Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Thầy giáo dạy sử và trận “rồng lửa” trên đất Thăng Long

Thủy - Trang| 10/10/2013 05:48

LTS: Trong suốt thời gian sống và làm việc tại Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô những tình cảm nồng ấm, cũng như sự theo dõi sát sao, chỉ đạo thường xuyên quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Bài 1: Thầy giáo dạy sử và trận “rồng lửa” trên đất Thăng Long

Cho đến tận bây giờ và còn lâu nữa, cái tên Võ Nguyên Giáp sẽ vẫn là một "ẩn số lớn" đối với các sử gia, học giả nước ngoài. Từ một thầy giáo dạy sử, không tốt nghiệp trường võ bị nào, nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã làm nên điều kỳ diệu - cùng cả dân tộc thực hiện hai cuộc kháng chiến, thắng hai kẻ thù hùng mạnh - thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và làm nên hai trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Ngày 30-12-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thị sát xác máy bay B52 Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi tại Ngọc Hà. Ảnh: TTXVN


Mái trường còn mãi hình bóng Thầy

Năm học mới này, thầy và trò Trường Tiểu học Thăng Long được “dọn về nhà mới”. Ngôi trường khang trang, hiện đại nhất nhì Thủ đô hôm nay chính là mái trường xưa - nơi từ năm 1938 Đại tướng đã gắn bó khi ông tham gia giảng dạy môn lịch sử và tuyên truyền, vận động thanh niên Hà Nội đi theo cách mạng. Trường giờ còn thơm mùi vôi mới, mong bước chân Đại tướng thêm một lần về thăm, nhưng người thầy đáng kính đã mãi đi xa…

Cô Phan Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long, dẫn chúng tôi đến Phòng Truyền thống nhà trường, tự hào chỉ lên những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian: "Tiểu học Thăng Long có một truyền thống vàng mà hiếm ngôi trường nào có được. Thành lập từ năm 1929, trường đã may mắn có những người thầy đáng kính đi làm cách mạng từ những ngày đầu như thầy Đặng Thai Mai, thầy Hoàng Minh Giám… và đặc biệt là thầy giáo dạy môn lịch sử Võ Nguyên Giáp. Tất cả chúng tôi, giáo viên mọi thế hệ đều gọi ông là "Thầy Đại tướng". Sinh thời, trường được ông dành cho sự quan tâm đặc biệt. Mỗi lần nhà trường được nhận các phần thưởng cao quý của Nhà nước, hay trong những dịp khai giảng, nếu bố trí được thời gian, Đại tướng và phu nhân đều về thăm. Nhà trường cũng được gia đình tin tưởng gửi gắm các cháu nội của Đại tướng. Mỗi khi biết Đại tướng sẽ đến thăm, cả cô và trò đều nao nao, trông ngóng như đón một người ông, người cha trong gia đình. Các cháu nhỏ nhìn thấy bóng Đại tướng từ ô tô bước xuống đều chạy ùa đến, khoác khăn quàng đỏ lên bộ quân phục của ông. Ông căn dặn chúng tôi nhiều điều và lần nào đến cũng không quên tặng nhà trường những cuốn sách quý do ông viết, ông sưu tầm được mà chủ yếu là sách lịch sử, trong đó có nhiều sách về các tấm gương thiếu niên anh hùng. Những lần cô trò đến thăm Đại tướng, bao giờ ông và phu nhân cũng ra tận cửa đón, đưa đi dạo trong vườn, căn dặn nhiều điều".

Cô giáo Mai Minh Nguyệt - "viên phấn vàng" của ngành giáo dục Thủ đô, không nén nổi xúc động khi đưa cho chúng tôi xem một bức ảnh chụp năm 2002, khi Đại tướng về thăm trường lần cuối. Khi ấy đường vào trường cấm ô tô, ông xuống xe từ đầu phố đi bộ vào. Cô trò nhìn thấy Đại tướng đã ùa ra đỡ lấy ông, khoảnh khắc vừa cảm động vừa rất mực tôn kính. Bức ảnh ấy cô Nguyệt luôn mang theo bên mình, để sau mỗi tiết học, cô lại kể cho các em nhỏ nghe câu chuyện về Thầy Đại tướng, về ngôi trường có truyền thống đáng tự hào của các em. Đầu năm học mới, nhà trường cũng thường dành buổi học đầu tiên cho các em học lịch sử, ôn lại truyền thống vẻ vang của nhà trường. Vì vậy, với nhiều thế hệ học trò Trường Tiểu học Thăng Long, Thầy Đại tướng gần gũi, thân thiết vô cùng.

Khi nghe tin Thầy đã mãi đi xa, cả cô và trò đều thảng thốt đau đớn như vừa mất đi một người thân trong gia đình. Sáng thứ hai đầu tuần, ngày 7-10, tiết sinh hoạt dưới cờ, toàn trường đã dành một phút mặc niệm Thầy. Ngay cuối giờ học hôm đó, Ban Giám hiệu nhà trường và đại diện Hội cha mẹ học sinh cùng các em đã đến tư gia tiễn biệt Đại tướng.

Sáng chói một trang sử vàng - Điện Biên Phủ trên không

Trong Hồi ký của mình, ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, có viết: Trước khi xảy ra trận đánh lớn nhất trên bầu trời Hà Nội, anh Võ Nguyên Giáp đã có nhiều buổi làm việc với Bộ Tổng tham mưu, với Tư lệnh và các Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đồng thời góp ý kiến về cách đánh. Ngoài ra, Tổng Tư lệnh còn trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tại Sở chỉ huy Quân chủng. Từ năm 1966 đến 1972, giữa Thành ủy, Ủy ban nhân dân Hà Nội với các cơ quan chỉ đạo quân sự Trung ương và Hà Nội, mỗi khi cùng họp bàn về vấn đề bảo vệ Thủ đô, tất cả đều luôn luôn nhất trí phải phối hợp thật chặt chẽ và thật nhịp nhàng để bảo vệ bằng được sự toàn vẹn của biệt khu Ba Đình, nhất là của Hội trường Ba Đình. Trong giai đoạn đó, trên nóc Hội trường Ba Đình bao giờ cũng có pháo phòng không. Thực ra, từ năm 1965 đến 1967, không quân Mỹ đã nhiều lần đánh phá Hà Nội và đã bị tên lửa và không quân ta bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống nhiều phi công. Nhưng những lần đó đều diễn ra với quy mô nhỏ và trong một thời gian ngắn. Lần này, cuối 1972, khác hẳn. Một Thủ đô, với sự có mặt của mấy chục vị đại sứ các nước, bị không quân chiến lược của một siêu cường, siêu cường số 1, ngang nhiên tấn công ào ạt và liên tiếp suốt 12 ngày đêm. Thủ đô đó chính là Hà Nội. Cả thế giới lo ngại cho sự mất còn của Thủ đô Hà Nội. Không ít bạn bè lo lắng rằng Hà Nội sẽ tan nát dưới những trận mưa bom, Hà Nội sẽ thất thủ. Nếu Hà Nội mất thì cách mạng miền Nam sẽ bị cắt đứt nguồn chi viện vĩ đại về người, về của, về vũ khí! Sự lo ngại ấy chân thành và chính đáng. Nhưng Hà Nội đã giáp chiến ngay tức khắc với không quân chiến lược Hoa Kỳ! Võ Nguyên Giáp, trong Thành cổ của Thủ đô Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo từng giờ từng phút cuộc chiến đấu của các đơn vị Phòng không - Không quân Hà Nội chống lại cuộc tiến công lớn nhất của không quân chiến lược siêu cường ấy. Giữa tiếng bom vang rền từ trời cao dội xuống, giữa tiếng pháo gầm thét và tiếng tên lửa xé gió vun vút từ mặt đất phóng lên, Tổng Tư lệnh, từ Thành cổ Hà Nội, nhiều lần điện đàm với Tư lệnh hoặc các Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và Sư đoàn tên lửa Cận Vệ Đỏ Hà Nội. Trong 12 ngày đêm đó, một số lần, Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn và các nhà lãnh đạo Trường Chinh, Phạm Văn Đồng... có mặt trong Thành cổ Hà Nội cùng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp theo dõi tình hình chiến đấu. Trên thế giới xưa nay, chưa một thủ đô nào, trong vòng một thế kỷ (từ năm 1873 đến cuối 1972) lại bị tiến công nhiều lần như Hà Nội: Tám lần! Ba lần trước: bằng bộ binh và pháo binh (Pháp, hai lần cuối thế kỷ XIX và một lần giữa thế kỷ XX). Năm lần sau (bốn, năm, sáu, bảy, tám): bằng không quân (Mỹ, từ cuối 1965 đến cuối 1972). Nhưng lần thứ tám, tức lần cuối cùng (cuối 1972), trận lớn nhất, Việt Nam nhanh chóng thắng lớn, không thua như hai lần cuối thế kỷ XIX và không phải tạm rút lui. Trong trận chiến đấu 12 ngày đêm năm 1972 ấy, ta đã bắn rơi 81 máy bay chiến đấu, trong đó có 34 "con chủ bài" pháo đài bay B52, 5 máy bay cường kích hiện đại "cánh cụp cánh xòe" F111, bắt sống 44 phi công của không quân Mỹ. Tóm lại, không có Điện Biên Phủ trên bầu trời Hà Nội (tức Điện Biên Phủ trên không) cuối 1972 thì không thể có Hiệp định Paris 1973 mà đối phương phải chấp nhận những điều kiện do chúng ta đưa ra. Những điều kiện đó là: Mỹ phải rút quân toàn bộ và không điều kiện ra khỏi Việt Nam đồng thời chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện tất cả các hình thức chiến tranh trên đất nước Việt Nam. Đã có Hiệp định Paris 1973 thì sớm muộn ắt phải có ngày "đánh cho ngụy nhào" giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước như dự đoán và chỉ thị của Hồ Chí Minh. Vì vậy, gọi đại thắng trên bầu trời Hà Nội 1972 là Điện Biên Phủ bầu trời, Điện Biên Phủ trên không là hoàn toàn chính xác. Điện Biên Phủ trên không đã quét sạch các lực lượng viễn chinh tinh nhuệ Mỹ ra khỏi bờ cõi, quân dân ta đã thực hiện toàn thắng chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút".

Kết thúc trận "rồng lửa" làm nên trang sử vàng chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc - một Điện Biên Phủ trên không trên đất Thăng Long - Hà Nội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Cả Hà Nội trở thành pháo đài, quân và dân đã chiến đấu anh dũng, đế quốc Mỹ phải lùi bước. Chiến thắng này một lần nữa thể hiện khí phách quật cường của dân tộc, trở thành một "Điện Biên Phủ trên không" vang dội thế giới. Điều đó khẳng định, dân tộc Việt Nam chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù, và "con người đã thắng vũ khí tối tân; chí nhân đã thắng tàn bạo; chính nghĩa đã thắng phi nghĩa".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Thầy giáo dạy sử và trận “rồng lửa” trên đất Thăng Long

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.