Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cháy lên khát vọng sống

Bình Yên| 03/12/2014 06:12

(HNM) - Những bài viết, chương trình nói về em đã thôi thúc tôi đi để được gặp em - cô gái nhỏ mà nghị lực phi thường...


Từ nỗi sợ trở thành… "gánh nặng"


Nghe mẹ báo có tôi đến thăm, Thu Thương nhanh nhẩu: "Mẹ mời chị vào nhà đi!". Giọng nói đầy nội lực và sự tự tin, ít ai nghĩ rằng đó là của cô gái bị mắc căn bệnh xương thủy tinh. Căn phòng nhỏ vừa là nơi ở vừa là nơi làm việc của nữ Giám đốc Trung tâm có nhiều bằng khen, danh hiệu do các tổ chức, đơn vị trao tặng cho cô. Chiếc máy tính kết nối internet giúp cô liên hệ với thế giới bên ngoài, vừa là phương tiện giải trí. Không những thế nó là người bạn tri kỷ, truyền cho cô nghị lực để vượt qua những cơn đau đớn về thể xác.

Thu Thương làm các sản phẩm bằng giấy trong điều kiện rất khó khăn.


Chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng sự hồi tưởng về quá khứ cách đây 31 năm của Thương, khi em mới 4-5 tháng tuổi. Cứ mỗi lần thay tã cho bé, người mẹ lại thấy em khóc thét lên, đôi mắt cứ nhìn ngược lên phía trước. Linh cảm của người mẹ mách bảo con mình mắc bệnh lạ. Đi hết viện này đến viện khác, cuối cùng cũng phát hiện, bé bị mắc căn bệnh xương thủy tinh. Biết đây là căn bệnh bẩm sinh, khó chữa trị, bố mẹ nghe lời bác sĩ mang bé về nhà và xác định từ đây phải trở thành đôi chân và đôi tay của con, vì bé không thể đi lại, không tự chăm sóc bản thân. Khó có thể kể hết những gian truân của cha mẹ và căn bệnh này đã khiến Thương bị gãy xương không biết bao nhiêu lần, khiến em không thể đến trường. Ông trời không lấy đi tất cả của ai bao giờ, bù lại Thương có trí thông minh, lanh lợi. Em tự học chữ, học cách tính toán qua người mẹ và ngày ngày làm bạn với âm nhạc. Năm 1995, gia đình Thương quyết định dời quê (xã Nam Phong, huyện Phú Xuyên) lên sống tại phường Kim Liên (quận Đống Đa). Mẹ em mở cửa hàng may quần áo, vừa kiếm tiền vừa chăm con. Cuộc sống của Thương trôi qua trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Một hôm, có người bạn của mẹ đến chơi. Nhìn thấy mẹ miệt mài may quần áo, còn Thương nằm kế bên trên chiếc xe lăn, người bạn của mẹ buột miệng thốt lên: "Cháu xuống đây làm gì, có giúp được gì cho mẹ đâu mà xuống…!". Câu nói như xoáy vào óc của Thương, khi em chợt nhận ra… mình là gánh nặng của gia đình! Nỗi sợ cứ ám ảnh và thôi thúc em phải làm việc gì đó. May mắn, xem truyền hình, biết đến Trung tâm Vì ngày mai chuyên dạy nghề cho người khuyết tật, Thương nằng nặc đòi đến trung tâm học nghề. Bố mẹ thương con đành người bế, người chở, đi cả chục cây số đưa con đến trung tâm. Việc làm các sản phẩm từ giấy yêu cầu phải hết sức kiên trì, tỉ mỉ. Với người lành lặn đã khó, người tàn tật như Thương càng khó hơn. Nhưng chính nỗi sợ trở thành gánh nặng của gia đình đã giúp em vượt qua. Thương nhanh chóng học nghề và thành thạo, còn thiết kế nhiều mẫu mã và được trung tâm tin tưởng giao hàng về nhà làm. Đôi tay mềm yếu là vậy, nhưng khi vào việc thì lại trở nên linh hoạt lạ kỳ. Những sản phẩm em làm ra rất đẹp và có sức hút khách hàng. Từ khi có việc làm, có thu nhập, Thương thấy tự tin hơn.

Đến những tác phẩm kỳ diệu

Sau một năm làm cho trung tâm, được sự giúp đỡ của một người bạn, Thương quyết định tự bán hàng. Công việc lúc đầu cũng gặp khó khăn, chủ yếu dựa vào sự giới thiệu của các tổ chức, cá nhân quen biết. Nhiều đêm trăn trở, Thương quyết định dành tiền xây dựng trang web www://thuongthuong.net để chủ động quảng bá sản phẩm, nhận đơn đặt hàng trực tuyến và tuyển người cùng hoàn cảnh có nguyện vọng học nghề. Điều đáng khâm phục là em nhanh chóng tiếp cận và làm chủ công nghệ. Năm 2008, Thương thành lập Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất hàng thủ công Thương Thương Handmade. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người khuyết tật tìm đến Thương. Có người mong muốn tìm được chỗ dựa tinh thần để vững vàng trong cuộc sống. Có người tìm đến chỉ đơn giản là được học một nghề phù hợp, có thể làm ra tiền, không phải phụ thuộc gia đình. Thấu hiểu suy nghĩ của từng người và luôn dang rộng vòng tay chào đón. Nhưng, Thương cũng đòi hỏi học viên phải có quyết tâm cao, bởi với người khuyết tật, khó khăn và thử thách luôn gấp trăm, gấp nghìn lần người bình thường. Nếu chỉ vì ngại khó, rất dễ bỏ cuộc, lúc đó người khuyết tật càng thiếu niềm tin vào bản thân. Vì thế, thay vì hứa hẹn, "cô giáo" Thương luôn nói rõ trở ngại, khó khăn để các học viên xác định tinh thần.

Có lẽ chính quan điểm tuyển dụng đặc biệt của Thương đã định hướng cho học viên con đường đi rất rõ. Thương nhớ hết từng học viên của mình. Có bạn mắc bệnh khớp không thể ngồi được lâu vì đau nhức xương, có bạn thì bị bệnh máu khó đông hằng tháng phải đi truyền huyết tương; có bạn phải ngồi xe lăn, chân không cử động được còn đôi tay khéo léo; có bạn gù lưng, đi tập tễnh… Thế nhưng, tất cả đều say sưa nghe "cô giáo" dạy cách làm từng sản phẩm. Các sản phẩm của cô trò là hàng thủ công cuốn giấy với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú như hộp cắm bút, hộp giấy ăn, khuyên tai, hộp trang sức 5 mặt, bookmark, tranh phố cổ Hà Nội, tranh trống đồng, tranh thiên nhiên, tranh phong cảnh con người Việt Nam, logo công ty các thương hiệu… Quên hết bệnh tật, cô và trò thoăn thoắt tay làm, dồn hết tình yêu của mình vào từng tác phẩm. Mỗi sản phẩm được khách hàng đặt mua và khen ngợi lại giúp họ có thêm niềm tin. Cứ thế, theo năm tháng, những người bạn khuyết tật đã cùng Thương làm ra biết bao sản phẩm chứa đựng tình yêu của cuộc sống, của sự diệu kỳ.

Ước mơ về "ngôi nhà chung"

Thêm một bước ngoặt nữa đến với cô gái "xương thủy tinh" Nguyễn Thị Thu Thương khi em tham gia buổi trò chuyện của "người không tay" Nick Vujicic (người Australia) tại Việt Nam. Nghe Nick Vujicic kể câu chuyện của đời mình, về sự vượt lên số phận để sống một cuộc sống tuyệt vời và truyền cảm hứng, thái độ sống tích cực cho hàng triệu thanh thiếu niên trên hành tinh…, Thương đi đến một quyết định mà em ấp ủ đã bao năm: Thành lập trung tâm dạy nghề đào tạo việc làm, biến nó trở thành ngôi nhà chung mang lại hạnh phúc và khát vọng sống cho người khuyết tật.

Theo dõi sự trưởng thành từng ngày của con, hiểu rõ khát vọng sống của người khuyết tật, bố mẹ Thương đã dồn hết tiền bạc về quê xây ngôi nhà thật rộng cho con gái thực hiện ước mơ của mình. Sau gần một năm thi công, tháng 3-2014, Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật Thương Thương chính thức đi vào hoạt động. Những học viên đầu tiên từ các tỉnh, thành trong cả nước đã tìm đến trung tâm và hiện lên tới 12 người. Tất cả đều được học nghề và hỗ trợ ăn ở tại trung tâm. Thương chia sẻ: "Nếu đưa cho bạn một con cá, bạn sẽ ăn hết nó trong ngày hôm nay. Nhưng đưa cho bạn một chiếc cần câu và dạy bạn cách câu cá thì bạn sẽ có cái ăn suốt cuộc đời. Điều mà trung tâm mong muốn mang đến cho học viên chính là chiếc cần câu và dạy họ cách câu". Rất vui mừng, cùng giúp em thực hiện ước mơ cao cả này, nhiều tổ chức, cá nhân đã quan tâm, hỗ trợ bằng nhiều cách. Đáng kể là tổ chức Koica của Hàn Quốc đã hỗ trợ gần 100 triệu đồng xây phòng ở cho các học viên.

Thương cho biết, vì trung tâm mới đi vào hoạt động nên chưa nhận được nhiều đơn đặt hàng. Hơn nữa, mặt hàng hand made đòi hỏi sự tỉ mỉ, trong khi năng suất lao động của người khuyết tật chưa cao nên thu nhập mới chỉ đạt từ 800.000 đến 2.000.000 đồng/người/tháng. Hiện tại, Thương đang thiết kế các mẫu mã, tăng cường quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ. "Em luôn coi trọng chất lượng, mẫu mã sản phẩm và tìm kiếm khách hàng. Và không riêng người khuyết tật, trung tâm sẽ hướng tới dạy nghề và tạo việc làm cho cả những người lành lặn" - Thương tự tin.

Vạn sự khởi đầu nan. Con đường phía trước của Thương chắc sẽ còn khó khăn. Nhưng tôi đặt trọn niềm tin vào em. Bởi, một con người đã vượt lên hoàn cảnh, làm được những điều phi thường và luôn sống với một mục đích truyền khát vọng sống, sự tự tin cho những người đồng cảnh ngộ, lớn hơn là đóng góp cho xã hội… sẽ vượt qua được tất cả khó khăn. Cầu chúc em luôn khỏe mạnh để tiếp tục cháy lên khát vọng, biến những ước mơ trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cháy lên khát vọng sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.