Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây xanh gãy đổ hàng loạt trong bão số 1: Không chỉ bởi thiên tai?

Nhóm PV PSĐT| 30/07/2016 07:04

(HNM) - Cơn bão số 1 đổ bộ Hà Nội rạng sáng 28-7 và quần đảo nhiều giờ sau đó khiến nhiều cây xanh trên các tuyến phố nội đô cũng như khu vực ngoại thành bị gãy đổ. Công tác khắc phục hậu quả đã được tiến hành rất khẩn trương và còn tiếp tục… Theo đánh giá chung, với sức gió giật mạnh cấp 8, cấp 9 cùng lượng mưa lớn khiến nền đất nhão, hiện tượng cây bị bật gốc, gãy hàng loạt là khó tránh.

Cây xanh bật gốc, đổ rạp trên phố Trần Thái Tông.


Ngổn ngang cây gãy đổ ở cả nội thành lẫn ngoại thành

Thống kê của Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội tính đến 15h ngày 29-7, trên địa bàn 4 quận nội thành gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa đã có trên 600 trường hợp cây đổ, chưa kể nhiều cành gẫy. Công ty đã giải tỏa hơn 400 trường hợp, trong đó đã giải tỏa xong toàn bộ cây đường kính lớn đổ, gãy, gây cản trở giao thông và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Dự kiến hết hôm nay 30-7, Công ty này sẽ giải tỏa xong toàn bộ số cây đổ trên địa bàn 4 quận.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, đến 16h ngày 29-7, hầu hết số cây gãy, đổ trên các tuyến phố đã được thu dọn khá gọn gàng, không còn ảnh hưởng đến giao thông. Tại một số tuyến phố và khu đô thị, công viên, công nhân Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội, công nhân các công ty môi trường cũng đang cưa cành những cây đổ, tạm thời xếp gọn lên vỉa hè. Những cây bị bật gốc, đổ nghiêng phần lớn là những cây mới trồng, hố cây khá nông và phần gốc nhiều cây vẫn được bọc kín bằng lưới, túi ni lông, buộc bằng dây gai. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy ở cửa hàng kinh doanh số 39T, phố Hai Bà Trưng - nơi chịu ảnh hưởng do bị cây đổ trực tiếp, cho biết: "Gia đình tôi phải bỏ ra vài chục triệu đồng để sửa cửa, nhưng cây đổ là do thiên tai. Tôi mong muốn thành phố sớm trồng cây mới thay thế để đô thị lại xanh, đẹp như xưa".

Theo thống kê của UBND quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận có khoảng 223 cây gãy đổ, tập trung trên các tuyến đường: Nguyễn Cơ Thạch, Hàm Nghi, đường 70, đường Mễ Trì, trong Khu đô thị Mỹ Đình I và II… Ngay trong trưa ngày 28-7, toàn bộ cây xanh gãy, đổ đã được xử lý, chặt hạ để bảo đảm không ách tắc giao thông. Toàn bộ số cành, cây được thu dọn tập trung tại sân Trung tâm Văn hóa thể thao Mỹ Đình 2 để làm thủ tục thu hồi, thanh lý theo quy định. Còn trên địa bàn quận Hà Đông, có khoảng 600 cây gãy đổ, tập trung ở các phường: Kiến Hưng (150 cây), Phúc La (94 cây), Dương Nội (82 cây)... Để thu dọn số cây gãy, đổ ngổn ngang, UBND các phường đã huy động lực lượng xung kích chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Môi trường đô thị Hà Đông tổ chức cưa, cắt, thu dọn bảo đảm giao thông và vệ sinh môi trường.

Tại khu vực ngoại thành, theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Hà Nội, đã có 12.258 cây bao gồm cây xanh, cây ăn quả, cây trong các vườn tạp bị gẫy, đổ. Dọc theo các tuyến đường đi xã Nam Phương Tiến, Trần Phú,… huyện Chương Mỹ vẫn ngổn ngang cây đổ. Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng: Cơn bão số 1 vừa qua lượng mưa không lớn nhưng kèm theo gió giật mạnh khiến lượng cây xanh, cây bóng mát, cây ăn quả bị đổ, gãy khá nhiều. Hiện toàn huyện có 872 cây xanh với đường kính trên 20cm bị đổ, tập trung hầu hết các tuyến đường giao thông chính trong thôn, xã và các đường nội đồng. “Đây mới chỉ là thống kê đối với những cây có đường kính lớn, chưa tính nhiều cây nhỏ trồng trong vườn các hộ gia đình, các trang trại” - ông Hùng cho biết.

Không chỉ huyện Chương Mỹ, dọc theo các tuyến đường dẫn vào UBND các xã của huyện Thanh Trì, hàng loạt cây xanh bị đổ, gãy la liệt. Thanh Trì là một trong các huyện có tỷ lệ cây đổ, gãy lớn nhất thành phố. Ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Hiện toàn huyện có 970 cây xanh, cây bóng mát bị đổ. Đa số cây bị đổ mới được trồng trên các tuyến đường mới, bộ rễ chưa phát triển nên khả năng bám kém, hoặc là những cây có bộ rễ mỏng, những cây thân giòn, mềm.

Cũng là huyện có số cây gãy, đổ tương đối nhiều, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm chia sẻ: Sức gió giật mạnh ở cấp 10 - 11 đã khiến cây cối trên địa bàn huyện đổ hàng loạt. Tính tới cuối giờ chiều 28-7, toàn huyện có trên 912 cây xanh, cây bóng mát bị đổ.

Bảo vệ cây xanh trước diễn biến thời tiết bất thường


Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về nguyên nhân dẫn dến hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố Hà Nội bị đốn ngã trong cơn bão số 1, ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên cây xanh Hà Nội cho biết: Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sức tàn phá của thiên tai. Sức gió giật mạnh cấp 8, cấp 9 cộng với lượng mưa lớn kéo dài khiến nền đất nhão, không thể tránh khỏi hiện tượng cây bị bật gốc. Có thể thấy rất rõ là cây đổ theo vệt, hướng gió thổi đến đâu cây đổ đến đó. Trận bão vừa qua không chỉ đốn ngã những cây nhỏ, cây mới trồng mà những cây xà cừ lớn, đường kính hơn 1m có tuổi đời tới hàng trăm năm cũng bị bật tung gốc.

Ngoài nguyên nhân do bão thì cũng cần phải kể đến yếu tố thổ nhưỡng khi mực nước ngầm của Hà Nội ngày càng dâng cao. Rễ cây gặp nước ăn ngang ra xung quanh, độ bám nông, gặp gió lốc như người mất chân, đổ là khó tránh. Chính vì vậy, cho dù xà cừ vẫn là loại cây đô thị nhưng do không còn phù hợp với thổ nhưỡng Hà Nội nên những năm gần đây loại cây này bị hạn chế trồng mới, và chuyển sang các loại cây phượng, hoa ban, lát hoa… thay thế. Ngoài ra còn có một vài nguyên nhân khác như việc thi công các công trình ngầm, mật độ đô thị hóa gia tăng… Ông Hưng cũng cho biết thêm, ngay sau khi khắc phục xong hậu quả thiên tai, Công ty sẽ thực hiện sớm việc trồng bổ sung những cây bị thiệt hại và tiếp tục trồng mới theo chỉ đạo của thành phố. Chủ trương trồng thêm 1 triệu cây xanh vào năm 2020 là tầm nhìn xa, đem lại lợi ích kép cho Thủ đô cũng như cuộc sống của cộng đồng, được người dân đặc biệt hoan nghênh.

Hiện tượng cây bật gốc thời gian qua cũng dấy lên những tranh cãi về kỹ thuật trồng chưa phù hợp. Theo quan sát của phóng viên, trong số các cây bị đổ một số gốc cây còn nguyên túi lưới hay ni lông. Dựa trên chiều sâu và diện tích của hố đất được đào để trồng cây, có thể thấy các cây này được trồng rất nông. Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng - chuyên gia sinh học và nông nghiệp cho rằng: Phần lớn những cây bị gãy đổ là cây rễ chùm, bán kính rễ nhỏ, cành giòn, dễ gãy. Dông lốc là nguyên nhân nhưng cũng còn lý do khác là rễ cây không phát triển được, bán kính rễ nhỏ, tán rộng, cành lá nhiều.

Trong chủ trương chung của thành phố trồng thêm 1 triệu cây xanh đến năm 2020, thực hiện xã hội hóa, việc trồng cây còn có sự tham gia của nhiều đơn vị, cấp, ngành. Một chi tiết rất đáng lưu ý là rất nhiều cây mới trồng trên các tuyến phố dù được gia cố thêm bộ khung gỗ với 4 cọc chống nhưng vẫn bị "chỏng vó" cả cây lẫn chân đỡ vì cái thế của chân được dựng khá đứng, nên giảm tác dụng chịu lực. Ngược lại, những hàng cây mới trồng ở không gian rộng lớn như hồ Hoàn Kiếm nơi gió mưa mặc sức tung hoành - nhờ hệ thống chân phụ gia cố cẩn thận với độ choãi lớn, nên vẫn vững vàng trụ vững trước mưa bão. Vì vậy, ngoài yêu cầu lựa chọn loại cây, địa điểm trồng phù hợp thì việc “chuẩn hóa” kỹ thuật trồng và chăm sóc cây là vấn đề rất đáng lưu tâm. Để bảo vệ cây xanh trước diễn biến bất thường của thời tiết, rất cần sự chung tay góp sức của các đơn vị, cấp ngành và chính mỗi người dân. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh gãy đổ hàng loạt trong bão số 1: Không chỉ bởi thiên tai?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.