Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

Nhóm phóng viên| 25/08/2016 06:22

(HNM) - Nhiều địa phương chưa xử lý sai phạm một phần là bởi việc nhu cầu sử dụng đất sản xuất của người dân trong các làng nghề rất lớn nhưng mật độ xây dựng và chiều cao công trình lại bị giới hạn bởi nhiều quy định.

Thêm nữa, đây là cụm làng nghề, không phải cụm công nghiệp nên người dân vẫn muốn được ăn ở, sinh hoạt tại nơi làm nghề cho thuận tiện. Những bất cập này đã được người dân phản ánh, chính quyền sở tại báo cáo và cơ quan chức năng đã kiểm tra, nhưng chưa có phương án tháo gỡ nên sai phạm cứ tiếp nối sai phạm.

Một công trình xây dựng sai quy định tại Cụm làng nghề Vạn Điểm (huyện Thường Tín).



“Chiếc áo chật” của làng nghề

Làng nghề Vạn Điểm (huyện Thường Tín) đi vào hoạt động từ năm 2006. Đất làng nghề được chia thành những lô có diện tích lớn, song vì nhiều hộ không đủ tiền đầu tư nên đã chung nhau mua sau đó tách thành những lô riêng biệt, trong đó nhiều hộ xây thành nhà ở. Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm cho biết: Vạn Điểm là một trong những làng nghề hình thành sớm nhất của tỉnh Hà Tây (cũ). Đến nay, làng nghề như đang mặc một chiếc áo chật và mô hình này đã bộc lộ những hạn chế, không còn phù hợp với hiện tại. Do việc quản lý đất đai của chính quyền sở tại thiếu chặt chẽ qua nhiều thời kỳ nên nhiều thửa đất bị chia lô xây nhà ở; nhiều xưởng chật chội, không đủ đất sản xuất. Là mô hình thí điểm nên việc xây dựng xưởng, nhà điều hành không theo quy chuẩn, vì thế không xử lý được bụi, tiếng ồn. Do đó, người dân mong muốn chuyển đổi đất làng nghề thành đất kinh doanh dịch vụ và mở rộng sản xuất ở một vị trí khác. Tuy nhiên, đề xuất này rất khó bởi xã Vạn Điểm đã được quy hoạch là đô thị vệ tinh của thành phố.

Tương tự, tại Cụm sản xuất làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ xã Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), tình trạng xây dựng nhà ở kèm xưởng sản xuất cũng xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay chưa được khắc phục. Hầu hết các lô đất trong Cụm làng nghề nằm dọc tỉnh lộ 419 đã biến thành nhà ở kết hợp xưởng sản xuất, chỉ lác đác một số lô dựng xưởng theo đúng quy hoạch. Ông Chu Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Chàng Sơn cho biết: Cụm làng nghề có tổng diện tích gần 9ha và đã giao đất cho gần 300 hộ với 2 loại diện tích là 138m2 và 280m2. Trong quá trình xây dựng hạ tầng, khoảng năm 2009 đã có hơn 40 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Vì máy móc để sản xuất có giá trị lớn nên người dân phải ở lại xưởng để trông nom. Do nhu cầu sản xuất nghề gỗ của nhân dân trong xã rất lớn (khoảng 1.200 hộ) nên UBND xã đề xuất mở rộng Cụm làng nghề thêm 10ha nhưng đến nay chưa được phê duyệt. “Nếu không được mở rộng thì người dân xã Chàng Sơn rất khó khăn trong phát triển làng nghề. Việc sản xuất trong khu dân cư gây ra nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế không cao…” - ông Hà nhấn mạnh.

Ở một khía cạnh khác, bất cập tại Cụm làng nghề Vân Hà (Đông Anh), Bát Tràng (Gia Lâm) và Tân Triều (Thanh Trì) lại tập trung vào mật độ xây dựng và chiều cao công trình xây dựng. Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Dũng Thủy tại làng nghề Tân Triều nói: Tôi đang sử dụng 1.000m2 đất để làm xưởng sản xuất sắt, sợi, nước đóng bình… nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất dù đã sử dụng đến 90% diện tích để làm xưởng. Theo quy định, tôi chỉ được xây dựng 47,5%, nhưng vì cần làm xưởng sản xuất nên chấp nhận vi phạm. Đây là bất cập cần sớm được các cấp, các ngành xem xét… Tương tự, ông Nguyễn Huy Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Minh Tiến chuyên sản xuất chỉ may cho biết: Thửa đất của tôi có kích thước 15m x 20m. Diện tích này quá nhỏ, không đủ để đặt những cỗ máy có kích thước lớn. Do đó, nếu chỉ cho xây dựng 47,5% thì rất lãng phí đất. Cả khu làng nghề này như tấm áo vá vì doanh nghiệp nào cũng cơi nới, cạp thêm tôn để mở rộng diện tích nhà xưởng. Chưa kể, chiều cao cũng bị giới hạn nên hiệu suất sử dụng thấp…

Bất cập trên không chỉ tồn tại ở làng nghề Tân Triều mà còn là nỗi niềm chung của người dân ở làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm) và Vân Hà (Đông Anh). Theo quy định, đất tại các làng nghề chỉ dành cho những người có nhu cầu sản xuất, không được chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp đã tự ý chuyển nhượng dưới dạng “Hợp đồng ủy quyền” hoặc đồng sở hữu một lô đất. Những trường hợp này sau khi trúng đấu giá thường chia lô nhỏ để sử dụng theo mục đích cá nhân. Dần dần, quy hoạch làng nghề bị phá vỡ, hoạt động không đúng mục đích ban đầu.

Bên cạnh đó, không ít làng nghề còn bị “vấp” trong cả việc vận hành hoạt động, vì trong thời gian qua công tác quản lý không được giao cho một đơn vị nhất định. Điển hình như ở Cụm làng nghề Tân Triều. Qua đấu giá, Công ty TNHH Đầu tư phát triển và Xây dựng đã trúng đấu giá quản lý làng nghề Tân Triều với thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, điều này đang trở thành mối lo của các doanh nghiệp, hộ gia đình ở đây bởi công ty này đang bỏ lửng nhiều hạng mục, do vậy các hộ dân, các doanh nghiệp trong làng nghề phải tự góp tiền để làm đường, dọn vệ sinh… Còn công tác quản lý làng nghề ở Bát Tràng lại được giao cho HTX Dịch vụ tổng hợp Bát Tràng. Chính vì thế mới có chuyện, HTX ký hợp đồng cho thuê đất, để rồi các vi phạm phát sinh mà không được ngăn chặn kịp thời.

Cần sớm hóa giải bất cập

Những vi phạm về trật tự xây dựng trong làng nghề Tân Triều tồn tại đã lâu. Hầu hết các trường hợp đều tận dụng diện tích đất đã trúng đấu giá để xây dựng nhà, xưởng với mật độ xây dựng gần như 100%. Các vi phạm đều bị lập biên bản nhưng xử lý lại rất hạn chế. Về thực tế này, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì, ông Vũ Anh Tú cho biết: “Theo quy hoạch chi tiết được duyệt thì mật độ xây dựng ở làng nghề là 47,5%, chiều cao các tầng tính theo tỷ lệ 1,3 so với diện tích sàn xây dựng (Nếu tầng 1 diện tích sàn là 100m2 thì tầng 2 chỉ được xây 30m2). Do nhu cầu sản xuất, một số hộ dân đã xây vượt mật độ và chiều cao cũng như diện tích các sàn. Trước bất cập này, UBND huyện đã đề nghị và nhiều sở, ngành đã kiểm tra, xem xét thực địa, nhưng đến nay chưa cơ quan nào hồi âm”.

Cũng chung băn khoăn trên, ông Tô Quang Thiện, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Đông Anh cho biết: Theo quy hoạch, trong một lô đất người trúng đấu giá chỉ được xây dựng với mật độ từ 45-50%, vừa làm nhà trưng bày sản phẩm, vừa là nơi sản xuất và kho. Tuy nhiên, vì mật độ xây dựng bị hạn chế, không đủ diện tích cho sản xuất nên nhiều hộ đã xây dựng trên toàn bộ thửa đất. Cũng vì vậy, từ năm 2011 đến nay không ai nộp hồ sơ đấu giá đất mà thuê đất ở địa phương lân cận để làm nghề… UBND huyện Đông Anh đã báo cáo xin ý kiến thành phố và các sở, ngành liên quan để điều chỉnh quy hoạch và xử lý vi phạm trật tự xây dựng. Ngày 29-10-2015, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 7504/VP-QHKT chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch và Sở Quy hoạch - Kiến trúc có Văn bản số 6171/QHKT-P3 ngày 31-12-2015, hướng dẫn triển khai các thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cụm làng nghề Vân Hà. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND huyện Đông Anh đang giao Ban Quản lý dự án huyện lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án, đến nay chưa có quyết định cuối cùng.

Theo quy định, việc quản lý làng nghề được phân cấp cho UBND các quận, huyện, tuy nhiên những năm qua công tác này vẫn bị buông lỏng, nhất là trong lĩnh vực sử dụng đất và trật tự xây dựng khiến làng nghề hoạt động chưa hiệu quả. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết lại quy định hoạt động trong các làng nghề, hóa giải các bất cập để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh tế của các làng nghề đã được quy hoạch trên địa bàn Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.