Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nỗi lòng người xa quê

Trọng Ngôn - Vân Nguyên| 29/01/2015 06:18

(HNM) - Mặc dù đã chi tiêu dè dặt, nhưng hầu hết công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không thoát khỏi gánh nặng


Muốn về nhưng không tiền

Công nhân cắt xén chi tiêu, ăn uống kham khổ.


Mỗi dịp Tết Nguyên đán, mọi người bận bịu chuẩn bị, sắm sửa, bán mua bởi như các cụ xưa vẫn nói "no ba ngày Tết", không để phải thiếu thốn thức gì. Thêm nữa, những ngày nghỉ Tết là thời gian thảnh thơi để quây quần bên người thân, gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui đó. Với nhiều công nhân xa xứ ở khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, để tạm gọi là đủ đầy hương vị Tết, họ phải chi tiêu dè xẻn từng đồng và nhiều người không có đủ tiền về quê ăn Tết. Anh Lê Tiến, công nhân Công ty CP Nhựa Bình Minh đã 12 năm qua chưa một lần về quê ăn Tết. Anh Tiến chua chát: "Nếu được về quê thì cũng xấu hổ với mọi người. Đi làm mười mấy năm ở trong này mà về tay trắng. Thậm chí, còn không có tiền mua quà Tết nữa". Người lao động xa xứ chỉ ước mong mỗi dịp Tết đến có thể được về quê đoàn tụ cùng gia đình, thắp nén hương cho tổ tiên, ông bà. Nhưng tiền vé xe đi ra đi vào đã "nuốt" trọn số tiền lương mà họ có được. Nhiều cặp vợ chồng còn loay hoay chuyện con cái, thêm tiền sữa, tiền giữ con... trong khi giá cả hàng tiêu dùng cứ ngày một leo thang. Chúng tôi an ủi anh Tiến rằng theo quyết định của Nhà nước thì sắp tới các công ty sẽ tăng lương. Anh Tiến lại cười buồn: "Tăng lương nhưng nếu giá cả mọi thứ tăng theo, tiền nhà trọ cũng đội giá thì đời sống công nhân sẽ không được cải thiện và Tết tha hương vẫn cứ là Tết tha hương".

Rau là món chính cho bữa ăn tối của nhiều công nhân xa quê.


Ngậm ngùi cùng chung số phận, chị Lê Thị Thu Thảo (quê Thái Bình), vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân năm 2002. Năm nay gia đình chị cũng không thể về quê ăn Tết. Làm công nhân cho Công ty Giày dép Phi Trang với mức lương cơ bản 3,3 triệu đồng/tháng, tiền trọ, tiền điện nước đã chiếm gần phân nửa tiền lương. Chồng chị làm mỗi tháng được 4 triệu (chưa tính tăng ca) nhưng cũng chẳng thấm vào đâu bởi còn phải lo cho 2 đứa con, một đứa ở lại quê sống với ông bà. "Cứ tới tháng là phải gửi 1 - 1,5 triệu đồng cho ông bà ở quê chăm sóc đứa nhỏ. Còn đứa lớn trong đây thì tiền học mỗi tháng đã là 1,3 triệu, chưa kể tiền sữa, rồi tiền ăn uống hàng tháng của gia đình, sắm sửa sinh hoạt, cưới hỏi, ma chay…". Tết năm nay không về quê nhưng chị Thảo gửi biếu gia đình hai bên nội ngoại mỗi bên 1 triệu đồng, đồng thời cố gắng sắm sửa cho con mỗi đứa vài bộ quần áo diện Tết. Chị thở dài: "Mỗi lần về Thái Bình, ngày áp Tết giá vé lên tới 1,7 - 1,8 triệu đồng/người đối với xe giường nằm. Nếu tính cả lượt đi lượt về thì số tiền vợ chồng tôi phải trả ngót nghét chục triệu đồng".

Rời khỏi khu nhà trọ quanh năm không ánh nắng rọi vào, chúng tôi đến một khu nhà trọ khác cách quốc lộ 1K hơn trăm mét. Bước lên chiếc cầu thang sắt sập sệ, chúng tôi gặp hai em Nguyễn Thị Lý và Nguyễn Thị Lệ Quyên. Lý và Quyên cùng sinh năm 1996, quê ở Quảng Trị làm việc cho Công ty TNHH SungShin. Với mức lương cơ bản 3,3 triệu đồng/tháng, Lý nói chỉ đủ sống độc thân thôi, một khi có gia đình mọi chuyện sẽ khó khăn hơn. Là con gái nên việc chi tiêu tiết kiệm hơn con trai, hằng tháng Quyên và Lý đều gửi về gia đình được chút ít tiền. Quyên chia sẻ: "Có hôm vì gia đình cần tiền gấp mà trong túi chỉ còn có 1,9 triệu, em cũng gửi về nhà 1,5 triệu. Chỉ giữ lại 400.000 đồng bên người. Em thường xuyên ăn mì gói, hoặc mượn đỡ tiền những anh chị, bạn bè quen biết". Đời sống chật vật dù muốn tiết kiệm cũng không thể có dư. "Sống được với mức lương đó đã là tiết kiệm rồi anh à", Quyên nhìn tôi cười buồn.

Tết năm nay, Quyên và Lý rất muốn được về quê nhưng đành ở lại thành phố để có thể gửi 5 triệu đồng về cho ba mẹ.

Liệu cơm gắp mắm

Tâm sự của những người công nhân phải ở lại thành phố là thế nhưng những người được về cũng có nỗi khổ riêng dù được sum họp cùng gia đình, vui vẻ cùng bạn bè nhưng lại không khỏi thấp thỏm và lo lắng. Chị Trần Thị Thanh Nhung, quê ở Thừa Thiên Huế, làm công nhân cho Công ty Nissei Electric Việt Nam cho biết: "Mỗi lần về quê, lại là một lần lo, nhất là tiền Tết, sắm đồ Tết, tiền xe. Đành "liệu cơm gắp mắm" thôi, lương công nhân còn không đủ tiền xe ra vào nhưng kệ! Cứ về quê rồi tính!".

Để được về quê ăn Tết, những công nhân ở khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức) phải thắt chặt chi tiêu. "Từ lúc tôi có bầu, cuộc sống bắt đầu eo hẹp hơn. Để có thể đủ sống trong cái eo hẹp đó tôi không dám đi đâu chơi hay ăn uống cùng ai hết, quần áo chỉ mua 1-2 bộ …". Đang nói nửa chừng chị ngắt quãng, mắt xa xăm như đang suy nghĩ gì đó rồi nói tiếp: "… mà chắc năm nay không mua bộ nào luôn!".

Còn chị Nguyễn Thị Thiệu, quê ở Quảng Bình, làm công nhân cho Công ty TNHH Freetrend cho biết, từ lúc vào đây làm đến giờ đã được 6 năm nhưng may mắn hơn nhiều công nhân xa quê khác là năm nào cũng về Tết. Cuộc sống độc thân với mức lương cơ bản 4 triệu đồng, nếu tính cả tiền tăng ca mỗi tháng được 5,5 triệu đồng nên có thể dành dụm được 1 triệu đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Từ TP Hồ Chí Minh, mỗi lần về quê ăn Tết như vậy phải có hơn chục triệu đồng. Thấy chị có vẻ bình thản, chúng tôi hỏi mỗi lần về Tết có lo lắng gì không? Chị nói: "Không, bình thường. Lo lắng thì cũng vậy thôi, không thể thay đổi được".

Bước chân ra khỏi con hẻm nhỏ, chúng tôi như cảm nhận rõ hơn sự trống vắng của những ngày Tết sắp đến. Cuộc sống của người công nhân xa xứ trước Tết tuy phẳng lặng nhưng ẩn sâu bên trong là nỗi buồn và lo lắng, dù họ quyết định ở lại hay về quê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nỗi lòng người xa quê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.