Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Làng đa thê” - Câu chuyện của quá khứ!

An Tâm| 10/12/2016 06:14

(HNM) - Cứ hễ nhắc đến xã Vân Côn, Hoài Đức (Hà Nội), người ta nghĩ ngay đến cái tên “làng đa thê”. Một thời, ở vùng quê này, chuyện đàn ông lấy một lúc 2 - 3 bà vợ, sinh cả chục đứa con được xem như lẽ thường.

Những người đàn ông làng Vân Côn kể lại câu chuyện về tình trạng đa thê của một thời đã xa.



Tàn dư của tư tưởng cũ

Chúng tôi về Vân Côn vào một buổi chiều của những ngày cuối năm. Con đường dẫn về xã trải nhựa, bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà khang trang, mới xây xen lẫn với mái ngói sờn rêu, cũ kỹ. Trước đây, Vân Côn được biết đến là xã “vùng sâu” heo hút của tỉnh Hà Tây (cũ). Tuy nhiên sau ngày hợp nhất vào Hà Nội năm 2008, đặc biệt từ khi đại lộ Thăng Long được xây dựng, đời sống của người dân nơi đây đã đổi thay rõ rệt.

Khi được hỏi về chuyện “một ông lấy nhiều bà” ở Vân Côn trước kia, người dân trong làng không ai phủ nhận. Họ cho biết, ngoài một số người vì hoàn cảnh hiếm muộn hoặc vợ mất sớm, cũng có người vì muốn kiếm con trai, muốn kiếm thêm vợ nên mới sinh ra chuyện một ông... nhưng nhiều bà. Ngồi cùng chúng tôi tại một quán nước ngay trung tâm xã Vân Côn có đủ mặt, từ cụ ông 80, người 40-50 tuổi cho đến trai trẻ trong làng. Uống chưa hết chén trà, một người đàn ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe về một danh sách dài có đến hơn 10 người có "thành tích" lấy 3, 4 vợ, còn người lấy hai vợ thì nhiều không đếm xuể.

Ông C năm nay 78 tuổi, có tới ba đời vợ. Anh trai ông lấy hai vợ và người cha sinh ra ông C cũng “kén” được một “thê”, một “thiếp”. Lý giải về việc lấy nhiều vợ, ông vui vẻ kể: “Anh trai tôi số hẩm hiu, lấy vợ được ít năm thì vợ mất nên phải lấy vợ mới để chia sẻ với nhau. Còn tôi thì lấy vợ cũng vì cái “tình thương”, thương người ta cô đơn thì rước về sống chung thôi”. Anh trai ông C lấy hai bà, sinh được 8 người con. Ông C có 3 bà vợ nên có đến hơn 10 người con. Điều lạ là, các bà vợ của ông C đều chung sống với nhau rất hòa thuận, chẳng bao giờ có xích mích, cãi cọ. Hiện nay hai bà vợ trước của ông đã qua đời, ông đang sống với bà thứ ba.

Ngồi kế bên ông C trong quán nước nhỏ ấy là anh T, năm nay mới 42 tuổi cũng có hai vợ. Mỗi bà sinh cho anh 4 đứa con, đứa lớn nhất học lớp 12, đứa út học lớp 3. Hỏi anh T lấy bà hai, bà cả có ghen không, đông con có sợ khổ không, anh cười: “Mình nuôi được mới dám lấy chứ. Lúc đầu phải giấu, về sau con cái lớn rồi, đến tuổi đi học mới công khai. Giờ thì ghen với ai nữa. Nhà tôi hai bà, xây mỗi bà một cái nhà sát nhau. Nay thăm bà này, mai thăm bà kia”.

Không chỉ có chuyện lấy vợ hai, vợ ba, ở Vân Côn, còn có chuyện một ông lấy hai chị em ruột làm vợ. Người dân làng này vẫn truyền tai nhau câu chuyện ông Trần L lấy hai chị em gái. Như bao người đàn ông khác, ông L lấy vợ và sinh 8 người con, nếp có, tẻ có. Tuy nhiên, ông và cô em vợ lại “lỡ thương nhau” và có một cậu con trai. Tuy nhiên, vì hồi đó, cả hai đều đang công tác nên chuyện của hai người không dám công khai. Về sau, khi đứa con của hai người đến tuổi đi học và ông L đến lúc nghỉ hưu mới chính thức giới thiệu “bà hai” và cậu con út với anh em, họ hàng. Cô em vợ cũng được chị gái đón về với tư cách vợ hai của chồng. Đến nay, con trai của họ đã học đại học. Người chị gái có tuổi cũng đã dọn ra sống chung với các con, nhường chồng lại cho cô em gái.

Đa thê - chuyện của quá khứ!


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Côn xác nhận những thông tin trên là chính xác. Tuy nhiên, ông Trường cũng cho biết “biệt danh” làng đa thê đã trở thành quá khứ, hiện nay địa phương này không còn trường hợp “một ông, nhiều bà” như trước nữa. “Đa phần những người phải đi thêm bước nữa đều do có hoàn cảnh éo le, người vợ đã mất, người lấy vợ nhưng hiếm muộn có con. Hoặc là những cụ ông nay đã ngoài 70, 80 tuổi - những người thuộc thế hệ trước. Còn hiện nay đời sống người dân ngày càng cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao và đặc biệt là nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình nên hủ tục này đã được xóa bỏ”, ông Trường khẳng định.

Lý giải nguyên nhân vì sao trước đây đàn ông Vân Côn lấy nhiều vợ, ông Nguyễn Đình Trường cho biết, cách đây hơn 30 năm, Vân Côn còn là vùng quê nghèo, tàn dư của tư tưởng phong kiến vẫn tồn tại trong nếp nghĩ của nhiều người, trình độ dân trí thấp nên còn tư tưởng trọng nam khinh nữ hay “trời sinh voi, trời sinh cỏ”. Hồi đó, những gia đình nào chưa có con trai là chưa yên chuyện. Chẳng thế mà có nhiều cặp vợ chồng sinh đến 4, 5 đứa con nhưng vẫn phải “đẻ cố” cho được cậu con trai nối dõi tông đường. Ngặt nỗi, đẻ mãi, đẻ hoài vẫn toàn “công chúa”. Không cam lòng thấy chồng bị họ hàng cười chê, có những người vợ nén lòng để cưới vợ mới cho chồng. Điều đáng nói là tình trạng "một ông, nhiều bà" ở Vân Côn trở nên phổ biến một phần nguyên nhân cũng bởi sự cam phận của những người phụ nữ ở vùng này. Xuất phát từ hạn chế về nhận thức, một số phụ nữ cho rằng không có con trai là tại mình. Một số khác chấp nhận cảnh "chồng chung" vì bỏ chồng thì sợ làng xóm chê cười, không dám quay về nhà cha mẹ đẻ hay tự tổ chức cuộc sống riêng. Một người, rồi nhiều người chấp nhận, dần dần người làng coi việc đa thê là chuyện… bình thường.

“Đó hoàn toàn đã là câu chuyện của quá khứ, của thế hệ trước. Cách đây không lâu cũng có một số tờ báo về tìm hiểu vấn đề này nhưng không làm việc với chính quyền địa phương. Họ chỉ nghe một vài người dân kể rồi viết bài, thông tin chưa chính xác khiến nhiều người hiểu sai về người Vân Côn hôm nay. Chúng tôi khẳng định, xã hiện có tổng cộng 8 thôn với khoảng 14.000 nhân khẩu. Ngoại trừ những người vợ mất sớm, họ có nhu cầu và được con cái ủng hộ tìm bạn đời vui lúc tuổi già, địa phương không còn tình trạng “một ông, nhiều bà”. Chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân gia đình, các chính sách dân số đến người dân. Nhiều người cũng biết Bộ luật Hình sự đã có chế tài xử phạt tù cho tội danh "vi phạm chế độ một vợ một chồng". Những người phụ nữ thế hệ mới ở Vân Côn giờ có kiến thức xã hội, có cuộc sống tự chủ, am hiểu luật pháp, chắc chắn không ai chấp nhận cảnh "kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng", vừa ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân, con cái lại vừa bị chị em, làng xóm cười chê", ông Trường chia sẻ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Làng đa thê” - Câu chuyện của quá khứ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.