Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Bao giờ có giải pháp đồng bộ?

Nhóm PV Báo Hànộimới| 28/03/2015 07:18

(HNM) - Có thể nói, công tác quản lý đê điều ở Hà Nội hiện nay có rất nhiều bất cập. Hệ lụy là các hành vi vi phạm pháp luật (như số báo trước đã đề cập) tiếp tục là vấn đề


Không thể chạy theo vi phạm

Việc phân định trách nhiệm giữa chính quyền và các cơ quan quản lý đê điều đã được quy định tại Quyết định số 14/2014/QĐ-UBND "Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội" của UBND thành phố ban hành ngày 14-3-2014. Đây là căn cứ quan trọng trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn nhưng thực tế việc thực hiện quy định này đang có vấn đề. Theo quy định, khi nhận được hồ sơ vi phạm do Hạt Quản lý đê chuyển đến, chậm nhất trong thời gian 24 giờ, chính quyền cấp xã phải tiến hành các trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp vượt quá thẩm quyền (mức phạt trên 5 triệu đồng) lập hồ sơ báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện xử phạt.

Kè đá hộ chân chống sạt lở bờ hữu sông Hồng trên địa bàn xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ.


Về vấn đề này, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội phàn nàn: Chi cục chỉ có thẩm quyền phát hiện, lập biên bản các trường hợp vi phạm và báo với chính quyền để xử lý. Do vậy, chỉ khi chính quyền thực sự vào cuộc thì mới giải quyết được vấn đề. Nếu chính quyền xã, phường, thị trấn chậm xử lý thì chi cục cũng chỉ biết báo lên cấp trên là Sở NN&PTNT, từ đó, đề nghị huyện phối hợp giải quyết, nếu vẫn không được thì Sở NN&PTNT lại báo cáo... UBND thành phố. Như vậy phần nào có thể thấy chính quyền các cấp và cơ quan chức năng đang phải chạy theo vi phạm để xử lý nên không mang lại hiệu quả. Thêm nữa, công tác tuyên truyền vận động người dân chấp hành pháp luật đê điều ở cơ sở cũng chưa tạo được chuyển biến tích cực. Theo ông Đỗ Đức Thịnh, chính quyền địa phương nhiều việc và vẫn còn tình trạng nể nang, ngại va chạm, thậm chí còn né tránh trách nhiệm.

Một bất cập khác mà cơ quan quản lý đê điều đã chỉ ra từ nhiều năm trước là việc thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý lòng sông, bờ bãi sông và hệ thống đê điều. Một ví dụ điển hình là Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp phép hoạt động bến thủy nội địa, neo đậu tàu thuyền cho các tổ chức, cá nhân, nhưng không có thỏa thuận của cơ quan quản lý đê điều và chính quyền địa phương... nên đã gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở bãi sông.

Xây dựng công trình là một trong những biện pháp ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật đê điều. Nhưng, có một thực tế là, nơi nào làm được thì ngăn được vi phạm, nơi nào chưa làm được thì vi phạm vẫn bung ra. Đối với dự án làm hành lang ngăn chặn vi phạm đê điều, ngoài khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí đầu tư xây dựng công trình cũng là một trở ngại. Đơn cử như dự án nâng cấp cải tạo đê tả Đáy đoạn từ xã Đồng Tiến đến thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa) dài 5km được triển khai từ năm 2009. Sau hơn 5 năm, dự án vẫn dừng ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa biết đến bao giờ mới xây dựng được công trình chống lấn chiếm hành lang đê điều. Đối với các dự án cắm mốc giới, ngoài chuyện thiếu kinh phí, việc phân định ranh giới cũng khá phức tạp, bởi nhiều tuyến đê lồi lõm, nhiều đoạn cong nên khó xác định chân đê ở đâu. Có những nơi, đê có sau và nằm trên đất thổ cư của người dân đã ở lâu đời. Trong khi đó, luật chỉ quy định một chiều, như ở thị trấn Vân Đình là một ví dụ, cơ quan chọn phương án lấy tim đê để xác định mốc giới, nhưng việc xác định tim, mép đê cũng không dễ, do địa hình không ổn định.

Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, qua rà soát, đến ngày 31-10-2013, toàn thành phố có 251 khu dân cư, diện tích hơn 224ha với 6.744 hộ dân và 30.177 nhân khẩu nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều; 197 khu dân cư, diện tích gần 2.855ha với 30.230 hộ dân và 129.567 nhân khẩu nằm trong chỉ giới thoát lũ. Di dời những khu dân cư đã tồn tại lâu đời (có nơi đến 300 - 400 năm) nằm trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ dọc các tuyến sông của Hà Nội là câu chuyện không đơn giản. Theo quy định tại Nghị định số 113/2007/NĐ-CP của Chính phủ, phải tổ chức di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê tối đa 2 năm, ở bãi sông không phù hợp quy hoạch tối đa 5 năm, kể từ khi Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Tuy nhiên, các địa phương trên địa bàn chưa thể triển khai theo quy định này.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 17/2009/NQ-HĐND ngày 11-12-2009, phê duyệt "Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020". Theo đó, đi đôi với công bố quy hoạch, tiến hành cắm mốc chỉ giới thoát lũ, chỉ giới xây dựng trên thực địa, triển khai các giải pháp kỹ thuật bảo đảm thoát lũ, an toàn đê điều, tổ chức việc di chuyển, tái định cư khoảng 17.000 hộ dân nằm trong chỉ giới thoát lũ. Khái toán kinh phí thực hiện quy hoạch 100.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn đến năm 2015 là 40.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí đầu tư nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện.

Chế tài và sự phối hợp

Nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm và xử lý hành vi vi phạm luật đê điều một cách triệt để, thành phố cần thực hiện ngay việc cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê, chỉ giới thoát lũ làm cơ sở cho công tác quản lý. Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu bổ, xây dựng đường hành lang đê, dốc lên đê; nâng cấp, gia cố mặt đê với quy mô và kết cấu phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế tình trạng lấn chiếm, xâm hại đến hệ thống công trình đê điều …

Trao đổi với PV Báo Hànộimới, ông Phùng Văn Thạch, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Phú Xuyên kiến nghị thành phố tăng chế tài xử phạt đối với các chủ phương tiện vi phạm. Những trường hợp cố tình vi phạm làm hư hỏng mặt đê ngoài việc phải hoàn trả hiện trạng, có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, phải quy trách nhiệm cụ thể đối với lãnh đạo các xã, thị trấn để xảy ra nhiều vi phạm. Cũng theo ông Thạch, đối với tuyến đê hữu Hồng giải pháp trước mắt là xây dựng các trụ mố hạn chế xe tải trọng ở các vị trí như thị trấn Phú Minh, xã Quang Lãng và các điểm dốc lên đê. Đồng thời phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra huyện tổ chức tuần tra canh gác xử phạt nghiêm khắc các chủ xe đi trên đê.

Về các giải pháp phi công trình, ông Đào Quốc Vương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì cho rằng, trong xử lý vi phạm cần kiên quyết, nghiêm túc, dứt điểm, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt các trường hợp cố tình vi phạm, tái phạm, vi phạm hành chính nhiều lần; tập trung xử lý vụ việc xảy ra ở những vị trí trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ. Về vấn đề liên kết, phối hợp phòng, chống vi phạm, ông Đỗ Đức Thịnh kiến nghị cần sớm khắc phục tình trạng chồng chéo trong công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ trên cùng một dòng sông giữa các ngành liên quan. Theo đó, lực lượng Công an thành phố tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp hút cát trái phép ở lòng sông; phối hợp với Thanh tra Giao thông và đơn vị liên quan ngăn chặn xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải đi trên đê và các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở bãi sông và công bố công khai theo quy định tại Luật Đê điều; cắm mốc ngoài thực địa các khu vực đã quy hoạch theo Quyết định số 711/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Sở NN&PTNT tăng cường quản lý về thoát lũ và an toàn công trình đê điều…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bao giờ có giải pháp đồng bộ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.