Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nồng nàn Praha

Nguyệt Thơ| 18/10/2014 06:53

(HNM) - Tôi gặp Praha trong chặng cuối của chuyến hành trình Châu Âu. Từ sân bay Charles de Gaulle, chúng tôi đáp EasyJet đi Praha. Sau hai giờ, dải lụa xanh Vltava mềm mại uốn quanh thủ đô Cộng hòa Czech đã hiện dưới cánh máy bay trong nắng vàng đầu hạ.


Màu của tâm trạng

Tại cửa sân bay, anh Thắng, người thân một thành viên trong đoàn đã chờ sẵn để đưa “bầu đoàn thê tử” chúng tôi về tư gia. Bước vào cửa, sộc lên mũi là mùi thơm hấp dẫn không thể tả, mùi của nồi nước dùng đang sôi. Chị Lan, “nội tướng” của anh Thắng thể hiện lòng hiếu khách với hương vị quê nhà của món bún thang cầu kỳ đúng kiểu Hà Nội. Anh Thắng sang Praha du học từ những năm 80 của thế kỷ trước rồi ở lại lập nghiệp, chị Lan sang đây cũng đã gần 15 năm. Anh chị đã bỏ hết công việc để làm “tour guide” suốt thời gian chúng tôi ở Czech.

Lâu đài Praha trong đêm.



Thời tiết Praha lý tưởng cho những chuyến dạo chơi “quần quật” cả chục cây số. Praha chia làm 22 khu vực. Nơi chúng tôi ở thuộc Praha 4, cách trung tâm chỉ khoảng 10 cây số. Điểm chúng tôi đến đầu tiên là ngọn đồi Strahov, vị trí đắc địa để ngắm toàn cảnh thành phố. Thủ phủ xứ Bohemia làm tôi liên tưởng đến Roma nhiều hơn Paris. Cũng giống như thành Roma được xây trên bảy ngọn đồi, Praha vươn mình trên chín ngọn đồi chạy dọc theo dòng Vltava thơ mộng. Sông Vltava chia Praha thành hai nửa không đều, phía tả ngạn là đồi Strahov gồm Hradcany và Mala Strana, khu trung tâm cổ với những tuyệt tác của nghệ thuật kiến trúc: Lâu đài Praha, hoàng cung, nhà thờ chánh tòa St.Vitus, Tu viện St.George, Cung điện Mùa hè… Bên hữu ngạn là Stare Mesto (khu phố cổ) và Nove Mesto (khu phố mới, trung tâm của Praha hiện đại) với những đại lộ thênh thang và Quảng trường Venceslas danh tiếng. Từ Strahov nhìn xuống, tôi ngạc nhiên đến thẫn thờ trước một rừng mái ngói đỏ au, hàng trăm ngọn tháp cao vút và những nóc đền vàng rực rỡ… Có lẽ vì khung cảnh lộng lẫy này mà Praha được gọi với nhiều danh hiệu mỹ miều: “Thành phố của trăm ngọn tháp”, “Thành phố vàng”, “Trái tim của Châu Âu”, “Vương miện của thế giới”... Có người nói Praha đẹp hơn Paris, tôi không nghĩ vậy, nhưng vẻ nồng nàn, cổ kính, lãng mạn và mỏng manh của Praha đã khiến trái tim tôi tan chảy. Phải chăng“Paris là người tình muôn thuở, còn Praha đã làm ta ngã lòng”?

Bức họa tuyệt tác

Nằm ở trung tâm vùng Bohemia cổ kính, Praha khoác lên mình nét trầm lắng hệt các bức tranh thời Phục hưng được các nghệ nhân trau chuốt hoàn thiện suốt ngàn năm. Vẻ đẹp hoài cổ của Praha làm cho bất cứ ai cũng thấy phải thật nhẹ nhàng với từng dấu tích lịch sử. Tôi nghe giai thoại kể rằng, khi quân phát xít tiến vào, biết không thể chống lại kẻ thù quá mạnh, những người lính đã buông vũ khí, chỉ xin quân thù đừng phá hủy thành phố của họ. Thế nên cả Châu Âu bị tàn phá nặng nề thì chỉ mình Praha bước ra khỏi thế chiến thứ hai vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Không rõ người Czech nghe câu chuyện này sẽ cười vang hay nhíu cặp lông mày? Nhưng với tôi, Praha quá đẹp nên những người yêu quý thành phố đã đánh đổi để tránh cho Praha không bị tổn thương.

Con đường đá cổ zic-zắc dẫn lên lâu đài Praha (Prazsky Hrad), lâu đài cổ kính và nguy nga được Hoàng tử Borivoj xây dựng theo kiến trúc Baroque hòa trộn với phong cách Bohemia, “viên ngọc quý” này là biểu tượng lâu đời nhất của Cộng hòa Czech, là Di sản thế giới từ năm 1992. Lâu đài có chiều dài 570m, chiều rộng 130m, diện tích gần 7ha chứa một quần thể bốn cung điện, bốn nhà thờ lớn, nhiều tòa nhà, tháp canh và các khu vườn rộng lớn. Hiện nay, lâu đài vẫn hoạt động với tư cách là trụ sở của Chính phủ Cộng hòa Czech. Vương miện Bohemia, bộ lễ phục dát vàng, thánh giá, thanh gươm nạm đá quý, các báu vật quốc gia đều được cất giữ ở đây. Tương truyền, vương miện Bohemia, linh vật quốc gia còn gắn với lời nguyền rằng kẻ nào tiếm quyền dám đội chiếc vương miện sẽ chết trong vòng 1 năm.

Có thể coi lâu đài Praha là cuốn sách lịch sử kiến trúc trong 1100 năm, với sự hiện diện của tất cả các phong cách kiến trúc từ Roman, Gothic, Baroque rồi Phục hưng, Rococo, Neoclasical (tân cổ điển)... Lâu đài được xây vào thế kỷ IX (năm 870), ngay sau đó là hai nhà thờ St.George và St.Vitus. Một cung điện theo kiến trúc La Mã được xây vào thế kỷ XII, dưới thời vua Charles IV, đến thế kỷ XIV, cung điện được sửa lại theo kiến trúc Gothic. Quần thể lâu đài cung điện cứ thế được xây cất, tu bổ và sửa chữa từ đó đến nay để trở thành quần thể lâu đài lớn nhất và cổ kính nhất thế giới. Nổi bật trong quần thể này là nhà thờ chính tòa Praha, còn gọi là đại thánh đường St.Vitus. St.Vitus là nhà thờ tráng lệ nhất Châu Âu, kỳ vĩ đến mức phải mất tới 6 thế kỷ để hoàn thiện. Điều thú vị là bên ngoài nhà thờ có kiến trúc Gothic nhưng bên trong lại mang kiến trúc La Mã cổ điển hình, đây cũng là nơi an nghỉ của các triều vua Bohemian, các vị giáo chủ với hệ thống lăng tẩm dát vàng tuyệt đẹp. Nhà thờ St.George thật khiêm nhường khi ở cạnh St.Vitus, nhà thờ cổ nhất thế giới này từng chịu hỏa hoạn lớn vào thế kỷ XII và đã được phục dựng như cũ; hiện nay, tu viện của nhà thờ St.George trở thành Viện Bảo tàng hội họa quốc gia, nơi lưu giữ bộ sưu tập nghệ thuật Bohemia nổi tiếng.

Dấu ấn Golden Lane

Thú vị nhất là đến thăm “Hẻm vàng” (Golden Lane), nơi tập trung gần 30 ngôi nhà cổ truyền thống nằm gọn trong lòng lâu đài Praha. Khu phố cổ này được hình thành trên một rẻo đất hẹp chỉ rộng từ 4m đến 8m, được biết đến từ năm 1560 với tên gọi “Zlatnická ulicka” (Goldsmith’s Lane). Các ngôi nhà ở đây xinh xắn, đặc biệt nhỏ bé không khác gì nhà của bảy chú lùn trong chuyện cổ tích nàng Bạch Tuyết. Nghe nói, khu vực này xưa kia là nơi ở của lính gác hoàng cung, để tiết kiệm diện tích người ta xây những ngôi nhà thật nhỏ bé. Nhưng tấm biển ghi lịch sử Golden Lane gắn ở đầu con đường lại cho biết, trong thực tế, cư dân của khu phố này gồm những người thợ kim hoàn và một số ít người có rắc rối với luật pháp, cái tên “Hẻm vàng” có lẽ xuất phát từ đây. Ngày nay, mỗi ngôi nhà là một bảo tàng thu nhỏ về các ngành nghề thủ công hòa quyện trong nét sinh hoạt gia đình người Czech truyền thống. Tận mắt thấy các vật dụng sinh hoạt trong gia đình những người thợ đóng giày, đóng móng ngựa, thợ rèn, thợ làm gốm, thợ may... từ 600 đến 700 năm trước là trải nghiệm thật khó quên. Nhưng đặc biệt nhất là ngôi nhà số 12 ở cuối con đường nhỏ bé chật hẹp, đây chính là nhà của Franz Kafka, một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX, bậc thầy của văn học hiện đại phương Tây. Bảo tàng Franz Kafka trung tâm Praha vô cùng hoành tráng nhưng đây là nơi ông đã sống và viết nên những tác phẩm vĩ đại. Những gì ông để lại là tài sản vô giá mà ngày nay loài người còn phải mang ơn ông.

Thế kỷ XX đầy sôi động, thế kỷ của hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng tàn khốc, văn học nghệ thuật nở rộ những cuộc cách mạng trong sáng tác, những trào lưu, trường phái mới ra đời: Trường phái biểu tượng, đa đa rồi trường phái siêu thực, vị lai… Franz Kafka không thuộc trường phái nào nhưng tác phẩm của ông là cái mốc của văn học thế giới. Đó là vì ông khai thác một mảng đề tài khó xử lý: Cái phi lý của cuộc đời. Với Franz Kafka, cái phi lý đã trở thành một đối tượng nhận thức, nó không chỉ đơn thuần là một hiện tượng xã hội mà nó còn liên quan, thậm chí chi phối vận mệnh con người. Con người muốn tồn tại phải luôn đấu tranh để loại trừ nó, chính vì vậy cái phi lý của Franz Kafka là phi lý bi kịch, có khi cái phi lý ấy nằm ngay trong bản chất của sự sinh tồn. Cả cuộc đời, Franz Kafka luôn day dứt, nỗi day dứt ấy khắc sâu trên từng viên gạch của Praha, hằn trên bức tượng Áo măng tô không đầu của Jaroslav Róna trong khu phố cổ.

Hít thở không gian đậm đặc tính lịch sử và văn hóa nơi này, chợt ước nếu bạn bè trên thế giới đến với Hà Nội, được đặt chân đến nhà các danh nhân kẻ sĩ đất Kinh kỳ, những người đã làm nên hồn cốt Hà Nội như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Tô Hoài, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… hẳn bạn sẽ cảm nhận một Hà Nội đẹp hơn, sâu sắc hơn và Hà Nội hơn. Sức hút của một vùng đất không chỉ ở những danh lam thắng cảnh, ở nghệ thuật, kiến trúc mà hơn hết là nằm ở lịch sử, văn hóa, ở nơi ghi dấu ấn của những văn nghệ sĩ, danh nhân văn hóa đã có cuộc sống gắn với thành phố ấy, với đất nước ấy.
(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nồng nàn Praha

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.