Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không có việc “tắm” thuốc cho su hào

Chí Kiên| 14/10/2015 06:25

(HNM) - Gần đây, có thông tin cho rằng, cây su hào trồng ở xã Tiên Dương (huyện Đông Anh, Hà Nội) được


Chủ động sử dụng thuốc bảo vệ cây trồng

Gặp chị Hoàng Thị Nữ, ở xóm Lác mặc bộ đồ bảo hộ kín mít đang cặm cụi chăm sóc ruộng su hào nằm ngay cạnh đường vào trung tâm xã Tiên Dương, chị Nữ nói: "Ruộng su hào này cấy được 5 ngày, hôm nay tôi phun loại thuốc được quảng cáo là không độc hại tới môi trường và xử lý được toàn bộ các loại nấm, vi khuẩn, vi rút trên cây trồng". Chị Nữ đưa chúng tôi xem chai thuốc có nhãn hiệu Nano, trên bao bì ghi "xử lý 99,99% các loại vi rút, vi khuẩn và nấm trên cây trồng; thân thiện với môi trường, không độc hại, an toàn cho người và động vật". Trên chai thuốc cũng ghi nhiều nhóm bệnh sẽ được "giải quyết" khi phun cho cây trồng, như: Bệnh bạc lá lúa, khô vằn, đạo ôn, chết ẻo cây con héo xanh, thán thư, lở cổ rễ, sương mai, thối nhũn thân, rễ, củ quả, loét quả, rỉ sắt, nấm hồng, vàng lá, đốm lá, phồng lá. Chị Nữ khẳng định: "Phun thuốc Nano là để phòng bệnh vàng lá, chống sương, chống muội cho ruộng su hào này".

Nông dân xã Tiên Dương chăm sóc su hào.


Hầu hết các hộ gia đình ở xã Tiên Dương đều chủ động dùng thuốc BVTV cho cây trồng dựa trên cơ sở các thông tin được HTX nông nghiệp cung cấp. Chị Nữ khẳng định: Cây su hào ở Tiên Dương ít phải dùng thuốc, nhất là trồng trái vụ, vì trước khi cấy, đất được vệ sinh sạch sẽ, sau khi cấy được ít ngày dùng thuốc phòng bệnh không độc hại đối với môi trường và được cách ly theo đúng chỉ dẫn trên bao bì, thường là từ 5 đến 7 ngày. "Với nhà tôi chỉ khi có nhiều sâu mới phun, còn ít thì bắt thủ công" - chị Nữ quả quyết. Nói về việc có hay không hiện tượng "tưới" thuốc BVTV cho cây su hào bị bệnh thối gốc, thối củ, chị Nữ cho biết thêm: "Nhà tôi chưa làm thế bao giờ, toàn phân gà trộn vôi bột, tro bếp và lân được ủ trong nửa năm rồi mới dùng bón cho cây nên ít khi mắc loại bệnh này. Nếu có thì chỉ là trường hợp cá biệt, có thể do vệ sinh đất trước khi cấy chưa được tốt". Theo chị Nữ, "người dân ở đây chủ động dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn, theo tình trạng sâu bệnh trên cây trồng. Chúng tôi lấy đâu ra tiền mua thuốc để ngày nào cũng bơm. Bơm thuốc quá liều thì cây trồng cũng không chịu nổi!".

Bà Nhị ở xóm Lác (xã Tiên Dương) cũng đang tập trung vệ sinh thửa ruộng rộng hơn một sào để chuẩn bị cấy lứa su hào chính vụ. Bà Nhị cho biết: Gia đình đã trồng được 3 sào su hào, hiện đang phát triển tốt, thời điểm này chưa phát hiện sâu bệnh. Chân ruộng bà Nhị đang làm vệ sinh do đất bị nhiễm nấm nên vụ vừa qua bà không cấy su hào mà cấy lúa với mục đích hạn chế nguồn sâu bệnh chuyển tiếp trên rau. Bà Nhị nói: "Trồng su hào khi bị nấm gốc thì bắt buộc phải phun thuốc theo chỉ dẫn, đúng liều lượng, không thì cây sẽ chết hoặc không phát triển được. Ở đây đa số người ta phun, nếu phải tưới chỉ khi sâu bệnh trở nên quá nặng, tuy nhiên biện pháp này cũng ít người áp dụng và cũng không ảnh hưởng đến cây trồng". Bà Nhung (70 tuổi) ở thôn Trung Oai có 5 sào trồng su hào bắt đầu thu hoạch, cho biết: Cây su hào có nhiều bệnh, hay gặp nhất là vàng lá dẫn tới rụng lá, đốm củ, thối rễ... Vì vậy, việc phun thuốc phòng trừ theo đúng chỉ dẫn cũng là một khâu quan trọng, quyết định đến chất lượng và năng suất củ su hào khi thu hoạch. "Chúng tôi suy nghĩ đơn giản là cách ly đủ ngày như khuyến cáo, khi thu hoạch cơ quan về kiểm định chất lượng bảo đảm an toàn thì mang đi bán".

Một hình ảnh dễ nhận thấy trên các cánh đồng thôn Trung Oai và thôn Tiên Kha là việc người nông dân chấp hành nghiêm cẩn việc vệ sinh đồng ruộng, bao bì thuốc BVTV, phân bón được thu gom cho vào các thùng bằng nhựa đặt ở bờ ruộng. Người dân ở đây cho biết, cứ theo định kỳ, cán bộ BVTV đưa ô tô về chở bao bì đi tiêu hủy theo đúng quy trình.

Kiểm định sản phẩm khi thu hoạch

Tiên Dương là một trong những vựa trồng rau lớn của huyện Đông Anh với quy mô 150ha, canh tác theo tiêu chuẩn rau an toàn VietGAP, tập trung ở thôn Trung Oai và Tiên Kha. Các loại rau được trồng tại Tiên Dương hiện nay gồm su hào chính và trái vụ, dưa, ớt ngọt, bí ngô, đậu bắp... Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương Hoàng Văn Vân, mức thu lãi bình quân một héc ta trồng rau ở Tiên Dương dao động từ 500 triệu đồng đến 700 triệu đồng. Rau an toàn Tiên Dương là mặt hàng được thị trường tin dùng, nhiều năm qua không có thắc mắc về chất lượng sản phẩm từ khách hàng.

Nghề trồng rau ở Tiên Dương được hình thành cách đây 20 năm nên người dân trong xã có nhiều kinh nghiệm hạn chế nguồn sâu bệnh, như: Từ chỉ trồng chính vụ nay chuyển sang trồng quanh năm, đặc biệt là mùa trái vụ rất ít sâu bệnh; kết hợp trồng lúa để hạn chế nguồn bệnh... Nói về những kinh nghiệm phòng trừ, ông Nguyễn Xuân Trường, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiên Kha (xã Tiên Dương) rất tâm đắc với kỹ thuật che phủ ni lông đang được hầu hết nông dân áp dụng. "Bí quyết để sản xuất rau trái vụ là sử dụng vòm che ni lông để giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nhất là giai đoạn cây non. Sử dụng biện pháp này cây trồng không bị ảnh hưởng trực tiếp của nắng, mưa, sương muối, lá cây luôn khô ráo nên hạn chế được bệnh do nấm, vi khuẩn gây ra" - ông Trường phân tích. Thêm nữa, từ thực tế trồng rau trái vụ ở HTX Tiên Kha với hơn 50ha theo mô hình an toàn (trung bình khoảng 4 lứa rau/năm), ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Việc trồng rau trái vụ tạo ra môi trường sinh thái không thuận lợi cho các loại sâu bệnh như bọ nhảy, sâu tơ, sâu xanh - vốn chỉ phát triển ở môi trường nhiệt độ thấp, nên hầu như rau trái vụ không phải sử dụng thuốc BVTV trong suốt quá trình sinh trưởng. Ðây là yếu tố quan trọng tạo ra các sản phẩm rau an toàn cho người sử dụng và người trồng rau.

Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Dương Hoàng Văn Vân khẳng định, việc quản lý, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn xã được thực hiện đúng quy trình. Hằng quý, hằng tháng, xã Tiên Dương phối hợp với Trạm BVTV huyện kiểm tra các cửa hàng buôn bán thuốc; đồng thời nhắc nhở các chủ cửa hàng chấp hành đúng quy định của nhà nước. "Tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc, không nằm trong danh mục cho phép đã được ngăn chặn triệt để trên địa bàn xã từ nhiều năm nay" - ông Vân cho biết.

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo Trạm BVTV Đông Anh thông tin: "Qua điều tra cho thấy, 100% chủng loại thuốc BVTV nông dân xã Tiên Dương sử dụng đều nằm trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên rau. Các loại thuốc nông dân thường sử dụng để phòng trừ bệnh thối gốc, thối củ hiện nay như Moren 25WP, Alfamil 25WP, Kamsu 2L, Valivithaco 5L…". Trạm BVTV huyện đã cử 2 cán bộ kỹ thuật phối hợp với địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền về quy trình sản xuất rau an toàn. Đến nay, đa số nông dân trong xã đều nắm bắt và tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn do Chi cục BVTV và Trạm BVTV huyện Đông Anh hướng dẫn. Trong quá trình quản lý, sử dụng, qua điều tra thực tế các hộ nông dân cho biết, trung bình mỗi vụ su hào phun thuốc khoảng 5 lần, chi phí 30.000-40.000 đồng/sào/lần và 150.000 - 180.000 đồng/sào/vụ.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về các vấn đề liên quan, ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, qua kiểm tra cho thấy, những nông dân ở xã Tiên Dương sử dụng thuốc BVTV theo đúng chỉ dẫn, khuyến cáo, tức là sử dụng thuốc BVTV hóa học ở giai đoạn đầu vụ và giữa vụ; giai đoạn cuối vụ thường sử dụng các loại thuốc BVTV thảo mộc, sinh học, nguồn gốc sinh học và tuân thủ đúng thời gian cách ly nên sản phẩm rau bảo đảm chất lượng. "Đến mùa thu hoạch chúng tôi đều phân tích dư lượng thuốc BVTV trên nông sản, bảo đảm yêu cầu mới được đưa ra thị trường. Đây là khâu cuối cùng và quan trọng nhất, nếu vượt tức là việc sử dụng thuốc không đúng quy trình và ngược lại" - ông Nguyễn Duy Hồng khẳng định. Tại huyện Đông Anh, theo ông Hồng, trong năm 2014 khi phân tích 199 mẫu, chỉ duy nhất một mẫu vượt dư lượng; 9 tháng năm 2015, phân tích trên địa bàn toàn thành phố cũng chỉ phát hiện một mẫu rau ngót ở xã Yên Mỹ (Thanh Trì) là vượt ngưỡng cho phép.

Trở lại thông tin "tưới" thuốc BVTV cho cây su hào ở xã Tiên Dương, chính quyền địa phương cùng người dân đề nghị các cơ quan sớm làm rõ những thông tin liên quan, giải thích rõ để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm, tránh thiệt hại không đáng có cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không có việc “tắm” thuốc cho su hào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.