Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày hội của quần chúng yêu nước

Nguyễn Năng| 19/08/2014 06:23

(HNM) - V.I Lenin, người thầy của cách mạng vô sản thế giới từng nói:

Người dân Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai ngày 19-8-1945.Ảnh tư liệu


Đặc biệt, Cách mạng Tháng Tám đã thu hút một lực lượng không nhỏ thanh niên trí thức nhất là ở Hà Nội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đổi đời. Hầu hết họ từ Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Khang đến Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết, các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của cách mạng ở Hà Nội như Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành phố Vũ Oanh; Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Vũ Quang Huy (Nguyễn Huy Khôi); Đoàn trưởng Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu Hà Minh Tuân, các liên đội trưởng Hà Hoàng Kim, Thái Hy, Ngô Hàm… đều ở tuổi mười tám đôi mươi.

Chính những người chiến sĩ cách mạng ấy đã khơi lên ngọn lửa đấu tranh và không khí ngày hội cách mạng trong quần chúng nhân dân. Không khí ngày hội nao nức trong lòng những người dân khi Việt Minh phá kho thóc của địch ở Mọc Quan Nhân chia cho dân. Không khí ngày hội âm ỷ chờ dịp bùng lên khi người Hà Nội truyền tai nhau tin Việt Minh treo cờ, diễn thuyết trên tàu điện, trong các rạp hát.

Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, dù là ở một khu nghèo nàn, tăm tối, nhưng từ nhỏ đã được tiếp xúc, được đọc, được nghe nhiều chuyện về thanh niên Hà thành hào hoa phong nhã "quăng thân" vào bão táp cách mạng với chí trai lãng mạn hào hùng. Ngay cả những tiểu thư khuê các, con cái những gia đình "trâm anh thế phiệt" cũng hòa theo dòng chảy thời đại, tham gia cách mạng với nhiệt huyết tuổi trẻ theo cách riêng của con gái Hà thành.

Tháng Tám năm nay, tôi có dịp được gặp gỡ tiếp chuyện nhiều vị lão thành cách mạng, được xem nhiều hồi ký của những người còn sống và cả những người đã khuất. Cảm giác chung là sao trong những ngày Tháng Tám năm 1945 của gần 70 năm về trước, thanh niên Hà Nội, người Hà Nội lại hào hứng làm cách mạng, hào hứng hoạt động cách mạng một cách đầy trách nhiệm, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm đến thế.

Nguyên Đại tá Hải quân Đinh Quang Hàm, cựu học sinh Trường Louis Pasteur (ở phố Hàng Chuối), đang cùng gia đình sinh sống tại đường Dương Quảng Hàm, phường 6, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh nói với tôi: Đoàn Thanh niên Cứu quốc ngày ấy đông đảo lắm, có cả đoàn viên là công nhân, lính khố xanh, khố đỏ. Năm 1945, ông Đinh Quang Hàm mới 19 tuổi, mang bí danh Ngô Hàm, là Liên đội trưởng Liên đội 3, Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu, là một trong 3 người đầu tiên xông vào chiếm Trại Bảo an binh của địch.

Tiếp tôi trong căn nhà ở hẻm 26, ngõ 169 đường Cầu Giấy, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phúc Trí, nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải (bí danh Hoàng Đạt) nhỏ nhẹ kể về sự kiện bảo vệ cuộc diễn thuyết của Việt Minh tại rạp Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng) ở phố Hàng Bạc ngày 4-8-1945. Hôm ấy, anh thanh niên 19 tuổi Hoàng Đạt đã "vẩy" một phát đạn từ khẩu súng ngắn Walther trúng bả vai viên sĩ quan Nhật đang vật lộn với đồng chí của mình ngay trước cửa rạp. Cũng như người bạn học cùng tuổi là Ngô Hàm, anh Trí vừa chuẩn bị thi tú tài, vừa hoạt động cách mạng. Ngày 19-8-1945, Hoàng Đạt có mặt trong đội quân của Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong Thành Hoàng Diệu đi chiếm Trại Bảo an binh với sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng sục sôi khí thế cách mạng. Ông cho biết thêm, cụ thân sinh ra ông là Thư ký Sở Tài chính, nhà ở phố Đội Cấn, đất đai rộng rãi cho anh em lui tới hội họp.

Cụ bà Nguyễn Thị Thái Tiên năm nay 89 tuổi, là lão thành cách mạng, nguyên chuyên viên Ban Tuyên giáo Đảng ủy Tổng cục Đường sắt, hiện sống cùng con gái tại ngách 10/2 đường Tôn Thất Tùng, phường Khương Thượng, quận Đống Đa. Bà cho biết, ông cụ thân sinh ra bà làm quan tri phủ, ngôi nhà ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) của gia đình là cơ sở cách mạng. Bà hoạt động với bí danh Lê Minh Thái từ năm 1944 cùng chồng là ông Phạm Hy Đào. Ông Phạm Hy Đào là con trai viên Chủ sự Bưu điện, đang học thi tú tài trường Bưởi, lấy tên đệm của người yêu và tên đệm của mình đặt thành bí danh Thái Hy. Đồng chí Thái Hy là Liên đội trưởng Liên đội 2 Đoàn Thanh niên xung phong Thành Hoàng Diệu, người đã góp sức cùng với đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy và Đoàn trưởng Hà Minh Tuân chỉ huy Đoàn Thanh niên Tuyên truyền xung phong chiếm Trại Bảo an binh ngày 19-8-1945.

Trong sự kiện cướp diễn đàn, phá cuộc mít tinh do Tổng hội Viên chức thành phố tổ chức để ủng hộ Chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim ngày 17-8-1945, có một thiếu nữ xuất thân "cành vàng lá ngọc", bà Từ Như Trang (Trang Anh) nhà ở số 6 phố Hàng Đào đã cùng các ông Lê Phan và Thái Hy, sau đó là nhóm của bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, biến cuộc mít tinh của địch thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng trên các đường phố Thủ đô. Từ khí thế ngày 17-8, nắm bắt thời cơ, ngay tối hôm đó Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã họp tại nhà bà Hai Nhã, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, quyết định Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Và còn hàng trăm hàng nghìn người Hà Nội đã không quản gian nguy, hòa vào không khí chung của ngày hội cách mạng, làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, "biến người nô lệ thành người tự do".

Tôi hỏi các cụ lão thành cách mạng: Điều gì khiến các cụ dấn thân làm cách mạng. Các cụ đều trả lời, đó là do tinh thần dân tộc. Ngày ấy trừ bọn tay sai bán nước "vinh thân phì gia", người Việt Nam ai cũng ghét bọn ngoại bang cướp nước, đô hộ dân mình. Cũng là lòng tin vào Mặt trận Việt Minh do Cụ Hồ lãnh đạo với 10 chính sách hợp lòng dân, đã đoàn kết được các tầng lớp nhân dân dưới ngọn cờ đại nghĩa, khiến nhân dân tin tưởng, đi theo với niềm tin tất thắng.

Năm nay những người đã trực tiếp tham gia sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không còn nhiều, những người còn sống đều đã ở tuổi trên dưới 90, nhưng các cụ vẫn thường xuyên quan tâm đến tình hình thời sự trong nước, quốc tế và địa phương. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phúc Trí vẫn tham gia công tác nghiên cứu khoa học, đang cùng các cộng sự ở Trung tâm Phát triển kỹ thuật xây dựng (CED) ứng dụng kỹ thuật mới, thí điểm xây cầu ở Yên Bái. Cụ bà Nguyễn Thị Thái Tiên lo soạn lại di cảo của chồng (cụ ông Thái Hy qua đời đã hơn 1 năm), lo thực hiện di nguyện của cụ ông về tính xác thực của nhiều sự kiện lịch sử. Cựu Đại tá Hải quân Đinh Quang Hàm vừa từ TP Hồ Chí Minh ra an dưỡng tại Đại Lải, mong con cháu giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Lớp con cháu các thế hệ người Việt Nam hôm nay đang vững tin tiếp nối truyền thống cha ông, hun đúc tinh thần cách mạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày hội của quần chúng yêu nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.