Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Đánh mất những "mảnh hồn quê"

Nguyễn Mai| 02/08/2016 06:59

(HNM) - LTS: Trong cơn lốc đô thị tràn về, đâu đó vẫn còn những ao làng -

Đầm Lại Yên, xã Lại Yên (huyện Hoài Đức) được bảo vệ, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.


Bao đời, ao làng, giếng làng đã trở thành hình ảnh gần gũi, thân thương gắn với đời sống nhiều thế hệ người nông dân, là hồn cốt của làng quê. Thế nhưng, ao làng đã và đang dần biến mất trong đời sống thôn làng...

Những "lá phổi" trước nguy cơ bị “xóa sổ”

Bà Nguyễn Thị Huy ở xã Hồng Hà, Đan Phượng cho biết: Thế hệ ông cha chúng tôi đào ao để lấy đất làm nhà. Đến nơi ở mới, việc đầu tiên là đào ao. Lớp đất trên tơi xốp dùng để đắp vườn, đất sét phía dưới đắp nền nhà. Chỉ vài ngày sau là ao đã có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt gia đình. Bây giờ đất chật người đông nên người ta lấp ao hồ để làm nhà. Chỉ trong khoảng hai chục năm, hàng chục ao, giếng, hồ nước lớn nhỏ trong làng đã trở thành khu dân cư đông đúc.

Ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Hùng nói với chúng tôi, là xã vùng trũng của huyện nên trước đây rất nhiều ao hồ. Ao chủ yếu của các hộ dân nên họ lấp dần, vào các năm 1990-1995, hàng chục ao đã bị lấp. Đến nay, trên địa bàn xã còn lại duy nhất một con đầm chạy từ đầu làng đến cuối làng. Cụ Nguyễn Thị Thoa ngoài 80 tuổi, lững thững đi bộ trên con đường làng bao quanh đầm nước nhớ lại: Trước đây, quê tôi nhiều ao lắm! Ao làng là những “lá phổi” làm dịu mát những ngày hè nóng nực. Sau mỗi trận mưa lớn mùa hạ, nước trong làng tiêu hết về các ao; mùa đông, khi nước giếng đào khô cạn, ao chính là nơi cung cấp nước cho bà con sinh hoạt. Mặt nước, người dân thả xuống nào cá, rau, bèo phục vụ chăn nuôi. Còn bây giờ, tất cả đã khác!

Câu chuyện lấp ao, hồ ở các xã Lại Yên, Hồng Hà cũng là thực trạng chung ở nhiều khu vực ngoại thành. Từ vùng chiêm trũng như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên đến vùng đồi gò như Chương Mỹ, Sóc Sơn, nhiều ao, hồ cùng chung số phận. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn Nguyễn Trường Giang cho biết: “Là huyện vùng đồi gò, bán sơn địa, đất đai tuy rộng nhưng không chống đỡ nổi sức ép của quá trình đô thị hóa. Thời gian qua, số lượng ao, hồ ở khu vực nông thôn giảm đi nhanh chóng. Đến nay, nhiều vùng cứ mưa là ngập, chẳng khác nào phố thị”.

Có muôn vàn lý do để ao, hồ ở các làng quê biến mất. Một số nơi ao làng đã trở thành nơi để các hộ dân sinh sống xung quanh đổ rác thải, phế thải, lấn chiếm. Và để giải tỏa các ao tù, nước đọng này, từ hàng chục năm trước không ít địa phương đã xin cơ chế cho đấu giá lấy kinh phí xây dựng hạ tầng nông thôn, làm nhà, làm xưởng sản xuất... Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, tuy nhiên, ở tất cả các làng quê, số lượng ao hồ đã giảm với tốc độ chóng mặt. Cũng vì ao làng bị lấp, không có chỗ thoát nước nên nhiều nơi cứ mưa là đường làng thành mương thoát nước.

Ông Nguyễn Trọng Ngọc, xóm 2, xã Lại Yên buồn rầu cho biết: Trận mưa to kéo dài vừa qua khiến đường làng ngập sâu 20-30cm nước, điều này chưa từng có những năm trước đây. Chưa kể, môi trường nông thôn cũng bị thay đổi, chật chội và oi bức vô cùng.

Chung tay gìn giữ những "mảnh hồn quê"

Trước một thực tế buồn - ao làng đang dần bị "xóa sổ", nhiều địa phương đã có phương án để bảo vệ những "mảnh hồn quê" ít ỏi còn sót lại. Nhiều nơi, chính quyền đã phải lên kế hoạch bảo vệ khẩn cấp. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hàng trăm ao làng được xây kè, dựng lan can vững chắc để bảo vệ. Chủ tịch UBND xã Song Phượng Bùi Văn Đức cho biết: Xã tôi mỗi thôn có ít nhất một ao, chúng tôi gọi thân mật đó là “Ao môi trường”. Vừa tạo cảnh quan, điều hòa môi trường vừa trữ nước phòng cháy, chữa cháy và cũng là nơi người lớn, trẻ nhỏ tắm mát ngày hè. Không riêng gì Song Phượng, huyện Đan Phượng hiện có 101 ao, đều đã được quy hoạch, cải tạo thành ao môi trường, trong đó đã kè được 47 ao. Nhiều nhất là xã Đan Phượng đã kè được 13/13 ao, xã Song Phượng được 5/5 ao. Ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ, người dân đã góp công sức, tiền mua ghế đá, trồng cây xanh xung quanh để tạo cảnh quan.

Ở xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, còn lại một đầm. Những ngày hè, khu đầm như "lá phổi" điều hòa, làm dịu cái nắng cho cả làng. Đầm có chiều dài 1,4km, hai bên bờ đầm được cải tạo sạch sẽ. Theo Chủ tịch UBND xã Lại Yên Đỗ Xuân Hùng: Trước năm 2009, đầm không được đẹp thế này. Hai bờ đầm, các hộ dân lấn chiếm, xả nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường. Đảng ủy đã chỉ đạo UBND xã xây dựng kế hoạch cải tạo đầm. Việc xác định mốc giới giữa đất công và đất thổ cư mất rất nhiều thời gian, nhiều hộ lấn chiếm không chịu trả lại đất, đơn thư vượt cấp kéo dài. Chính quyền và các đoàn thể đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, giải thích trong một thời gian dài. Năm 2009, bờ Bắc được làm đầu tiên, đến năm 2012 tiếp tục làm bờ Nam, kinh phí hết 40 tỷ đồng. “Khi xây dựng, chúng tôi tách riêng đường nước thải sinh hoạt, không cho chảy xuống đầm và làm lan can bảo vệ. Đầm được giao cho HTX quản lý nên có người trông coi, vớt lá cây, rác thải, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư hệ thống chiếu sáng hai bên bờ, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp” - ông Hùng cho biết thêm.

Huyện Thanh Trì cũng là một trong những điểm sáng trong việc gìn giữ, cải tạo ao làng. Triển khai xây dựng nông thôn mới, hơn 50% ao, hồ có diện tích 0,5ha trở lên được kè bờ, nạo vét, làm sạch nguồn nước, tạo thành khu vui chơi công cộng. Điển hình tại xã Hữu Hòa đã kè đá, hút bùn, làm sạch nước ao xóm Cộng Hòa, ao xóm Trung Thanh, hồ Quảng Sen, đầm Đông Trạch... Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, từ năm 2010, huyện đã xây dựng “Đề án nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ môi trường huyện Thanh Trì đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn vốn, ưu tiên đầu tư một cách khoa học, bài bản với quyết tâm giữ lại các ao hồ, cải tạo các ao tù nước đọng.

... Làng quê Việt Nam đang có những vận động để thích nghi với giai đoạn phát triển mới của đất nước. Nông thôn Hà Nội cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó. Nhưng nếu ở đâu cấp ủy, chính quyền có tầm nhìn xa, dành sự quan tâm và có các giải pháp để giữ gìn ao hồ tự nhiên thì ở đó không chỉ cảnh quan môi trường được bảo đảm mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Đánh mất những "mảnh hồn quê"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.