Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng cách mạng bên dòng Nhuệ Giang

Chí Kiên| 14/10/2014 06:22

(HNM) - Làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc - quận Hà Đông) không chỉ nổi tiếng với nghề dệt lụa mà còn là địa danh truyền thống cách mạng.


Trong suốt thời gian 7 năm (từ 1938-1945), Vạn Phúc được chọn là một điểm trong An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ. Đã có hơn 70 cán bộ lãnh đạo và các cấp ủy Đảng từ Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy Hà Đông hoạt động ở đây như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh... Mùa thu năm 1939, trước khi vào miền Nam dự Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã về làm việc ở Vạn Phúc một thời gian. Xứ ủy Bắc kỳ, Tỉnh ủy Hà Đông và Chi ủy Chi bộ xã Vạn Phúc đã bố trí nơi ở, làm việc cho đồng chí Tổng Bí thư ở tầng hai nhà cụ Nguyễn Quang Oánh. Tờ báo "Cờ Giải phóng", cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Bắc kỳ được in tại nhà cụ Oánh trong hai năm 1938-1939.

“Lụa Hà Đông” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước.


Vào thăm ngôi nhà cụ Oánh nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Hải (78 tuổi), là con thứ hai của cụ Oánh, người đang trông coi ngôi nhà. Ông Hải nói: "Ngôi nhà của cha tôi để lại gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử đã được Nhà nước gắn biển di tích cách mạng kháng chiến. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng gia đình mà cho cả người dân Vạn Phúc". Cụ Nguyễn Quang Oánh đã mất cách đây hơn 30 năm nhưng những lời căn dặn của cụ vẫn được ông Hải và các con cháu trong gia đình "ghi lòng tạc dạ". Ông Hải kể: "Cha tôi nói, thời gian ở nhà tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đóng vai thầy giáo dạy tiếng Pháp cho chúng tôi. Khi ấy, người dân trong làng chỉ biết Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là cán bộ quan trọng của Đảng". Tháng 7-1940, cơ sở cách mạng Vạn Phúc tiếp tục được đón đồng chí Trường Chinh về công tác tại địa phương. Xứ ủy và chi bộ đã bố trí nơi ăn ở, làm việc của đồng chí Trường Chinh ở nhà cụ Nguyễn Văn Chắt. Gia đình cụ Chắt đã dành một sàn gác cao để đồng chí Trường Chinh ở, làm việc. Phía dưới nhà có khung dệt đề phòng địch ập đến bất ngờ, nếu chưa kịp rút, đồng chí ngồi vào dệt như người thợ cửi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, một lần nữa người dân làng Vạn Phúc vinh dự được đón Bác Hồ. Hôm đó là ngày 3-12-1946, Bác Hồ về Vạn Phúc vào buổi tối và ở nhà cụ Nguyễn Văn Dương, một người làm nghề dệt lụa. Bà Nguyễn Thị Hà (75 tuổi) là con thứ ba của cụ Dương xúc động kể: "Khi đó tôi mới là đứa trẻ 8 tuổi, về sau này nghe cha tôi kể lại, khi được tin có cán bộ quan trọng về ở trong gia đình, từ chiều bố và anh trai đã dọn dẹp đồ đạc trong căn phòng ở trên tầng hai sạch sẽ, gọn gàng. Căn phòng Bác Hồ ở, làm việc chính là phòng nghỉ ngơi và học hành của anh trai tôi".

Trong những ngày ở Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương đã tập trung chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực chuẩn bị kháng chiến. Tại căn nhà cụ Nguyễn Văn Dương, trong hai ngày
18 và 19-12-1946, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng được triệu tập. Dự họp có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... Hội nghị đã thông qua văn kiện quan trọng "Toàn dân kháng chiến" do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh dự thảo. Đặc biệt, tại hội nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị góp ý kiến cho "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến", được Người soạn thảo trong những ngày ở Vạn Phúc.

Ngay sau kết thúc hội nghị, tối 19-12-1946, "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" đã được phát đi, đây là mệnh lệnh mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng trong ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rời Vạn Phúc, chuyển về Xuân Dương (huyện Thanh Oai), kết thúc 16 ngày hoạt động cách mạng tại đây. Bà Nguyễn Thị Hà hồi tưởng lại lời kể của cha mình, bà kể: Trong những ngày Bác ở đây, gia đình tôi tuy không được thông báo chính thức nhưng riêng bố tôi biết đó là Bác Hồ. Vì thế gia đình đã tự giác giữ gìn tuyệt đối bí mật và tạo mọi điều kiện để Bác làm việc. Tối 19-12, trước khi rời đi, Bác đã cho mời bố tôi lên gặp, Bác cảm ơn gia đình đã giúp đỡ nơi ăn ở bảo đảm bí mật tốt. Lúc này cha tôi hỏi Bác: Thưa cụ, Pháp mạnh ta yếu, như thế ta có thắng được không, kháng chiến bao giờ thành công? Bác đã ân cần trả lời: Thắng nhanh hay chậm là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có mạnh đến mấy chúng cũng phải thua. Gia đình ta có bát ăn, bát để, tôi mong ông bà và nhân dân Vạn Phúc tích cực đóng góp ủng hộ kháng chiến. Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Bà Hà, người con duy nhất của cụ Dương hiện nay còn sống đang cùng con cháu tích cực phát triển nghề lụa truyền thống. Bà Hà nói với chúng tôi: Mỗi người dân Vạn Phúc hôm nay mãi mãi ghi nhớ lời Bác dạy. Mỗi thế hệ trong các gia đình đều biết phát huy truyền thống để xây dựng quê hương giàu mạnh. Vạn Phúc có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, nhà cao tầng mọc lên san sát nhưng những giá trị truyền thống, di tích cách mạng luôn được trân trọng gìn giữ, bảo tồn. Người dân Vạn Phúc vẫn giữ được những nét tài hoa, thanh lịch của người làng lụa khi xưa. Cũng như gia đình bà Hà, hàng trăm gia đình khác ở Vạn Phúc đang giữ gìn, phát triển nghề truyền thống dệt lụa từ đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện. Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết: Cái đặc sắc của lụa Vạn Phúc là trải qua bao thế hệ vẫn giữ được những thủ pháp nghệ thuật truyền thống. Hoa văn bao giờ cũng đối xứng, đường nét trang trí không rườm rà, phức tạp mà luôn mềm mại, phóng khoáng.

Một điều đáng trân trọng nữa là dù máy dệt cơ khí phát triển mạnh nhưng nhiều gia đình ở Vạn Phúc vẫn giữ được những khung dệt cổ. Hiện nay, để bảo đảm sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày một tăng, nhiều hộ gia đình đã đầu tư số lượng máy dệt lớn, thu hút nhiều lao động như gia đình ông Đỗ Văn Hiếu (22 máy), ông Đỗ Văn Hiển (15 máy)… Vạn Phúc phấn đấu năm 2014 sẽ đạt sản lượng lụa 2 triệu mét, doanh thu 85 tỷ đồng. Điều phấn khởi nhất, theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Thủy là sau 60 năm được giải phóng, từ một làng quê nghèo nàn, lạc hậu, Vạn Phúc đã vươn lên thành một phường có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng hiện đại, số hộ nghèo chỉ còn 13 hộ, chiếm khoảng 1%. Hiện mỗi ngày Vạn Phúc đón hàng chục đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, mua sắm.

Chủ tịch phường Vạn Phúc Nguyễn Văn Thủy cho biết thêm, phường đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị từ sản xuất làng nghề và thu hút khách du lịch như quy hoạch khu du lịch đình, chùa, phường cửi; gắn biển kinh doanh dịch vụ sản phẩm làng nghề... Vạn Phúc sẽ tập trung hoàn thiện trung tâm kinh doanh sản phẩm làng nghề chất lượng cao nhằm quản lý chất lượng kinh doanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng cách mạng bên dòng Nhuệ Giang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.