Theo dõi Báo Hànộimới trên

6 ngày mắc kẹt trên đảo

Bê Không| 01/08/2015 05:55

(HNM) - Suốt 6 ngày 5 đêm, nhóm chúng tôi gần 30 người cả nam lẫn nữ, bé nhất mới một tuổi bị

Thay vì những hoạt động sôi nổi theo lịch trình của tour du lịch, cả đoàn ngày qua ngày cầm cự, mong sớm về được đất liền. Dù rất mệt mỏi, nhưng ai cũng cảm nhận được rằng mình đã may mắn hơn rất nhiều đồng bào nơi đất mỏ. Và những trải nghiệm trong vùng thiên tai đã giúp chúng tôi nhận thức lại được những giá trị rất nhân văn mà lâu nay đã phai nhạt đâu đó trong guồng quay mưu sinh…

Du khách dìu nhau qua cây cầu tạm.



Kế hoạch tuyệt vời

"Quan Lạn đẹp và hoang sơ lắm, rất thích hợp cho chúng ta họp mặt hàn huyên, cố gắng đem cả gia đình đi nhé!" - lời kêu gọi trên facebook của nhóm bạn học cùng cấp III đã được hưởng ứng nhiệt liệt. Có bạn đang sống ở Nhật Bản đưa con về nước tiện đi chơi và thăm ông bà ngoại. Lại có cả vợ chồng một bạn lập nghiệp ở phương Nam cũng dắt díu nhau ra Bắc. Nhóm trưởng chu đáo lắm, đôn đáo liên hệ khắp nơi để lên được cả một chương trình ổn thỏa, an toàn.

Sáng sớm 25-7, cả đoàn gần 30 người lên ô tô tới huyện đảo Vân Đồn để từ đó đi tàu cao tốc ra đảo Quan Lạn. Mới lướt qua chương trình dự kiến trong 2 ngày đã cảm nhận được sức hấp dẫn: Ngắm cảnh vịnh Bái Tử Long, tham quan và nghỉ dưỡng trong khu sinh thái biển Quan Lạn; chơi trò Team building trên bãi biển Sơn Hào; đốt lửa trại… Trên xe rộn rã tiếng cười, hành trình từ phố về biển như ngắn lại. Sau khoảng tiếng rưỡi ngồi tàu cao tốc, chúng tôi đặt chân lên đảo Quan Lạn, lúc ấy trong đầu chỉ nghĩ đến ăn, chơi, "ngáo" ảnh để "pót" lên face… Cuộc sống bộn bề lo toan giờ đã ở rất xa, tận nơi thành phố.

Quan Lạn đón chúng tôi bằng trận mưa lớn, gió và rét. Chúng tôi di chuyển bằng xe túc túc về nơi được gọi là resort nhưng thực chất là một khu du lịch sinh thái dạng 2 sao sát biển với cơ sở vật chất hạn chế. Cảm giác ban đầu là thất vọng, tuy nhiên chúng tôi vẫn động viên lẫn nhau vì đây cũng là nơi tốt nhất của Quan Lạn rồi và mình cũng chẳng có thể yêu cầu hơn được đối với xứ đảo này. Dù trời mưa, mọi người vẫn tham gia các trò chơi Team building một cách đầy hứng thú trên bãi biển Sơn Hào; dầm mưa cùng đùa giỡn với sóng... Đó là lần duy nhất tắm biển của cả đoàn trong suốt chuyến đi.

Mưa mỗi lúc một to, to đến nỗi không nhìn được phía trước và không lúc nào ngớt. Mưa từ chiều sang cả tối và kéo dài sang đêm, như kiểu chưa bao giờ được mưa. Nhưng không sao, trời cũng mừng khi chúng mình hạnh ngộ đây mà. Ngày mai trời lại sáng cho cả nhà vui chơi. Thế nhưng khi mưa không ngớt mà lại ngày càng to hơn, và mái các phòng của resort bắt đầu dột tí tách, nước bắt đầu tràn vào phòng. Ngoài trời mưa gió thét gào, những đứa trẻ hoảng sợ. Các bà mẹ cuống cuồng tìm chỗ khô ráo cho con nằm, trong khi các ông bố trần trùng trục bò lê bò toài thấm nước trên sàn. Ban đầu còn dùng khăn để thấm nhưng đến khi mưa to quá thì cũng chỉ còn biết đứng nhìn và ước ngày mai mưa sẽ ngớt để rời đảo (vì lịch trình tour chỉ 2 ngày 1 đêm). Làm sao mà chơi được khi cứ mưa trắng trời thế này. Thế nhưng, không ai biết, rằng đó mới chỉ là điểm khởi đầu của những ngày kẹt trong mưa lũ, ở cái nơi cách đất liền tới 40km này.

Cầm cự

Bình minh trên biển không rực rỡ như mọi lần đi biển trước đây mà trời đất một màu xám xịt, gió mưa vần vũ, sóng biển càng lúc càng lớn. Theo kế hoạch, nếu mưa tạnh, chúng tôi sẽ đi tham quan đảo và bãi biển Minh Châu, sau bữa trưa chúng tôi sẽ rời đảo cỡ 13h chiều 26-7. Nhưng mọi kế hoạch đều bị hủy. 10h chúng tôi nhận được thông tin về việc tàu có thể lùi đến 15h mới chạy. Đến 15h, cảng vụ chính thức ra lệnh cấm tàu tuyến Quan Lạn. Chúng tôi buộc phải ở lại đảo thêm một đêm trong tâm trạng hỗn độn. Thứ nhất, đây là một thông tin hết sức bất ngờ và không có kết luận chính thức khi nào tàu được chạy trở lại. Thứ hai, cậu bạn phương Nam và gia đình dự kiến bay về vào thứ ba (ngày 28-7) giờ phải đổi vé trong khi mọi giấy tờ chứng minh cho phòng vé phục vụ việc thay đổi này không thể gửi bằng phương tiện gì cho người nhà. 3G và ngay cả sóng điện thoại cũng chập chờn, khu du lịch không máy photocopy, không máy fax, wifi có nhưng không sử dụng được. Thứ ba, ông xã của cô bạn - được bọn tôi mệnh danh là "người bố nhân dân" khi dám một mình đi 10km trong dông lốc để mua đồ cho con…

Chán nản, chúng tôi thuê một chuyến xe để cả đoàn vào thị trấn ăn trưa. Xe trên đảo toàn là thứ mà ngồi trên đó cũng phải mặc áo mưa. Sau bữa ăn trưa, thị trấn cũng bắt đầu ngập lụt. Chúng tôi trở lại Sơn Hào trong tâm trạng lo âu. Ngày và đêm trôi qua thật lê thê…

Ngày tiếp theo còn tệ hơn: Mất điện, mất nước. Buổi trưa chúng tôi còn đặt được đồ ăn từ quán Hùng Lâm thì tới chiều đã nghe tin nhà hàng bị sạt lở. Đất đá và bùn kéo đầy nhà ngập đến gần 1m. Chiều đó đường dây điện thoại, đường điện máy nổ cũng bị kéo đứt. Cây cầu duy nhất nối khu du lịch với bên ngoài không chịu nổi cơn lũ, sập xuống. Bữa tối ngày hôm đó có thể nói là bữa tối lịch sử và đáng nhớ nhất. Mưa và sấm sét quá lớn nên chúng tôi đã nhờ nhà bếp của khu du lịch nấu đồ ăn để chia cho từng phòng. Mỗi gia đình cử một thành viên lên khu tập kết đồ ăn để mang về nhà. Gió giật đùng đùng, đêm biển tối đen như mực. Chúng tôi lầm lũi với chiếc áo mưa mỏng manh và cái đèn pin điện thoại để đi lấy đồ ăn. Trong lúc chia đồ, khay cơm duy nhất của cả đoàn bị một bạn sơ ý làm đổ ụp. Giữa những ánh đèn pin yếu leo lét, nền đất và nước mưa nhớp nháp, bạn ấy thận trọng hớt từng muôi cơm trở lại khay. Cả lũ chúng tôi sững người, nín thở, chỉ sợ thở mạnh chút là cả phần còn lại cũng sẽ rớt nốt xuống đất, và tụi trẻ con sẽ không có gì để ăn. Chia xong, chúng tôi vội vã dắt díu nhau cùng về. Đi sát bên nhau cho đỡ sợ và cũng thận trọng bê đồ ăn để tránh bị gió giật đổ. Cánh đàn ông ăn không đủ no, dưới trời mưa lạnh sấm sét mịt mùng rủ nhau đi xin cháy. Các ông ấy kể rằng, vừa đi vừa khấn không bị sét đánh trúng chứ không thì người đời không chỉ dè bỉu "chết vì ăn", mà lại còn "chết vì... miếng cháy".

Ngày thứ tư, chúng tôi quyết định rời khu du lịch để đi vào thị trấn sau bữa mì tôm chan nước mưa nhạt nhẽo. Người lớn lo lắng, nhưng tụi nhỏ thì sợ hãi. Hai ông bạn trong đoàn được giao nhiệm vụ "trinh sát" với mục tiêu tìm ra điểm có điện, nước trong thị trấn. Chúng tôi cũng phải chờ khu resort hoàn thành xong cây cầu tạm, bằng hai cây phi lao bị đổ, để nối khu du lịch với bên ngoài thì mới bắt đầu sơ tán mọi người đến nơi ở mới.

Hai ngày tiếp theo diễn biến tốt đẹp hơn vì chúng tôi đã được ở trong thị trấn, có điện, có nước và có thức ăn đầy đủ cho tụi trẻ. Hằng ngày công việc đơn giản là ăn, ngủ, ngắm mưa đến phát ngấy. Ai cũng muốn về mà chưa có tiếng nói chung trong cả đoàn về phương thức về đất liền…

*
* *
Chúng tôi đã có những trải nghiệm thật đáng nhớ qua 6 ngày và 5 đêm trên đảo Quan Lạn. Có quá nhiều những điều bất ngờ trong những ngày ấy. Nhưng cũng vì những điều kiện bất ngờ đó mà chúng tôi có nhiều thời gian dành cho nhau hơn, hiểu nhau nhiều hơn và chưa bao giờ tinh thần đồng đội, yêu thương, đoàn kết được phát huy đến thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
6 ngày mắc kẹt trên đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.