Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xanh mãi “Đồi cây đón Bác”

Chí Kiên| 26/01/2015 06:31

(HNM) - Cây đa Bác Hồ trồng trên đồi Đồng Váng ở thôn Yên Bồ, xã Vật Lại (huyện Ba Vì) cách nay 46 năm giờ đã cao lớn, cành vươn cao tỏa bóng xanh tốt quanh năm.


Trông cây lại nhớ đến Người!

Ngồi dưới tán cây đa xanh rợp bóng, bà Chu Thị Phương (60 tuổi), hồi tưởng: "Ngày ấy chúng tôi được lãnh đạo xã cử đi phục vụ hội nghị chứ không biết là đón Bác Hồ về Vật Lại trồng cây. Phải đến sáng mùng Một Tết, khi Bác từ xe ô tô bước xuống thì chúng tôi mới vỡ òa niềm vui sướng khi biết mình được đón Bác ngay trên chính mảnh đất quê hương". Bà Phương lúc đó 14 tuổi, là một trong 5 thiếu niên tiêu biểu của huyện Ba Vì và xã Vật Lại được chọn để đi đón Bác Hồ. Bây giờ đã "lên chức" bà nội, bà ngoại, bà Phương vẫn xúc động khi nhớ về giờ phút không thể nào quên trong đời khi được gặp Bác, được nghe Bác kể chuyện, dặn dò và chia kẹo. 

Cây đa Bác Hồ trồng tại đồi Đồng Váng, xã Vật Lại, huyện Ba Vì.


Bà Phương rưng rưng xúc động kể: "Khoảng đầu giờ sáng mùng Một Tết năm đó, tiết trời xuân ấm áp, khi cánh cửa xe ô tô mở, Bác ung dung bước xuống rồi tươi cười chào các phụ lão, các cháu thiếu niên nhi đồng và nhân dân có mặt. Bác ân cần hỏi: Bác lên đây ăn Tết các cô, các chú, các cháu có đồng ý không? Không ai bảo ai, tất cả đồng thanh đáp: Thưa Bác có ạ! Bác hỏi tiếp: Các cô, các chú, các cháu có phần bánh chưng cho Bác không? Thưa Bác có ạ! Bác hỏi lại: Có thật không? Cả khu đồi vang tiếng cười vui".

Kể về những kỷ niệm được gặp Bác, từng lời rõ ràng, mạch lạc như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Bà Phương đưa cho chúng tôi xem tấm hình đen trắng có một nhóm thiếu nhi ngồi quây quần bên Bác trên bãi cỏ ở đồi Đồng Váng và nói với niềm tự hào: "Đây là vật báu bất ly thân của tôi hàng chục năm qua!". Nâng niu tấm hình trên đôi bàn tay đã chai sạn, bà Phương chỉ cho chúng tôi biết vị trí bà ngồi gần Bác nhất, rồi kể tiếp: "Chúng tôi được nghe Bác kể chuyện, rồi sau đó Bác chia kẹo, chúng tôi quây quần quanh Bác, thật đầm ấm như bên người ông trong năm mới thiêng liêng. Giờ trông cây đa Người trồng những ký ức năm xưa trong tôi lại ùa về...".

Cũng là người được vinh dự đi đón Bác vào mùa xuân năm Kỷ Dậu, với ông Chu Tâm Khai (65 tuổi) thì ký ức về Bác là "một cụ già ân cần, giản dị, có giọng nói ấm áp, truyền cảm và luôn cười hỏi thăm từ các cụ phụ lão đến các cháu thiếu niên nhi đồng". Lần đầu được gặp Bác, ông Khai vẫn nhớ như in: "Bác đội chiếc mũ vải, đeo kính và mặc bộ quần áo nâu, khoác áo kaki rất giản dị, như một cụ già đẹp lão, chúng tôi thấy thật gần gũi và ấm áp. Hôm ấy cả đoàn chúng tôi đứng thẳng tắp theo hai hàng phi lao dẫn lên "Đồi cây đón Bác", vỗ tay hoan hô Bác đến". Ông Khai kể tiếp: "Điều làm mọi người có mặt xúc động nhất là khi lên đến đồi cây, chính quyền địa phương đã chuẩn bị sẵn một chỗ trải chiếu và ghế gỗ để Bác cùng các đại biểu nghỉ chân. Thấy vậy, Bác nói: Nếu ngồi ghế và ngồi chiếu thì việc gì Bác phải lên tận đây! Nói xong Bác chủ động đi ra thảm cỏ bằng phẳng gần đó rồi cùng tất cả mọi người ngồi xuống trò chuyện thân mật".

Nhân dân Vật Lại làm theo lời Bác

Nói về "Đồi cây đón Bác", ông Phùng Văn Thăng là Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại năm 1969 cho biết, hưởng ứng lời kêu gọi và phát động "Tết trồng cây" vào năm 1959 của Bác Hồ, xã Vật Lại đã phát động đến từng HTX với khẩu hiệu: "Ba xanh, hai phòng, một bóng". "Ba xanh là xanh đồi, xanh đồng, xanh đường; hai phòng là phòng không, phòng hộ; một bóng là bóng mát" - ông Thăng giải thích. Từ năm 1960 đến năm 1968, phong trào trồng cây phát triển mạnh, xã Vật Lại đã phủ xanh toàn bộ các tuyến đường chính, 85 đồi núi trọc bằng các loại cây phi lao, xà cừ, bạch đàn. Tại thôn Yên Bồ, đội trồng cây là các cụ phụ lão với mong ước được một lần gặp Bác Hồ đã lấy đồi Đồng Váng đặt tên là "Đồi cây đón Bác"; đồng thời làm hai con đường thẳng tắp lên đồi, hai bên trồng cây phi lao và cũng đặt tên là "Đường cây đón Bác Hồ". Ông Thăng nhớ lại thời điểm cuối năm 1968: "Vì xã có phong trào trồng cây tốt nên Huyện ủy Ba Vì đã giao xã Vật Lại chuẩn bị tổ chức hội nghị lâm nghiệp trung ương họp tại thôn Yên Bồ; đồng thời chuẩn bị một số cây, trong đó có mấy cây đa, đào hố sẵn để đại biểu dự hội nghị trồng". Đúng 8 giờ sáng mùng Một Tết năm Kỷ Dậu (tức ngày 16-2-1969), Bác Hồ cùng các đồng chí trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Tây (cũ) về xã Vật Lại và đi thẳng lên đồi Đồng Váng. "Ai trong chúng tôi cũng đi từ cảm xúc ngỡ ngàng đến vui sướng và xúc động vì được gặp Bác Hồ ngay trên chính "Đồi cây đón Bác", thế là ước mơ của người dân Vật Lại đã thành hiện thực" - ông Thăng chia sẻ.

Năm nay đã bước sang tuổi 86 nhưng ông Thăng vẫn rất nhanh nhẹn và minh mẫn trong mọi công việc. Trong ký ức của ông vẫn mới nguyên sự kiện được đón Bác Hồ trồng cây trên đồi Đồng Váng năm xưa. Ông Thăng nói nhớ nhất lời căn dặn của Bác: "Làm cán bộ phải cần kiệm liêm chính. Phải tiết kiệm, sản xuất phát triển thì nhân dân mới ấm no hạnh phúc". Lời nói của người đảng viên 55 tuổi Đảng có lúc ngắt quãng vì xúc động, nhưng vẫn mạch lạc từng câu: "Bác dặn trồng cây nào phải sống cây đó, không được lãng phí sức lao động, tiền của nhân dân. Tôi không ngờ đây là lần cuối cùng Bác đến thăm nông dân và trồng cây trước lúc Người đi xa".

Hiện nay, nơi Bác Hồ trồng cây năm xưa đã trở thành di tích lịch sử mà mỗi du khách khi đến đất Ba Vì đều muốn dừng chân để tận hưởng bóng mát của Người. Ở khu di tích, ngay phía ngoài đặt trang trọng một tấm bia đá ghi rõ sự kiện Bác Hồ trồng cây đa vào mùa xuân năm Kỷ Dậu. Từ cổng vào là con đường nhựa thẳng tắp dẫn lên gốc đa lịch sử, hai bên trồng hai hàng cây hoa sữa xanh tốt, thân mọc thẳng tắp. Ông Thăng nói rằng, con đường nhựa bây giờ nằm ngay trên "con đường đón Bác" năm xưa. Cây đa Bác trồng giờ đã phủ tán rộng, xanh tươi với 9 nhánh tỏa đều ra các hướng, mà theo người dân Vật Lại gọi là dáng "cửu long". Đứng từ cây đa, phóng tầm mắt ra xa, đồi Đồng Váng phủ một màu xanh tươi tốt của cây lá, hồ nước. Ông Thăng, ông Khai và bà Phương, những người được đón Bác năm xưa tâm sự, họ vẫn thường xuyên ra đây để ôn lại chuyện cũ, nhớ lại những kỷ niệm, những năm tháng không thể nào quên. Dẫn chúng tôi đi thăm khu đồi, các ông bà đã chỉ dẫn tường tận nơi Bác Hồ xuống xe, nơi Bác trò chuyện với nhân dân Vật Lại, nơi Bác chụp tấm hình với các cháu thiếu nhi...

Ghi nhớ lời Bác Hồ, Đảng bộ, chính quyền xã Vật Lại đã kết hợp hài hòa giữa trồng rừng, phủ xanh đồi trọc với phát triển kinh tế. Hơn 200ha đất đồi, đất rừng đã được trồng cây ăn quả với những loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn (30ha), cam, quýt, thanh long, nhãn, vải... Từ những mô hình kinh tế trồng đồi rừng hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người của xã Vật Lại đứng ở tốp cao của huyện Ba Vì, năm 2014 đạt 20,4 triệu đồng, số hộ nghèo giảm xuống còn 125 hộ, chiếm 4,43%. Chủ tịch UBND xã Vật Lại Chu Danh Báu nói: Những thành tích này đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, từ chỗ một số tiêu chí nông thôn mới xuất phát điểm thấp, đến hết năm 2014 đã đạt 12/19 tiêu chí, trong đó có những tiêu chí quan trọng như hình thức tổ chức sản xuất, quy hoạch nông thôn, giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa... Ông Báu nhấn mạnh: "Hàng chục năm qua, nhớ lời Bác dặn, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Vật Lại đã tích cực học tập, chăm chỉ lao động, tiết kiệm, giản dị trong lối sống để xây dựng quê hương giàu mạnh, đời sống ấm no".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xanh mãi “Đồi cây đón Bác”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.