Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải cứu quy hoạch "treo"!

Chí Kiên| 13/11/2015 06:34

(HNM) - Dù nhà cửa nằm ở khu vực trung tâm thành phố nhưng hàng chục năm qua, cuộc sống của 576 hộ dân với gần 1.800 nhân khẩu thuộc khu dân cư (KDC) số 4 phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng gặp vô vàn khó khăn vì quy hoạch


Bài 1: Khu dân cư "bốn không"


"Bốn không" là cách nói ngắn gọn mà người dân ở KDC số 4, phường Thanh Nhàn mô tả về cuộc sống của họ hàng chục năm qua. Tình trạng nhà xuống cấp không được xây dựng, có đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, không được tách, nhập hộ khẩu... Nhiều người, nhiều thế hệ sống chen chúc trong những ngôi nhà "ổ chuột" chịu lũy tiến giá điện cao, nhà dột nát chờ sập hoặc phải đi ở nhờ, ở thuê...

Ở ngách "ổ chuột"

Ở một con ngách nhỏ thuộc Ngõ 281, đường Trần Khát Chân có 7 gia đình đang sinh sống ghi lần lượt 3 số nhà 217, 219 và 221. Phía trong là những căn nhà chật chội, lụp xụp, xây cất lộn xộn, vá víu khắp chỗ này đến chỗ khác. Lối đi nhỏ phía trước các căn nhà, người dân tận dụng phơi quần áo, chứa đồ đạc, thậm chí làm... phòng tiếp khách. Ở cuối con ngách là 2 ngôi nhà không có người ở, bị hư hỏng nhiều chỗ. Người dân ở đây cho biết, đó là gia đình bà Nguyễn Thị Mỵ có 4 nhân khẩu đã phải chuyển đi ở nhờ nơi khác vì không được làm nhà vệ sinh. Gia đình thứ hai là nhà bà Nguyễn Thị Yến cũng đi nơi khác sống vì nhà quá xuống cấp, chật hẹp không đủ chỗ sinh hoạt cho 4 con người. Cuộc sống như khu "ổ chuột" nhưng nhiều gia đình phải "cắn răng" vì họ không biết đi đâu, về đâu, thêm nữa, họ không thể rời mảnh đất ông cha để lại.

Dẫn chúng tôi vào thăm ngôi nhà của mình, bà Nguyễn Thị Yến vẻ mặt rầu rĩ, nói: "Sống khổ lắm, các anh cứ vào phía trong mới thấy rõ cuộc sống của chúng tôi thế nào!". Căn nhà cấp 4 rộng chừng 30m2 gần như không còn chỗ trống, đủ loại vật dụng bày biện khắp nơi. Tầng trệt căn nhà là phòng ngủ của vợ chồng bà Yến có kê một chiếc giường đôi, một bộ bàn ghế bé xíu để tiếp khách, gác lửng ngay phía trên là phòng ngủ của 3 người con bà Yến đã đến tuổi trưởng thành. Bếp nằm ngay lối vào căn nhà rộng 2m2, đồ đạc, thực phẩm chất như nêm, chỗ trống chỉ vừa đủ cho một người đứng nấu ăn. Bà Yến buồn bã ví von: "Mùa hè gian phòng như... lò bát quái!". Vậy mà theo quan sát của chúng tôi, nhà bà Yến thuộc diện gọn gàng nhất dãy. Giải thích cho "vinh dự" này, bà Yến giãi bày: "Ông nhà tôi làm nghề xây dựng nên mới thiết kế ngôi nhà được tiện dụng như vậy, anh đi nhà khác họ còn khổ hơn thế này nhiều!". Điều bà Yến lo lắng nhất hiện nay là 3 người con đã, đang đến tuổi xây dựng gia đình, không biết tới đây gia đình phải xoay xở như thế nào với ngôi nhà chật như hũ nút này.

Bi đát hơn là gia cảnh bà Nguyễn Thị Kiên, có chồng là ông Nguyễn Quốc Hoạt ốm đau liên miên nên cuộc sống trong căn nhà rộng chưa đầy 30m2 càng thêm khổ. Vì không có gác lửng nên mọi sinh hoạt ăn, ngủ, nghỉ của các thành viên trong gia đình gói gọn toàn bộ trong ngôi nhà cấp 4, phòng tiếp khách phải đặt tạm ở ngoài ngõ ngay lối vào căn nhà. Bà Kiên buồn bã kể: "Căn nhà được xây dựng từ năm 1993, suốt từ đó đến nay chúng tôi phải chấp nhận cuộc sống thế này. Tiền cũng không sẵn nhưng để được sửa chữa, nâng cấp còn khó khăn hơn nhiều!". Chui rúc trong căn phòng chật như nêm cối suốt chừng ấy năm, vợ chồng bà Kiên không dám sắm nhiều vật dụng vì "lấy đâu ra chỗ trống để đặt". "Chừng ấy diện tích thì bảo nhau mà nằm thôi, sáng dậy dọn đi để lấy chỗ đi lại, ngồi ăn uống" - bà Kiên ngậm ngùi.

Sống... "treo"

Ông Đinh Xuân Tế, Trưởng ban Công tác Mặt trận KDC số 4 là người đã nhiều năm gửi tới các cấp, các ngành không ít kiến nghị về cuộc sống của người dân nơi đây. Ông Tế dẫn chúng tôi đi thăm từng ngõ ngách, đến từng nhà dân, ông phân tích về việc có nên thực hiện quy hoạch đã "treo" hàng chục năm qua nữa hay không? Theo thông tin ông Tế cho biết, dự án Công viên Tuổi trẻ được lập từ năm 1970, nhưng chúng tôi không thấy tiến độ triển khai cụ thể. KDC số 4 của chúng tôi nằm trọn trong quy hoạch và 45 năm qua chưa thấy dự án có động thái triển khai, chứng tỏ không còn khả thi, đề nghị các cấp, các ngành xem xét đưa ra ngoài quy hoạch. Chia sẻ nỗi lòng của một cán bộ mặt trận đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, ông Tế cho biết thêm, 45 năm sống "treo", người dân không được phép xây dựng nên nhiều gia đình phải sống chen chúc 7 đến 10 người trong những "chuồng chim" rộng chỉ 10-15m2, có gia đình trên 30 nhân khẩu vẫn phải sống trong những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp.


Người dân phải mưu sinh trong những ngôi nhà đã xuống cấp.


Trường hợp điển hình ông Tế giới thiệu về việc người dân bức xúc chỗ ở đã xây dựng, sửa chữa nhà cửa trên đất của mình nhưng vi phạm vì làm nhà trong đất đã quy hoạch, đó là trường hợp ông Phạm Đình Cường. Gia đình ông Cường có 6 nhân khẩu, gồm vợ chồng ông, 2 con trai, con dâu và cháu nội. Ngôi nhà trước đây có 2 tầng chỉ có diện tích mặt bằng 15m2, vì thế khi con trai cả lấy vợ và có thêm cháu nội, ông Cường quyết định làm đơn gửi UBND phường xin được xây dựng thêm tầng để đủ chỗ ở cho các thành viên trong gia đình. Ông Cường bộc bạch: "Ngôi nhà xây dựng từ đầu những năm 1980, suốt nhiều năm qua đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vì nằm trong vùng quy hoạch nên tôi không dám sửa chữa, xây mới, cứ thấp thỏm chờ giải tỏa. Trước đây con nhỏ thì còn ở tạm, bây giờ chúng đã trưởng thành, có gia đình vợ con, có nhu cầu sinh hoạt riêng nên không thể ở thế này mãi được!". Căn nhà 15m2 xây thô đến tầng 3 của gia đình ông Cường giờ đã bị chính quyền phường Thanh Nhàn đình chỉ thi công vì vi phạm vào vùng quy hoạch. Trong lúc chờ xử lý, đại gia đình ông Cường vẫn đang phải đi thuê nhà để sinh sống qua ngày.

Nói về trường hợp này, đại diện lãnh đạo phường Thanh Nhàn khẳng định, công trình sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, vì ông Cường đã vi phạm cải tạo, sửa chữa tầng 1, tầng 2; trên nóc tầng 2 đổ 4 cột bê tông cốt thép cao 2,5m; xây dựng một bức tường gạch phía mặt tiền nhà cao 1,5m. Cách nhà ông Cường mấy hộ là căn nhà của ông Trịnh Hữu Thính. Ngôi nhà cấp 4 rộng chưa đầy 30m2, nhiều chỗ đã hư hỏng, ở nhà vệ sinh có vết nứt toang hoác. Ông Thính rất lo lắng vì hai ông bà đã già cả, căn nhà cũng có hàng chục năm tuổi nhưng chưa được sửa chữa nên không yên tâm - "Chúng tôi muốn sửa sang lại ngôi nhà nhưng nghe nói vùng này nằm trong quy hoạch, chính quyền cấm xây dựng nên tôi chưa dám làm gì".

Không được sửa chữa, xây dựng nhà cửa là nỗi bức xúc lớn nhất. Bên cạnh đó, những chuyện như không được tách khẩu, nhập khẩu và làm sổ đỏ cũng đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân KDC số 4. Ông Nguyễn Hữu Căn phân trần: "Có nhà, có đất nhưng không được cấp giấy chứng nhận, vì thế con cháu chúng tôi muốn vay vốn phát triển kinh tế không có gì trong tay để thế chấp". Nhiều người ở KDC cho rằng, họ đang bị đối xử thiếu công bằng. Ông Đinh Xuân Tế phân tích: "Chúng tôi vẫn nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đóng góp không thiếu khoản nào như KDC được cấp sổ đỏ, ngược lại quyền được sổ đỏ, xây dựng nhà cửa... vẫn chỉ là giấc mơ". Vấn đề tách, nhập hộ khẩu khó khăn cũng gây ra tình trạng người dân phải chi trả giá tiền điện, tiền nước sinh hoạt hằng tháng lũy tiến cao hơn hẳn các khu vực lân cận. Ông Đinh Xuân Tế nói rằng, đã có thời kỳ người dân phải bảo nhau quạt điện không dùng dùng quạt nan; nước máy không dùng nước giếng khoan.

Trước những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của người dân khu vực, ông Nguyễn Hữu Căn thẳng thắn nêu quan điểm: "Khu đất đã đưa vào dự án công viên 45 năm nay mà không có công trình nào của công viên được xây dựng, cho thấy khu đất không thực cần cho dự án, nên phải được đưa ra khỏi quy hoạch. Đối chiếu quy định tại Luật Đất đai năm 2013, dự án trên đã bị "treo" quá thời hạn nhiều năm nên thuộc diện cần được thu hồi. Người dân kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét thu hồi dự án, tạo điều kiện cho các hộ dân ổn định cuộc sống và được hưởng những quyền lợi hợp pháp".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải cứu quy hoạch "treo"!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.