Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa

Nguyệt Ánh| 08/12/2016 06:52

(HNM) - Có rất nhiều người con ưu tú của Thủ đô đang làm nhiệm vụ tại Trường Sa, ngày đêm kiên cường bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Sức mạnh giúp họ luôn vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió ấy chính là gia đình, hậu phương vững chắc của họ. Và cũng chính tình yêu Tổ quốc của các chiến sĩ đã lan tỏa đến những người ở hậu phương niềm tin và tình yêu dành cho biển đảo quê hương...



Ông Nguyễn Văn Ý, bố của Trung sĩ Nguyễn Văn Tứ ngắm những bức ảnh của con trai trước khi anh lên đường ra Trường Sa.


Hậu phương vững chắc

Sau chuyến công tác Trường Sa trở về, tôi đến thăm gia đình Trung sĩ Nguyễn Văn Tứ ở xã Phương Đình (Đan Phượng). Căn nhà cấp 4 của bố mẹ chiến sĩ trẻ nằm sau đình Cổ Ngọa. Nơi đây vẫn còn nguyên dáng vẻ của một ngôi làng cổ, yên bình và xanh mát. Giữa trưa nắng, biết tôi đến, ông Nguyễn Văn Ý, bố Tứ ra tận đầu dốc ven đê đón khách. Mẹ Tứ làm hộ lý ở Bệnh viện Nhi trung ương không về được. Qua điện thoại, bà xăng xái chỉ cho tôi đường đến Phương Đình.

Gia đình Tứ ở trong ngôi nhà nhỏ có một gian duy nhất, và cũng như nhiều gia đình khác, có mấy khung gỗ to, treo ảnh toàn thể gia đình, trong đó có rất nhiều ảnh của Trung sĩ Nguyễn Văn Tứ trong thời gian huấn luyện ở Cam Ranh cuối năm 2015. Trông Tứ trong bộ quân phục hải quân, rắn rỏi và mạnh mẽ, khác với vẻ lành lành khi tôi gặp.

Tôi chuyển lời của Tứ nhắn nhủ gửi về gia đình: "Bố mẹ yên tâm, con ngoài này vẫn khỏe! Con sẽ hoàn thành tốt trọng trách của mình, để xứng đáng là con của bố mẹ". Nghe tôi kể về cuộc sống nơi đảo xa của Tứ, ông Ý thi thoảng lại đưa tay lên như cố dằn lòng, nghẹn lời, mãi mới nói được một câu "Tứ ở nhà là đứa con ngoan. Ở làng này có mỗi mình nó ra đảo". Nói đến vậy, ông Ý lại phải nâng chén trà lên nhấp để giấu đi niềm xúc động. Rồi ông bộc bạch: "Tôi là người động viên cháu ra Trường Sa. Tôi nghĩ đó là nơi rèn người tốt nhất. Tôi tin cháu sẽ trưởng thành sau khi hoàn thành nghĩa vụ".

Rời nhà Tứ, tôi tìm đến xã Cổ Bi (Gia Lâm) hỏi thăm nhà chiến sĩ Nguyễn Cảnh Hải, đang công tác ở Trường Sa Lớn. Người dân nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ, không ai là không biết gia đình ông Nguyễn Cảnh Sơn, bố của Hải. Với họ, có một người con đang trên đảo Trường Sa bảo vệ Tổ quốc là niềm tự hào của cả dòng họ, cả xóm làng. Những thành viên trong gia đình rất háo hức khi tôi giới thiệu vừa ở Trường Sa về và đã gặp người cháu, người con, người anh của họ.

Được biết, ông bà nội của Hải đều tham gia lâu dài trong quân đội. Nhà Hải có 3 anh em, Hải là cả, dưới còn một em trai và một em gái đang đi học. Mẹ của Hải, bà Lê Thị Thu Hiền tâm sự: “Hôm cháu báo tin về gia đình là được ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tất cả mọi người trong xóm đều đến chúc mừng. Tôi chỉ biết căn dặn cháu công tác thật tốt để xứng đáng với vinh dự và niềm tự hào ấy”. Còn cô em gái Nguyễn Vân Anh, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Cổ Bi thì hân hoan: “Biết cháu có anh là bộ đội ở Trường Sa, các bạn ai cũng hỏi thăm. Các bạn còn bảo cháu là anh cậu thật dũng cảm, anh hùng. Anh cháu là bộ đội Trường Sa, cháu tự hào lắm!”. Cô bé còn bật mí cho tôi hay là đã để dành được một khoản tiền để mua quà tặng các bạn nhỏ ở Trường Sa, sau khi nghe anh gọi điện về nhà kể cho gia đình biết về cuộc sống của người dân nơi mình đang đóng quân.

Tình yêu Tổ quốc đặt lên trên hết

Vừa pha cốc nước mơ thơm mời tôi, bà Nguyễn Thị Mùi, mẹ của Thượng úy Nguyễn Đức Dũng, vừa kể: “Dũng có 14 năm trong quân đội rồi, nên em nó ra đảo công tác là cô hoàn toàn yên tâm, vì ngoài đó còn anh em đồng đội. Mỗi lần em nó gọi điện về, cô chỉ nhắc nó giữ gìn sức khỏe, bởi nó gầy lắm. Còn việc ở nhà không phải băn khoăn gì. Cô biết nó lo mẹ ở nhà một mình, nhỡ trái gió trở trời, nhưng anh trai nó vẫn chạy qua chạy lại thường xuyên”.

Thượng úy Nguyễn Đức Dũng là con thứ 2 trong gia đình có hai anh em trai. Bố anh mất vài năm trước, do bệnh nặng, giờ căn nhà trên phố Văn Miếu chỉ có mẹ già. Còn vợ anh, chị Vũ Thị Hà mới đưa con về nhà ông bà ngoại. Bà Mùi bảo: “Hai mẹ con nó ở đây vắng chồng lủi thủi cũng tội, nên thỉnh thoảng cô lại giục nó đưa con về nhà ngoại chơi một thời gian”.

Điện thoại trò chuyện với chị Hà, được biết anh chị nên duyên vợ chồng năm 2011 và hiện có một con gái 4 tuổi. Chị Hà chia sẻ: “Bọn em yêu nhau cũng trong xa cách nên bây giờ cũng quen. Nói không nhớ mong thì không đúng, nhưng đã chọn làm vợ bộ đội Trường Sa thì phải hiểu và thông cảm. Hơn nữa chồng em đi làm nhiệm vụ vì Tổ quốc, quê hương gửi gắm, em coi đó là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào mà không phải người vợ nào cũng có được”. Hà cười giòn, kể rất nhiều và tự hào về người chồng đang công tác ở nơi đầu sóng ngọn gió, bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Nghe giọng nói của chị, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc khi là điểm tựa, là hậu phương lớn của chồng…

Ở đâu đó trên đất nước ta vẫn có những tình yêu, sự hy sinh, cống hiến thầm lặng cho Tổ quốc, những điều tưởng chừng chỉ có trong thời chiến. Ở những gia đình tôi đã đến, những người thân của các chiến sĩ mà tôi đã gặp, tôi luôn chỉ thấy lòng tự hào, niềm tin. Khi nghe tôi hỏi, gia đình có muốn Tứ trở thành quân nhân chuyên nghiệp ở Trường Sa không, ông Ý nói rằng luôn ủng hộ con mình cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Còn Nguyễn Anh Hào, em của chiến sĩ Nguyễn Cảnh Hải, rất thần tượng anh trai thì khoe: “Trước khi anh Hải đi, chỉ dặn cháu cố gắng học thật giỏi, và cháu đã làm được điều đó. Năm học này cháu đã đạt học sinh giỏi toàn diện”. Cậu bé học lớp 6 còn bày tỏ mong muốn sau này lớn lên sẽ trở thành chiến sĩ hải quân, theo chân anh xung phong ra Trường Sa để tiếp tục giữ gìn chủ quyền biển đảo của đất nước.

Trong cuộc gặp gỡ với gia đình những người đang bồng súng giữ biển đảo Tổ quốc, tôi cũng đã cảm nhận được nỗi nhớ của người mẹ mong con qua bao mùa Tết, nỗi khắc khoải chờ đợi của người vợ xa chồng, sự hân hoan háo hức mong ngóng cha về của những đứa trẻ… Nhưng ở hai đầu nỗi nhớ dằng dặc ấy luôn có một tình yêu Tổ quốc được đặt lên trên hết và nối liền không tách rời. Tình yêu ấy được bồi đắp thêm bằng niềm tin, niềm tự hào dân tộc và lòng can trường, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước.

“Hai tháng nữa em nó được về phép. Cả nhà mong lắm!”. Niềm vui ấy, tôi đã thấy đong đầy trong mắt bà Mùi, mẹ của Dũng. Chỉ thế thôi, đã thấy Trường Sa không xa mà thật gần, trong lòng những người Hà Nội!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những chiến sĩ Hà Nội ở Trường Sa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.