Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một trái tim ấm áp

Quỳnh Nguyên| 01/02/2015 05:50

(HNM) - Suốt 20 năm qua, bất kể ngày nắng cũng như ngày mưa bão, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Chương vẫn thầm lặng khám bệnh miễn phí, giúp đỡ phục hồi chức năng lao động cho hàng nghìn bệnh nhân nghèo...

Hết lòng với bệnh nhân nghèo

Đến cụm dân cư số 4, phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) hỏi bác sĩ Nguyễn Văn Chương không ai không biết. Một người dân từng được bác sĩ Chương chữa bệnh nhiệt tình chỉ dẫn đường rồi kể chuyện: "Ở khu phố này, ai có bệnh tình nguy cấp, bác sĩ Chương đều có mặt trước… 115. Bác khám và tư vấn chữa bệnh cho mọi người không lấy tiền. Có lần tôi đi khám viêm họng hết 200.000 đồng tiền khám, kèm theo cả triệu đồng tiền thuốc nhưng không khỏi. Về đây khám thì ông không chịu lấy tiền, mua thuốc thì ông cũng chỉ lấy 10.000 đồng, vậy mà sau đó tôi khỏi hẳn".

Bác sĩ Nguyễn Văn Chương đang viết bệnh án.


Trong căn gác chỉ khoảng 50m2 ở số 7, ngõ 424 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội), ông tiến sĩ già với khuôn mặt vuông vức, hiền từ ân cần hỏi han người bệnh. Khi biết chúng tôi có ý muốn viết về mình, bác sĩ Nguyễn Văn Chương từ chối khéo: "Tôi chẳng có thành tích lớn lao gì cả, nếu cháu gặp ai liệt, ai đau, ai nghèo thì bảo họ đến tôi giúp thôi". Vậy nhưng, ông đã mở lòng chia sẻ hơn khi chúng tôi nhắc đến người lao động nghèo, ánh mắt ông hiện lên nỗi ưu tư.

Sớm tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1959 ngành thăm dò và phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, ông về công tác tại Trường Y dược TƯ Lào. Năm 1980, bác sĩ Chương bảo vệ luận án tiến sĩ y học tại Viện Hàn lâm y học Bungaria. Ông đã từng là chuyên gia của Bộ Y tế, cán bộ tại Ban Y tế Bộ Năng lượng Lào...

Những năm công tác tại Lào, ông trực tiếp đến những hầm mỏ để khám chữa bệnh cho anh em công nhân. Nhiều lần chứng kiến những bữa cơm hầm với công nhân than, giọt mồ hôi chảy ròng ròng khi trèo lên cây cột điện của công nhân điện ông hiểu hơn hết nỗi niềm của những bệnh nhân nghèo. Niềm cảm thương với những người lao động nghèo khó, cuộc sống còn lắm gian truân cứ ám ảnh, hằn sâu trong tâm trí, thôi thúc ông phải làm điều gì để giúp đỡ họ. Vì thế, năm 1994, ông nghỉ hưu, mở phòng khám tư nhân tại nhà để chữa trị cho bệnh nhân nghèo, đặc biệt là khám chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi tại nơi ông đang sống.

Vốn là người cẩn thận, bác sĩ Nguyễn Văn Chương luôn ghi chép đầy đủ thông tin bệnh nhân trong một cuốn sổ dày, mỗi năm lại thêm một cuốn mới. 5 năm gần đây, vị bác sĩ già đã cấp cứu được 62 người qua cơn nguy kịch và khám bệnh, kê đơn hằng ngày miễn phí tại nhà cho hàng chục nghìn người. Chỉ tính riêng năm 2014, bác sĩ Nguyễn Văn Chương đã khám miễn phí cho 210 người, điều trị cho 1.077 bệnh nhân.

Bác sĩ bảo bệnh nhân đến đây mỗi người một cảnh. Kể cho tôi về trường hợp bệnh nhân tên Hưng (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) mà ông vẫn nhớ. Gia đình Hưng có 3 anh em, sinh ra lành lặn, khỏe mạnh nhưng cứ đến 21 tuổi thì bị mù. Trước Hưng có 1 người anh bị tai biến chết, 1 người bị mất tích, Hưng sống cùng với người bác họ. Hưng được đưa đến phòng khám Đông Hồ khi hai mắt không còn nhìn thấy gì. Tuy nhiên sau 5 tháng, với sự nỗ lực của bác sĩ Nguyễn Văn Chương cùng Giáo sư Lê Đức Hinh (Bệnh viện Bạch Mai), Hưng đã có thể nhìn được màu đỏ và màu đen. Bây giờ, Hưng đã có thể tự đi làm, kiếm sống nuôi bản thân.

Hay như trường hợp bị teo cơ bẩm sinh của anh Huy (SN 1997, ở Hà Nội). Năm đó, Huy 17 tuổi mà như một đứa trẻ bắt đầu học từ những điều đơn giản nhất. Trong bữa ăn anh không thể cầm đũa và bưng bát cơm, mọi sinh hoạt cá nhân đều cần đến sự giúp đỡ của người thân. Thế nhưng, với phương pháp Đông Tây y kết hợp của bác sĩ Chương, sau 3 tháng, Huy đã bắt đầu cầm được đũa, 7 tháng cầm được dao thái thịt, hơn một năm sau bắt đầu biết đi xe đạp, hai năm đi được xe máy. Hiện tại, Huy đã lấy vợ, hằng ngày anh gói bánh chưng và đi giao hàng cho các quán ăn trong nội thành. Mỗi lần Tết đến, bệnh nhân năm xưa lại mang biếu người bác sĩ tận tâm cặp bánh nhà tự làm.

Anh Nguyễn Công Luận (34 tuổi quê Phú Thọ) mà tôi gặp ngay trong phòng khám xúc động nói: "Hàng tháng tôi lại xuống đây lấy thuốc về điều trị. Nếu không có sự chăm sóc, điều trị tận tình và tấm lòng nhân ái của bác sĩ thì với căn bệnh tim bẩm sinh, trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn có lẽ tôi chỉ có nước nằm chờ chết. Tôi mang ơn bác sĩ Nguyễn Văn Chương cùng gia đình bác sĩ nhiều lắm". Nghe thế, bác sĩ chỉ cười: "Đem lại sự sống cho những người dân nghèo, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đó là ước mơ từ thời còn trai trẻ khi tôi theo học trường y. Giờ đây nhìn lại chặng đường đã đi tôi cảm thấy tâm hồn thư thái. Đem lại hạnh phúc cho người bệnh cũng là hạnh phúc cho tôi lúc tuổi già. Cuộc sống với tôi thế là đủ".

Tận tâm với nghề

Vị bác sĩ già còn dành toàn bộ số tiền lương hưu của mình cùng tài trợ của các công ty dược phẩm tại Hà Nội để tổ chức các đợt khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho người dân ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Ở độ tuổi 80, không ai có thể hình dung được ông lại có một sức làm việc dẻo dai đến như vậy. Cứ chủ nhật hằng tuần, ông lại đứng ra quyên góp từ các nhà hảo tâm, cùng các em sinh viên nấu hàng trăm bát cháo từ thiện tại sân chùa Mật Dụng, phố Thụy Khuê, Hà Nội rồi chuyển vào phát miễn phí cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi trung ương.

Để nhân rộng hơn những tấm lòng, ngoài phòng khám nhỏ ở Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Văn Chương còn mở "Phòng điều trị nghĩa tình" để khám và cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi ngay trên quê hương xã Thụy Hưng (Thái Thụy, Thái Bình). Mỗi năm 10 lần, mỗi lần có từ 100 - 150 người được khám miễn phí hoàn toàn với đủ máy siêu âm màu, điện tim, lưu huyết não, xét nghiệm sinh hóa huyết học. Ông đã tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn kỹ thuật về cách giữ gìn sức khỏe tuổi già, tập huấn kỹ thuật bấm huyệt, tập dưỡng sinh… Bà con thôn Thu Cúc quê ông nôm na gọi phòng khám của ông là "Phòng khám nông dân".

Cho chúng tôi xem danh sách 82 bệnh nhân ung thư từ năm 2003 đến 2013 của Trạm Y tế xã Thụy Hưng mà vị bác sĩ già không khỏi âu lo: "Những thói quen, hành vi sống và lao động hằng ngày là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mắc bệnh. Người dân phun thuốc trừ sâu xong thì rửa chân tay, dụng cụ từ cái ao làng, rồi cũng thứ nước đó lại được giặt giũ tắm rửa... hay tay vừa phun thuốc đã có thể hồn nhiên cầm điếu thuốc đưa lên miệng, cứ hít thở vô tư khi phun thuốc trừ sâu mà không đeo khẩu trang hay dụng cụ bảo hộ lao động…". Để thay đổi thói quen, nếp sinh hoạt của người dân quê là điều không dễ, nhưng người bác sĩ già vẫn thầm lặng làm công tác tuyên truyền phòng bệnh.

Nói về phòng điều trị nghĩa tình, ông Lại Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Thụy Hưng cho biết: "Bác sĩ Chương rất tình cảm, sống và làm việc ở Hà Nội nhưng quê hương luôn ở trong trái tim. Bác sĩ đã có công đưa con em trong xã lên thành phố học trường y rồi sau đó về xã phục vụ. Hàng năm, bác sĩ Nguyễn Văn Chương còn mời các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành như Hoàng Bảo Châu, Hoàng Tích Huyền về phổ biến kiến thức y học cho cán bộ y tế xã và bà con. Ban lãnh đạo xã xin ghi nhận tấm lòng chân tình ấy".

Bác sĩ Nguyễn Văn Chương nói: Sau mỗi chuyến về khám bệnh, những người dân quê nghèo khó gửi biếu ông đôi vịt đôi gà, có khi là mấy cân khoai lang, mấy bắp ngô để cảm ơn. Những món quà với giá trị vật chất không nhiều lại khiến người bác sĩ già vô cùng cảm động. Ông bảo, tình cảm mộc mạc mà chân thành ấy chính lại là động lực để ông càng tin tưởng, cố gắng hơn cho công việc mình đang làm.

Cứ nói đến công việc thiện nguyện là giọng ông thêm hứng khởi, bác sĩ Nguyễn Văn Chương cho biết đang ấp ủ dự án nghiên cứu chữa bệnh ung thư. Hiện tại, ông vẫn đang ngày đêm tìm kiếm những phương pháp điều trị mới; đồng thời theo dõi, điều trị phục hồi cho hàng chục bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi. Bác sĩ Nguyễn Văn Chương tâm sự: "Tôi sẽ vẫn theo đuổi nghề y cho đến khi nào không thể, chừng nào tôi còn sống thì chừng ấy "phòng khám nghĩa tình" vẫn sẽ tồn tại".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một trái tim ấm áp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.