Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Bóng” trách nhiệm “đá” đến bao giờ?

Thanh Hải - Dương Hiệp| 20/08/2014 05:59

(HNM) - Gần một năm không có nước sạch, điện sinh hoạt mặc dù các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cấp chính quyền.


Người dân bức xúc, trong khi chủ đầu tư khẳng định đã làm hết trách nhiệm, còn chính quyền sở tại thì vẫn nỗ lực cùng các cơ quan chức năng bàn thảo giải pháp để ổn định cuộc sống người dân. Đến bao giờ người dân nơi đây có được điều kiện sinh hoạt tối thiểu?

Người dân bức xúc

Theo phản ánh của các hộ dân tại khu Dọc Bún kể từ khi về đây sinh sống (gần một năm nay) người dân không có điện, nước sinh hoạt hàng ngày. Nước dùng chủ yếu là giếng khoan nhưng đang bị ô nhiễm nặng. (Nước có mùi tanh, đục và bị ô nhiễm nặng). Sáng 19-8, nhóm PV Báo Hànộimới đã có mặt tại khu vực này. Đường vào khu đất dịch vụ Dọc Bún không quá khó tìm vì liền kề với dự án hạ tầng của Khu đô thị Sông Đà trên mặt đường Lê Văn Lương. Hình ảnh rất đáng để suy nghĩ khi vào khu vực được quy hoạch, thảm lát đường nhựa này là những bể giếng khoan đọng nước ố vàng, hoen gỉ và hệ thống dây điện chạy loằng ngoằng nằm chắn ngay mặt tiền các ngôi nhà vừa xây dựng xong. Khi thấy chúng tôi, ông Hoàng Minh Thắng, ở Lô 10 khu Liền kề 6, chạy tới hỏi: "Các chú là nhà báo phải không?". Rồi ông kéo chúng tôi đến nhà ông Dương Duy Quân, tổ phó khu dân cư (do các hộ dân ở đây bầu), để trình bày bức xúc.

Các hộ dân phải xây hệ thống lọc nước giếng khoan ngay trước nhà.


Theo ông Quân, ông Thắng tại khu đất dịch vụ này đến nay đã có khoảng hơn 40 hộ gia đình sinh sống. Ngày đầu về đây, nhiều hộ dân rất phấn khởi vì vị trí địa lý thoáng, mát tiếp giáp với trục đường Lê Văn Lương nên di chuyển vào khu trung tâm thành phố rất thuận tiện. Thêm vào đó, khu vực này đã được quy hoạch rõ ràng, hè đường được lát xong, đường nội bộ được thảm bê tông nhựa Asphalt, hệ thống chiếu sáng khu dân cư đã được lắp. Ống chờ cung cấp nước sạch cũng đã kéo sát tới từng hộ dân… Thế nhưng, từ khi xây dựng nhà, dọn về sinh sống tại khu đất dịch vụ Dọc Bún (từ đầu năm 2014) cho đến nay, tất cả các hộ dân đi từ thất vọng này đến thất vọng khác.

Ông Thắng cho biết: "Với điện sinh hoạt, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng, thế nhưng khu vực này vẫn chưa có được sự đấu nối và hòa vào lưới điện quốc gia. Để có được nguồn điện, người dân phải chi tối thiểu 20 triệu đồng. Trong đó 10 triệu đồng là tiền dây để kéo từ khu vực khác về đấu nối, 10 triệu đồng còn lại là tiền đặt cọc với ngành điện trong việc chi trả, thanh toán hằng tháng. Điều bất công là ngay giữa đất Thủ đô, chúng tôi phải chịu chi phí tiền điện là 2.200 đồng/số, chưa kể tiền thuế VAT".

"Có điện để phục vụ sinh hoạt, dù phải trả giá cao cũng là an ủi rồi" - Ông Quân nói - "Nhưng còn nước thì sự chờ đợi vẫn chỉ là vô vọng. Để khắc phục tình trạng này, các hộ dân đã tiến hành đào giếng khoan, xây bể lọc có chứa cát, sỏi và than hoạt tính. Dẫu vậy, nhưng khi bơm nước giếng khoan lên đều có màu vàng đục, cặn vôi và bốc mùi tanh. Cát vàng dùng cho bể lọc, 2 tuần thay một lần, ngả ố kinh khủng, chúng tôi không dám đổ vào gốc cây. Nhiều hộ phải mua nước sạch, đựng trong các bình để dùng cho sinh hoạt, nấu nướng hằng ngày".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực Dọc Bún nằm trong khu đất dịch vụ La Khê và là khu tái định cư, giãn dân của quận Hà Đông. Trước thực trạng này, các hộ dân đã có đơn gửi đến UBND phường La Khê nhưng chỉ nhận được câu trả lời rằng, khi nào có được 50% số hộ sinh sống thì mới được sử dụng điện theo giá nhà nước.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND phường La Khê, Nguyễn Hữu Hiển cho biết, phường đã biết bức xúc của người dân ở khu đất dịch vụ này, nhưng không thể giải quyết được và chỉ chuyển đến các cơ quan chức năng.

Để làm rõ vấn đề, ngay trong ngày 19-8, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thanh Xuân, Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng quận Hà Đông (Ban quản lý) - đơn vị được giao làm chủ đầu tư xây dựng khu vực này và được biết; từ tháng 12-2008, Ban quản lý đã phối hợp với Liên danh Công ty cổ phần Công trình giao thông Thăng Long - Công ty cổ phần Xây dựng Vạn Xuân để tiến hành thi công gói thầu số 3. Theo đó, các hạng mục xây lắp, san nền, đường giao thông nội bộ, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp, thoát nước thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất ở dân cư LK8, LK9, LK10, LK15, LK21, LK23, LK24, LK26, C6, TH17 (đất dịch vụ thuộc quy hoạch 1/2000 trục đô thị phía Bắc) thôn La Khê, phường La Khê, quận Hà Đông đã cơ bản hoàn thành.

Trước những bức xúc của người dân, ông Xuân cho biết, thực tế, chủ đầu tư cũng gặp khó khăn từ các cơ quan chức năng cũng như những điều kiện khách quan khác. Cụ thể là với việc cấp điện, Ban quản lý đã nhiều lần làm việc với Công ty Điện lực Hà Đông về việc nghiệm thu, đóng điện hệ thống cấp điện sinh hoạt và chiếu sáng khu đất dịch vụ này, mới đây (ngày 11-8-2014), Ban quản lý đã gửi công văn số 435/BQL tới ngành điện đề nghị tạo điều kiện cùng Ban quản lý tiến hành nghiệm thu, hoàn thành công trình, thế nhưng vẫn chưa được giải quyết. Lý do ngành điện đưa ra là nếu đấu nối sẽ gây tổn hao công suất điện năng rất nhiều. Muốn có điện thì phải lấp đầy ít nhất là 1/2 số hộ dân - có nghĩa là phải đạt 350/700 hộ dân về ở, sinh hoạt (?). Còn với nước sinh hoạt, theo ông Xuân, mọi công tác nghiệm thu thử áp lực tuyến ống, xúc xả đã được Ban quản lý thực hiện và được Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Đông nghiệm thu từ cuối năm 2013, khu vực này sẽ được nguồn nước Sông Đà đưa về. Tuy nhiên, do hệ thống tuyến ống cung cấp nước sạch từ Sông Đà về liên tục gặp sự cố nên đến nay, việc đấu nối hòa vào hệ thống khu vực này chưa được triển khai. "Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm và cố gắng chậm nhất đến 15-9 tới, các hộ dân sẽ được dùng nguồn nước sạch" - Ông Xuân nhấn mạnh.

Rõ ràng, ở đây đã và đang có sự thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc giúp người dân ổn định cuộc sống tại khu tái định cư. Tại sao cho đến nay mới chỉ có một số ít hộ dân chuyển đến sinh sống? Phải chăng, đơn vị giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư công trình xây dựng chưa xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là bảo đảm cơ sở hạ tầng điện nước đầy đủ cho khu vực dân cư khiến nhiều hộ dân e ngại về điều kiện cơ sở hạ tầng ban đầu? Sự việc gây bức xúc tại khu đất dịch vụ Dọc Bún không phải là trường hợp cá biệt mà thực trạng này đã diễn ra ở nhiều nơi như nhà tái định cư NƠ 6 Pháp Vân (Tứ Hiệp, Hoàng Mai), khu Đồng Tàu (Hoàng Mai), khu Trung Hòa - Nhân Chính (Thanh Xuân)… Và điều đáng nói là "quả bóng" trách nhiệm luôn bị đùn, đẩy sang nhiều phía, đẩy mọi thiệt thòi cho người dân hứng chịu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bóng” trách nhiệm “đá” đến bao giờ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.