Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc hội ngộ đầy màu sắc

Văn Ngọc Thủy| 05/04/2013 06:37

(HNM) - Sáng 1-4, hơn ba mươi nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp ở 15 tỉnh thành đã cùng những nghệ nhân cắt tóc của làng Kim Liên cổ chuẩn bị cho cuộc hội ngộ đầu tiên của những người làm nghề chăm sóc

Buổi giao lưu của những nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp ở 15 tỉnh, thành phía Bắc và các nghệ nhân cắt tóc làng Kim Liên.


“Thăng Long đệ nhất kéo”


Kim Liên là làng cổ phía nam kinh thành Thăng Long, có từ thời vua Lý khởi nghiệp định đô bên dòng sông Hồng, nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa. Làng xưa kia có nhiều đầm lầy, dân sống bằng nghề trồng rau, thả sen nên mới có tên là làng Kim Liên (sen vàng). Những cô gái Kim Liên xưa mặc yếm trắng, óng ả trong màu áo nâu non gánh hàng rau, hoa sen, trà sen, mứt sen đi bán khắp kinh thành Thăng Long nức tiếng một thời. Và ca dao còn nói đến một nghề nữa của làng Kim Liên cũng nổi tiếng không kém nghề trồng sen, trồng rau:
“Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng
Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau”

Tương truyền từ xa xưa, nhân một dịp hội làng, ông thầy địa lý nức tiếng Tả Ao đã đến xem long mạch và ra câu sấm truyền: Làng Kim Liên sẽ thịnh nhờ nghề cắt tóc. Thời điểm đó làng cũng chỉ có ít người làm nghề này, sau càng nhiều trai tráng trong làng học tập tiền nhân, sắm dao, kéo, gương, lược đi khắp kinh thành Thăng Long và các vùng lân cận làm nghề cắt tóc. Làng cắt tóc Kim Liên trở nên nức tiếng với nhiều tay kéo được phong danh “Thăng Long đệ nhất kéo”, có những bậc tiền nhân được nhắc tên đến tận ngày nay dù nhiều cụ đã qua đời hay vẫn còn mạnh khỏe, ngày ngày tay dao, tay kéo như cụ Tổng Chu, Phạm Ngọc Phúc, Ba Chọi, ông Nguyễn Văn Thơm, Nguyễn Văn Mát, Phạm Duy Cốc…

Ngày nay, nổi tiếng trong lớp thợ trẻ có anh Phạm Duy Hào, thế hệ thứ ba của làng tiếp nối nghề truyền thống, trở thành một “cây kéo vàng” với cửa hàng cắt tóc bề thế ngay mặt phố Xã Đàn. Anh là cháu đích tôn của cụ Phạm Duy Hiển, tay kéo nổi tiếng tài hoa thế kỷ trước, từng được theo vua Bảo Đại du hành khắp nơi để chăm sóc “một góc con người” bậc đế vương và các hoàng tử, công chúa của cung đình Huế. Về già không chịu nghỉ ngơi, cụ Hiển vẫn tiếp tục mở thêm tiệm cắt tóc trên các tuyến phố lớn như Hàng Đào, Hàng Quạt, Hàng Bông... Anh Hào hồi đó còn là một cậu bé, thường hay phụ ông và những người trong gia đình sắm sanh đồ nghề, quét dọn tóc lúc đông khách. Anh tự hào nhớ lại, mỗi lần ông vung kéo như làm ảo thuật, động tác nhanh, chuẩn và vô cùng đẹp mắt, tiếng kéo nghe rất vui. Khi ông nội mất, bố anh là cụ Phạm Duy Đảng lên làm chủ nhiệm Hợp tác xã cắt tóc lúc bấy giờ. Gia đình anh có bốn anh em nhưng chỉ duy nhất Phạm Duy Hào theo được nghề truyền thống của tổ tiên và làm rạng danh gia nghiệp. Từ nhỏ, cậu bé Hào đã sớm bộc lộ năng khiếu và lòng say mê cái nghề tài hoa, tinh tế này, cộng thêm sự truyền dạy tỉ mỉ, cẩn trọng của ông nội, của cha và được đào tạo bài bản, anh đã thành tài. Đến nay anh đã là một người thợ cả thành danh, ba năm liền đoạt danh hiệu “Tay kéo vàng” của làng Kim Liên (2005-2007). Bây giờ khách đến cửa hàng của anh đông nườm nượp, nếu không hẹn trước chắc chắn có chờ cả ngày cũng không đến lượt được cắt tóc. Anh và gia đình sống được sung túc bằng nghề của cha ông, anh càng tâm huyết với nghề, với việc truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Mong thức dậy một làng nghề cổ

Cụ Phạm Duy Cốc, người đã hơn 60 năm “tay dao, tay kéo” giọng trầm buồn nói với tôi: “Thời cực thịnh, làng có đến hàng ngàn người làm nghề, một nhà có ông nội, con trai, cháu đích tôn cùng cắt tóc không hề hiếm. Cả làng đi khắp nơi cùng làm một nghề, không có nghề nào khác. Bây giờ nhiều người vẫn nghĩ đây là nghề phụ, kiếm miếng cơm manh áo lúc sa cơ lỡ vận nên bọn trẻ trong làng không mấy đứa theo nghề. Cửa hàng của tôi lúc mở rộng cần tuyển thợ, tôi phải đăng báo tìm ở địa phương khác chứ tìm trong làng không còn ai. Cả làng giờ chỉ có khoảng 30 đến 50 người là thợ lành nghề, chủ yếu là người cao tuổi”. Nhìn bàn tay cụ Cốc với ngón cái thắt lại nơi cầm kéo – dấu tích của những tháng ngày lăn lộn với nghề, tôi hiểu được phần nào tâm trạng thắc thỏm, lo lắng của một nghệ nhân có tâm huyết với nghề truyền thống, không đành lòng nhìn cái nghiệp cha ông để lại cho con cháu đang dần mai một.

Chia sẻ tâm trạng ấy của cụ Phạm Duy Cốc, ông Bùi Minh Hoàng, Chủ tịch UBND phường Phương Liên, quận Đống Đa bày tỏ: “Cắt tóc là một nghề cao quý, tài hoa, có khí phách, một nghề làm đẹp cho đời mang tính sáng tạo, nghệ thuật nhưng một số người trong làng Kim Liên vẫn cảm thấy tự ti và không còn đam mê làm nghề như cha ông thuở trước, đó là một điều đáng tiếc. Ngày nay, xã hội phát triển, nhu cầu chỉnh trang, làm đẹp của con người ta ngày càng lớn, hà cớ gì người Kim Liên lại để nghề truyền thống cao quý của mình mai một? Từ nhiều năm nay, cứ đến hội làng Kim Liên (ngày 16-3 âm lịch hằng năm), chính quyền và nhân dân Phương Liên lại tổ chức hội làng nghề cắt tóc, tri ân ông Tổ nghề và các vị tiền nhân. Danh hiệu “Tay kéo vàng” cũng ra đời từ đây, tôn vinh những người thợ giỏi nghề, tận tâm với nghiệp.”

“Hữu xạ tự nhiên hương”, những hoạt động lễ hội gắn với nghề cắt tóc ở làng Kim Liên đã tạo tiếng vang, giúp cho những nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp ở Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc tìm về với cội nguồn của nghề nghiệp mình đang theo đuổi. Ông Hoa Huy - Chủ tịch Liên hiệp các Câu lạc bộ ngành tóc phía Bắc đã chia sẻ: “Liên hiệp mới được thành lập chưa tròn một năm, dựa trên các CLB nòng cốt như Tóc Việt, Tóc đẹp… đóng trên địa bàn Hà Nội. Hiện nay Liên hiệp đã có thêm 11 câu lạc bộ ở các tỉnh, thành khác tham gia như Thái Nguyên, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Yên Bái, Bắc Giang… Chúng tôi luôn trăn trở mong được tìm về với ông Tổ nghề đích thực, và hôm nay, những người làm tóc chuyên nghiệp có mặt tại đây đã thực sự tìm được về với cội nguồn, với mảnh đất sản sinh ra nghề cắt tóc. Chúng tôi mong muốn sẽ được dâng hương báo công với Tổ nghề về sự phát triển của ngành và có mặt trong lễ hội truyền thống làng Kim Liên”.

Chuẩn bị cho lễ hội truyền thống với sự góp mặt lần đầu tiên của những người tạo mẫu tóc chuyên nghiệp bên cạnh những nghệ nhân cắt tóc của làng Kim Liên cổ, chính quyền phường Phương Liên và ban lãnh đạo Liên hiệp các CLB ngành tóc phía Bắc đã phối hợp dàn dựng một chương trình dành riêng cho “một góc con người” vào đúng dịp diễn ra lễ hội ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm. Theo đó có các nội dung như cắt tóc miễn phí cho người dân đến tham gia lễ hội làng Kim Liên vào ngày Rằm tháng ba năm Quý Tỵ (tức ngày 24-4-2013), giao lưu với những nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng, trình diễn những mẫu tóc đẹp vào đêm văn nghệ “Hát mừng Lễ hội làng Kim Liên”… bên cạnh các trò chơi dân gian truyền thống vẫn được tổ chức hằng năm tại sân đình Kim Liên – một trong tứ trấn Thăng Long xưa. Hy vọng qua lần hội ngộ đầu tiên này, những người thợ cắt tóc làng Kim Liên xưa và những nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp và qua đó làm thức dậy trong tâm khảm người Kim Liên xưa về một nghề nghiệp cao quý, tài hoa có truyền thống lâu đời của đất kinh kỳ ngàn năm:

“Giang sơn một tráp, gương, lược, dao
Giang tay gọt gáy khách anh hào
Dẫu thánh, dẫu tướng ta cũng mặc
Vít cổ vua xoay, chẳng sợ nào!”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc hội ngộ đầy màu sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.