Theo dõi Báo Hànộimới trên

“… Hiểu biết để yêu thương…”

Văn Ngọc Thủy| 01/04/2013 06:37

(HNM) - Một ngày cuối tháng 3, ngang qua phố Ngô Quyền náo nhiệt, chợt giữa dòng người xe qua lại như mắc cửi, tấm biển hiệu khiêm nhường mang dòng chữ

Tình cờ tôi được gặp Thầy tại Hà Nội trong một căn phòng nhỏ ấm cúng, bức chân dung Thầy được đặt ở vị trí trang trọng, bên cạnh những tác phẩm tranh sơn dầu của Thầy. Qua cuộc trò chuyện, tôi được biết thế danh của Thầy là Nguyễn Quang Thịnh, sinh năm 1956 tại Thừa Thiên Huế trong một gia đình có đến 4 người đều xuất gia tu hành. Thời gian một buổi chiều không phải là dài nhưng cũng đủ để tôi nhận ra Thầy là một người kiệm lời khi nói về mình, nhất là về những công việc từ thiện Thầy đã làm. Bởi Thầy bảo, làm từ thiện đâu phải là cho đi mà thực chất mình đã nhận lại rất nhiều, nhận niềm vui, niềm hạnh phúc, cảm giác thanh thản, an lạc… Như vậy mình phải cảm ơn người đã đón nhận từ hành động của mình.

Thiền sư Pháp Hạnh bên một tác phẩm sơn dầu.


Vẫn canh cánh trong lòng phải viết điều gì đó về Thầy, tôi may mắn tìm gặp được những học trò của Thầy. Họ làm nhiều ngành, nhiều nghề, ở đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Có người là cán bộ, công chức nhà nước, có người làm doanh nghiệp… nhưng giống nhau ở niềm tin vào Phật pháp, sống là mong làm điều thiện và cũng là những người không muốn nói về mình. Qua những câu chuyện của họ, tôi biết đây là lần thứ hai Thiền sư Pháp Hạnh tổ chức triển lãm tranh tại Hà Nội, sau nhiều cuộc triển lãm ở thành phố Hồ Chí Minh và nước ngoài. Số tiền thu được sau mỗi lần triển lãm hay bán đấu giá tranh, Thầy đều giao cho học trò hoặc các quỹ từ thiện quản lý, sử dụng vào mục đích thiện. Lần thứ nhất cuộc triển lãm tranh tại Hà Nội diễn ra vào tháng 6-2012, cũng tại 16 Ngô Quyền, gồm hơn 50 bức sơn dầu Thầy đã vẽ tặng học trò được họ tập hợp lại. Chỉ trong ngày khai mạc, số tiền bán tranh đã lên đến 400-500 triệu đồng, được sử dụng để xây dựng, cải tạo chùa.

Và đây là lần thứ hai tranh sơn dầu của Thầy có mặt tại Hà Nội trong triển lãm "Chắp cánh", do Hội Mỹ thuật Hà Nội và Quỹ hướng về cộng đồng - một quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận do PGS.TS Hồ Uy Liêm - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam làm Trưởng ban sáng lập. Toàn bộ số tiền thu được từ cuộc triển lãm này sẽ được Quỹ hướng về cộng đồng sử dụng hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa. Cuộc triển lãm lần này cũng đã thu hút được sự quan tâm của những người yêu hội họa, đặc biệt có sự tham dự của Giáo sư Vũ Khiêu. Dù đã bước sang tuổi 98, sức khỏe không còn được tốt như những năm trước, GS Vũ Khiêu vẫn đến xem triển lãm vì sự mến phục Thiền sư Pháp Hạnh. Phát biểu tại lễ khai mạc, Giáo sư Vũ Khiêu cho rằng Thiền sư là một người đa tài, Giáo sư ủng hộ những sáng tạo và mục đích sáng tạo nghệ thuật của Thầy.

Triển lãm lần này gồm 75 bức tranh được Thầy vẽ với chất liệu sơn dầu và chỉ có hai mảng màu đen, trắng hòa quện lại mang một tâm nguyện mộc mạc, giản dị sẻ chia hiểu biết để yêu thương.

Mối nhân duyên với hội họa

Trả lời câu hỏi về mối nhân duyên với hội họa, Thầy nói: "Tôi đến với hội họa thật tình cờ, như nắng thu tình cờ va chạm với sớm mai. Cách đây 13 năm, trong một lần ra Hà Nội, tôi bất chợt tiếp xúc với màu, toan, cọ... Ngay thời khắc quyết định đó, trong tôi có sự chuyển động, đẩy tâm thức qua một chiều hướng khác và tôi thấu hiểu nguyên lý của sắc màu. Từ đó những tác phẩm tuần tự ra đời theo vận hành tự nhiên của nó, không cố gắng, không chứng tỏ, không có một cá thể nào đứng sau lưng. Tôi vẽ lên khung vải là ghi lại cảm xúc của mình về thế giới, về không gian, về thời gian, về sự chuyển động tự nhiên vốn có của vũ trụ…".

Những người am hiểu hội họa đã cho rằng, tranh của Thiền sư Pháp Hạnh mang đậm màu sắc của dòng tranh trừu tượng biểu hiện, một trào lưu hội họa xuất hiện vào đầu thế kỷ XX, phát triển mạnh mẽ tại Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ hai và vẫn được các nhà hội họa trên thế giới tiếp tục phát triển cho đến nay. Còn trong bài phát biểu khai mạc cho một triển lãm tranh của Thiền sư diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, họa sỹ Phạm Đỗ Đồng - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: "Sau một thời gian sáng tác chưa dài, Thiền sư Pháp Hạnh đã tạo ra một loạt tác phẩm nghệ thuật thuộc loại trừu tượng… Những điều kỳ lạ và sự xốn xang luôn ẩn hiện trước mắt chúng ta qua mỗi tác phẩm. Và đến hôm nay chúng ta mới thấy, ngoài kinh pháp ra, đạo có thể đến với đời bằng phương thức hội họa với những ý tưởng cao cả nhất, tốt đẹp nhất, hướng thiện nhất và thoát tục nhất. Qua những bức tranh này, đạo và đời gần gũi biết bao, trong đời có đạo và trong đạo có đời".

Giống như thân phận một con người, mỗi bức tranh của Thiền sư Pháp Hạnh đều có một cuộc đời, một câu chuyện. Hãy nghe Thầy kể về nguồn cảm hứng khi vẽ tác phẩm "Thiên thu": "Hôm ấy đi qua miền đất xa lạ, tôi thấy một em bé tật nguyền lê bước chân trần trên đôi nạng gỗ ngang qua một lão hành khất bên đường. Lão ăn xin tội nghiệp dáng hom gầy hốc hác chìa chiếc mũ trống không để xin tiền người qua lại, với hai dòng nước mắt lăn xuống trên đôi gò má xanh xao, bé thò tay vào túi áo mình lấy một ít tiền xin được rồi hai tay rất trân trọng trao cho lão hành khất ấy. Chứng kiến cảnh đó, lòng tôi chợt dâng lên niềm xúc cảm, xoáy mạnh vào tâm thức tôi tạo thành dòng chảy sâu lắng, tôi cảm nhận được vẻ đẹp của một tâm hồn bé bỏng biết sẻ chia, biết đồng cảm, biết trân trọng yêu thương…". Từ đó, "Thiên thu" ra đời, Thầy nói: "Sống để cảm nhận những khoảnh khắc đẹp mà vũ trụ và thiên nhiên ban tặng để được yêu thương, tha thứ để dòng tâm thức chảy trôi về nơi thánh hạnh, để từng ngày đi qua gặp gỡ những mảnh đời bất hạnh để được sẻ chia, yêu thương và cảm nhận thân phận kiếp người, những việc làm của tôi cũng chẳng đáng là bao so với những gì mà cuộc đời đã ban tặng cho tôi. Tôi đến với mọi người khốn khó cũng chỉ giúp họ được một bữa ăn, một manh áo ấm, khi mình ra đi họ lại khốn khó như thường. Nhưng nếu mình giúp họ mở ra một góc nhìn khác về cuộc sống, giúp họ cảm nhận được ý nghĩa cuộc sống để họ tự tin vươn lên sống hạnh phúc bình an với những gì họ đang có thì mình đã giúp họ rất nhiều".

Được nghe Thầy nói chuyện, thưởng lãm tranh, trò chuyện với những học trò của Thầy, tôi nhận ra rằng, Thiền sư Pháp Hạnh vẫn đang từng ngày, từng giờ mang những điều hiểu biết, trải nghiệm sẻ chia với mọi người. Đối với tôi đó là những quan điểm rất thực tế, khoa học, không trừu tượng mơ hồ, không chứa đựng ý nghĩa thần bí, đặc biệt với phương pháp luận sắc bén, logic, thấu đáo nhưng lời dạy lại vô cùng dễ hiểu thông qua những câu chuyện thường ngày giản dị mà cảm động. Cá nhân tôi cho rằng với cung cách ấy, bất kỳ người nào, dù ở vị trí, lứa tuổi nào trong xã hội cũng đều cảm nhận, lĩnh hội được. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi Thiền sư Pháp Hạnh có rất nhiều học trò trong và ngoài nước và họ luôn nhắc đến thầy mình với niềm trân trọng, yêu quý và tự hào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“… Hiểu biết để yêu thương…”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.