nhau quyết liệt. Từ tàu HQ-604, anh Trần Đức Thông hạ lệnh: "Ai biết bơi thì bơi ngay vào đảo để hỗ trợ anh em!". Tôi và nhiều chiến sĩ vội vàng nhảy xuống nước... Khi chúng tôi bơi vào đảo cũng là lúc địch nổ súng, anh Phương trúng đạn. Tôi vội xông tới nắm lấy cán cờ từ bàn tay đẫm máu của anh Phương, tay kia dùng xà-beng chống trả. Bất ngờ một nhát lưỡi lê đâm từ phía sau, đồng thời một loạt đạn găm vào vai, tôi ngất đi ...". Anh Lanh chợt dừng lại, vén chiếc áo hải quân, để lộ vết thương chạy dài dọc bả vai phải xuống giữa lưng. Anh Tấn chạm nhẹ vào vết thương trên vai bạn, giọng xa xót: "Nếu không ngã xuống biển, nước muối mặn có độ sát trùng cao, giờ chắc Lanh đã không còn ngồi đây...". Sau khi được đồng đội đưa về đảo Sinh Tồn, anh Lanh được Quân chủng Hải quân cử trực thăng ra đón, đưa thẳng về Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) cứu chữa. Tuy nhiên, do bị lưỡi lê chém đứt gân, cánh tay phải của anh gần như liệt hẳn. Năm 1989, các bác sĩ tại Bệnh viện 103 (Hà Nội) đã nối thành công đoạn gân bị đứt, nhưng phải đến 4 năm sau cánh tay anh mới hồi phục dần. Cũng trong năm 1989, anh vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong vòng tay đồng đội sau 25 năm xa cách, những kỷ niệm về Trường Sa, về Gạc Ma ngày ấy lại ùa về. Anh Lanh nói với chúng tôi, ánh mắt như có sóng: "Nguyện vọng lớn nhất của mình là một ngày được trở lại chiến trường xưa, thắp nén nhang và thả hoa trên biển để tưởng nhớ vong linh đồng đội. Bao năm qua, bọn mình vẫn coi 14-3 là ngày sinh nhựt của tụi nó, bởi nhiều anh em mất khi còn quá trẻ, chưa kịp có một mối tình...".

Người thuyền trưởng mưu trí và con tàu anh hùng

Từ nhiều năm nay, bà con ở tổ dân phố 16, phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng không mấy ai biết ông già vui tính, suốt ngày chăm chỉ trồng rau, tưới hoa trong mảnh vườn nhỏ cuối ngõ lại là một Anh hùng LLVTND. Càng ít người biết ông đã từng tạc một mốc son đỏ chói trong lịch sử Quân chủng Hải quân Việt Nam khi dũng cảm điều khiển tàu lao thẳng lên đảo Cô Lin, không chỉ giữ được đảo mà còn cứu được nhiều đồng đội bị thương trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988. Ông là Vũ Huy Lễ - thuyền trưởng mưu trí của tàu HQ - 505 anh hùng.

Cả đời binh nghiệp của Vũ Huy Lễ gắn bó với những con tàu, với biển đảo Trường Sa, mãi đến năm 2000 ông mới nghỉ hưu, với quân hàm Đại tá và cương vị Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Vận tải Trường Sa. Giờ con trai cả của ông cũng nối nghiệp bố, công tác tại Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân. Mỗi khi bố con gặp nhau, những câu chuyện về Trường Sa, về biển đảo quê hương lại trở nên rôm rả.

Nhắc về những kỷ niệm trận chiến Gạc Ma, ông bồi hồi nhớ lại: "Đảo Cô Lin cách Gạc Ma chừng 4 hải lý. Sau khi tàu HQ-604 bị bắn chìm, đối phương quay sang nã đạn vào tàu HQ-505. Tàu bị trúng đạn vào buồng máy bên phải, hỏng máy trôi ra xa đảo Cô Lin gần 1 hải lý. Tất cả các khoang máy đều bốc cháy dữ dội, điện tắt tối om, nước tràn vào, dầu lênh láng khắp nơi. Tôi nhận định, nếu không nhanh chóng trở lại Cô Lin thì tàu sẽ chìm, toàn bộ anh em sẽ hy sinh mà đảo chắc chắn sẽ mất. Tôi lập tức yêu cầu anh em kỹ thuật tập trung sửa máy tàu. Khi sửa xong, tôi yêu cầu chạy cả 2 máy, một tiến, một lùi để mũi tàu hướng về đảo. Gần đến Cô Lin, tôi hạ lệnh mở hết tốc lực, cho tàu HQ-505 phi thẳng lên đảo…". Đó thực sự là một quyết định trọng đại vào thời khắc sinh tử - một quyết định vô cùng táo bạo và chính xác khi thuyền trưởng Vũ Huy Lễ lao cả con tàu dài gần 100m, rộng 38m lên đảo chìm Cô Lin. Dùng chính con tàu làm pháo đài giữ đảo, hải quân ta đã bảo vệ kịp thời được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

"Khi tàu HQ-505 đã sừng sững như một cột mốc lớn khẳng định chủ quyền Việt Nam trên đảo Cô Lin, tôi lập tức cho hạ xuồng cứu sinh, cử một tổ khẩn trương sang đảo Gạc Ma cứu đồng đội. Tàu HQ-505 có hai xuồng thì lúc đó một xuồng đã trúng đạn, chỉ còn dùng được một chiếc. 44 chiến sĩ hải quân, trong đó có 8 thương binh và 1 tử sĩ đã được đưa về tàu HQ-505 băng bó, sơ cứu rồi chuyển về đảo Sinh Tồn cách đó 8 hải lý. Đến tối 14-3, tôi đề nghị cấp trên cho tôi và 9 đồng chí nữa ở lại tàu, giữ đảo, quân số còn lại chuyển về đảo Sinh Tồn. Gần hai tháng sau, tôi mới rời khỏi đảo Cô Lin…".

Mưu trí, quyết đoán năm 1989, ông cùng tập thể chiến sĩ tàu HQ-505 được nhận phần thưởng cao quý: Anh hùng LLVTND. Cả cuộc đời binh nghiệp lênh đênh trên biển nhưng cứ đến gần ngày 14-3 hằng năm, ông lại thấy xốn xang nhiều cảm xúc lẫn lộn. Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, vị Trưởng ban truyền thống Hội tàu HQ - 505 - Anh hùng Vũ Huy Lễ cho hay, ông vừa tổ chức buổi gặp mặt cho 30 đồng đội cũ tại Hải Phòng nhân ngày 14-3. Không hẹn mà gặp, nhiều Ban liên lạc Bộ đội Trường Sa ở các tỉnh, thành khác cũng chọn ngày này làm ngày sum họp, tri ân những đồng đội cũ. Đó là ngày giỗ của 64 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống ở đảo Gạc Ma nhưng cũng là ngày truyền thống không thể nào quên của Quân chủng Hải quân, là cột mốc đáng nhớ để những người lính Trường Sa năm xưa được quây quần bên nhau, ôn lại kỷ niệm của một thời oai hùng, từ đó giáo dục thế hệ sau tiếp bước cha anh, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, cho đến hôm nay, giữ gìn sự toàn vẹn biển đảo Tổ quốc vẫn luôn là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Cuộc chiến Gạc Ma và sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân ngày ấy mãi mãi đi vào lịch sử, nhắc nhở chúng ta về tinh thần cảnh giác, lòng quả cảm và sự mưu trí, khôn khéo, kiên quyết trong mọi tình huống để giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Những tượng đài bất tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.