Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Khi “con sâu làm rầu nồi canh”

Tiến Thành| 28/06/2015 06:01

LTS: Những năm gần đây, hình ảnh người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã không còn xa lạ. Bên cạnh những người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam vẫn còn không ít cá nhân vi phạm trong văn hóa ứng xử, lối sống...

LTS: Những năm gần đây, hình ảnh người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã không còn xa lạ. Bên cạnh những người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật Việt Nam vẫn còn không ít cá nhân vi phạm trong văn hóa ứng xử, lối sống gây mất an ninh trật tự và an toàn xã hội hoặc cao hơn nữa là phạm pháp hình sự. Điều đáng nói là việc xử lý những vụ việc nêu trên của cơ quan chức năng còn nhiều khó khăn, bất cập, do bị ràng buộc bởi những quy định có liên quan tới "vi phạm có yếu tố người nước ngoài"… Tại TP Hồ Chí Minh, xung quanh vấn đề này có không ít câu chuyện dở khóc, dở cười!

Bài 1: Khi “con sâu làm rầu nồi canh”

Không chỉ ở những khu "phố Tây" mà ngay cả các khu chung cư, căn hộ cao cấp như Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP Hồ Chí Minh), cư dân cũng như ban quản lý không ít lần dở khóc, dở cười với cách hành xử của một bộ phận người nước ngoài sinh sống tại đây. Có những "ông Tây" say xỉn đi vệ sinh ngay tại thang máy. Có cặp người nước ngoài lại "sinh hoạt" rất thoáng ở hành lang, cửa sổ khiến cư dân nhiều phen đỏ mặt…

Thông dịch tiếng Việt cho nhóm tội phạm nước ngoài bị bắt.


Từ lời ăn, tiếng nói...

Khu vực đường Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP Hồ Chí Minh) còn được gọi là "phố Tây" bởi nơi đây tập trung nhiều du khách nước ngoài đến lưu trú khi đi du lịch, vì thế khu vực này về đêm cũng nở rộ các dịch vụ dành cho người nước ngoài muốn khám phá văn hóa bản địa. Từ 22h, cả tuyến đường Bùi Viện trở thành "con đường bia bọt" lớn nhất thành phố. Hàng trăm du khách ngoại quốc trải giấy báo, ni lông ngồi la liệt trên vỉa hè. Chỉ hơn 1 giờ đồng hồ sau khoảng thời gian trên, không ít du khách sau chầu nhậu đã ngà ngà say bắt đầu nhún nhảy. Thường thì họ sẽ say sưa nhảy và hát bằng tiếng Anh, kích thích ánh mắt tò mò, hiếu kỳ của những người đi đường. Chừng 20 phút sau, khi men bia rượu ngấm hơn, cả nhóm này chạy ra giữa đường nhảy nhót, mặc kệ những cái nhíu mày khó chịu của dòng người đang lưu thông trên đường bị tắc nghẽn.

Anh Phạm Văn Hùng (quê Hải Dương), làm nghề bán trứng nướng tại khu vực "phố Tây" cho biết, những hành động trên của khách du lịch là chuyện xảy ra thường ngày. Anh Hùng nói, khi bắt đầu vào nghề, vốn ngoại ngữ có hạn nên có lần khách sau khi uống say đã gây lộn với anh khi cả hai bên bất đồng ngôn ngữ. Còn theo người dân trong khu vực, những vị khách nước ngoài hay quậy có đến 90% là đối tượng đi du lịch bụi, thường được gọi là "Tây ba lô", thích tự do và đầy cá tính, lối sống phức tạp. Các chủ quán "ngán" nhất lúc họ nhậu say ói mửa, la hét, thậm chí nằm lăn ra đường… ngủ luôn.

Không chỉ nơi công cộng, chúng tôi tìm đến nơi tập trung hàng loạt nhà nghỉ giá rẻ cho khách nước ngoài thuê trọ trên đường Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão… để mục sở thị cuộc sống của người thuê trọ ở đây. Tại nhà nghỉ ở số 11/6 hẻm 241, đường Bùi Viện, một người tạp vụ ở đây ngao ngán: "Mỗi căn phòng ở đây chỉ hơn chục mét vuông với một giường nhưng đôi khi lại có 3-4 khách ngoại ở để tiết kiệm chi phí. Có khi họ nhậu say về rồi nôn mửa ra phòng, nên công việc của chúng tôi rất cực". Người dân trong khu vực cũng cho biết, có khi nửa đêm, thậm chí gần sáng, không ít người đi nhậu, đi bar về nói cười oang oang ầm ĩ cả khu phố, khiến không ít gia đình có trẻ nhỏ khó chịu. Có ông bí quá còn biến tường nhà, chậu cây cảnh của khách sạn thành… nhà vệ sinh.

Trung tá Nguyễn Văn Phước, Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão cho biết, khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh sinh hoạt thường trái múi giờ. Họ thường xuyên ăn uống, vui chơi giải trí vào đêm khuya, nên buộc lực lượng chức năng cũng phải thay đổi giờ giấc làm việc. Ban ngày là công tác chuyên môn được giao, ban đêm là tuần tra kiểm soát tất cả khu vực. Giờ cao điểm của khu vực "phố Tây" rất oái oăm, từ 23h hôm trước đến 2h hôm sau, có khi kéo dài đến 4-5h sáng khiến lực lượng công an rất vất vả.

Không chỉ khách du lịch nước ngoài lưu trú ngắn hạn, mà ngay một số người đang làm việc dài hạn, sinh sống tại những khu đô thị lớn cũng có những hành động... khó coi. Anh Nguyễn Tiến Du, tổ phó quản lý khu phố thuộc Trung tâm Phục vụ khách hàng của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cho biết, hiện người nước ngoài chiếm tới 50% (gần 14 nghìn người) số lượng người sinh sống trong Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7), trong số đó phần lớn là thuê căn hộ. Với quốc tịch, màu da, nền văn hóa đa dạng như vậy, mặc dù đa số cư dân "ngoại" đều tuân thủ các quy định của khu đô thị, nhưng cũng có nhiều trường hợp làm ảnh hưởng đến cộng đồng. Cụ thể, theo anh Du, ở đây đã từng xảy ra việc có người nước ngoài nhậu say về đã nôn mửa, thậm chí phóng uế ra cầu thang máy của chung cư "xịn" bậc nhất TP Hồ Chí Minh này. Camera thang máy ghi nhận lại được tình trạng trên xảy ra nhiều lần nhưng cũng khó để có thể ngăn chặn. Bởi dù nội quy tại Phú Mỹ Hưng là cấm tổ chức liên hoan ăn uống tại nơi công cộng nhưng không ngăn được người nước ngoài ăn nhậu say xỉn ở nơi khác rồi về nhà.

Bi hài hơn, do cư dân "ngoại" đa dạng về nền văn hóa, nên cũng xảy ra trường hợp bên này là một đôi vợ chồng nước ngoài thường xuyên ăn mặc "mát mẻ" trong nhà ngoài ngõ nhưng đối diện nhà họ lại là một gia đình người Việt và họ ngày nào cũng phải nhìn thấy những hành động thiếu tế nhị của hàng xóm nên khá bức xúc. Thế là xảy ra cự cãi, đưa nhau lên ban quản lý giải quyết. Ban quản lý cũng chỉ biết hòa giải vì chưa có quy định cụ thể nào cho vấn đề nhạy cảm này. Đã vậy, công việc quản lý các cư dân ngoại ở Phú Mỹ Hưng cũng gặp khó khăn khi chỉ có 30 người trực tiếp quản lý, giải đáp những thắc mắc, khó khăn của hàng nghìn cư dân sinh sống tại đây.

Người nước ngoài uống bia say xỉn nằm ngoài đường.


... đến tham gia giao thông

Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP Hồ Chí Minh - PC 67), có không ít người nước ngoài thản nhiên vi phạm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi chủ yếu là: Không có giấy phép lái xe, lưu thông không đúng phần đường, đi vào đường cấm, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu... tập trung chủ yếu ở khu vực trung tâm như các Quận 1, 3, 5, 10. Hiện lực lượng chức năng vẫn gặp khó khăn khi xử phạt công dân nước ngoài phạm luật, một phần xuất phát từ những hạn chế trong khâu điều chỉnh các hành vi vi phạm, thẩm quyền, chế tài xử lý. Chẳng hạn, nói riêng về khâu phát hiện, điều chỉnh các hành vi vi phạm, lực lượng xử lý vi phạm ngoài trình độ chuyên môn phải có thêm khả năng ngoại ngữ, ứng biến linh hoạt... mới có thể giải thích cặn kẽ cho người nước ngoài phạm luật hiểu. Ngoài ra, một số đối tượng vi phạm còn có thái độ bất hợp tác như không chịu xuất trình giấy tờ, chống đối, bỏ xe lại nơi vi phạm (xe thuê) vì sợ khi được mời về cơ quan làm việc bị kiểm tra hộ chiếu.

Ông Lê Hồng Sơn - Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn giao thông và xử lý vi phạm (PC 67) cho biết: "Ngôn ngữ bất đồng cũng là tác nhân không nhỏ cản trở quá trình thực thi công vụ. Nhưng sống trong đất nước Việt Nam, phải chấp hành nghiêm pháp luật, Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông. Nếu người nước ngoài nào đó vi phạm, nghĩa là họ không tôn trọng pháp luật Việt Nam, lực lượng CSGT vẫn kiên quyết xử lý".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Khi “con sâu làm rầu nồi canh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.