Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một cuộc gặp nhiều ý nghĩa

Đình Hiệp| 04/10/2015 07:05

(HNM) - Các học giả, nhà nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhiều quốc gia khác nhau đã tham gia hội thảo khoa học quốc tế nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc và Việt Nam, diễn ra tại trường Đại học Chosun ở TP Gwangju, Hàn Quốc.

GS.TS Ahn Kyong Hwan (thứ hai từ trái sang) cùng đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội thảo.


Tư tưởng vì độc lập dân tộc của Hồ Chí Minh

Đã từng nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh hàng chục năm nay, Giáo sư (GS) chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem thuộc Trường Đại học Chungwoon (Hàn Quốc) luôn bày tỏ ngưỡng mộ về nhân cách con người Hồ Chí Minh. GS Lee Yun-boem chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp đại học năm 1979, tôi sang Mỹ du học và bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi đó Việt Nam và Hàn Quốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao nên tôi không thể sang Việt Nam du học. Nhưng sau này tôi đã nhiều lần đến đất nước các bạn để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi đặc biệt quan tâm đến tư tưởng Hồ Chí Minh và cuộc sống hằng ngày của Người. Tôi cũng quan tâm đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam. Trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vẫn chưa được thống nhất như hiện nay, tư tưởng thống nhất dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa hơn. Vì Việt Nam đã giành được độc lập, thống nhất đất nước sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ...

Là người dành nhiều thời gian, tâm huyết để nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Lee Yun-boem đã học được nhiều bài học từ nhân cách của Người. Trong đó, bài học lớn nhất mà ông học được là sự hy sinh cả cuộc đời của Hồ Chí Minh cho độc lập dân tộc. "Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến người khác. Nếu muốn sống cho bản thân, muốn làm giàu thì Người đã có rất nhiều cơ hội để thực hiện điều đó. Thế nhưng, Hồ Chí Minh đã không làm như vậy. Đó là lý tưởng của một con Người vĩ đại. Là vị lãnh tụ của Việt Nam nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại sống rất giản dị, khiêm tốn và luôn nghĩ cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam" - GS Lee Yun-boem nhấn mạnh.

GS.TS Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội Việt Nam học tại Hàn Quốc, người đầu tiên dịch toàn bộ tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Hàn cho biết: "Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân dân Việt Nam, Người được nhân dân thế giới quý trọng và tôn vinh. Vì vậy, việc nghiên cứu những tư tưởng, đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh qua đó rút ra những bài học cho hiện tại luôn là việc làm có tính thực tiễn". Từng nhiều năm học tập, nghiên cứu tại Việt Nam, GS.TS Ahn Kyong Hwan luôn thể hiện niềm cảm phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. GS.TS Ahn Kyong Hwan cho biết, điều ông tâm đắc nhất khi nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng nhân ái, yêu thương nhân dân Việt Nam và đạo đức sáng ngời của Người. Ông cho rằng: "Nhật ký trong tù không chỉ là một trong những văn kiện lịch sử mà còn phản ánh triết lý, nhân cách, chủ nghĩa yêu nước, tư tưởng nhân ái và đạo đức sáng ngời của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người anh hùng của dân tộc Việt Nam từng khẳng định "Không có gì quý hơn độc lập tự do", đã cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập từ thực dân Pháp. Sự lãnh đạo của Người trở thành nguồn động lực chính trong công cuộc thống nhất đất nước vào năm 1975. Vì thế, thông qua hội thảo này, sự hiểu biết giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng sâu rộng hơn" - GS.TS Ahn Kyong Hwan nhấn mạnh.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt – Hàn

Hội thảo lần này do Hội Giao lưu văn hóa Hàn - Việt, Hội Việt Nam học tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức. Hội thảo diễn ra với 2 phiên thảo luận dưới hình thức học giả, nhà nghiên cứu nêu tham luận đề dẫn cho từng chủ đề và tiến hành đối thoại, phản biện giữa các học giả hai nước Việt Nam và Hàn Quốc và với các độc giả tham dự hội thảo. Các chủ đề chính gồm: "Tinh thần thực tiễn trong tư tưởng Hồ Chí Minh", "Vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước", "Những giá trị vượt thời gian của tập thơ Nhật ký trong tù"… Các tham luận và phản biện đã cho thấy sự tương đồng đặc biệt của giới học giả hai nước trong việc nhìn nhận và đánh giá về công lao, tầm ảnh hưởng về mặt tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hwang Geum Chu, Chủ tịch Hội Giao lưu văn hóa Hàn - Việt bày tỏ vinh dự là đơn vị tài trợ cho hội thảo chia sẻ: Việt Nam ở thế kỷ XX đã phải trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Một dân tộc vĩ đại đã không khuất phục trước nước lớn mà đấu tranh giành lại độc lập và thống nhất đất nước. Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia có quan hệ thông gia với nhau. Vì vậy, chúng ta phải cùng nhau nắm tay với Việt Nam, cùng hợp tác với nhau trên vũ đài quốc tế. Hội Giao lưu văn hóa Hàn - Việt sẽ đi đầu trong việc gia tăng quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thông qua hai sự kiện này sẽ giúp người dân Hàn Quốc hiểu biết hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã giành được nhiều tình cảm tôn kính của giới học thuật Hàn Quốc, đồng thời góp phần tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa giới nghiên cứu và nhân dân hai nước, vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Hàn ngày càng bền chặt...

Theo PGS.TS Phùng Ngọc Kiếm, hiện đang giảng dạy tại Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh một lòng vì dân vì nước. Sự nghiệp của Người là để cho dân tộc được độc lập tự do, để nhân dân được ấm no hạnh phúc. Người đã từ chủ nghĩa dân tộc tìm đến chủ nghĩa xã hội và tinh thần thực tiễn của Hồ Chí Minh chính là "làm những gì có thể, làm cách nào có thể" để mang lại tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; "con người dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là con người của thế giới, con người của thời đại".

Trong bài phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Phạm Hữu Chí cho biết: "Với tư cách là Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào khi được nghe những đánh giá, chia sẻ khách quan của các nhà nghiên cứu Hàn Quốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam. Tôi trân trọng những nghiên cứu của các học giả, nhà nghiên cứu về Người vì thông qua hội thảo người dân Hàn Quốc sẽ hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như Việt Nam". Để ghi nhận những đóng góp to lớn của các học giả, nhà nghiên cứu Hàn Quốc trong việc giúp lãnh đạo và người dân Hàn Quốc hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về đất nước, con người Việt Nam, Đại sứ Phạm Hữu Chí đã trích dẫn phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui-hwa ca ngợi phương châm "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Việt Nam diễn ra tại thủ đô Seoul ngày 1-9 vừa qua. Đại sứ cho rằng, hai nước Việt - Hàn cần tuân thủ phương châm này, lấy cái bất biến là tình hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau để đối phó với mọi thách thức trong khu vực và trên thế giới để cùng hướng tới tương lai thịnh vượng.

Các tham luận tại hội thảo cũng cho thấy, trong hơn 20 năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã không ngừng phát triển tốt đẹp. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước là hết sức cần thiết. Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là vị lãnh tụ kính yêu, vĩ đại mà gần gũi với từng người dân. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng một xã hội mới "của dân, do dân, vì dân" do Người vạch ra từ khi thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam đến nay vẫn là con đường phấn đấu của dân tộc Việt Nam, vẫn là nguồn khích lệ to lớn để toàn thể nhân dân tiến tới xây dựng một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và hợp tác cùng phát triển. Vì lẽ đó mà Hồ Chí Minh là lãnh tụ được nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân thế giới quý trọng, tôn vinh, trong đó có các bạn bè, giới học giả và nhà nghiên cứu Hàn Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một cuộc gặp nhiều ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.