Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những người sống trong sợ hãi...

Quang Đạo - Nga Hiệp| 12/03/2015 06:25

(HNM) - Tại khu vực ngoại thành, nhiều làng có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng hoặc khan hiếm, phải dùng nước bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

LTS: Mới đây, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ TN-MT) công bố kết quả điều tra 37 “làng ung thư” trên toàn quốc, trong đó cảnh báo riêng nông thôn Hà Nội có 2 trong số 10 "làng ung thư" có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất. Đó là làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) và Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ), gây lo ngại trong dư luận. Đáng quan tâm là trong khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng như vậy nhưng tại khu vực ngoại thành, nhiều làng có nguồn nước ngầm bị ô nhiễm nặng hoặc khan hiếm, phải dùng nước bẩn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Bài 1: Những người sống trong sợ hãi...

Đã hơn 10 năm nay, người dân thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ ) và thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) dù biết rõ nguồn nước độc hại nhưng vẫn phải sử dụng. Cũng từ đó, căn bệnh ung thư quái ác cũng như các loại bệnh khác ám ảnh từng nhà, gây tâm lý lo sợ cho nhiều người dân.

Hệ thống lọc nước giếng khoan của nhà bà Bùi Thị Hạnh, xã Đông Lỗ.


"Ốc đảo"… ô nhiễm

Một ngày sinh hoạt ở nhà bà Bùi Thị Hạnh tại thôn Thống Nhất được quy định rành mạch là nước ăn, uống chỉ được sử dụng từ bể nước mưa, còn nước tắm, giặt... sử dụng từ bể lọc nguồn nước giếng khoan. Vì phải dùng 2 nguồn nước cho sinh hoạt hằng ngày nên nhà bà Hạnh phải đầu tư đường ống riêng cho 2 bể nước khá tốn kém. Đối với bể chứa nước mưa có dung tích khoảng 6m3, đến đầu mùa mưa sẽ được thau rửa sạch cho cả năm sử dụng. Còn với bể lọc nước giếng khoan thì cứ 1 đến 2 lần bơm để lắng là phải thau rửa một lần. Việc thau bể cũng tốn nhiều công sức vì bể chứa nước thô có dung tích khoảng 3m3 phải đặt ở vị trí cao nhất mới đủ áp lực đẩy vào ngăn lọc và bể chứa.

Quan sát bể lắng của nhà bà Hạnh, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nước trong bể mới bơm từ đầu giờ buổi sáng nhưng đến gần trưa đã nổi một lớp váng màu vàng khá dày, nước bên dưới đục như nước ao, có mùi tanh rất khó chịu. Bà Hạnh nói: "Nước ngầm bơm lên sẽ để ở bể lắng khoảng 4 đến 5 ngày. Đến khi tháo nước qua ngăn lọc, bể lắng còn lại một lớp bùn dày khoảng 5cm màu gạch cua, trông rất sợ! Mỗi lần như vậy chúng tôi đều phải thau rửa sạch sẽ trước khi bơm đợt nước mới vào". Hệ thống lọc là một ngăn có diện tích khoảng gần 1m2, được bà Hạnh nhồi một lớp cát đen, một lớp cát vàng và than, nước thô được đưa vào theo chiều ngang, đẩy từ dưới đáy ngăn lọc, rồi chảy sang bể chứa. Dù đã được xử lý khá kỹ nhưng nước sau khi lọc ở bể chứa vẫn nổi một lớp váng màu trắng đục. Bà Hạnh nói giọng lo lắng: "Nước này chỉ dùng vào tắm, giặt thôi nhưng chúng tôi rất ngại khi vẫn phải sử dụng hằng ngày. Ai biết được khi tắm giặt nước không bảo đảm vệ sinh này sẽ không gây nên bệnh cho con người!".

Ở nhà bà Nguyễn Thị Rình cùng thôn Thống Nhất, mô hình sử dụng nước giống như nhà bà Hạnh. Bà Rình cũng phải xây một bể nước mưa dung tích lớn cùng một hệ thống lọc nước ngầm quy mô để sử dụng vào các nhu cầu ngoài ăn, uống. Bà Rình cho biết, "chỉ những gia đình kinh tế khá giả mới mua được máy lọc nước hiện đại, còn đại đa số phải dùng nước ăn, uống trực tiếp từ nước mưa". Gia đình bà Rình có 6 người nên bể nước mưa chứa được khoảng 5m3 phải sử dụng tiết kiệm, đặc biệt là trong những tháng mùa khô thì mọi người trong gia đình luôn phải nhắc nhở nhau sử dụng nước tiết kiệm.

Thôn Thống Nhất được ví như một "ốc đảo" bởi nằm cách biệt với các thôn khác của xã Đông Lỗ. Muốn sang địa phận thôn, từ trung tâm xã phải đi qua một cây cầu bắc qua sông Nhuệ. Thôn được bao bọc bởi con sông Nhuệ có tiếng là ô nhiễm nặng, dòng nước luôn đen kịt và bốc mùi hôi thối. Theo người dân trong làng, từ nhiều năm trước, người dân vẫn "vô tư" sử dụng nguồn nước ngầm cho sinh hoạt hằng ngày. Vào khoảng năm 2008, sau khi có kết quả xét nghiệm hơn 100 mẫu nước từ các giếng khoan trong làng của Sở Khoa học công nghệ Hà Tây (cũ) người dân mới kinh hoàng biết bấy lâu nay họ phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm Asen rất cao, một trong những căn nguyên có thể gây nên căn bệnh ung thư. Trước thông tin này, người dân trong xã đã bảo nhau xây dựng bể chứa nước mưa để sử dụng vào việc ăn uống hằng ngày. Theo Bí thư Chi bộ thôn Thống Nhất Nguyễn Trung Dũng, hiện nay 100% số hộ dân trong thôn có bể chứa nước mưa dùng để ăn uống và bể lọc nước giếng khoan dùng tắm, giặt... Vẫn theo ông Dũng, trước đây cơ quan chức năng đã hỗ trợ cho hơn 70 hộ dân (trên tổng số 347 hộ dân trong thôn) thuộc diện chính sách, hộ nghèo bình lọc nước inox và xây dựng bể lọc nước, tuy nhiên, đến nay những bình lọc nước này không thể sử dụng vì bị tắc, người dân đành quay lại bể lọc thủ công như cũ.

Tương tự, tại thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên, cùng Trưởng thôn Phạm Ngọc Kiên trực tiếp "mục sở thị" một số giếng khoan tại thôn Lũng Vỵ và tiếp xúc với người dân nơi đây, chúng tôi phần nào hình dung về tình trạng ô nhiễm nguồn nước đã và đang ở mức "báo động đỏ". Theo ông Kiên, thôn Lũng Vỵ hiện chưa có nước sạch, người dân chủ yếu dùng nước giếng khơi (nước bề mặt) để sinh hoạt. Nhưng nguồn nước dần cạn kiệt nên mỗi năm cả thôn có tới 4-5 tháng thiếu nước. Để khắc phục, người dân phải chủ động xây bể chứa nước mưa để lấy nước sinh hoạt, riêng nước uống hầu hết các gia đình chọn giải pháp mua nước đóng chai, rất tốn kém. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguồn nước mưa cũng dồi dào nên bà con vẫn phải tận dụng nguồn nước gạn vàng khè, đục ngầu từ giếng lên dùng tạm. Có nơi 8-10 nhà dùng chung một miệng giếng.

Tại giếng khoan "công cộng" nằm giữa thôn, chúng tôi đếm được hơn chục ống hút máy bơm. Giếng khoan có độ sâu chừng 6-7m, cạn trơ đáy, lộ ra không biết cơ man nào vỏ chai, lọ... Nước dưới giếng chỉ còn chừng gang tay, có màu vàng khè và nổi váng sắt. Bà Đỗ Thị Hoa (46 tuổi) một hộ dân sống đối diện khu vực giếng khoan cho biết, gia đình bà và con trai với hơn chục miệng ăn đều sống nhờ cái giếng này. Nhìn bằng mắt thường cũng biết nước bẩn nhưng cũng chỉ biết xây bể lọc cho cặn bẩn lắng xuống rồi sử dụng. "Chỉ trong mấy năm gần đây mà người trong thôn chết bệnh nhiều quá, hầu hết là bệnh ung thư. Rồi thấy các đoàn kiểm tra nói nước nhiễm nhiều chất kim loại độc hại cho sức khỏe nên hằng ngày gia đình phải mua bình nước lọc cho trẻ con uống, còn người lớn thì vẫn sử dụng nước giếng. Vừa dùng nước vừa lo, không biết rồi đây tương lai sẽ thế nào..." - bà Hoa bức xúc. Theo bà Hoa, "nếu các cơ quan chức năng và chính quyền không sớm có cách gì cải thiện nguồn nước cho dân thì chúng tôi rất lo ngại...".

Bệnh ung thư "gõ cửa"

Khoảnh đất của đại gia đình bà Nguyễn Thị Tuất (70 tuổi) nằm khuất trong con ngõ nhỏ ngay giữa làng Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội). Vừa bước vào cổng, một không khí lạnh lẽo, u ám đã bao trùm. Trên khoảng sân trước ngôi nhà cấp 4 nằm xiêu vẹo, chị Bùi Thị Nương, con dâu thứ của bà Tuất đang lặng lẽ ngồi chẻ nan. Dáng người mảnh mai, xiêu vẹo như chính ngôi nhà của chị. Trong ngôi nhà trống hoác, không có một vật dụng gì đáng giá, chị Nương lặng lẽ lau nước mắt: "Gia đình chồng tôi có 5 anh em trai, sau khi lập gia đình, 4 người lần lượt được bố mẹ cắt đất, xây nhà sống quây quần trên cùng khu đất. Công việc đồng áng tuy vất vả, cuộc sống gia đình tuy không dư dật nhưng ai cũng đủ ăn, không khí gia đình luôn vui vẻ, đầm ấm. Ai ngờ, chỉ sau mấy năm, cuộc sống bây giờ chỉ toàn nước mắt, không biết tương lai rồi sẽ ra sao?..". Tai họa bắt đầu ập xuống gia đình cụ Tuất liên tiếp trong vài năm, năm nào cũng hứng chịu đại tang, bất lực nhìn những người đàn ông trong gia đình lần lượt đau đớn đi vào cõi chết. Năm 2011, con trai út của cụ Tuất, anh Đỗ Văn Tám, một thanh niên khỏe mạnh, đang ở độ tuổi sung sức bỗng nhiên lên cơn đau ngực, ho ra máu. Ngay lập tức, anh Tám được gia đình đưa đến bệnh viện khám, nhưng đã quá muộn. Căn bệnh ung thư phổi đã ở giai đoạn cuối. Dù được gia đình tận tình chăm sóc, anh Tám chỉ cầm cự được vài tháng rồi ra đi ở tuổi 28. Nỗi đau chưa kịp lắng thì đến lượt anh Đỗ Văn Luyện - chồng chị Nương, sinh năm 1970 cũng mắc bệnh ung thư phổi. Kinh tế gia đình vốn không dư dả, từ khi anh Luyện ốm, của nả trong nhà cứ lần lượt "đội nón ra đi". Nhưng mất của vẫn không cứu được người, anh Luyện mất cuối năm 2012. Nỗi đau tiếp tục giáng xuống ngôi nhà của cụ Tuất khi năm 2013 anh Đỗ Văn Ba, sinh năm 1972 mất vì bệnh ung thư gan, năm 2014 bệnh ung thư tụy lại cướp đi mạng sống của anh Đỗ Văn Huấn, sinh năm 1966, con trai cả trong gia đình.

Khi chúng tôi đến thăm, cụ Tuất chỉ ngơ ngác cười, không nói được thành câu. Dường như nỗi đau quá lớn của phận người, khi "Lá vàng còn ở trên cây/ Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời...", khiến cụ mất đi cảm giác. Chị Nương sụt sùi lau nước mắt: "Từ lâu nay, năm nào làng này cũng có người mất vì ung thư, vì bệnh hiểm nghèo, nhưng gia đình tôi là đau đớn nhất. Hiện nay chú Đỗ Văn Hoạch (sinh năm 1974) cũng đang bị bệnh viêm gan B rất nặng. Cả gia đình tôi bây giờ chỉ còn biết cầu trời khấn Phật?". Sau cái chết của anh Đỗ Văn Tám, vợ anh do quá buồn khổ cũng bỏ đi xa làm ăn, để lại đứa con mới 7 tuổi cho cụ Tuất nuôi dưỡng. Không có lương hưu, không có thu nhập, hai bà cháu sống nhờ vào sự trợ giúp của các cô, các bác và số tiền ít ỏi từ nghề chẻ lạt của cụ để rau cháo qua ngày. "Không hiểu sao gia cảnh của gia đình tôi đã bi đát đến thế này mà năm lần, bảy lượt xin được hưởng trợ cấp hộ nghèo cho mẹ tôi, xã vẫn chưa đồng ý!?" - chị Nương nức nở.

Ông Phạm Ngọc Kiên, Trưởng thôn Lũng Vỵ cho biết, cả thôn có hơn 400 hộ với hơn 2.000 nhân khẩu, theo sổ ghi chép của ông thì năm 2014 thôn Lũng Vỵ có 12 người tử vong, trong đó đa số ở độ tuổi dưới 60, người trẻ nhất chưa đầy 30 tuổi. "Tôi mới được bầu làm trưởng thôn nên không nắm rõ số người tử vong từ các năm trước đó. Người dân đau ốm, đi bệnh viện tôi cũng không nắm hết được. Chỉ khi gia đình có người thân tử vong, phải tổ chức đám tang thì tôi mới biết để ghi chép trong sổ tử" - ông Kiên phân trần.

Tiếp xúc với PV Báo Hànộimới, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên tỏ ra rất e dè trong việc cung cấp thông tin, bởi theo ông: "Xã chúng tôi không thích biệt danh "làng ung thư" được gán cho Đông Phương Yên như cách báo chí nói". Tuy nhiên, chính ông Tiến thừa nhận số người tử vong năm 2014 ở thôn Lũng Vỵ không phải con số 12 người, mà thực chất phải lên tới 18-19 người. "Hiện xã chưa có con số chính xác, nhưng sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu Trạm trưởng Trạm Y tế xã thống kê con số chính xác" - ông Tiến nói. Khi được hỏi về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và tỷ lệ tử vong do mắc bệnh hiểm nghèo tăng vọt ở làng Lũng Vỵ thời gian qua, ông Tiến cho biết: "Về nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước thì chúng tôi không rõ. Mấy năm trước có nghe dân phản ánh về tình trạng ngứa ngáy, dị ứng chân tay mỗi khi ra đồng làm ruộng. Nhưng kể từ khi một số nhà máy chuyển đi khỏi địa phương thì hiện tượng này không còn tái diễn nữa. Vài năm trở lại đây có nghe người dân kêu ca về việc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Thi thoảng xã cũng đón các đoàn về lấy mẫu nước để làm xét nghiệm, nghe nói nước bị nhiễm kim loại, ô nhiễm khá nặng, nhưng chúng tôi cũng chưa có biện pháp nào để giúp bà con khắc phục tình trạng này" (!?). Bất ngờ hơn, liên hệ với ông Nguyễn Minh Ngọc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ để tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở Lũng Vỵ, ông Ngọc cho biết chưa từng nghe thông tin nào về "làng ung thư" ở Đông Phương Yên nên không thể trả lời PV, sau đó ông dập máy.

Tại thôn Thống Nhất, trao đổi về thông tin trong những năm qua ở thôn có nhiều người chết bởi căn bệnh ung thư, ông Đinh Quang San, Chủ tịch xã Đông Lỗ cho biết, trong 10 năm trở lại đây có 23 trường hợp tử vong bởi nhiều loại bệnh khác nhau. Ông San cho rằng, cái "danh" "làng ung thư" mà thôn Thống Nhất bị gán thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong thôn. Ông San thừa nhận: "Nguồn nước tại thôn Thống Nhất đang bị ô nhiễm nặng, tuy nhiên không riêng gì thôn này mà dọc trục sông Nhuệ cũng có rất nhiều thôn làng khác trong tình trạng tương tự, thậm chí một số khu vực tỷ lệ nhiễm asen còn cao hơn". Ông San còn đưa ra một nguy cơ khác là trong sinh hoạt ăn uống, người dân thôn Thống Nhất thường có thói quen uống rượu vào buổi sáng, đây cũng có thể là một trong những căn nguyên ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những người sống trong sợ hãi...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.