Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “cánh tay” công binh

Nguyễn Mạnh Thắng| 02/03/2015 06:44

(HNM) - Từ Sở chỉ huy tại Yên Thủy (Hòa Bình),

1."Kết quả lớn nhất mà Lữ đoàn chúng tôi giành được trong năm 2014 là tổ chức thành công diễn tập vượt chướng ngại nước theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng để cán bộ toàn quân tham quan; mặc dù lúc ấy, lực lượng, phương tiện phải căng kéo, dàn mỏng làm nhiệm vụ trên nhiều hướng..." - lật sơ đồ trải rộng lên mặt bàn, Đại tá Trần Đức Du, Lữ đoàn trưởng Công binh 299 vừa khái quát về địa hình, thời tiết, khí hậu, thủy văn... vừa chỉ rõ nơi bố trí các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm vượt sông hồ Bến Quân. Anh gọi đó là cái "nút thắt cổ chai", bởi nếu không đưa bộ binh, binh khí kỹ thuật hạng nặng của ta sang bờ đối diện để đánh tiến công địch thì mục tiêu của diễn tập không hoàn thành.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 299 huấn luyện ghép phà PTS.


Đúng giờ G, phát pháo hiệu vút lên, vẽ một vệt xanh sáng trên bầu trời tối đen. Cuộc diễn tập bắt đầu, máy của 3 chiếc ĐM-2 và 3 xe PT76 nổ ròn. Từng chiếc tiếp nước với khoảng cách khá đều, chở bộ binh sang bờ đối diện, cảnh giới, bảo vệ đội hình phía sau, tiếp đó, Lữ đoàn 299 dùng phà đẩy PTS đưa bộ binh, xe tăng vượt sông.

PTS là khí tài vượt sông tự hành có tải trọng hơn 50 tấn, di chuyển trên cạn bằng bánh xích và tự bơi dưới nước. Để vượt sông, bộ đội công binh cho mở 2 cánh phao của 2 chiếc PTS, rồi ghép lại thành phà ở trên sông. Đây là một khoa mục huấn luyện rất khó, đòi hỏi sự hiệp đồng chặt chẽ trong điều kiện đêm tối. Có vô vàn tình huống diễn ra trong huấn luyện khoa mục này. Đại tá Trần Đức Du nói sau khi xe tăng T54 của đơn vị bạn lên phà, PTS nổ máy hết cỡ mà không thể rời bến. Kiểm tra phát hiện do tiếp bờ hơi sâu, mũi phà đè vào nền bê tông của bến vượt nên "mắc cạn". Ngay sau đó công binh phải hạ tải, lùi phà ra xa hơn để xe tăng lên phà lần thứ hai. Anh nói: "Khi vượt sông bằng sức mạnh trong chiến đấu, thời gian là vàng, chậm một phút là mất thời cơ, có thể bộ đội sẽ bị thương, hy sinh, phương tiện bị chìm đắm... Thế nên, dù tình huống nào cũng phải hết sức bình tĩnh để xử lý".

Đại úy Lê Chí Hiển, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, chỉ huy lực lượng đảm nhiệm vượt sông tại hồ Bến Quân trong đợt diễn tập kể: Tình huống đáng sợ nhất là một đốt cầu PMP phía bờ đối bị đánh hỏng. Trời tối đen như mực, lượng nổ tạo giả trên sông nổ ùng ục liên hồi, cột nước tung cao vút, đổ rào rào xuống mặt hồ. Trong hoàn cảnh đó, lực lượng công binh phải chuyển cầu PMP thành phà để duy trì tiến độ vượt sông. Tuy nhiên, khi đốt giữa phà PMP được tách ra thì ca nô ở thượng lưu và hạ lưu không thể phối hợp đẩy và kéo đốt phà này ra khỏi vị trí cũ, vì khoảng cách do tách cầu rất hẹp. Nếu phối hợp đẩy và kéo không cân đối phà sẽ đi lệch, chạm vào đốt khác và mắc kẹt. Nguy hiểm hơn, phía sau ca nô, ở phía hạ lưu, cách hơn 20m là một chiếc cột điện 3 pha. Nếu ca nô lùi quá đà thì sẽ chạm phải, hậu quả rất khó lường. Trong tình huống này, các chiến sĩ công binh phải dùng cờ hiệu có đèn để phối hợp đẩy phà bằng... tay và điều khiển ca nô di chuyển trên sông hết sức chuẩn xác mới bảo đảm an toàn.

PMP là khí tài vượt sông hiện đại cho phép bắc cầu phao 60, 90 và 120 tấn và cũng có thể chuyển thành phà 90, 180, 360 tấn. Các đốt phà và thiết bị, phương tiện đi kèm được chở trên xe đặc chủng. "Để ghép được cầu, chuyển thành phà trong điều kiện đêm tối, địch đánh phá ác liệt thì người chiến sĩ phải có bản lĩnh, khả năng chuyên môn và tính hiệp đồng rất cao. Bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng rất dễ dẫn đến tai nạn..." Đại úy Lê Chí Hiển cho biết thêm.

2. Không chỉ "Mở đường thắng lợi", Lữ đoàn Công binh 299 còn tham gia xây dựng các công trình chiến đấu ở vùng sâu, vùng xa bằng các phương tiện thi công thô sơ, chủ yếu bằng sức người lính.

Việc công binh đào hầm chẳng có gì lạ, nhất là với những ai từng khai thác hầm lò, khoáng sản trong lòng đất. Thế nhưng, không phải ai cũng biết, công việc khoét núi, đào hầm phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện địa chất trong lòng đất, nơi đường hầm đi qua. Đại tá Trần Đức Du cho biết: Trong thực tế, có những đoạn đường hầm đi qua những nơi địa chất phức tạp, không đồng nhất, đan xen hang cát-tơ, dễ gây sụt lún bất ngờ, nhất là những nơi có đá mồ côi, mạch nước ngầm. Vì vậy, trong thi công đường hầm phải tính toán đến nhiều tình huống và có các phương án khác nhau để xử lý, bảo đảm an toàn thi công. Chính vì làm tốt công tác này, nên hơn 20 năm qua, Lữ đoàn 299 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng công trình chiến đấu, bảo đảm độ bền, tính thẩm mỹ và phát huy tốt hiệu quả kỹ, chiến thuật.

Thượng tá Phạm Ngọc Nho, Phó Lữ đoàn trưởng là người có nhiều kinh nghiệm nhất về lĩnh vực này trong lữ đoàn kể, thi công đường hầm là nhiệm vụ đặc biệt, rất dễ mất an toàn, nhất là ở những nơi có địa chất đất đá yếu. Anh nhớ lại sự cố xảy ra khi thi công công trình T1 vào cuối năm 2011.

Lúc ấy, khoảng hơn 9h, tổ khoan nổ đã hoàn thành nhiệm vụ và rút ra, khi máy ép hơi đưa khí, lùa hơi độc đợt nổ ra ngoài gần xong thì tổ bốc xúc vận chuyển gồm 8 đồng chí, trong đó có chỉ huy vào hầm kiểm tra và làm nhiệm vụ. Bất ngờ đoạn hầm cách gương nổ hơn 5m sụt sập, bịt lối ra, khiến cả tổ 8 người bị nhốt trong đó. Thế là cả đơn vị hơn 80 con người dùng mọi phương tiện vừa đào moi, vừa vận chuyển, vừa chống tạm để cứu đồng đội. Thượng tá Phạm Ngọc Nho quyết định dùng ống hơi bằng kẽm bịt chặt đầu đẩy xuyên đất đá luồn vào bên trong. Phải mất gần 30 phút các anh mới thổi được không khí vào cho đồng đội. Đường hầm chật hẹp, số lượng người làm việc có hạn, tổ này mệt, tổ khác xông đến, sau hơn 2 giờ lao động cật lực, thành quả của họ là một đường thông nhỏ chưa đầy 1m. Tiếp đó, Phạm Ngọc Nho đốc thúc bộ đội đẩy nhanh tiến độ đào đến đâu chống khít gỗ tạm nhiều lớp đến đấy, văng, giằng chéo chắc chắn không để đất đá đẩy ra. Mãi đến 15h cùng ngày họ mới đào, chống cứng được gần 4m hầm và phía trong, 8 người lần lượt chui ra ngoài qua đường hầm mới đào ấy. Và người cuối cùng ra khỏi nơi nguy hiểm là Thiếu úy QNCN Nguyễn Bá Đồng.

Sau sự cố, Thượng tá Phạm Ngọc Nho cho đơn vị nghỉ thi công một ngày để rút kinh nghiệm và phải mất hơn 3 tháng sau các anh mới khắc phục được sự cố kỹ thuật ấy. Hiện nay, để thi công đường hầm, Lữ đoàn 299 đã tự chế được một loại xe có kích thước đi lọt đường hầm để vận chuyển đất đá. Loại xe này rất linh hoạt, có thể tự đổ đất ra ngoài đường hầm rồi di chuyển qua các góc ngoặt trong đường hầm.

Trong khi các đơn vị thi công công trình ngầm chủ động rà soát, rút kinh nghiệm sau sự cố thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng) thì những người lính công binh Lữ đoàn 299 đã có thể yên tâm hơn vì họ đã có các phương án bảo đảm an toàn cho bộ đội trong thi công. Theo Thượng tá Hoàng Xuân Nam, Chính ủy Lữ đoàn, hiện nay, ngoài các biện pháp đã thực hiện thường xuyên, Lữ đoàn 299 còn bố trí đường hơi cứng bằng ống kẽm vào gần gương nổ với nhiều đoạn nối khác nhau có thể tháo rời dễ dàng trong thời gian ngắn. Tại đây có máy thông tin để liên lạc ra ngoài, có sẵn nước ngọt, lương khô, mì tôm dự trữ, sẵn sàng xử lý tình huống khi một đoạn nào đó trong đường hầm bị sụt sập.

Những ngày đầu xuân mới, mưa phùn ẩm ướt mờ che những đỉnh núi đầu dãy Trường Sơn, cách Sở chỉ huy Lữ đoàn 299 đứng chân không xa. Từng cơn gió thổi ràn rạt trên những tán keo cao vút bên đường. Ở nơi xa xôi tít tận miền Tây Thanh Hóa, gần biên giới Việt - Lào và nhiều nơi khác, hình bóng những cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 299 vẫn thấp thoáng đâu đó để màu hoa đào sắc xuân thêm thắm sắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những “cánh tay” công binh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.