Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Trở về với đời thường

Nguyễn Ngọc Tiến| 17/03/2013 05:48

(HNM) - Kết thúc cuộc đụng độ ở đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14-3-1988, 64 chiến sỹ anh hùng không bao giờ trở về. Còn những chiến sỹ vẫn sống và trở về với đời thường, tuy còn khó khăn, vất vả, nhưng họ vẫn hiên ngang như những ngày tháng chiến đấu để bảo vệ lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Các chiến sỹ hải quân luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh giữ vùng biển quê hương.


Tự vượt qua khó khăn

Sinh năm 1968, Trần Văn Hải nhập ngũ tháng 3-1987. Sau một thời gian huấn luyện ở Lữ đoàn 126, anh được điều về Trung đoàn Công binh 83. Đầu tháng 3-1988, Trung đoàn 83 nhận lệnh ra làm nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa và anh là một trong 70 chiến sỹ công binh cùng 22 chiến sỹ làm nhiệm vụ chiến đấu có mặt trên tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma. Sáng 14-3, cha anh nghe Đài Tiếng nói Việt Nam đọc tên các chiến sỹ hy sinh ở đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, ông đã khóc và lặng lẽ lập ban thờ cho đứa con trai mới 20 tuổi đời. Nhưng rồi anh trở về và cho đến hôm nay anh cũng không nhớ nổi vì sao mình vẫn còn sống. Năm 1992, anh lập gia đình và đến nay đã có 3 con. Đến quán bún của vợ chồng anh trên đường Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Nẵng, tôi mới biết cuộc sống của gia đình anh còn vất vả, thiếu thốn dù con lớn đã đi làm ở một nhà hàng. Bản thân anh từ khi lập gia đình cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, làm việc lặt vặt giúp vợ vì quanh năm đau cột sống. Năm 2012, Bộ Tư lệnh Hải quân tặng anh 5 triệu đồng nhưng anh bảo "Bao nhiêu năm nay, gia đình tôi vẫn tự sống dù không có sự hỗ trợ". Anh nói đúng, phải tự đứng vững, phải tự vượt qua khó khăn, trông chờ vào ai bây giờ? Rồi tôi nghĩ trên đất Việt Nam này vẫn còn hàng vạn gia đình người lính qua các cuộc kháng chiến đang vật lộn với khó khăn, bệnh tật.

Đầu tháng 3-1988, Lê Văn Đông được đơn vị cho về phép ít ngày và trước khi trở lại đơn vị, anh lính trẻ đã tranh thủ cưới vợ. Ở với nhau mới một ngày thì có điện báo anh phải trở về đơn vị gấp. Vợ anh, chị Lê Thị Thương, nức nở trong nước mắt chia tay chồng. Về đơn vị, Lê Văn Đông mới biết nhiệm vụ đi Trường Sa và cuộc đụng độ ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao ngày 14-3-1988, anh bị địch bắt. Cùng với 9 đồng đội, anh đã bị giam cầm khổ ải suốt 3 năm 5 tháng 15 ngày. Hiện anh Đông sống tại xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và gia đình vẫn tất tả trong vòng xoáy áo cơm. Vài năm trở lại đây, anh cũng nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong tỉnh, ngoài tỉnh. Nhưng anh bảo: "Tôi cũng bị cầm tù như những chiến sỹ từng bị tù ở đảo Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đãi ngộ biết đến bao giờ, khó khăn thì cố mà vượt qua thôi, bao nhiêu năm nay mình vẫn sống thì giờ đây tại sao mình không cố gắng?". Tôi không nghĩ anh lên gân, người Quảng Bình là vậy. Trong chiến tranh chống Mỹ, dân Quảng Bình đã đóng góp lương thực nhiều gấp đôi chỉ tiêu mà đến nay, có ai đòi hỏi gì đâu?

Một chiến sỹ khác cũng bị cầm tù cùng với anh Đông là anh Trương Văn Hiền. Anh Hiền có mặt trên tàu HQ 604 bị bắn chìm ngày 14-3. Bị thương, anh vớ được miếng ván trôi lênh đênh trên biển 3 ngày 2 đêm thì bị địch bắt. Đầu năm 1992, anh ra quân, thấy khó sống trên đất quê nhà nên cuối năm anh rời Hương Sơn, Hà Tĩnh, vào lập nghiệp ở Đắk Lắk. Năm 1995, anh lập gia đình với chị Bùi Thị Phương. Những ngày đầu vô cùng gian nan, anh chị phải làm thuê để sống và ở nhờ trong chòi canh rẫy của chủ. Năm 1996, anh chị dựng túp lều nhỏ trên đất của người chị và rồi ở hiền gặp lành, được một chủ vựa bán chịu vật liệu xây dựng, nhờ thế anh chị mới cất được ngôi nhà nhỏ. Khó khăn cứ đeo đẳng, hiện vợ anh bị gai đôi cột sống nên tiền cơm áo, tiền học hành của hai con trông cả vào thu nhập từ tiền công đi làm phu hồ của anh. Nhưng cứ đến mùa khô ở Tây Nguyên, anh lại vật vã ốm đau, chân tay nhức mỏi mà tiền mua thuốc men không có. Không chỉ vậy, anh hay mê sảng về cuộc xung đột vũ trang ở Gạc Ma anh đã trải qua.

Lần theo địa chỉ do Hội Cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa cung cấp, tôi đến thăm chị Đỗ Thị Hà, vợ của liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa). Chị kể, chị lấy anh là do mai mối của Thiếu úy Trần Văn Phương, người sỹ quan anh hùng quyết giữ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988. Căn nhà tình nghĩa mà chị Hà đang sống tuy không lớn nhưng ấm áp tình đồng chí, đồng đội. Thỉnh thoảng, đồng đội cũ của anh Doanh đến thăm mẹ con chị và khi về có anh tế nhị giấu dưới gối cho cháu ít tiền.

Từ Khánh Hòa trở ra Đà Nẵng, tại khách sạn Vawna, tôi may mắn ở sát phòng anh Lê Hữu Khoa, một người lính bản lĩnh và sắt đá trước kẻ thù hung hăng gây hấn trên đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 mà trước đó tôi chỉ nghe tiếng chứ chưa biết mặt. Anh rắn rỏi nhưng khuôn mặt lúc nào cũng phảng phất nỗi buồn. Giải ngũ, anh Khoa sang Đức. Gần 10 năm lao động, kiếm sống ở xứ người, anh trở lại quê hương Hà Tĩnh. Anh bảo cuộc sống của anh cũng bấp bênh. Hiện, anh thuê một căn nhà ở TP Hà Tĩnh và cho đến nay, ở tuổi 48, anh vẫn chưa lập gia đình. Trò chuyện với anh, thấy anh bình thản, không cố ý tỏ ra ta từng sống chết ở nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc, tôi chợt nhớ 4 câu thơ của Nguyễn Duy: "Anh nhét tấm huân chương vào hộc tủ/Dửng dừng dưng trước mọi nỗi vui mừng/Cái chết đã qua, tử thần biết mặt/Mọi vui buồn anh vẫn dửng dừng dưng".

Hơn cả sự tri ân

Ông Nguyễn Văn Dũng, thương binh Trường Sa hạng 2/4, chủ nhà hàng Thiên Phước, ở Bãi Tiên, TP Nha Trang (Khánh Hòa) không chỉ làm kinh tế giỏi mà luôn canh cánh với đồng đội, từ thân nhân những anh em đã hy sinh đến cả những người còn sống gặp khó khăn. Hằng năm, ông lặn lội ra Phú Yên thăm hỏi, động viên và tặng quà cho hai gia đình liệt sỹ hy sinh ngày 14-3-1988 tại đảo Gạc Ma. Những người như ông Dũng quả là đáng trân trọng. Chỉ tiếc là số anh em trở về thành đạt trong kinh doanh lại không nhiều mà phần lớn còn vất vả, thiếu thốn.

Khi hỏi mong muốn điều gì, anh Trương Văn Hiền bảo khi anh rời quê lập nghiệp ở Đắk Lắk, nhiều giấy tờ bị thất lạc, hiện chỉ còn tấm ảnh chụp 9 anh em sau ngày địch trao trả và giấy xuất ngũ. Năm 2011, anh nhờ Hội Cựu chiến binh Đắk Lắk làm chế độ thương binh nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Anh bộc bạch: "Nếu được công nhận là thương binh thì các con tôi đi học cũng được hưởng các chế độ của Nhà nước, giúp tôi đỡ vất vả". Trong cuộc trò chuyện với hàng xóm của anh Trần Văn Hải, mọi người bảo trước khi nhập ngũ mặt anh tươi tắn, gặp ai cũng cười. Còn hiện tại, trông anh thất thần và dù không bao giờ cáu gắt nhưng hiếm khi thấy anh cười. "Chính quyền địa phương nên cho anh ấy đi kiểm tra y tế để biết tình trạng sức khỏe anh thế nào, tinh thần ra sao vì điều kiện kinh tế gia đình không cho phép anh Hải làm việc rất bình thường ấy".

Theo anh Nguyễn Văn Bình, Phó Trưởng ban Liên lạc anh em cựu binh Trường Sa tại Đà Nẵng, vài năm nay các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị, tổ chức và cá nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có những việc làm thiết thực giúp đỡ anh em cựu binh Trường Sa, đặc biệt là các anh em tham gia trận chiến trên đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Tuy họ đều chủ động tự lo cho bản thân và gia đình nhưng kinh tế của nhiều anh em vẫn còn vất vả, có người không có bảo hiểm y tế nên khi bệnh tình tái phát không được điều trị tại bệnh viện. Anh Bình hy vọng nếu các tổ chức, cá nhân cùng chung tay giúp đỡ thì chắc chắn anh em sẽ bớt khó khăn. Điều đó không chỉ là hành động tri ân những người lính quả cảm, không tiếc máu xương của mình 25 năm trước mà còn là nguồn động viên cho các chiến sỹ đang đóng quân ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc hôm nay. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Trở về với đời thường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.