Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “chiến công” thầm lặng...

Quốc Bảo| 01/03/2015 05:32

(HNM) - Hơn 40 năm trước, họ - những chàng trai, cô gái tuổi vừa mười tám, đôi mươi đã không tiếc tuổi xuân, hừng hực khí thế xung phong ra chiến trường với ước muốn cháy bỏng: Cống hiến một phần sức lực của mình vào công cuộc giải phóng quê hương, đất nước.

Trở về với hành trang duy nhất là những kỷ niệm không thể quên về những trận đánh, những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường... họ nỗ lực làm giàu bằng chính đôi tay, khối óc của mình. Họ sẵn sàng giúp đỡ những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn từng bước thoát nghèo, lặng lẽ tham gia vào các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng bất kể khi nào có thể...

Bà Vương Thị Kim Thành và bà Nguyễn Thị Liệu trên con đường do gia đình bà Thành xây dựng.


Một trái tim nhân ái

Từ huyện Mê Linh, theo con đường bê tông phẳng lỳ chạy sát chân đê, chúng tôi về thôn Tráng Việt - xã Tráng Việt vào một buổi sáng ngập tràn nắng gió. Ngồi trên xe, cô Nguyễn Thị Liệu - Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Mê Linh chỉ về phía trước, giọng không giấu nổi niềm tự hào: Kia là đoạn đường gia đình chị Vương Thị Kim Thành, một cựu TNXP tự bỏ tiền xây dựng. Trước đây đoạn đường này bị sạt lở, đầy đá răm và ổ gà, ổ voi, tai nạn nhiều lắm. Giờ thì hai xe ô tô tránh nhau thoải mái rồi, bà con ai cũng mừng... Nối từ bờ đê xuống cánh đồng thôn Tráng Việt nổi bật con đường bê tông chạy giữa hai hàng cây xà cừ thẳng tắp, như một dấu gạch nối tô điểm thêm cho màu xanh mơn mởn của những cánh đồng rau đang đến kỳ thu hoạch.

Đúng như hình dung của chúng tôi, dù nổi tiếng khắp vùng bởi những hoạt động từ thiện, cô Thành vẫn giữ nguyên tác phong giản dị, mộc mạc của một cô gái TNXP năm nào. Sinh ra trong một gia đình nghèo đông con ở thôn Tráng Việt, năm 1966 khi mới tròn 19 tuổi, cô Thành quyết định cùng bạn bè tham gia lực lượng TNXP. Nhìn con gái gầy gò, nhỏ xíu, chỉ nặng 42kg, mẹ cô xót con không cho đi. Thuyết phục mẹ không xong, cô quả quyết: "Em phải đi bộ đội, em không ở nhà đâu!". Biết không ngăn được con, mẹ và mọi người trong gia đình đành gật đầu đồng ý. Vào quân ngũ, cô thôn nữ Kim Thành được điều động vào Đội TNXP N103 - Đại đội 103P41, đóng quân ở Yên Bái, có nhiệm vụ phá núi, mở đường. Rời quân ngũ, trở về địa phương, vốn bản tính nhanh nhẹn, thông minh, cô Thành được cử làm nhân viên, rồi trở thành cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực huyện. Tận tụy với công việc và hết lòng vì người dân, cô Thành nổi tiếng là một cửa hàng trưởng mẫu mực, bà con khắp vùng ai ai cũng quý mến, không một HTX nông nghiệp nào thời đó không biết tên. Rời quê theo chồng về sinh sống ở Hà Nội nhiều năm, khi ba người con lần lượt trưởng thành và tạo lập được cuộc sống, cô Thành lại dồn công sức, tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng và những đồng đội trong Hội Cựu TNXP năm xưa.

Mỗi dịp về thăm quê, nhìn đoạn đường từ chân đê dẫn vào làng nát bét dưới bánh xe tải chở cát sầm sập qua lại mỗi ngày, không khỏi ưu tư. Một lần, vừa đặt chân đến đầu làng, mấy người dân đã ôm chầm lấy cô, giọng buồn rầu: "Bà xem có cách nào giúp dân làm đường, kẻo chúng tôi khổ quá!". Câu nói ấy đã thôi thúc cô Thành họp toàn thể gia đình góp sức đầu tư làm đường. Ý định của cô được chồng và các con nhiệt tình ủng hộ. Và rồi, cả gia đình cùng bắt tay vào việc, từ khâu thiết kế, lựa chọn nguyên vật liệu đến giám sát, thi công... Chỉ sau thời gian ngắn, đoạn đường bê tông rộng 6-7m, dài hơn 400m đã hoàn thành trong niềm vui khôn tả của người dân thôn Tráng Việt. Ước tính, tổng chi phí xây dựng đoạn đường lên đến trên 800 triệu đồng, hoàn toàn do gia đình cô Thành đóng góp. Anh Lê Xuân Ưởng - Phó Bí thư Thường trực xã Tráng Việt cho biết: "Gia đình bà Thành thực sự là một nhân tố điển hình, góp phần tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Sau khi hoàn thành đoạn đường từ chân đê vào thôn, năm 2014 gia đình bà Thành tiếp tục xin làm nốt đoạn đường thứ hai nhưng xã quyết định dùng vốn từ ngân sách để xây dựng đường cho dân. Ngoài gia đình bà Thành, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, xã cũng vận động được hơn 100 hộ dân tình nguyện hiến trên 1.000m2 đất nông nghiệp và gần 400m đất thổ cư để làm đường...". Cô Liệu còn "bật mí", vào tất cả các dịp lễ, tết, cô Thành đều chủ động liên hệ với Hội Cựu TNXP để hỗ trợ, tặng quà, động viên những đồng đội có hoàn cảnh neo đơn, gặp khó khăn trong cuộc sống. Hễ nghe thấy đồng đội hay bà con cần giúp đỡ, cô đều sẵn sàng. Không ồn ào, lặng lẽ cống hiến, âm thầm làm việc vì cộng đồng, cô Thành tâm niệm: "Những năm bom đạn nơi chiến trường, bao nhiêu đồng đội đã nằm xuống cho mình được sống. Bây giờ cuộc sống khấm khá hơn, làm được gì cho đồng đội, cho bà con thì phải cố gắng mà làm, để xứng đáng với những người đã khuất...".

Hết lòng vì đồng đội

Ngôi nhà hai tầng bề thế của ông Phạm Văn Điệp nằm sát tuyến đường liên thôn dẫn vào thôn Bầu Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh. Ông Điệp năm nay đã suýt soát tuổi 80, dáng người nhỏ thó nhưng vẫn thoăn thoắt, vẫn một mình tự chạy xe máy đi khắp làng trên, xóm dưới. Vốn là cựu TNXP từ năm 1972 đến năm 1974, công tác tại đơn vị 247 chuyên bảo vệ các tuyến đường sắt, ông hiểu rõ giá trị của những mất mát, hy sinh khi chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống trong lửa đạn. Trở về địa phương, ông Điệp bắt tay ngay vào chăn nuôi sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Hễ nghe ở đâu có mô hình trồng trọt, chăn nuôi cây - con có hiệu quả kinh tế cao, ông lại cất công tìm đến tận nơi học hỏi. Sau nhiều tháng mày mò nghiên cứu thị trường, ông quyết định dồn tiền mua 1.000 con gà giống lông trắng. Đây là giống gà công nghiệp lớn nhanh, giá bán cao và vòng quay vốn ngắn. Ông và gia đình dốc toàn sức lực vào việc chăm sóc cho đàn gà. Trời không phụ lòng người, ngay lứa gà đầu tiên xuất chuồng đã "thắng" lớn. Sau mỗi vụ, ông lại tích lũy vốn, mở rộng dần quy mô chuồng trại, vật nuôi. Nhờ chăm chỉ làm ăn và biết tính toán, sau nhiều năm, kinh tế gia đình ông Điệp đã ổn định. Nhà cửa khang trang, con cái có của ăn của để.

Học tập gương bố mẹ chăm chỉ lao động, các con ông Điệp cũng mạnh dạn tìm tòi hướng đi mới trong làm ăn kinh tế. Gia đình ông vừa có chuồng trại với gần 100 con lợn, vừa là đại lý sơn, đại lý cung cấp cám và thức ăn chăn nuôi cho khắp vùng... Đáng quý hơn, khi xây dựng kinh tế gia đình dần ổn định, ông Điệp đã trợ giúp những đồng đội, những người nghèo khó trong thôn, trong xã. Vừa hướng dẫn họ phương pháp chăn nuôi khoa học, ông vừa tạo điều kiện cho "nợ" tiền giống và thức ăn chăn nuôi. Bằng cách thức "cầm tay chỉ việc" và sự tận tình, đến nay ông đã giúp cả chục hộ gia đình cựu TNXP từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Trở về trên tuyến đường đê quanh co, lồng lộng gió, cô Liệu trầm tư chia sẻ: Hội Cựu TNXP huyện Mê Linh có trên 500 hội viên, trong đó có nhiều gia đình hội viên nghèo, nhiều phụ nữ đơn thân gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, nhiệm vụ của Hội không chỉ đơn thuần là duy trì hoạt động để các hội viên có điều kiện tham gia sinh hoạt, gặp gỡ... mà còn tích cực tìm kiếm, kết nối đồng đội để củng cố mạng lưới tích cực trợ giúp, ủng hộ lẫn nhau, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động cộng đồng chung tay giúp đỡ những cựu TNXP đang gặp khó khăn. Những người như bà Thành, ông Điệp... chính là những tấm gương về sự cống hiến và lẽ sống vì đồng đội, bởi họ chỉ biết "cho" đi mà chưa bao giờ tính toán sẽ "nhận" lại điều gì...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những “chiến công” thầm lặng...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.