Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm nhấn mới trên con đường đẹp nhất Thủ đô

Thanh Tùng - Hà Trang| 05/10/2013 05:52

(HNM) - Ít giờ nữa, lễ thông xe cầu vượt qua ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã sẽ diễn ra.

Dưới chân cầu, dòng người, xe chật cứng nhích dần từng tí, tiếng còi inh ỏi, khói xăng nồng nặc.

Nhưng hôm nay, trong dòng chảy tưởng như bất tận kia, không còn thấy những nét mặt cau có, nhẫn nại, bởi cứ nhìn cờ hoa, những dải băng rôn đang bay phấp phới trên đầu, ai cũng biết, ngày mai thêm một điểm đen về ùn tắc giao thông sẽ được xóa bỏ.

Hoàn thiện những phần việc cuối cùng trước lễ thông xe cầu vượt Kim Mã - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh.


Khẳng định chủ trương đúng đắn

Anh Đỗ Hữu Tấn, thợ hàn của Công ty Thành Long đang chấm lại những vệt xước trên thành cầu, như anh nói là để ngày mai, trong lễ khánh thành, quan khách đi kiểm tra, sẽ thấy một công trình đẹp… không tì vết. Thoạt nghe có vẻ rất nghiêm trọng, nhưng thực tế chẳng có nhiều việc để làm vì tất cả đã gần như hoàn hảo, thế nên anh Tấn vừa sơn, vừa ngó xuống đường. Là công nhân chuyên sản xuất cột cho đường dây 500kv, đóng ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ít có dịp được ra Thủ đô, với anh Tấn, cái cảnh tắc đường đến nghẹt thở như ở dưới chân cầu kia, khiến anh vừa hãi vừa lạ. Anh Tấn cho biết, để kịp tiến độ bàn giao công trình, bộ phận làm lan can cầu đã phải chia hai ca làm liên tục trong 24 giờ, dưới mọi thời tiết.

Mé bên kia cầu, ở ngõ 29 đường Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Duy Liêm rót nước chè bán cho khách, mắt vẫn không rời khỏi toán thợ đang căng tấm pa nô cực lớn chào mừng lễ cắt băng khánh thành. Ngồi bán hàng nước ở đây đã bao năm, ngày nào ông Liêm cũng phải chứng kiến cảnh ùn tắc. Những tưởng đông người thì các hàng quán ven đường sẽ bán chạy, nhưng "tắc lòi pha" thế này - như một khách uống nước phàn nàn, người ta chen nhau, vọt cả lên vỉa hè, luồn lách tìm lối đi còn không xong, ai dám dừng xe để mà mua hàng, để uống nước?

Cùng khấp khởi niềm vui của những cư dân ven đường Nguyễn Chí Thanh - con đường đẹp nhất Thủ đô vì ngày mai không phải sống chung với cảnh tắc đường, các y bác sĩ ở Trạm Y tế phường Ngọc Khánh nói chắc như "tìm đúng mạch, bắt trúng ven": Mai là hết tắc, chúng tôi tin như vậy. Vì sao ư? Thì ở những điểm ùn tắc đã được xây cầu vượt đấy, có chỗ nào bị tắc cứng như thế này đâu. Không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong phường, nhiều lần Trạm Y tế này phải đón những vị khách "bất đắc dĩ" bị tai nạn giao thông vào sơ cứu.

Chắc là hết tắc đường - Trung tá Lê Anh Minh, Đội 2, Phòng CSGT Công an thành phố khẳng định với PV Hànộimới như vậy. Nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Chúng tôi hay qua lại nơi này nên không ít lần chứng kiến các chiến sĩ CSGT lưng ướt đẫm mồ hôi xoay xở giữa dòng người, xe, nhất là khi có đoàn khách quốc tế, các anh phải chạy ngược xuôi phân làn, điều khiển giao thông, trông rất vất vả.

Thêm một cây cầu vượt, xóa đi một điểm ùn tắc. Khi Hà Nội bắt đầu triển khai xây dựng những cây cầu vượt đầu tiên, có không ít người cho rằng đó chỉ là biện pháp tình thế, không triệt để, thậm chí sẽ rất lãng phí bởi sau này lại phải phá bỏ để xây dựng cho đúng với quy hoạch giao thông, đô thị chung của thành phố. Chỉ khi những cây cầu vượt hiện hữu làm giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, dư luận mới dần đồng thuận và mọi người đều tin vào chủ trương đúng đắn của thành phố. Còn nhớ, phát biểu tại lễ khánh thành cầu vượt tại nút giao thông Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã đánh giá, việc đưa vào vận hành những cây cầu vượt nhẹ kết cấu thép đã thể hiện hiệu quả rõ rệt, góp phần thực hiện giải pháp cấp bách của Chính phủ và thành phố nhằm hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2012 -2015. Từ khi những cây cầu vượt đi vào hoạt động, Hà Nội đã giảm được từ 124 điểm có nguy cơ ùn tắc xuống còn 57 điểm, riêng 8 tháng đầu năm 2013 đã "thanh lý" được 10 điểm. Theo quy hoạch từ nay đến 2015, Hà Nội sẽ xây dựng thêm các cây cầu vượt nhẹ tại các nút Hoàng Quốc Việt - Phạm Văn Đồng, Nguyễn Sơn - Nguyễn Văn Cừ và cải tạo, mở rộng các nút Kim Mã - Liễu Giai, đường 69 - Phạm Văn Đồng, Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng…

Dọn dẹp mặt bằng chuẩn bị lễ thông xe.


Cây cầu có nhiều cái… nhất

Đã gần 8 tháng nay, ông Hoàng Việt Bình, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thành Long "lăn lê" ngoài nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã. Mặt gầy sọp, da sạm nắng, ánh mắt ông lúc nào cũng lờ đờ vì thiếu ngủ. Ông bảo, nhận nhiệm vụ thi công một cây cầu vượt có "nhiều cái nhất" là vinh dự của Thành Long nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề. Mặc dù tin vào năng lực của đơn vị nhưng cũng có lúc ông mất ăn mất ngủ. Cứ nghĩ đến cái hạn hoàn thành cây cầu cuối cùng vào ngày 10-10-2013, ông Bình lo ngay ngáy và chẳng còn cách nào khác là bám trụ để chỉ đạo công nhân thi công. Công ty Thành Long đã thi công nhiều cầu vượt nhưng chưa có cái cầu nào dài tới 484m với nhịp dầm hộp thép liên hợp dài 60m, có độ cắt biến thiên. Kỹ thuật xây dựng cầu đã khó, tác động ngoại cảnh lại càng khó hơn. Tuyến đường Kim Mã - Liễu Giai là nút giao thông quan trọng của cửa ngõ phía tây Thủ đô có lưu lượng phương tiện đặc biệt lớn. Theo quy định, đơn vị chỉ được phép thi công vào ban đêm để bảo đảm giao thông. Tối muộn, công nhân bắt đầu dỡ việc ra làm, sáng sớm quây tôn bịt lại thành thử hiệu quả công việc chẳng đáng là bao. Đã thế, mất gần 4 tháng đầu công nhân "ngồi chơi xơi nước" vì khu vực thi công vướng vào đường ống cung cấp nước sạch của thành phố. Hàng chục phương án xử lý đưa ra trong khi dự án giậm chân tại chỗ, không ai nghĩ cây cầu sẽ hoàn thành đúng tiến độ. Có mặt bằng rồi, công nhân lao vào làm. Đêm hôm mưa gió, cả tướng lẫn quân bì bõm khoan cọc, làm dầm thép, có lúc cao điểm lên đến cả trăm người. Khi công việc đã hòm hòm, Công ty Thành Long lại nhận nhiệm vụ phải xử lý kỹ thuật đóng cọc cát tuyến cho tuyến đường sắt đô thị số 3 (Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội sau này sẽ đi ngầm dưới gầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã). Dù biết công nghệ đóng cọc cát tuyến là khó, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nhưng lãnh đạo thành phố và Sở GTVT Hà Nội quán triệt khó mấy cũng phải làm. Bởi, nếu bây giờ không đón trước thì khi dự án đường sắt đô thị số 3 triển khai sẽ không thể thi công qua đoạn này. Nhờ có nỗ lực và sự giúp đỡ nhiệt tình của hai chuyên gia người Nhật, sau hơn một tháng, Công ty Thành Long đã thực hiện hoàn tất 44 mét đoạn cọc cát tuyến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bình phấn khởi khoe: "Sắp đến ngày thông xe tuyến cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, cả đơn vị hào hứng. Ngoài chức năng điều tiết giao thông ở khu vực trọng điểm, nơi đây còn thường xuyên có các đoàn khách ngoại giao đi qua. Đó là niềm tự hào của Công ty Thành Long khi đảm nhiệm thi công một cây cầu có kiến trúc mới mẻ, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên". Cũng theo ông Bình, để bảo đảm hiệu quả khai thác công trình và mỹ quan đô thị, các đơn vị thực hiện dự án cũng sẽ có nhiều hạng mục nhằm tổ chức lại giao thông trong khu vực như: xóa đảo, xén hè ở những nút giao thông kế cận; Chỉnh trang phần công viên đoạn hồ Ngọc Khánh bằng lát gạch, trồng cây xanh nhằm làm tăng vẻ đẹp, thân thiện với môi trường.

Có thể nói, cầu vượt lắp ghép tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã đã được triển khai thi công bằng tất cả nỗ lực từ lãnh đạo thành phố cho đến các sở, ban, ngành, nhà thầu, đơn vị thi công... Qua 8 tháng với hàng loạt các biện pháp quyết liệt, vượt qua khó khăn về vốn, điều kiện thời tiết và mặt bằng thi công, chiều 4-10-2013, các hạng mục xây dựng cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng thông xe vào đúng dịp kỷ niệm 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Điểm nhấn mới trên con đường đẹp nhất Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.