Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nghề ở "đất chín rồng": Vì sao nhiều bất cập?

Thanh Tàu| 26/08/2016 07:18

LTS: Tình trạnh “thừa thầy, thiếu thợ” hay lao động trình độ cao chấp nhận làm công việc giản đơn để tránh thất nghiệp là một thực tế. Và có một thực tế khác là ở không ít tỉnh, thành phố mà điển hình là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), không ít trường đào tạo nghề được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không có bao nhiêu học viên.

LTS: Tình trạnh “thừa thầy, thiếu thợ” hay lao động trình độ cao chấp nhận làm công việc giản đơn để tránh thất nghiệp là một thực tế. Và có một thực tế khác là ở không ít tỉnh, thành phố mà điển hình là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), không ít trường đào tạo nghề được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng không có bao nhiêu học viên. Khảo sát thực tế cho thấy có rất nhiều bất cập trong chính sách quản lý các trường nghề tại "đất chín rồng".

Bài đầu: Những ngôi trường tiền tỷ không có học viên


Được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng khang trang, tuy nhiên sau khi đi vào hoạt động một thời gian, nhiều cơ sở dạy nghề bị bỏ hoang hoặc phải chuyển đổi mục đích sử dụng, gây lãng phí rất lớn. Thậm chí, có trường để cỏ mọc nhiều năm vì không thu hút được học viên.

Cơ sở 2 Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu để hoang cho cỏ mọc.



Giám đốc cơ sở dạy nghề kiêm… bảo vệ, kế toán

Tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, Cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được thành lập năm 2006 với tên gọi là Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ việc làm nông dân khu vực Nam Bộ. Cơ sở này được xây dựng trên phần đất rộng 4,3ha với tổng số tiền đầu tư hơn 80 tỷ đồng. Năm 2014, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quyết định số 358/QĐ ngày 24-4-2014 giải thể Trung tâm này, chuyển toàn bộ cơ sở vật chất, con người về Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam để quản lý và có tên gọi mới là Cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ, có nhiệm vụ đào tạo nghề cho nông dân 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Đến đây, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi bên trong khuôn viên của trường, có dãy nhà 5 tầng khang trang được cho một cơ sở mầm non tư thục thuê với giá 5 triệu đồng/tháng, thời hạn thuê là 15 năm. Còn một dãy nhà 5 tầng khác thì cho thuê làm phòng nghỉ như một khách sạn. Trao đổi với chúng tôi, chị L.T.T cho biết, đến đây thuê nhà để trông con cho người em đang làm công nhân tại Khu công nghiệp Kizuna. Khu nhà này có giá thuê phòng từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/tháng tùy tầng cao hay thấp, chưa tính tiền điện, nước. “Tôi thuê ở đây hơn một năm rồi, có thấy ai học đâu, cơ sở này bỏ trống từ lâu rồi”, chị L.T.T. nói. Còn ở dãy nhà khác (chưa cho thuê), đập vào mắt chúng tôi là bàn ghế chồng chất, bụi bặm và nhiều máy móc thiết bị trùm mền...

Làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Tấn, Giám đốc Cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ cho biết, cơ sở này có 1 hội trường lớn với 180 chỗ ngồi, 11 phòng làm việc (hành chính), 14 phòng học lý thuyết theo tiêu chuẩn dạy nghề, 5 phòng học thực hành, 1 xưởng thực hành và đầy đủ dụng cụ để dạy nghề cơ khí (tiện, phay, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp…). Tuy nhiên, hiện tất cả các dãy nhà đều không sử dụng đúng mục đích. Lý giải về việc cơ sở dạy nghề bị biến thành nơi cho thuê đủ loại dịch vụ, ông Lê Văn Tấn nói, đang trong thời điểm khó khăn, từ hai năm nay không có người đến học nên phải cho thuê để trang trải kinh phí.

Điều rất đáng nói khác là một trường dạy nghề với nguồn vốn đầu tư hơn 80 tỷ đồng như Cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ lại chỉ có một mình ông Lê Văn Tấn làm giám đốc kiêm luôn các việc như bảo vệ, kế toán… Chưa kể đến chuyện ông Tấn phải tự bỏ tiền ra để thuê nhân viên tạp vụ.

Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu cơ sở 2 được đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng phòng ốc hoành tráng trên tổng diện tích là 7,2ha. Ông Đào Anh Tuấn - Quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu cho biết, cơ sở này trước đây là Trường Trung cấp nghề Bạc Liêu. Sau khi sáp nhập vào tháng 10-2015, được xây dựng thêm nhiều hạng mục. Vốn được phân bổ từ đầu dự án đến nay là gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, bên trong cũng như xung quanh cơ sở này, cỏ mọc um tùm nhiều nơi đã bỏ hoang và có nơi đã sụt lún, hàng loạt trang thiết bị trùm mền, nhiều phòng học xuống cấp, thấm dột, thiết bị thực hành hư hỏng…

Đầu tư không phù hợp, lãng phí nghiêm trọng

Theo ông Đào Anh Tuấn, Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu cơ sở 2 để hoang bởi việc tuyển sinh học nghề không đủ số lượng, không đủ số nghề so với đội ngũ giáo viên. Công tác đào tạo cũng như các hoạt động khác của nhà trường rất khó khăn, không ổn định, bị động từ đó gây lãng phí nguồn nhân lực, vật lực nói chung.

Với Cơ sở dạy nghề khu vực Tây Nam Bộ ở Long An, theo Giám đốc Lê Văn Tấn, dù chính thức đưa vào hoạt động cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa tuyển sinh được lớp nào. Hiện ở đây có 14 phòng học vẫn để trống, thỉnh thoảng chỉ có nhân viên vào... quét bụi. Theo báo cáo của ông Tấn gửi cho Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, năm 2014 cơ sở dạy nghề này chỉ phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện Cần Giuộc tổ chức được 7 lớp học tại các xã, thuê người dạy nghề cho trên 200 lao động. “Đó có thể nói là hoạt động sát với mục đích, nhiệm vụ nhất của cơ sở cho đến nay. Cơ sở dạy nghề đóng ở Long An nhưng chúng tôi chỉ mới phối hợp được với mỗi huyện này. Đến năm 2015, chúng tôi đành phải ngưng hẳn việc đào tạo nghề để tập trung vào việc kinh doanh” - ông Tấn nói.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2015, cả nước có 14 trường cao đẳng nghề được thành lập nhưng chưa tuyển được học sinh học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp (trong đó có 9 trường tư thục). Có 3 trường cao đẳng nghề tư thục là Trường Cao đẳng nghề Đại An, Trường Cao đẳng nghề công nghệ LICOGI và Trường Cao đẳng nghề Hàng hải Vinalines thành lập từ năm 2008, 2010 và 2011 chưa đi vào hoạt động do khó khăn về kinh tế, chủ đầu tư không bố trí được nguồn lực đầu tư theo cam kết nêu trong dự án khi thành lập trường. Báo cáo kiểm toán chuyên đề Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2013 cho thấy có 1 cơ quan trung ương (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) và 9 tỉnh, thành phố chưa xác định chính xác nhu cầu dẫn đến tình trạng thiết bị đã mua sắm nhưng hiệu suất khai thác, sử dụng không cao. Đầu tư không phù hợp với thực tế đã gây nên tình trạng lãng phí nghiêm trọng.
(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nghề ở "đất chín rồng": Vì sao nhiều bất cập?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.