Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhớ về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên

Nguyễn Ngọc Tiến| 20/05/2016 06:45

(HNM) - 70 năm đã qua nhưng những bài học từ cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra ngày 6-1-1946 vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Đó là trách nhiệm của Hội đồng Bầu cử, của nhân dân khi giới thiệu người tài đức ra ứng cử; là thái độ sáng suốt của cử tri trong lựa chọn người đại diện với mục đích cao nhất: Vì vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946. Ảnh tư liệu


Ban đầu kế hoạch tổng tuyển cử sẽ diễn ra vào ngày 23-12-1945 nhưng sau đó vì muốn mở rộng thời gian để các ứng viên tham gia đông thêm nên Chính phủ đã hoãn đến 6-1-1946. Để tìm người có tài có đức, ngày 20-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài trên Báo Cứu Quốc với tiêu đề “Tìm người tài đức”. Người viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. Vì Chính phủ nhìn không đều, thấy không khắp nên những bậc tài đức chưa xuất hiện. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa điều đó và tìm kẻ hiền năng. Các địa phương phải lập tức điều tra mời người tài đức, có thể làm ích nước lợi dân thì phải báo ngay cho Chính phủ biết”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội được bầu 6 đại biểu nhưng có tới 74 người ứng cử với đủ các thành phần: Trí thức, tư sản dân tộc, công nhân, giới văn nghệ, báo chí. Rất nhiều người tài danh và tâm huyết như: Nhà tư sản Trịnh Văn Bô, nhà thơ Trần Huyền Trân, kỹ sư Cù Huy Cận, nhà giáo Hoàng Minh Giám, bác sĩ Hoàng Tích Trí, nhà văn Vũ Ngọc Phan… được dân chúng giới thiệu ứng cử tại tỉnh Hà Đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thị trưởng thành phố Trần Duy Hưng đượcgiới thiệu ứng cử tại Hà Nội.

Để người dân hiểu về cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu đầu tiên diễn ra tại Việt Nam cũng là đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, các cơ quan thông tin đại chúng, nhất là các Báo Cứu Quốc, Sự Thật đã giữ vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn, cổ vũ quần chúng, đấu tranh phê phán sự xuyên tạc của các lực lượng chính trị đối lập. Ðặc biệt, tờ Nhật báo Quốc hội (chỉ xuất bản trong thời kỳ tổng tuyển cử) xuất bản ở Hà Nội nhằm mục đích nêu rõ ý nghĩa của cuộc tổng tuyển cử, giới thiệu khả năng, thành tích và kế hoạch hành động của những người ứng cử... Danh sách người ứng cử ở các tỉnh, thành phố cũng được công bố công khai trên báo để nhân dân tự do tìm hiểu, lựa chọn. Trên Nhật báo Quốc hội số 13 (ra ngày thứ năm 3-1-1946) có đăng bài thơ Nhắn chị em cử tri của tác giả Bích Hà với 4 câu kết: “Lá phiếu đưa ra phải chọn người/Hãy nên thận trọng chị em ơi/Cử người đại biểu cho dân đấy/Vận mệnh kia mà há chuyện chơi”.

Nhiều tháng trước ngày bầu cử, Việt Minh đã cử cán bộ xuống địa phương trực tiếp tuyên truyền, phổ biến đến dân chúng những kiến thức cơ bản nhất về Quốc hội, về quyền bầu cử, ứng cử của công dân. Có nơi cán bộ ở cùng với dân, cùng đi làm đồng, xay lúa, lấy bèo, dạy chữ... Tại cuộc mít tinh ở bãi Phúc Xá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hứa trước cử tri, mà hầu hết là người dân lao động “Tôi sẽ mang hết tâm, làm hết lực để bà con bớt khổ”. Những lời hứa cụ thể, chân thành vì dân vì nước của Người đã được dân chúng hết sức cảm động và buổi tiếp xúc cử tri hôm đó trở thành cuộc mít tinh lớn ủng hộ các đại biểu là Việt Minh.

Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử không chỉ gặp khó khăn khi 90% dân số mù chữ mà ở miền Bắc, từ vĩ tuyến 16 trở ra, gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch với danh nghĩa quân Đồng minh tràn sang giải giáp quân Nhật, nhưng thực chất là cướp bóc và câu kết với các thế lực phản động như đảng Việt Quốc, Việt Cách để điên cuồng chống phá tổng tuyển cử. Hằng ngày, chúng ôm súng canh đường, gác chợ, dọa nạt cử tri, âm mưu bắt cóc, ám sát các ứng cử viên do Việt Minh giới thiệu. Có thời điểm, Thị trưởng Trần Duy Hưng còn phải rút vào bí mật. Tại Hà Nội, chúng sai lính mang tiểu liên đến khu vực Ngũ Xá ngăn không cho đặt hòm phiếu, cấm nhân dân treo cờ. 

Thế nhưng, dân chúng không nao núng, bà con trong nội đô vẫn tìm mọi cách treo cờ, đặt hòm phiếu. Các đại biểu còn đưa ra lập trường ủng hộ tổng tuyển cử trước âm mưu chống phá, xuyên tạc của các thế lực chính trị phản động. Trả lời phỏng vấn Nhật báo Quốc hội, nhà thơ Xuân Diệu tỏ rõ quan điểm: “Chính quyền của nhân dân, nhân dân sẽ giữ chặt lấy... Những bọn cố giật lại sẽ chỉ tự sát. Bánh xe lịch sử sẽ nghiến nát chúng”. Bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng giải thích rõ lý do tại sao ông lại ra ứng cử:“Tôi lấy làm lạ cho thái độ lãnh đạm của một số anh em trí thức đối với cuộc tổng tuyển cử này. Họ làm như việc của nước mình là việc của nước nào ấy. Tôi từ trước vẫn ở yên trong địa hạt chuyên môn của tôi, không tham dự gì vào đời sống chính trị, nhưng bây giờ tôi thấy phải có bổn phận phải ra ứng cử để có thể giúp ích đôi chút bằng công việc chuyên môn của tôi”.

Để động viên cử tri, trước tổng tuyển cử một ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi toàn dân đi bỏ phiếu, Người nói: “Ngày mai là một ngày đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “là ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu tận dụng, hưởng quyền dân chủ của mình... Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”. Và: “Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”. 

Trong buổi lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Khu học xá Đông Dương (Đại học Bách khoa hiện nay) vào ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện quyền dân chủ ấy”.

Tại Hà Nội không khí ngày tổng tuyển cử rộn ràng, trên các con phố chỉ trông thấy 3 màu đỏ, vàng, xanh. Đỏ và vàng là màu của quốc kỳ. Quốc kỳ được cắm trên gác, trên mái hiên các ngôi nhà, cửa hiệu, trên các cổng chào, trên xe hoa cổ động. Ở phố Hàng Bạc, cờ cắm chạm đầu người. Còn xanh là màu lá kết trên những cổng chào dựng trước công sở, nơi đặt hòm phiếu. Sáng sớm ngày 6-1-1946, ở ngoại thành đã rộn tiếng trống, tù và giục người dân chuẩn bị đi bầu. Trong nội thành, các cửa hiệu lớn nhỏ đóng cửa, chợ búa tạm ngừng họp nhưng tại các nơi đăt thùng phiếu người dân tay cầm thẻ cử tri xếp hàng chờ đến lượt. Ban tổ chức đã cử người túc trực giúp cử tri không biết chữ viết phiếu, họ cũng chuẩn bị sẵn những cây bút chì cho cử tri.

Không khí bầu cử còn nhân lên khi trẻ em đi từ phố này sang phố khác cổ động cho tổng tuyển cử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu ở hòm phiếu đặt tại số 10 Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ) trong tiếng hô vang chào đón không ngớt của cử tri. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân, Người đi thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố: Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu (nay thuộc Phường Bưởi, quận Tây Hồ) và Ô Đống Mác. Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng cảm động khi chứng kiến các cụ già được con cháu cõng đi bỏ phiếu, những người khiếm thị nhờ người nhà dẫn đi để tự tay thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng.

Cuộc bầu cử ở Hà Nội nói chung diễn ra an toàn trong sự hào hứng phấn khởi của cử tri. Ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc, Hội đồng bầu cử đã thông báo, tỷ lệ cử tri Hà Nội đi bầu cao nhất nước. Và trong 6 ứng cử viên trúng cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đạt số phiếu cao nhất, điều đó cho thấy cử tri vô cùng sáng suốt bầu cho người có tài, có đức nhưng hơn tất cả, họ bỏ phiếu cho những đại biểu mà họ tin rằng đó là những người luôn vì vận mệnh quốc gia, dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhớ về cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.