Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bà Vui và ngôi nhà hạnh phúc

Phạm Thị Nga| 25/08/2015 06:42

(HNM) - Gần 20 năm qua, Hợp tác xã (HTX) Sơn khảm Ngọ Hạ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên) là ngôi nhà lớn che chở và nuôi dưỡng hàng nghìn trẻ em nghèo, khuyết tật trên địa bàn Hà Nội.


Bởi lòng đồng cảm

Khác hẳn với suy nghĩ của chúng tôi về một người phụ nữ ở tuổi 73, trông bà Nguyễn Thị Vui, chủ nhiệm HTX Sơn khảm Ngọ Hạ lúc nào cũng nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, vui tươi. Bà làm cho người đối diện có cảm giác đang trò chuyện với một người dung dị, vô tư và chân thành. Giọng bà chỉ lắng xuống và đôi mắt dường như sâu hơn khi chúng tôi nhắc đến những đứa trẻ khuyết tật đang được bà và những cán bộ, giáo viên trong HTX cưu mang. Câu chuyện xưa cũ một lần nữa lại hằn lên vầng trán nhăn nheo của bà.

Bà Nguyễn Thị Vui (giữa) tận tình chỉ dạy cho các cháu học nghề tại HTX.


Bà Vui cho biết, HTX Sơn khảm Ngọ Hạ được thành lập năm 1960 cùng với một số HTX sản xuất thủ công mỹ nghệ khác trong huyện Phú Xuyên. HTX Ngọ Hạ của bà Vui chuyên sản xuất các sản phẩm làng nghề, truyền thống khảm trai của quê hương Chuyên Mỹ. Bà Vui làm chủ nhiệm HTX từ năm 1977, đến nay, cũng đã gần 40 năm. Vốn là người giàu lòng trắc ẩn, lại mồ côi cha từ năm 7 tuổi, bà Vui hiểu và luôn đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Năm 1994, trong một chuyến đi Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vui gặp và trò chuyện với một câu bé đánh giày. Câu chuyện về những khó khăn trên chặng đường mưu sinh của cậu bé khiến bà chạnh lòng. Những quá khứ về tuổi thơ thiếu vắng cha, phải cùng mẹ mưu sinh kiếm sống lại dội về trong tâm trí người phụ nữ ấy. Và cũng từ đó, khát khao được giúp đỡ những đứa trẻ bất hạnh cứ âm ỉ "cháy" trong bà. Bà mong muốn tạo lập được một môi trường tốt để các em có thể tự làm việc, nuôi sống bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Năm 1996, khi hoạt động của HTX đã đi vào ổn định và có những bước phát triển tốt, bà Nguyễn Thị Vui bắt đầu lên ý tưởng thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu. Sau nhiều đêm suy nghĩ, bà bàn với các cán bộ trong HTX về kế hoạch dạy nghề cho các cháu khó khăn, các trẻ khuyết tật tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ. Được sự đồng ý của tất thảy mọi người, bà Vui hăm hở bắt tay vào nhiệm vụ mới. Bà chạy đôn chạy đáo lên xã, lên huyện lo thủ tục mở lớp dạy nghề cho trẻ em khuyết tật và các cháu gặp khó khăn. Bà mừng vì tất cả mọi người đều nhiệt tình ủng hộ. Các cấp chính quyền đều tạo điều kiện thuận lợi để bà thực hiện nghĩa cử của mình.

Những tưởng mọi chuyện đều "thuận buồm xuôi gió", nhưng vì lớp học của HTX mới thành lập, nhiều phụ huynh không tin tưởng gửi con theo học, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu, các cán bộ, nhân viên HTX phải đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình trẻ khuyết tật để động viên bố mẹ các em cho con theo học. Bà Nguyễn Thị Vui nhớ lại: "Lúc ấy, đường sá đâu có thuận tiện như bây giờ, chỗ nào cũng bùn lầy, ổ voi, ổ gà. Xe máy chẳng có, nhưng mọi người đều nhiệt tình, nỗ lực hết sức để đón các cháu về HTX học tập. Vì luôn tâm niệm những việc mình làm đều là việc tốt nên chúng tôi đã vượt qua hết khó khăn ban đầu".

Khóa học đầu tiên dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ có 50 em học viên. Tất cả đều là trẻ khuyết tật, con hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội và Hà Tây (trước đây). Các em đến với lớp học với kỳ vọng của bố mẹ về một tương lai tươi sáng với tình yêu thương của các cán bộ HTX.

Ánh sáng cuộc đời

Vào những năm 1998 - 2003, HTX nuôi dạy khoảng 150 học viên mỗi năm. Mỗi học viên bình thường mất từ 3 tháng đến 6 tháng để hoàn thành khóa học thì một học viên khuyết tật phải mất từ 9 tháng đến 12 tháng. Cứ mỗi học viên theo học là thêm một khó khăn nhưng các cán bộ, nhân viên trong HTX vui vẻ đón nhận. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Mở (74 tuổi), một trong những "giáo viên" của HTX cho biết: "Nghề sơn khảm dễ học. Bản thân tôi cứ nhìn ông bà, bố mẹ làm rồi làm theo thôi. Tuy nhiên, dạy cho các cháu khuyết tật thì không đơn giản. Nhiều cháu chậm hiểu, chân tay không hoạt bát, phải kiên nhẫn chỉ dạy các cháu mới hiểu, mới ngấm được. Có thương và thông cảm mới giúp được các cháu".

Không chỉ được dạy nghề, các em khi đến HTX còn được dạy kỹ năng sống, dạy cách làm người. Bà Vui chia sẻ: "Nhiều cháu mới đến chưa biết cách chào hỏi, nấu ăn, thậm chí vệ sinh cá nhân. Khi đến HTX, các cô, các thầy đều phải hướng dẫn từ đầu. Bây giờ, ngoài học được nghề, các cháu đã biết tự chăm sóc bản thân, biết nấu một bữa cơm và quét phòng của mình sạch sẽ. Lúc đầu, nhiều cháu rụt rè, tự ti, nhưng sau một thời gian tiếp xúc với các bạn, thấy mọi người đều có hoàn cảnh như nhau, các cháu mạnh dạn và tự tin hơn hẳn".

Điều đặc biệt ở lớp học của các học viên tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, nhiều học viên đã tìm hiểu, yêu nhau và lập gia đình. Nhắc đến những cặp đôi trong HTX, bà Vui tươi cười: "Từ trước đến giờ có đến 8 - 9 cặp thành đôi ở HTX!". Rồi bà Vui lần lượt nhắc tên những cặp đôi đã may mắn được bà xe duyên: "Cháu Trang với cháu Việt này, cháu Út với cháu Chiến, cháu Trọng với cháu Ngọc Anh,... Các cháu đều có em bé hết rồi nhé. Bố mẹ các cháu bảo tổ chức cưới cho các cháu ở HTX luôn, nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn các cháu được tổ chức đám cưới như những người bình thường khác. Có anh em họ hàng hai bên tham dự, chứng kiến để các cháu vừa không thấy tủi thân lại ý thức được việc lập gia đình là việc hệ trọng. Các gia đình đều nhất trí với tôi. Các cháu được tổ chức cưới ở nhà, chỉ mang bánh kẹo lên lớp liên hoan với các thầy cô thôi".

Những tưởng số phận nghiệt ngã gieo cho các em những bất hạnh sẽ chẳng có tình yêu thương nào khỏa lấp được, nhưng khi bước chân vào HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, nhiều em đã tìm thấy được hạnh phúc của đời mình. Các em được học nghề, học cách yêu thương và học cách kiếm sống bằng chính khả năng của mình. Hàng trăm học viên khi học xong đã được các hiệp hội nhận vào làm, nhiều em đã tự đứng ra mở xưởng sản xuất. Những em sức khỏe không tốt, không thể đi làm cho các hiệp hội vẫn được ở lại HTX làm việc. Hiện nay, tại HTX có 14 học viên được nuôi ăn ở và được trợ cấp hằng tháng.

Nguyễn Thị Thùy (31 tuổi) là một học viên được nuôi dưỡng và dạy nghề tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ từ đầu năm 2015 đến nay. Vừa cặm cụi làm việc, Thủy vừa kể chuyện: "Bố mẹ mình xem vô tuyến nên đăng ký cho mình vào đây học nghề. Các thầy cô đều nhiệt tình chỉ dạy cho mình. Mình học được nhiều thứ, làm được nhiều việc hơn. Mình cũng vui hơn vì được làm quen với nhiều bạn trong lớp".

Với những cống hiến thầm lặng không mệt mỏi của mình, bà Vui và các cán bộ, nhân viên HTX được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương, đặc biệt HTX của bà còn vinh dự được đón Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về thăm. Năm 2012, bà Vui được vinh danh là một trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô. Năm nay, bà lại được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng Bằng khen là Điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong phong trào thi đua yêu nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bà Vui và ngôi nhà hạnh phúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.