Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nguồn nước ô nhiễm nặng

Quang Đạo - Hiệp Nga| 13/03/2015 06:41

(HNM) - Nguồn nước ô nhiễm nặng trong khi chưa biết đến bao giờ người dân mới được sử dụng nước sạch để bảo đảm sức khỏe là tình trạng chung ở nhiều thôn làng vùng ngoại thành Hà Nội.


Thực trạng đáng lo ngại

Theo kết quả phân tích chất lượng nước năm 2014 tại xã Đông Lỗ của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (NSH&VSMTNT) cho thấy, khi lấy mẫu ngẫu nhiên tại gia đình các ông, bà: Nguyễn Công Chức (thôn Thống Nhất); Dương Văn Mạnh, Tạ Thị Vân (thôn Ngọc Trục); Đào Văn Vui (thôn Mạnh Tân); Nguyễn Thị Thúy (thôn Nhân Trai); Phùng Ngọc Sơn (thôn Đào Xá); Trần Thị Hạnh, Nguyễn Hồng Tuyên (thôn Viên Đình), đều không đạt theo tiêu chuẩn QCVN 02/2009-BYT (mức độ II). Mở rộng trên địa bàn huyện Ứng Hòa, theo khảo sát ở 9 trạm cấp nước và 212 mẫu nước ở 16 xã đã cho kết quả đáng báo động. Tại 9 trạm nước, chất lượng nước không đạt quy chuẩn ở các chỉ số như màu sắc, hàm lượng amoni, clo dư, chỉ số pec manganat...; ở 212 mẫu nước thì có đến 94 mẫu không đạt quy chuẩn, chiếm 44,3%.

Nguồn nước ở thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa không đạt tiêu chuẩn mức độ II. Ảnh: Đức Nghiêm


Phó Giám đốc Trung tâm NSH& VSMTNT Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho biết, sau 2 đợt lấy mẫu năm 2014, trung tâm đã thông báo với huyện Chương Mỹ cảnh báo các trạm cấp nước sạch có chất lượng nước không đạt quy chuẩn Việt Nam 02/2009/BYT ở các chỉ số như hàm lượng amoni (NH4), hàm lượng clo dư và chỉ số pecmanganat… đều vượt mức cho phép. Kết quả tại các bể chứa nước hộ gia đình lấy mẫu ở 180 hộ đại diện tại 15 xã có 73/180 mẫu không đạt QCVN 02/2009/ BYT, chiếm tỷ lệ 40,6% trong đó nhiều chỉ số vượt cao như chỉ số pH, hàm lượng sắt, vi sinh vật tổng số (coliforms), NH4… Tại xã Đông Phương Yên, theo kết quả phân tích của Trung tâm NSH& VSMTNT ở 12 hộ thì có 6 hộ không đạt theo quy chuẩn. Đáng lo ngại hơn là nước dùng tại Trạm Y tế và Trường Mầm non của xã Đông Phương Yên đều không đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Ông Lê Văn Dương, Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội cho biết, hằng năm, Trung tâm NSH& VSMTNT Hà Nội đều tiến hành 2 đợt lấy mẫu và phân tích mẫu nước tại các trạm cấp nước tập trung nông thôn và tại các bể chứa nước nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Mới đây nhất năm 2014, trung tâm đã tiến hành 2 đợt lấy mẫu vào tháng 4 và tháng 9 tại 73/78 trạm cấp nước tập trung và 2.400 mẫu tại các bể chứa nước nhỏ lẻ tại các hộ dân. Kết quả 2 đợt lấy mẫu, mỗi đợt đều lấy 73 mẫu và phân tích mẫu nước theo quy chuẩn Việt Nam 02/2009/BYTcho thấy cả 2 đợt tổng số 73 mẫu đều không đạt quy chuẩn. Các trạm cấp nước về cơ bản mới xử lý được các chỉ số như asen, coliforms, ecoli... còn lại hầu hết các chỉ số như pecmanganat, amoni... đều vượt quy chuẩn do hầu hết các trạm đã xây dựng từ lâu, dây chuyền công nghệ lạc hậu. Qua kết quả phân tích mẫu tại các trạm cấp nước tập trung cho thấy hiện nay vấn đề ô nhiễm nguồn nước, nhiễm bẩn về amoni, nồng độ amoni tại nhiều trạm cao gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Đối với các bể chứa nước nhỏ lẻ tại hộ gia đình trong số 2.400 mẫu trên địa bàn 16 huyện cho thấy có tới 956 mẫu không đạt tiêu chuẩn. Kết quả phân tích tại các mẫu nước trong khu vực này cho thấy tỷ lệ các mẫu bị nhiễm bẩn vi sinh, nhiễm bẩn hữu cơ, nhiễm bẩn amoni hoặc hàm lượng sắt tổng vượt tiêu chuẩn cho phép.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Nội Đỗ Quý Hùng cho rằng, hiện tại nhận thức của một bộ phận người dân về Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chưa cao, nhiều nơi đã có trạm cấp nước nhưng không sử dụng. Do thói quen tập quán sử dụng nước giếng khoan và bể nước mưa nên nhiều địa phương sau khi xây dựng trạm cấp nước, việc vận động người dân sử dụng nước máy rất vất vả. Họ ngại đóng tiền nước, không muốn bỏ tiền mua ống đấu nối nước vào nhà, không mua công tơ dẫn đến nhiều trạm hoạt động không được một nửa công suất nên nguồn thu không đủ hạch toán trang trải cho bộ máy quản lý và kinh phí để sửa chữa đường ống khi hư hỏng. Bên cạnh đó có một nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng nước sạch của các trạm cấp nước chưa cao là do chất lượng nước của các trạm cấp nước còn thấp chưa đạt tiêu chuẩn QCVN 02/2009/BYT của Bộ Y tế.

Thực trạng khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội đang rất thiếu và nghèo nguồn nước khiến nhiều vùng vào mùa khô không có nước hoặc trữ lượng nước thấp. Đã thiếu nguồn nước lại không bảo đảm vệ sinh bởi nhiều con sông đang bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ngầm, không đáp ứng yêu cầu cho đời sống sinh hoạt. Đến thời điểm này Hà Nội mới có 106 trạm cấp nước tập trung nông thôn, trong đó có 78 trạm hoạt động ổn định đang cấp nước cho khoảng 286.000 người. Mặc dù số lượng trạm cấp nước còn ít nhưng hiệu suất hoạt động của các trạm không cao, chỉ có 17,95% số trạm hoạt động hết và vượt công suất còn lại đa số các trạm chỉ hoạt động ở mức thấp, nhiều trạm hoạt động cầm chừng theo mùa chỉ đạt 30-60% công suất. Nguyên nhân của việc các trạm chưa hoạt động hết công suất chủ yếu là do nhu cầu dùng nước của các hộ dân chưa cao, trong điều kiện đời sống kinh tế còn thấp, phần đông các hộ xây bể chứa nước mưa để ăn uống chỉ dùng nước máy cho tắm giặt.

Người dân tự đầu độc chính mình?

Thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) và thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ) chỉ là 2 trong số 37 thôn (thuộc 22 tỉnh, thành phố) nằm trong dự án "Điều tra, tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ cấp nước sinh hoạt cho một số "làng ung thư" của Việt Nam" do Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Trung tâm TNN) - thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện năm 2012. Đặc điểm chung tại các làng này là nguồn nước hầu như đều bị ô nhiễm hoặc khan hiếm, số người tử vong do ung thư và các bệnh hiểm nghèo cao bất thường. Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm TNN cho biết, danh sách "làng ung thư" không phải do trung tâm lập ra mà được tham khảo từ các nguồn thông tin do Bộ Y tế cung cấp để lấy căn cứ tiến hành khảo sát về chất lượng nguồn nước. Trong quá trình khảo sát và đi thực địa, các cán bộ tiến hành lập danh sách người tử vong do ung thư và các bệnh hiểm nghèo tại các thôn trong khoảng thời gian khá dài, từ 5 năm đến 20 năm. Số liệu điều tra của trung tâm cũng cho thấy, hầu hết các làng nằm trong danh sách đều có mẫu nước bị ô nhiễm coliforms, ecoli (gây tiêu chảy), nhiễm kim loại nặng (nhôm, sắt, asen, mangan…), đặc biệt, nhiều mẫu nước nhiễm thuốc sâu, thuốc diệt cỏ (benzen, bentazone)...

Theo ông Bạch Ngọc Quang, Trưởng ban Điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất thuộc Trung tâm TNN: "Tại mỗi thôn chúng tôi chỉ lấy 6 mẫu nước. Nơi lấy mẫu là các địa điểm dự kiến ô nhiễm nặng như: Giếng ăn gần cống rãnh, ao chứa nước thải, gần gia đình có người tử vong vì ung thư… nên tỷ lệ mẫu nước bị ô nhiễm lớn". Đáng lưu ý, theo ông Quang, hầu hết 37 làng trong danh sách nghiên cứu đều có làng nghề, tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp hoặc chế biến lương thực thực phẩm. Đây rất có thể là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, thói quen sinh hoạt bừa bãi, mất vệ sinh của người dân cũng khiến họ trở thành nạn nhân của chính mình. "Thông thường các giếng khơi, giếng khoan chỉ có độ sâu từ vài mét đến vài chục mét, do đó về bản chất người dân đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt được thẩm thấu từ bề mặt. Thói quen, phong tục tập quán của người dân khiến họ tự làm nhiễm độc nguồn nước rồi lại tái sử dụng. Vô hình trung, họ đang tự đầu độc chính mình" - ông Quang nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nguồn nước ô nhiễm nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.