Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất xứ câu “Tự nhiên như người Hà Nội”

Nguyễn Ngọc Tiến| 06/04/2013 07:21

(HNM) - Câu

Các lớp học ở ngoại thành vẫn diễn ra và học sinh đã để sẵn mũ rơm trên bàn, sẵn sàng sơ tán mỗi khi máy bay Mỹ ném bom.



Tôi đã bỏ nhiều công sức đọc khá nhiều các tờ báo xuất bản ở Hà Nội trước năm 1954 trong kho lưu trữ của Thư viện Quốc gia. Và, tôi cũng đọc rất nhiều tác phẩm của các nhà văn viết báo một thời lấy "phố cô đầu" Khâm Thiên làm "tòa soạn" như: Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Phùng Bảo Thạch, Đái Đức Tuấn... nhưng không thấy ai sử dụng câu "Tự nhiên như người Hà Nội" trên báo hay trong văn chương. Có thể câu đó đã xuất hiện trước 1954 mà tôi chưa tìm ra hoặc nó chưa hề xuất hiện trong cuộc sống để rồi các nhà báo, nhà văn sử dụng nó trong các bài viết. Hỏi nhiều người cao tuổi sống ở Hà Nội về xuất xứ của câu này nhưng tất cả đều khẳng định thời Pháp thuộc không có câu này và không ít người đã khẳng định nó ra đời trong thời kỳ Mỹ ném bom miền Bắc và người già, trẻ con phải rời Hà Nội sơ tán về các vùng quê miền Bắc.

Trong một cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bắc (trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Bắc là người kết nối các trí thức Hà Nội với chính phủ kháng chiến và làm Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội từ năm 1954 đến 1979) tôi đã đưa ra ý kiến của nhiều người về xuất xứ câu "Tự nhiên như người Hà Nội" thì ông Nguyễn Bắc tán thành ngay và ông kể chính ông đã mượn câu đó để làm thơ khi các cô gái đến thăm trận địa pháo cao xạ đóng ở gần bến phà Đen (nay thuộc quận Hai Bà Trưng), sau một trận chiến đấu với máy bay Mỹ.

Em tự nhiên, em dịu dàng Hà Nội
Anh bối rối, anh thô ráp, anh pháo thủ mà em.


Câu thơ được Nguyễn Bắc viết năm 1972 thì ít nhất nó xuất hiện vào năm đó hoặc có thể là trước nữa vì từ cuộc sống trở lại với thơ ca cần có một khoảng thời gian. Từ câu thơ của Nguyễn Bắc có thể suy ra nghĩa ban đầu của câu "Tự nhiên như người Hà Nội" là đẹp đẽ và chân thành. Với lối sống và tính cách của người Hà Nội, chắc chắn không phải do người Hà Nội "thổi kèn khen lấy" mà nó có xuất xứ từ một vùng quê nào đó trong những năm tháng Mỹ đánh phá Hà Nội.

Ngược thời gian, ngày 5-8-1964, Mỹ gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, mở đầu cho cuộc leo thang quân sự bằng không quân ra miền Bắc, nên việc máy bay Mỹ sẽ ném bom Hà Nội chỉ còn là thời gian. Trước âm mưu đó, để hạn chế tổn thất về người và tài sản, đồng thời vẫn duy trì sản xuất, sinh hoạt, năm 1965, chính quyền thành phố đã yêu cầu người dân Hà Nội, nhất là người già, trẻ nhỏ phải sơ tán. Đi sơ tán khỏi thành phố với người Hà Nội lần này không phải là lần đầu. Trước Tết Đinh Hợi năm 1947, hơn 10 vạn dân Hà Nội đã tản cư về các tỉnh khi Trung đoàn Thủ đô chiến đấu quyết liệt với quân Pháp trên từng con phố.

Cùng với dân, nhiều cơ quan, xí nghiệp, nhà máy cũng được lệnh chuyển máy móc, thiết bị về các vùng quê để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn dân lâu dài. Nơi sơ tán chủ yếu là các tỉnh quanh Hà Nội như: Hà Tây, Hà Bắc, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình... Với các cơ quan, xí nghiệp, việc sơ tán thuận tiện hơn vì các địa phương có trách nhiệm phải tiếp nhận, dành đất cho dựng nhà máy, nhường chỗ ở cho công nhân viên và con cái của họ. Nhiều đơn vị còn lập cả nhà trẻ, nhà mẫu giáo để cán bộ, nhân viên yên tâm làm việc, sản xuất. Song với các cơ quan, xí nghiệp phải ở lại Hà Nội thì cán bộ, nhân viên phải tự tìm nơi sơ tán cho gia đình, tự lo chuyện học hành của con cái.

Nhiều gia đình có quê thì thuận tiện hơn vì con cái họ có thể ở nhà ông bà hay họ hàng, những gia đình sống nhiều đời ở Hà Nội không có quê và các gia đình cán bộ tập kết thì phải tự liên hệ. Và dù không phải họ hàng thân thích nhưng bà con ở các miền quê vẫn sẵn sàng đón nhận, chia sẻ khó khăn với họ. Đến năm 1966, hàng vạn thanh thiếu niên đã rời Hà Nội sơ tán và đi học tại các trường cấp I, cấp II, cấp III ở các địa phương đó. Để con cái có thể sống, sinh hoạt và đi học bình thường, hằng tuần các bậc phụ huynh đều phải tiếp tế gạo, muối mắm, tiền từ Hà Nội về. Có nhà thì cả cha lẫn mẹ cùng về, nhưng cũng không ít nhà chỉ có mẹ kẽo kẹt đạp xe hàng trăm cây số về với đàn con vì cha chúng đang ở chiến trường, trận địa chống Mỹ... Sơ tán về các vùng quê nghĩa là hoàn cảnh sống thay đổi, không có nước máy, không có điện, tối phải thắp đèn dầu để học bài, đi học phải đội mũ rơm để tránh mảnh bom, mảnh đạn. Có thời gian phải đi học rất sớm từ 3h sáng và kết thúc buổi học lúc 6h vì học ban ngày sợ máy bay Mỹ đánh phá, nhưng rồi con trẻ Hà Nội cũng thích nghi. Tuy nhiên, lối sống thành thị không dễ thay đổi và cũng rất khó thay đổi. Con gái đi học mặc quần Tây, áo sơ mi bằng các loại vải hoa may kiểu cách như khi ở Hà Nội. Mùa đông thêm chiếc áo len pha màu rất khéo, lại thêm chiếc mũ len điệu đà. Mùa hè lại còn mặc quần đùi đi lang thang khắp làng. Tóc con gái Hà Nội cũng mốt hơn, để dài tết đuôi sam hay để tóc thề, có khi lại cắt ngắn, buộc chun hai bên. Những thứ đó khác hẳn với các bạn gái nông thôn cùng lứa, chủ yếu mặc quần lụa đen, phíp hay vải thô nhuộm đen, áo sơ mi màu nâu, xanh trứng sáo hay "xanh Sỹ Lâm". Tóc con gái thôn quê hầu hết để dài, cặp bằng cặp ba lá. Đám con trai Thủ đô cũng có sự khác biệt, mùa đông đi giày ba ta, dép nhựa, áo len hay áo bông. Mùa hè thì may ô, quần soóc chạy rông quanh vùng.

Dù học sáng hay học chiều thì khi đến lớp đám học sinh Hà Nội cả trai lẫn gái thường đi cùng nhau, chuyện trò thoải mái trong khi các bạn ở nông thôn thì nam đi với nam, nữ đi với nữ rõ ràng. Nếu nam nữ sánh vai đi học lập tức bị chế ngay. Tan trường, trong khi đám học sinh Hà Nội cả trai lẫn gái dắt ríu la cà chỗ này chỗ kia thì các bạn nông thôn tỏa về các ngõ xóm, lo việc nhà. Vào ngày nghỉ học, các anh chị lớn cũng bắt chước người làng ra đồng kéo vó tôm hay tát cá, bao giờ cũng có đám em trai, em gái lốc nhốc theo sau hò hét. Chiều thứ bảy, từ đứa trẻ mẫu giáo đến lớn hơn đang học cấp III đều ra đầu làng ngóng cha mẹ, anh chị đạp xe từ Hà Nội về tiếp tế lương thực, thực phẩm. Trai gái học cấp III còn chở nhau bằng xe đạp đến lớp, đi quanh làng rất bình thường và thoải mái. Điều đó không bao giờ thấy ở lớp thanh niên địa phương cùng trang lứa. Thậm chí các bạn nữ thành thị còn nhờ các bạn nam ở địa phương đèo về mà không hề ngại ngùng. Rồi chiều chiều ăn cơm xong, đám học sinh Hà Nội đánh quần soóc, quần đùi lòng vòng quanh làng. Lối sống đó hoàn toàn không phải do "đồng cảnh tương lân" mà ở Hà Nội họ vẫn thế, rất bình thường. Ấy thế mà có khi chủ nhà mời ăn khoai hay ngô luộc, dù rất thèm nhưng cũng nhẹ nhàng từ chối vì ở nhờ đã làm phiền họ rồi nên không muốn phiền thêm nữa.

Nếu tính từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954) đến năm 1965 - năm dân Hà Nội sơ tán cũng là hơn 10 năm các vùng quê sống trong chế độ mới, làm ăn tập thể, thanh thiếu niên tham gia các sinh hoạt đoàn, đội nhưng quan niệm và lề lối sinh hoạt ở các vùng quê vẫn khác biệt với suy nghĩ và lối sống thành thị. Chính sự khác biệt đó là nguyên nhân ra đời câu nói và sau này trở thành thành ngữ "Tự nhiên như người Hà Nội". Chỉ có điều không thể chính xác nó bắt đầu từ miền quê nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất xứ câu “Tự nhiên như người Hà Nội”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.