Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để những con tò he bay xa hơn...

Bài, ảnh: Hồ Phương Phúc| 12/12/2016 06:27

(HNM) - Làng Xuân La, tên thường gọi là Chạ Xuân, một làng lớn ở xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) nổi tiếng với nghề nặn tò he. Không chỉ ở trong nước mà du khách nước ngoài cũng vô cùng thích thú bởi những con tò he sinh động được tạo hình từ đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân.

Cụ Đặng Văn Hạ, 88 tuổi vẫn một lòng giữ nghề nặn tò he.


Thăng trầm một kế sinh nhai


Về làng tò he vào một ngày cuối tuần, chỉ có khu chợ đầu làng tấp nập buôn bán, càng đi sâu vào làng chúng tôi càng thấy quang cảnh thưa vắng đến lạ lùng. Trước đó chúng tôi đã liên lạc với nghệ nhân trẻ Đặng Văn Hậu, anh Hậu bảo: “Thời gian này em về thì rất khó gặp các nghệ nhân nặn tò he, vì người làng đã đi khắp nơi hành nghề cả rồi, chỉ có người già và trẻ con ở nhà thôi”. Tôi nhờ anh Hậu giới thiệu đến gặp cụ Đặng Văn Hạ, 88 tuổi, là ông nội của anh, một trong ít người còn say đắm, thủy chung với nghề. Nghe nói đến tò he, mắt cụ Hạ long lanh, cụ chống gậy bước từ cầu thang xuống hào hứng nói về nghề nặn tò he như chưa bao giờ vui hơn thế. “Tôi tiếc quá, suốt đêm hôm qua đã ngẫm nghĩ là sẽ lên Hà Nội thử một chuyến hành nghề xem dạo này “tài nghệ” ra sao. Sáng nay thức dậy thì đám trẻ trong làng đã rủ nhau đi cả rồi. Tôi buồn quá đành ngồi ủ mình trong mấy trang sách cũ”, cụ Hạ chia sẻ.

Làng Xuân La trông xa như một đồi đất nằm nổi trên cánh đồng của xã Phượng Dực. Cụ Hạ cho biết, nguồn gốc nghề nặn tò he của làng, cụ cũng không biết có từ bao giờ, chỉ nghe các cụ truyền lại rằng nó xuất phát từ việc nặn chơi các loại chim cò bằng đất mịn. Bấy giờ, vào lúc lập làng, lập ấp không biết từ đâu trên đồng ruộng xuất hiện vô vàn loại chim về quần tụ, chúng bay rợp trời, nhớn nháo như cò, giang, sếu, cuốc, cồng cộc… Chúng kiếm ăn, sinh sống, gần như “ăn đời ở kiếp” với nông dân khi cày cấy, lúc thu hoạch, khi tát nước vào đồng. Sau mỗi buổi lao động mệt nhọc, người dân thường nghỉ ngay trên cánh đồng làng. Lúc rảnh rỗi buồn chân buồn tay họ nhặt những nắm đất sét mềm, mịn nặn thành các loại chim, loại cò, gà, lợn, trâu, bò cho vui mắt. Khi đến dịp Tết, rằm tháng Tám trăng lên sáng tỏ, người làng tranh thủ đem những sản phẩm thủ công ấy thử đem bán ở các chợ quê. Thấy có người mua, người làng dần coi đây là một nghề có thể kiếm sống.

Nghề nặn tò he ở đây cũng có lắm thăng trầm. Những năm 1954, họ chủ yếu nặn các loại chim, cò, gà, lợn, mâm ngũ quả, sau đó chuyển sang nặn hình tượng nhân như anh bộ đội và xe tăng, súng ống. Dần dần nặn theo tranh, theo các nhân vật trong lịch sử... Những nghệ nhân như Đặng Văn Chuyển, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Tề, Nguyễn Văn Tá, Nguyễn Văn Khắc, Vũ Văn Thủ tiếp tục đưa nghề nặn tò he thành nghề nặn tượng chân dung, đưa sản phẩm từ làng Xuân La đến khắp các địa phương trong cả nước.

Những năm 1990 trở lại đây, nghề tò he vươn đi khắp nơi, từ Hà Nội vào Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh... và trở thành sản phẩm độc đáo ở các khu vui chơi giải trí và lễ hội. Năm 1997, sản phẩm tò he của nghệ nhân làng Xuân La nặn tượng Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác trong kháng chiến chống Pháp đã vinh dự được trao giải nhất tại Triển lãm nghệ thuật Vân Hồ. Điều đó minh chứng sản phẩm tò he đã có chỗ đứng trở lại, trở thành một sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo thu hút được sự quan tâm của nhiều người không chỉ trẻ nhỏ.

Quyết giữ nghề cha ông…

Theo cụ Đặng Văn Hạ, khi "cơn bão" cơ chế thị trường ập đến, người dân làng tò he cũng nương theo đó mà thích ứng. “Nghề này thực sự không giàu, không có của chìm của nổi nhưng tôi nhận thấy đây là một nghề có thể kiếm sống. Chúng tôi có khi nặn theo sở trường của mình, nặn theo đơn đặt hàng, nặn theo nhu cầu của du khách... Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay muốn giữ được nghề cũng không phải chuyện đơn giản. Ở làng tôi, trước đây thi nhau nặn tò he, gồng gánh đi khắp các chợ, các tỉnh để bán sản phẩm. Bây giờ tuy không phải là mất nghề nhưng không còn được như cái thời sôi nổi ấy nữa”, cụ Hạ nói.

Tôi theo chân cụ Hạ sang nhà anh Đặng Văn Nhạ, thấy anh đang ngồi chăm chú nặn tò he trong gian bếp nhỏ, la liệt những hình tượng con giống ngộ nghĩnh. Anh Nhạ học nghề từ thuở nhỏ. Những năm trước đây, có lúc anh kiếm được “bộn tiền” từ nghề này, nhưng sau đó anh đành gác lại niềm yêu thích để đi làm nghề khác. Mãi gần đây anh Nhạ mới quay lại với nghề nặn tò he. Bây giờ sản phẩm anh nặn không chỉ là những hình tượng được ông cha truyền lại mà anh chủ yếu làm theo thị hiếu của các khách hàng “nhỏ tuổi”. Cứ vào mỗi dịp Trung thu, ngày 20-11, rất nhiều học sinh đến đặt hàng, các cháu mua về tặng nhau, tặng thầy cô, tuy giản dị nhưng lại chứa đựng rất nhiều ý nghĩa. Những tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không, Thủy thủ Mặt trăng, siêu nhân được gắn trên đầu một chiếc bút chì để các cháu vừa có thể học vừa có thể vui thích với con giống ngộ nghĩnh. Nguyên liệu bột cũng được cải tiến, để lâu không bị mốc, mà chơi được lâu ngày hình dạng vẫn vẹn nguyên.

“Những năm gần đây các đồ chơi Trung thu tràn ngập đồ điện tử, đồ chơi mang tính bạo lực. Cái cách mà người lớn dung nạp vào Tết của trẻ nhỏ những gam màu vật chất đang dần làm mai một đi nét đẹp hồn nhiên trong trẻo của Trung thu. Hướng con trở lại với các món đồ chơi truyền thống như tò he là cách mà nhiều bậc cha mẹ đang làm khiến nhiều người làng tôi đã quay lại với nghề” - nghệ nhân Đặng Văn Hậu chia sẻ. Thời gian này anh đang làm nghề ở Hà Nội. Giống như anh Nhạ, anh Hậu cũng được học nghề từ nhỏ, được ông, bố, bác, chú truyền lại, và đến hôm nay dù thế nào anh vẫn một mực yêu nghề và giữ nghề. Các anh đi khắp nơi, đầu đường, vỉa hè, các khu di tích, các khu đô thị văn minh sầm uất, phục vụ mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, vì theo anh Hậu không chỉ đam mê, kiếm thêm thu nhập mà còn “quyết tâm giữ nghề cha ông bằng mọi giá”. Mỗi lần đi ra ngoài, đem sản phẩm của làng, tinh hoa cha ông đến với du khách là mỗi lần anh thấm thía về số phận nghề nặn tò he cứ mỗi lúc bị thu hẹp trước bao thứ đồ chơi hào nhoáng khác. Nhưng có một điều khiến anh thấy vui là, trong khi không ít người còn thờ ơ với tò he thì cũng có không ít du khách trong nước và nước ngoài rất thích thú và trân trọng loại đồ chơi thủ công nhỏ bé xinh xắn này này.

Đi khắp đất nước không đâu có cái nghề độc đáo này như ở làng Xuân La. Người dân làng Xuân La như những vị sứ giả coi nghề truyền thống không chỉ như một phương cách kiếm kế sinh nhai mà còn gìn giữ, lan tỏa vẻ đẹp văn hóa thuần Việt trong mắt bạn bè bốn phương. Nghề nặn tò he dẫu có chật vật, vất vả, nhưng những người như cụ Hạ, anh Hậu... vẫn quyết giữ ngọn lửa và tình yêu nghề để đưa những con tò he bay xa hơn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để những con tò he bay xa hơn...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.