Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Tham vọng quá lớn, "đại gia" thành kẻ "tội đồ"

Nhóm phóng viên PS-ĐT| 29/07/2015 06:41

(HNM) - Một nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vòng lao lý của một số

Những giải pháp "mạnh" với một số ngân hàng thời gian vừa qua, ở một khía cạnh có thể xem là tín hiệu tất yếu của quá trình sàng lọc khách quan, phù hợp với bức tranh tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều người nhận định: Tín hiệu này cho thấy các cơ quan bảo vệ pháp luật đã phát hiện nhiều sai phạm trong hệ thống ngân hàng và sẽ từng bước xử lý nghiêm minh những người có trách nhiệm trong công tác điều hành, quản lý. Khách hàng có thêm niềm tin vào việc hệ thống ngân hàng đang được sàng lọc công khai, minh bạch; cá thể nào khỏe mạnh sẽ tồn tại, phát triển và ngược lại. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người không khỏi lo lắng khi không chỉ những cán bộ, nhân viên "thường thường bậc trung" vi phạm pháp luật mà ngay cả những người giữ chức vụ cao nhất như Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc… cũng "nhúng chàm". Phải chăng trong ngành ngân hàng đang có nhiều vấn đề cần phải chấn chỉnh và còn bao nhiêu "đại gia" nữa bị các cơ quan bảo vệ pháp luật "hỏi thăm"?


Không quá băn khoăn về "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng hiện nay, Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc điều hành Công ty Luật Basico cho rằng, tình trạng nêu trên không đáng lo ngại vì nó chỉ là sự dồn toa của sai phạm từ nhiều năm trước, là hệ quả của một thời kỳ mà các ngân hàng tồn tại nhiều vấn đề trong công tác quản lý điều hành, nay tái cơ cấu, lập lại trật tự thì việc phát hiện và xử lý sai phạm là điều tất yếu. Là người có nhiều năm công tác tại các ngân hàng thương mại cổ phần lớn trên cương vị Giám đốc pháp chế, thành viên HĐQT, thời gian gần đây, Luật sư Trần Minh Hải và các cộng sự đã có mặt tại hầu hết "đại án" của ngành ngân hàng như đại án Bầu Kiên, Huyền Như… trong vai trò bảo vệ quyền lợi cho các ngân hàng cũng như cán bộ ngân hàng. Luật sư Trần Minh Hải cho rằng, lãnh đạo cấp cao ngành ngân hàng dính vòng lao lý xuất phát từ chính tham vọng của họ. Bản chất những cá nhân này vốn đã là người có tài sản, có tham vọng trong việc sở hữu, phát triển ngân hàng để gia tăng giá trị tài sản của mình. Khi đầu tư vốn vào ngân hàng, gặp bức tranh quá xấu của kinh tế vĩ mô khiến việc kinh doanh không đủ trả nợ lãi, tham vọng được đáp ứng vượt quá khả năng phòng vệ của chính họ dẫn đến hao hụt tài sản ngày càng lớn. Lúc này ngân hàng - tiềm năng tài chính họ nắm trong tay trở thành con dao hai lưỡi đâm ngược trở lại và hậu họa là điều khó tránh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia đã có hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực tài chính cũng chia sẻ quan điểm trên: Sai lầm lớn nhất của những ông chủ ngân hàng là quan niệm ngân hàng là "của để dành", thành lập để họ toàn quyền phục vụ lợi ích riêng mình. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Trong một quốc gia, quốc phòng và tiền tệ là hai lĩnh vực trọng yếu, nếu các đối tượng này bị khủng hoảng sẽ ngay lập tức khiến quốc gia khủng hoảng theo. Vì vậy, lĩnh vực này thường được ưu tiên, hưởng nhiều ưu đãi. Đổi lại sự ưu ái đó, hệ thống ngân hàng hoạt động phải phục vụ quyền lợi cho quốc gia chứ không vì lợi ích của một người hay nhóm người nào. Vấn đề quan trọng nhất là phải thay đổi tư duy của các lãnh đạo ngân hàng cấp cao tại Việt Nam, phải lấy mục đích phục vụ quốc gia, đại chúng làm trọng chứ không thể đặt điều này dưới lợi ích của cá nhân.

Quan điểm này là hoàn toàn có cơ sở bởi thời gian qua, những người đứng đầu các Ngân hàng TMCP Đại Dương (OCEAN Bank), Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNBC) hay Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) đều có tham vọng trong việc mở rộng đầu tư, kinh doanh nhằm tăng khối lượng tài sản cá nhân. Việc dồn nguồn tiền vào bất động sản, chứng khoán khi những thị trường này đóng băng hay sụt giảm đã dẫn đến tổn thất cho chính chủ đầu tư. Kinh doanh thua lỗ khiến nguồn vốn âm, điều hành kém hiệu quả, cổ đông không đồng thuận bổ sung vốn; để bảo đảm quyền và lợi ích của người gửi tiền, Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải tuyên bố mua lại toàn bộ cổ phần của ba ngân hàng này với giá 0 đồng; chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông của các cổ đông hiện hữu. Có thể nói, chính những ông chủ của các ngân hàng trên đã sử dụng ngân hàng như một công cụ tài chính kiếm tiền cho cá nhân, nhóm cổ đông thay vì phục vụ quyền lợi của đại chúng, dẫn đến những "cái chết đã được báo trước". Rõ ràng, vấn đề ở đây chính là sự tuân thủ pháp luật, giới hạn đạo đức cũng như những quy tắc ứng xử trong quản lý, điều hành hệ thống ngân hàng tại Việt Nam.

Lòng vòng những dòng tiền "ảo"

Hệ thống ngân hàng tại Việt Nam mới phát triển khoảng hơn 20 năm, so với lịch sử hàng trăm năm của các nước khác trên thế giới thì chúng ta thuộc hàng non trẻ nhất. Trẻ và khỏe, chính sự phát triển quá "nóng" trong những năm qua đã dẫn đến những lỗ hổng không thể kiểm soát. Đơn cử như OCEAN Bank, mới được thành lập từ năm 2007 nhưng tính đến tháng 12-2013, nhà băng này đã có lượng vốn lên đến 4.000 tỷ đồng và trước khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, OCEAN Bank mới được chấp thuận tăng vốn lên đến 5.350 tỷ đồng. Tăng trưởng với tốc độ chóng mặt trong vòng gần chục năm nhưng đến đầu năm 2015, giá trị thật của OCEAN Bank khi Ngân hàng Nhà nước mua lại đã là âm. Vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng đã bị âm trong thời gian ngắn và tự thân họ không thể bù đắp để có một mức dương trên 0 đồng cho thấy lỗ hổng trong ngành tài chính ngân hàng thời gian qua lớn như thế nào. OCEAN Bank cũng chỉ là một trong các công ty gia đình do Hà Văn Thắm quản lý, điều hành. Thời gian qua, các công ty khác trong OCEAN Group cũng có tốc độ phát triển chóng mặt trên nhiều lĩnh vực "nóng" như bất động sản, chứng khoán, thương mại dịch vụ… với tổng số vốn được tính bằng nhiều nghìn tỷ đồng.

Có một thực tế là tăng trưởng "nóng" thường đi liền với việc huy động nguồn vốn ảo. Thông qua các thủ đoạn lách luật nguy hiểm, những ông chủ ngân hàng đã biến các doanh nghiệp "sân sau" thành công cụ tăng vốn hiệu quả. Những doanh nghiệp có vốn góp lớn của các ông chủ ngân hàng sẽ đứng ra phát hành trái phiếu kỳ hạn 3-5 năm. Sau đó, ngân hàng của các ông chủ này sẽ bỏ tiền ra mua trái phiếu của doanh nghiệp. Khi đã có tiền, các doanh nghiệp "sân sau" góp vốn vào đúng ngân hàng vừa bỏ tiền ra mua trái phiếu của mình để tăng vốn điều lệ. Như vậy, vốn điều lệ ngân hàng ghi trên sổ sách rất cao nhưng thực tế đó là vốn ảo. Có quyền lực trong tay các ông chủ ngân hàng tiếp tục lũng đoạn qua việc bơm vốn vào các doanh nghiệp "sân sau"... Trên thực tế, việc tăng vốn ảo đã giúp không ít ông chủ ngân hàng cùng một lúc sở hữu 2-3 ngân hàng và đẩy vốn vào lĩnh vực đầu tư bất động sản, dẫn đến khó khăn về thanh khoản cho các ngân hàng nhỏ.

Thời gian qua, một số ngân hàng TMCP đã nâng vốn pháp lý lên hàng nghìn tỷ đồng. Nhưng trên thực tế, gần như không có vốn mới nào bổ sung vào hệ thống ngân hàng, nhưng do vốn pháp lý tăng, các ngân hàng được phép huy động tiền gửi xã hội lớn hơn và hàng nghìn tỷ đồng vốn lại được trút vào những dự án "sân sau" của chính các ông chủ ngân hàng để vòng quay thâu tóm ngân hàng tiếp diễn. Và với phương thức sở hữu chéo, các ngân hàng có thể "lách" thông qua việc vay vốn từ ngân hàng này góp cho ngân hàng kia và ngược lại. Sự tăng vốn như vậy ở các ngân hàng thực chất là tăng ảo. Nhiều trường hợp lại tăng vốn qua trung gian. Hệ quả là tình trạng dòng tiền trôi lòng vòng trong thị trường liên ngân hàng, trong khi doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay. Và trong vòng luẩn quẩn này, dòng tiền chảy quanh quẩn giữa các ngân hàng, công ty với nhau rồi tuồn vào bất động sản, chứng khoán… Đến khi thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán sụt giảm mạnh cũng là lúc các công ty ủy thác đầu tư thua lỗ, tạo ra những khoản nợ xấu cho chính các ngân hàng.

Phát triển như "ngựa phi nước đại", đến lúc không kiểm soát được thì "ngã ngựa" là thực tế tất yếu xảy ra. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan có trách nhiệm tuy chặt chẽ, nhưng xử lý sai phạm chưa kịp thời. Như GP Bank, từ năm 2012, thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện nhiều yếu kém trong quản lý điều hành, tiềm ẩn nhiều rủi ro, kết quả kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu... Ngân hàng Nhà nước đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để GP Bank tìm kiếm đối tác, đề xuất phương án tái cơ cấu… Tuy nhiên, trong thời gian hơn 3 năm, không những không đề xuất được phương án khả thi, ngân hàng này lại tiếp tục thua lỗ, nợ chồng nợ khiến Ngân hàng Nhà nước "cực chẳng đã" phải mua bắt buộc với giá 0 đồng. Theo giới chuyên gia tài chính, sai phạm cần được xử lý ngay tại thời điểm vi phạm, càng để lâu thiệt hại càng lớn và càng khó điều chỉnh. Hầu hết sai phạm của ngành ngân hàng thời gian qua đều là sai phạm "quá khứ", do chúng ta xử lý quá muộn, quá chậm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Tham vọng quá lớn, "đại gia" thành kẻ "tội đồ"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.