Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Vua chim công” đất Kinh Bắc

Thùy Tâm| 30/11/2016 05:34

(HNM) - Từ xa xưa, chim công luôn được xem là loài chim “quý tộc” bởi nuôi công là thú vui chỉ dành riêng cho bậc vua chúa, tầng lớp thượng lưu.


Nhưng giờ đây giống chim quý này đang được thuần hóa bởi những người nông dân chân chất và cho hiệu quả kinh tế khá cao, mở ra một thị trường mới giàu tiềm năng. Một trong số người thành công với loài chim này là ông Nguyễn Hữu Khởi, ở xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh, người được mệnh danh là “vua chim công” đất Kinh Bắc. Khởi nghiệp chỉ với số vốn ít ỏi, nhưng nhờ sự đam mê, ông Khởi hiện là chủ trang trại chim công cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Vua chim công” Nguyễn Hữu Khởi.


Nuôi công dễ như nuôi… gà

Chúng tôi tìm tới trang trại của “vua chim công” Nguyễn Hữu Khởi vào một ngày chớm đông. Đón khách bằng một nụ cười rạng rỡ, ông Khởi nói, giọng tiếc rẻ: “Nhà báo tới không đúng lúc rồi! Tôi mới bán hết chim giống cách đây mấy ngày, hiện chỉ còn khoảng 200 chim bố mẹ thôi. Hẹn đầu xuân, đúng mùa sinh sản, chim con nhiều và đẹp nữa”. Dứt lời, ông dẫn chúng tôi đến thăm một khu chuyên nuôi chim bố mẹ. Dưới ánh nắng chiều nhàn nhạt, hàng trăm chú công khoác trên mình những bộ cánh rực rỡ tung tăng nhảy múa như những vũ công điệu nghệ đang say trong điệu nhạc.

Sinh năm 1965, ông Khởi từng có thời gian dài phục vụ trong quân đội. Năm 1987, ông xuất ngũ về quê phụ trách mảng thú y tại địa phương. Không lâu sau, ông xin nghỉ để về chăn nuôi vịt. Tuy nhiên, dịch bệnh hoành hành, thiên tai bủa vây khiến vợ chồng ông nhiều lần đứng trước nguy cơ vỡ nợ. “Tôi bắt đầu bén duyên với loài công từ năm 2002. Bấy giờ, vô tình xem được một phóng sự về loài chim này trên VTV2, tôi mới nghĩ bụng: “Công cũng là một loài chim, nuôi nó chắc cũng tương tự gà, vịt. Hơn nữa, hiện vẫn chưa có nhiều người nuôi, nếu đầu tư vào nó sau này chắc chắn sẽ khá. Nghĩ vậy nên tôi có bàn qua với vợ và bất ngờ là bà ấy cũng đồng ý”, ông Khởi nhớ lại.

Ông tận dụng mọi mối quen biết để tìm mua chim giống, song thời đó mọi thông tin về loài chim này rất khó kiếm. Mãi đến năm 2006, ông Khởi mới mua được 20 đôi chim công Ấn Độ với giá 800 nghìn đồng/con. Có sẵn kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nuôi gia cầm nhưng những ngày đầu chăm công, ông vẫn gặp khá nhiều khó khăn do chưa nắm được đặc tính của chúng.

Thậm chí, có lần cả mấy chục con công bỗng dưng lao vào mổ nhau chí chóe khiến vợ chồng ông phải mướt mồ hôi mới dẹp yên được. Ông Khởi cho biết, sức đề kháng của công rất tốt nên ít khi bị bệnh. Tuy nhiên, nếu con nào bị nhiễm bệnh thì rất khó phát hiện bởi “chim công bệnh như gà nhưng biểu hiện bệnh không như gà”, phải chịu khó quan sát, theo dõi mới nắm được. Chim thường dễ mắc bệnh nhất vào khoảng 1 tháng tuổi và có thể bị mắc các bệnh giống gia cầm như tiêu chảy, cúm…

Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, ông Khởi giờ đã thành chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc chim công. Ông cho biết, nguồn thức ăn của chim công khá đơn giản, chủ yếu là thóc, ngô và rau cỏ chiếm 60%. So với gà, vịt, lượng thức ăn chỉ bằng 1/3 nên tiết kiệm được khá nhiều chi phí chăn nuôi. Mỗi giai đoạn trưởng thành cần bảo đảm lượng thức ăn phù hợp.

Theo đó, đối với chim non mới nở thì khẩu phần ăn là 100% cám gà tổng hợp. Sau 30 ngày tuổi, hệ tiêu hóa của chim non đã cứng cáp hơn có thể pha thức ăn theo tỷ lệ: 70% cám tổng hợp - 30% ngô hoặc thóc nghiền. Chim công từ 6 đến 8 tháng tuổi có thể nuôi nhốt ngoài chuồng lớn cùng các cá thể khác thì cho chúng ăn bổ sung các loại rau xanh như rau ngót, cải… Khi chim đạt tuổi trưởng thành, có thể cho ăn cám tổng hợp và các loại ngũ cốc nguyên hạt như ngô, thóc và đặc biệt là rau xanh để giúp chim công có bộ lông bóng mượt, màu sắc rực rỡ.

Về chuồng trại, ông tận dụng nhà kho, xưởng, chuồng gà sẵn có, cải tạo thành chuồng nuôi chim để giảm chi phí. Xây dựng chuồng trại nuôi công tuy đơn giản, ít chi phí nhưng cần bảo đảm sạch, thoáng và khô ráo để các cá thể công luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật. Bên cạnh chuồng chính, ông thiết kế thêm một chuồng phụ để chăm sóc riêng những con bị bệnh, đồng thời tránh lây nhiễm bệnh cho các cá thể khác. Điều quan trọng hơn nữa là việc vệ sinh chuồng, không gian nuôi chim công phải luôn khô thoáng để phòng tránh bệnh. Ông Khởi dùng cát vàng rải nền chuồng để hút ẩm giúp công không bị bẩn và phòng ngừa giun, sán. Ông còn thiết kế thêm phần sân phía trước để công có chỗ tắm nắng, vận động.

Theo ông Khởi, nuôi chim công không khó, cái khó là phải có sự kiên trì, lòng đam mê, phải coi chim như bạn, chăm sóc nó như chính bản thân mình thì mới có thể thành công. Nhắc lại những kỷ niệm từ ngày bén duyên với loài chim quý tộc này, ông bật cười: “Đó là lần đầu tiên được thấy công đau đẻ. Khoảng 5-6h chiều, tôi thấy chúng bay hết lên mái nhà. Chừng 30 phút sau thì… bộp… bộp… bộp, trứng từ trên mái nhà lăn lông lốc xuống sân, vỡ tan tành. Vợ chồng tôi bảo nhau mắc võng quây xung quanh nhưng cũng không đỡ được, đành ngồi nhìn mà tiếc hùi hụi. Sau này mỗi khi thấy dấu hiệu chim đau đẻ, tôi đều nhốt chúng vào chuồng, đợi đẻ xong lại thả ra”.

Mở ra một thị trường giàu tiềm năng

Từ 20 cặp chim bố mẹ ban đầu, đến nay, ông Khởi đã sở hữu một trang trại chim công với số lượng lên tới hàng trăm con không chỉ có giá trị về thẩm mỹ mà còn cho giá trị kinh tế rất cao. Chim công có tuổi thọ trung bình khoảng 30 năm, trong đó tuổi sinh sản là 25 năm. Khoảng 2 năm rưỡi chim bắt đầu bước vào giai đoạn sinh sản nhưng phải đến năm thứ 5 chim mới đẻ thành thục. Mỗi lứa một con mái đẻ được khoảng 30-35 trứng, tỷ lệ nở đạt khoảng 80%. Về cơ bản, kỹ thuật ấp trứng công cũng tương tự như trứng gà, vịt, chỉ khác là thời gian ấp thường kéo dài hơn.

Tính từ đầu năm đến nay, trang trại của ông Khởi xuất bán khoảng 700 con giống với giá từ 2 đến 3 triệu đồng/cặp và hàng chục con công bố mẹ giá từ 10 đến 25 triệu đồng/con. Trừ mọi chi phí chăn nuôi, gia đình ông thu về trung bình khoảng 500 triệu đồng/năm. Khách hàng chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Bắc. Đặc biệt, không chỉ cung cấp giống, hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hiện ông Khởi còn đảm bảo đầu ra sản phẩm cho khoảng 10 hộ gia đình nuôi công ở Bắc Ninh và Hưng Yên.

“Do chưa được nuôi phổ biến nên số lượng chim công hiện mới chỉ đáp ứng được cho mục đích du lịch, trong khi nhu cầu thị trường rất giàu tiềm năng. Vì thế cả trước mắt và lâu dài, đây sẽ là một trong những hướng đi mới để người nông dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao nhất, mọi người nên tìm tới những địa chỉ cung ứng giống uy tín, không nên mua ở những cơ sở không có nguồn gốc rõ ràng”, ông Khởi chia sẻ.

Nói về những dự định thời gian tới, ông Khởi cho biết sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để nuôi trên 1.000 con công. Đặc biệt, ông và những người bạn của mình đang ấp ủ xây dựng một khu sinh thái dành riêng cho những người yêu thích công...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Vua chim công” đất Kinh Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.