Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh từ cơ sở

Nhóm PV PSĐT| 06/10/2015 06:36

(HNM) - Do thực trạng khó khăn về cơ sở vật chất của các bệnh viện tuyến dưới, nên người bệnh thường bỏ qua tuyến y tế cơ sở để lên tuyến trên.


Nguyên nhân vượt tuyến

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân vượt tuyến là nhiều bệnh viện tuyến thành phố đã "tích hợp" được các thành tựu nổi bật có giá trị, trong đó có sự đầu tư đồng bộ cả về máy móc lẫn con người. Điển hình như Bệnh viện Tim Hà Nội đã được trang bị thiết bị y tế cho hệ thống mổ tim; Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được đầu tư trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh, hồi sức cấp cứu, mổ và cấp cứu nhi; Bệnh viện Mắt Hà Nội được trang bị hệ thống mổ phaco và hệ thống chụp huỳnh quang võng mạc. Nhiều dự án đầu tư trang thiết bị y tế được đưa vào sử dụng hiệu quả như dự án nâng cấp Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, dự án đầu tư trang thiết bị y tế của Bệnh viện Hà Đông, Sơn Tây… Nhiều đơn vị đã chủ động hợp tác huy động vốn và đầu tư kinh phí bằng các nguồn thu khác để đầu tư trang thiết bị phục vụ yêu cầu chuyên môn của đơn vị như Bệnh viện Xanh Pôn, Phụ sản, Thanh Nhàn… Bệnh viện tuyến thành phố còn được đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT-Scanner 64 lát, hệ thống X quang chụp mạch số hóa xóa nền, hệ thống định vị trong phẫu thuật thần kinh và cột sống, hệ thống máy X quang kỹ thuật số, máy nội soi…

Nội soi chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Ảnh: Hữu Oai


Trong khi đó, bệnh viện tuyến huyện còn gặp khá nhiều khó khăn, từ cơ sở vật chất đến trang thiết bị y tế. Hạn chế này khiến người bệnh nhiều khi chưa mặn mà đến với các y, bác sĩ nơi đây. Mặt khác, do trang thiết bị chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa hiện đại nên người dân chưa thật an tâm, tin tưởng, khiến vị thế của các tuyến y tế cơ sở nhiều nơi bị lu mờ. Để khắc phục thực trạng này, việc nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện đa khoa tuyến huyện là chủ trương được chú trọng để có thể triển khai tốt các kỹ thuật trong tuyến và một số kỹ thuật tuyến cao hơn. Ngoài ra, các bệnh viện khu vực nội đô, BV hạng I cũng được hiện đại hóa để triển khai các kỹ thuật cao mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Một trong những khâu được đầu tư nhiều trong thời gian qua là về trang thiết bị y tế cho màng lưới cấp cứu trước viện. Theo đó, trên toàn địa bàn thành phố đã xây dựng thêm 9 trạm cấp cứu vệ tinh gắn với các trung tâm đô thị, nông thôn tại khu vực Mỹ Đình, khu đô thị mới Bắc Thăng Long, đô thị Hòa Lạc, khu vực Thường Tín hoặc Phú Xuyên, đô thị Sơn Tây, khu vực Vân Đình…

Đi kèm với việc đầu tư cơ sở vật chất, ngành Y tế Thủ đô đã thực hiện lộ trình nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện. Điều đầu tiên giúp người bệnh có tâm lý thoải mái, gây ấn tượng là các bệnh viện phải làm tốt công tác tiếp đón, hướng dẫn đầy đủ cho người bệnh các thủ tục đến khám bệnh; những thông tin về các khoa, phòng, phí dịch vụ… được công khai rộng rãi cùng với "dàn" nhân viên y tế mặc trang phục sạch đẹp, thái độ niềm nở, hòa nhã với bệnh nhân trong mọi trường hợp.

Tiếp đó, khâu khám, chữa bệnh đòi hỏi phải bố trí, sắp xếp bệnh viện như một mô hình khép kín, khoa học có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Ngoài ra, quy trình khám, chữa bệnh hợp lý tại các bệnh viện cũng luôn được đặt ra, đòi hỏi các bệnh viện phải cải tiến quy trình khám, chữa bệnh phù hợp với điều kiện hiện có, bước đầu phải bố trí các phòng, bộ phận như: khám bệnh, xét nghiệm, thanh toán viện phí, cấp thuốc phải bảo đảm sự liên hoàn, thuận tiện cho người bệnh. Từ đòi hỏi này, nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các quy trình khám bệnh cũng được áp dụng triệt để, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh, đồng thời quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh, nâng cao chất lượng và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Quyết định là chất lượng nhân lực

Trong nhiều năm qua, y tế tuyến cơ sở luôn "khát" các y, bác sĩ có tay nghề cao vì rất nhiều lý do như chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, môi trường làm việc không hấp dẫn, các y, bác sĩ không có đất để "dụng võ"… nên vẫn còn hiện tượng một số cán bộ y tế chưa thật sự chuyên tâm với công tác khám, chữa bệnh. Để thực sự tạo một môi trường làm việc chuyên nghiệp cho người lao động, ngành Y tế Hà Nội đã thực hiện kế hoạch luân phiên có thời hạn đối với bác sĩ của tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới. Năm 2015, ngành Y tế Hà Nội đã có 26 đơn vị xây dựng kế hoạch cử cán bộ luân phiên hỗ trợ tuyến dưới (25 bệnh viện và 1 trung tâm y tế huyện). Tổng số cơ sở tuyến dưới được tiếp nhận người đến hỗ trợ là 37 đơn vị (gồm 22 bệnh viện, 15 trung tâm y tế). Tổng số người đang thực hiện luân phiên là 64 bác sĩ, 23 điều dưỡng, kỹ thuật viên… Có 21/22 bệnh viện, 12/14 trung tâm y tế đã được tiếp nhận cán bộ đến luân phiên hỗ trợ chuyên môn ở các chuyên ngành đã đăng ký. Các cán bộ cử đi hỗ trợ chuyên môn tuyến dưới là cán bộ y tế được lựa chọn có trình độ chuyên môn tốt, chuyên khoa sâu, nhiều người là trưởng, phó các khoa lâm sàng các bệnh viện hạng I của thành phố như Bệnh viện Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Hà Đông về những bệnh viện xa, còn nhiều khó khăn như các huyện: Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn… Các cán bộ cử đi đã và đang tham gia khám, chữa bệnh, hội chẩn và chuyển giao kỹ thuật từ đơn giản đến phức tạp cho các y, bác sĩ theo các chuyên ngành hỗ trợ. Hoạt động này là động lực trực tiếp, thu hút người bệnh đến khám tại các bệnh viện tuyến huyện, giúp bệnh viện tuyến huyện gây dựng niềm tin với bệnh nhân. Đến nay, phẫu thuật nội soi đã được thực hiện ở 100% các bệnh viện tuyến huyện góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao tính công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách…

Hiệu quả của hoạt động này giúp Sở Y tế định hình rõ hơn công tác đầu tư về nguồn lực, con người và kỹ thuật để dần từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh theo Quyết định 4858/QĐ-BYT ngày 3-12-2013 về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng bệnh viện, đẩy mạnh các mũi nhọn chuyên môn như: ghép tạng, mổ tim hở, đưa kỹ thuật mổ nội soi đến các bệnh viện tuyến huyện… Về kế hoạch "dài hơi", Sở Y tế TP Hà Nội đã tiếp tục xây dựng kế hoạch luân phiên cán bộ giai đoạn 2016 - 2020 để chuyển giao công nghệ cũng như thực hiện giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên dựa trên cơ sở đào tạo con người, đầu tư trang thiết bị, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và nhu cầu nâng cao năng lực chuyên môn của các cơ sở khám, chữa bệnh. Sở đã phối hợp với các trường Đại học Y đào tạo các khóa dài hạn; cử cán bộ đi học nâng cao tay nghề và một số được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 44 bác sĩ, điều dưỡng được cử đi tập huấn kỹ thuật ghép gan tại Hàn Quốc, Đài Loan, Italia…

Với mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống y tế chuyên sâu và phổ cập trên địa bàn thành phố, trong giai đoạn 2016-2020 thành phố sẽ đầu tư xây dựng các tổ hợp công trình y tế chất lượng cao tầm cỡ quốc gia ở 5 cửa ngõ Thủ đô, đồng thời củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở. Triển khai hiệu quả quy hoạch nhân lực y tế, bảo đảm đủ bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế có trình độ làm việc tại các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Cùng với đó, sẽ triển khai các dự án đầu tư giai đoạn 2016-2020 bao gồm 6 dự án nâng cấp, mở rộng bệnh viện, 15 dự án xây mới bệnh viện, 6 đề án phát triển đào tạo y tế, 5 đề án phát triển lĩnh vực sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế và 11 đề án phát triển khối y tế dự phòng, y tế cơ sở… đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố. Được biết, trong năm 2015, toàn ngành xúc tiến đầu tư xã hội hóa y tế tại các bệnh viện công lập với mức huy động vốn là 100 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư các đề án có kỹ thuật trình độ và dịch vụ chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.