Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ấm áp sự sẻ chia

Ngọc Hải| 26/08/2015 06:29

(HNM) - Mặc cho cái nắng, nóng khiến nhiều người bứt rứt, hơn 30 con em cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc giao lưu mang nhiều ý nghĩa với gần 50 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi cùng các cụ có hoàn cảnh khó khăn...


Đã 8 tuổi nhưng trong ký ức của bé Lê Thị Yến chỉ có những người bố, người mẹ ở Trung tâm Bảo trợ xã hội III, nào là mẹ Linh, mẹ Ngần, mẹ Đào, mẹ Thương, bố Đức, bố Thành. "Nhiều bố mẹ lắm chú ạ. Bố mẹ nào cũng thương chúng cháu", Yến đã nói với tôi như vậy.

Con em cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới giao lưu cùng trẻ mồ côi tại trung tâm. Ảnh: Nguyệt Ánh


Theo ông Bùi Tiến Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội III, trung tâm đang nuôi dưỡng 109 người già có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn và hơn 100 cháu mồ côi hoặc bị bỏ rơi. Riêng ở cơ sở tại phường Tây Mỗ này có 47 cháu ở độ tuổi từ 3 đến 18. Cũng theo ông Bùi Tiến Thành, hầu hết các cháu nhỏ bị bỏ rơi chưa một lần được nhìn thấy người đã sinh ra mình. Nhiều cháu mới lọt lòng bị bố mẹ nhẫn tâm bỏ lại ngay tại cổng trung tâm, người dân hoặc cán bộ trung tâm phát hiện và đưa về nuôi dưỡng. Rồi cũng có những trường hợp, người ta phát hiện hài nhi khóc oe oe trong những thùng rác bên đường đã đưa đến trung tâm. Những cháu bé không biết mặt bố, không biết mặt mẹ được các bố, các mẹ ở trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc từ lúc ẵm ngửa, qua những cơn sài đẹn giờ đây đã miệng ăn, chân chạy.

Ngồi ở một góc hội trường, Hồ Thanh Trì, 15 tuổi, là học sinh lớp 9, Trường THCS Tây Mỗ đọc ngấu nghiến cuốn truyện tranh "Thám tử Conan" mà các bạn nhỏ vừa tặng. Thấy tôi ngồi cạnh, bất chợt Trì ngẩng đầu nói: "Lâu rồi con mới được đọc truyện tranh chú ạ!".

- Trì có biết bố mẹ không? - Trả lời câu hỏi của tôi là cái lắc đầu bẽn lẽn:
- Cháu bị bỏ rơi chú ạ.
- Thế sau này Trì có muốn tìm bố, mẹ đẻ không?
- Cháu không biết nữa. Nhưng cháu đã có các mẹ, các bố ở trung tâm rồi.

Nói về các con, ông Bùi Tiến Thành cho biết, đã có nhiều cháu trưởng thành từ trung tâm, có việc làm ổn định, lập gia đình và ra ở riêng. Nhưng mỗi năm hai lần, các con lại về với mái ấm của mình, coi đó là ngày xum họp. Ấy là mỗi dịp tết Trung thu và tết Nguyên đán. Cũng có khi, các con hẹn nhau rồi bất ngờ tập trung về thăm các bố, các mẹ, mang lại cho những người không có công sinh nhưng có công dưỡng các con niềm vui đến ngỡ ngàng. Từng lớn lên và trưởng thành nhờ sự chăm sóc và dạy dỗ, chỉ bảo của các bố, các mẹ ở trung tâm, thấu hiểu hoàn cảnh thiệt thòi của những mảnh đời ở nơi này, nhiều em quay về bảo ban các em, đỡ đần bố mẹ. Cũng bởi, các bố, các mẹ nơi đây luôn coi các trẻ như con đẻ của mình. Có những mẹ dù chưa lập gia đình vẫn trắng đêm lo từng bình sữa khi con đói lòng, từng viên thuốc khi con ốm đau, sài đẹn.

Không chỉ với các cháu nhỏ, với người già, cán bộ nhân viên nơi đây cũng luôn thay nhau túc trực bất kể đêm ngày. Bà Vũ Thị Đỉnh, ở nhà B2, Trung tâm Bảo trợ xã hội III cho biết, bà vào trung tâm đã được 3 năm, kể từ khi chồng bà đổ bệnh qua đời. Những tưởng còn cậu con trai làm chỗ dựa tuổi già, ai ngờ lại mắc trọng bệnh. Tài sản, nhà cửa bán sạch mà cũng không cứu nổi con, bà Đỉnh vào trung tâm tìm chỗ dựa cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bà Nguyễn Thị Quảng, năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng còn minh mẫn lắm. Bà bảo, bà vào trung tâm đã được 12 năm và sẽ gắn bó nốt quãng đời còn lại ở đây. Kể về cuộc đời mình, bà Quảng cho biết là con cả trong gia đình có 4 chị em. Thấy nỗi vất vả mưu sinh của bố mẹ, bà không lấy chồng, ở vậy nuôi các em khôn lớn. Nay, các em cũng đã thành ông, thành bà. Nghĩ duyên ai phận nấy, không muốn phiền đến ai, bà xin vào trung tâm ở và gắn bó từ đó đến nay.

Vừa dẫn chúng tôi thăm từng dãy nhà, ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc trung tâm vừa kể: "Tất cả trường hợp vào đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và rất đáng thương. Có những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng. Các cụ ở đây do tuổi cao sức yếu nên đau yếu liên miên. Hằng đêm, các bác sĩ, y tá cứ phải thay nhau trông và chăm sóc. Nhiều cụ cũng không còn tỉnh táo, lúc nhớ lúc quên khiến các nhân viên rất vất vả. Không những thế, nhiều cụ không ngủ được cứ nửa đêm lại dậy đi lang thang rồi đòi ăn…".

Để chăm sóc người già và trẻ nhỏ có nhiều thứ phải tính đến, nhưng theo chế độ, trung tâm chỉ được phép chi mỗi suất ăn 750.000đ/tháng. Như vậy, vị chi mỗi cụ và mỗi cháu chỉ được 23.000đ/ngày. Với số tiền ít ỏi này, dù có khéo co kéo lắm cũng không thể đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. "Các em bé khi được đưa vào trung tâm của chúng tôi đều ở độ tuổi rất nhỏ, thường là vài tháng tuổi hoặc vài ngày tuổi. Với cơ sở vật chất hiện có, chúng tôi cũng đã cố gắng chăm lo cho các em nhưng thật sự là không thể chu toàn nếu không có sự quan tâm từ cộng đồng. Những phần quà hy vọng sẽ đem lại niềm vui cho các cụ già, em nhỏ tại trung tâm. Thế nên, mỗi khi có đoàn đến tặng quà, giao lưu, các cụ và các cháu vui lắm", ông Đức bày tỏ.

Khi đoàn con em cán bộ, nhân viên Báo Hànộimới tới thăm, trẻ con thì háo hức, các cụ thì muốn được giãi bày tâm sự. Trong bầu không khí ấm tình người, những lời ca được cất lên như lời tâm sự của các cụ: "Ta lại về đây với bao bạn đời, với niềm vui khôn nguôi tuổi già...". Và không chỉ người nhận sự sẻ chia mà cả những người làm thiện nguyện cũng "học" được nhiều điều. Lê Lương, Ban Thư ký tòa soạn, Báo Hànộimới - thành viên của đoàn Báo Hànộimới không giấu được sự xúc động: "Những phần quà tuy nhỏ bé nhưng đó là tấm lòng sẻ chia của cán bộ công nhân viên. Không những thế, đây còn là buổi giao lưu mang nhiều ý nghĩa, nhân lên tấm lòng nhân ái cho các thế hệ trẻ là con em cán bộ phóng viên trong báo. Hy vọng sau chuyến đi thành công lần này sẽ tiếp tục là những chuyến đi khác đến với những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Thông qua đó, chúng tôi cũng mong muốn ngày càng có nhiều hơn các cá nhân, tổ chức dành tấm lòng hảo tâm, thơm thảo ủng hộ, giúp đỡ để những số phận kém may mắn có một cuộc sống tốt đẹp hơn".

Những trò chơi dân gian, những lời ca tiếng hát được cất lên trong buổi giao lưu đầy xúc động, ắp tình người. Bữa cơm rộn giã tiếng cười của những đứa trẻ thiếu may mắn và của cả các cháu nhỏ đang được hưởng trọn tình thương của cha mẹ. Trên chuyến xe trở về nhà, những câu hát trong ca khúc "Như những đóa hoa" mà Lê Thị Yến đã hát tặng đoàn tại buổi giao lưu lại vang lên:

Tôi từng mong đời trôi nhanh
Để cho lòng tôi chẳng vương sầu đau
Ngỡ như xuân đời thiếu những nụ cười
Muộn phiền giăng lối khắp nơi
....
Hôm nay dẫu có gian nan
Thì ngày mai là ngày tươi sáng
Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời
.... Riêng tôi....!!!


Một ngày ở Trung tâm Bảo trợ xã hội III đã mang đến cho chúng tôi, cán bộ phóng viên Báo Hànộimới, và các con của chúng tôi những trải nghiệm đầy ý nghĩa. Chúng tôi thầm mong và tin rằng, với những nỗ lực của cán bộ, nhân viên trung tâm, với sự chia sẻ của cộng đồng, các em bé ở nơi này sẽ trưởng thành, các cụ sẽ được vui hưởng tuổi già với những niềm vui dù nhỏ bé, đơn sơ nhưng tràn đầy hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ấm áp sự sẻ chia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.