Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước mắt tiếc thương và niềm tự hào vô hạn

Triệu Dương| 07/10/2013 06:03

(HNM) - Cảm giác chống chếnh như vừa mất một người thân khiến mọi nẻo đường ở Hà Nội như cùng đổ về số 30 đường Hoàng Diệu...


Triệu con tim chung một nhịp

Ngay từ đêm 4-10, khi nghe hung tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhiều người Hà Nội đã lặn lội đến đứng trước cửa số nhà 30 hàng giờ để tưởng niệm người anh hùng của dân tộc. Không khí đau buồn nhưng cũng đầy hào khí khi mọi người nhắc đến Đại tướng với một niềm tự hào về những chiến công chói lọi, về nhân cách lỗi lạc ông đã tận tụy cống hiến suốt đời cho dân, cho nước. Thế nên cũng dễ hiểu, hình ảnh nhiều người không ngại ngần quỳ dưới nền đường nhựa để bày tỏ lòng thành kính với một con người vừa viên mãn trút hơi thở cuối cùng về theo Bác Hồ và những bậc anh hùng tiền bối. Dòng xe cộ đi qua đây cũng không ồn ào lặng yên cho Đại tướng yên giấc…

Dòng người chờ đợi được vào tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Hòa cùng dòng người đó, bà Nguyễn Thị Kim Thoa ở ngõ 674 đường Hoàng Hoa Thám có cách bày tỏ tình cảm tiếc thương Đại tướng khá đặc biệt. Bà Thoa đã cùng con rể là anh Trần Văn Trung và cháu ngoại đi bộ từ nhà tới đường Hoàng Diệu để có thêm thời gian ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc qua những câu chuyện về Đại tướng. Dù chỉ biết đến Đại tướng qua những mẩu chuyện, qua những thước phim nhưng với gia đình bà Thoa cùng nhau ôn lại những dấu mốc Cách mạng tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước… cũng là một cách đầy tự hào để giáo dục thế hệ mai sau về sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Chung một tâm trạng, gia đình anh Hoàng Đình Thắng ở ngõ Quan Thổ 1 cũng có mặt trước cửa ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu cả buổi tối ngày 4-10 và những ngày sau đó để tưởng niệm Đại tướng.

Khoảng 21h ngày 5-10, người con trai út Đại tướng Võ Nguyên Giáp - anh Võ Hồng Nam, đã bất ngờ xuất hiện trước cửa nhà trong vòng vây của đồng bào. Đáp lại khối chân tình, anh Nam thông báo lễ viếng Đại tướng thể theo tâm nguyện đồng bào sẽ được tổ chức tại tư gia 30 Hoàng Diệu vào chiều hôm sau (6-10). Vượt qua mọi khuôn khổ lễ giáo, chưa khi nào trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại một tang lễ trong lòng dân đã được tổ chức thể theo tâm nguyện của triệu triệu người đến vậy. Nhiều người Hà Nội biết được thông tin này đã có mặt tại đường Hoàng Diệu từ sớm tinh mơ, thậm chí nhiều nhóm bạn trẻ đã chọn cách thức cả đêm bên nến và hoa cùng những lời ca hùng tráng “Giải phóng Điện Biên”, “Tiến về Hà Nội”, “Đất nước trọn niềm vui”… để tưởng nhớ Đại tướng và ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc!

Đêm càng về thinh không, dòng người muốn đến tiễn biệt Đại tướng như càng bất tận. Ai cũng muốn đến thật gần ngôi nhà 30 Hoàng Diệu để được bày tỏ lòng thành kính trước vong linh của vị Đại tướng vô cùng kính yêu. Niềm tự hào khôn nguôi về những chiến công chói lọi chẳng át nổi những giọt nước mắt tiếc thương lăn dài trên khóe mắt…

Tang lễ trong lòng dân

Nến cùng hoa tươi và những giọt nước mắt lăn dài đó là hình ảnh chung của dòng người kiên nhẫn xếp hàng trong cái nắng oi ả tháng 10 để được vào viếng tại tư gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dù không ai nói ra nhưng dường như mọi người đều hướng tới giá trị thiêng liêng của một nhân cách lỗi lạc của dân tộc với niềm tự hào khôn xiết. Có đủ cả nam, phụ, lão, ấu… trong dòng người kiên nhẫn xếp hàng dài cả cây số để chờ đến lượt vào kính cẩn nghiêng mình trước vong linh Đại tướng. Nhiều người Hà Nội quả quyết, họ như sống dậy giây phút bi hùng khi Bác Hồ kính yêu đi theo cụ Các Mác, Lê nin cách đây gần nửa thế kỷ…

Trong dòng người bất tận đó, không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh những người cựu binh mái đầu bạc phơ nhưng đầy hào khí kể mãi cho cháu con những câu chuyện cảm động về tình đồng chí, nghĩa tướng sĩ một lòng phụ tử/hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Có những em thơ vai đeo nguyên khăn quàng đỏ vừa tan học về cũng theo chân bố, mẹ, ông bà vào viếng Đại tướng. Mắt con trẻ đỏ hoe nhưng vẫn lấp lánh niềm tự hào khi nghe người lớn ví Đại tướng như những bậc anh hùng lỗi lạc Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… Không ít người vừa ra khỏi số nhà 30 Hoàng Diệu mắt còn ngân ngấn đã lại lặng lẽ hòa vào dòng người để được bước vào ngôi nhà 30 Hoàng Diệu thêm lần nữa. Sau khi đã vào viếng Đại tướng PGS Lê Quân, giảng viên Đại học GTVT đã quay ra để dẫn con trai mình cháu Lê Tất Hùng Dương, học sinh lớp 6 Trường Thăng Long đứng trong dòng người chờ tới lượt mình được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ Đại tướng. Không giấu nổi xúc động, Hùng Dương cho biết, cả ngày ngồi trong lớp cháu rất hồi hộp chờ được bố đón đi viếng Đại tướng. Ngày mai lên lớp cháu sẽ kể cho bạn bè về giây phút thiêng liêng và cảm động này…

Bà Nguyễn Thị Thanh ở Đông Anh dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn nằng nặc đòi con trai chở xe máy tới nhà Đại tướng. Bà Thanh kể: “Cách đây 2 ngày, sau khi nghe tin cụ từ trần, nhiều người đã tập trung về đây, tưởng nhớ vị tướng tài ba của dân tộc. Không ai bảo ai, tất cả đều lặng lẽ, nghẹn ngào đứng trước nhà ông. Tôi cũng giống như bao người khác, muốn được đến đây, được gần ông hơn, đọc kinh mong ông được an nghỉ”. Bà Nguyễn Thị Phương ở Tuyên Quang vừa xuống bến xe Mỹ Đình đã cấp tốc gọi con trai đến đón vì sợ bỏ lỡ mất cơ hội được trực tiếp thắp nén tâm nhang dâng lên Đại tướng.

Bên khu vườn nhỏ trồng đầy phong lan bốn mùa, Đại tá Trịnh Nguyên Huấn - người thư ký của Đại tướng cứ lặng lẽ hàng giờ bên bộ bàn ghế đá soi bóng xuống ao cá mà không cầm được nước mắt. Đại tá Trịnh Nguyên Huấn tâm sự, vào giây phút bi thương này tôi chỉ nhớ mãi nụ cười đôn hậu và lời Đại tướng tâm sự: “Tôi là người lữ hành đi xuyên thế kỷ”...

Theo thông báo của gia đình Đại tướng, ngày 6-10 ngôi nhà 30 Hoàng Diệu sẽ mở cửa đón khách, bắt đầu từ 14h30 đến 18h và sẽ tiếp tục mở cửa cho đến hết ngày 11-10 để nhân dân vào viếng Đại tướng. Thế nhưng, đến cuối giờ chiều ngày 6-10, dù đã cáo lỗi không thể kéo dài thời gian tiếp đón bà con song trước dòng người vẫn kiên nhẫn xếp hàng chờ đợi, gia đình Đại tướng đã mở cửa thêm 30 phút nữa. Và đến 20h, khi trời đã tối hẳn và hết giờ viếng nhưng dòng người đổ về ngôi nhà vẫn càng lúc càng đông. Nhiều người nói sẽ đợi đến mai để được vào tiễn biệt vị tướng lỗi lạc, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đêm 4-10, ở nơi cách Hà Nội hàng trăm cây số, ngôi nhà nơi Đại tướng được sinh ra và lớn lên ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình bỗng dưng lao xao bước chân người. Hay tin Đại tướng từ trần, người già, người trẻ làng trên xóm dưới, không ai bảo ai kéo đến căn nhà, hỏi han, thắp hương cho ông. Những người thân thuộc trong gia đình Đại tướng tất tả chạy đến bên bàn thờ tổ tiên, nấc nghẹn.

Trên những trang mạng xã hội cũng đăng những lời tâm sự tự đáy lòng, như những tiếng nấc nghẹn ngào nhớ thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị Hiền Hòa (Hà Nội) chia sẻ: "Vĩnh biệt vị Đại tướng đáng kính. Mong bác yên giấc ngàn thu. Bác luôn ở trong trái tim con. Con đã báo tin bác mất như một người thân trong gia đình. Bố con đã khóc ngay khi nhận tin...Và con cũng thế. Vĩnh biệt. Vĩnh biệt. Vĩnh biệt NGƯỜI...". Anh Võ Hoài Nam (từ Nga) cảm động viết: "Chúc Tướng Giáp yên nghỉ vĩnh hằng. Mong sao non sông nước Việt mãi bình an".

Xúc động nghẹn ngào là những dòng thơ được viết như tuôn trào, như trải hết tâm can về nỗi nhớ thương, kính trọng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài thơ "Nỗi đau ngàn lần" của chị Nguyệt Vũ có đoạn: "Quảng Bình ơi, đâu chỉ là bão lũ/Tin sét ngang trời Người đã ra đi..../Đau mất Bác hơn ngàn lần bão phá/Xin kính cẩn vĩnh biệt Người - Đại tướng của lòng dân!". TS Lê Thống Nhất viết bài "Hàng triệu người tự cài lấy băng tang" ngay trong đêm biết hung tin, bài thơ có đoạn: "Ôi ! Vẫn biết phút giây này sẽ đến/Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời/Vị tướng tài bao triệu người quý mến/Trái tim Người ngừng đập... Việt Nam ơi!". Nhà thơ Hồng Thanh Quang cảm thán ví Đại tướng như tấm gương sáng ngời để người đời ngàn năm sau soi mãi, đã viết: "…Nhưng tâm lồng lộng bên giời/Tài cao đức trọng sáng ngời nghìn năm/Cỏ hoa phách nhập êm nằm/Cho mai sau ánh trăng rằm gương soi…".

Trong những khoảng thời gian như trôi chậm hơn, rất rất nhiều người đã đổi hình đại diện của mình trên trang thông tin cá nhân thành di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và còn biết bao người tuy không cùng cách bày tỏ như vậy nhưng con tim đã thắt lại trong những giờ phút đã qua. Đại tướng ra đi nhưng ông vẫn sống mãi trong lòng dân.

Võ Lâm
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nước mắt tiếc thương và niềm tự hào vô hạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.