Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm lòng một người mẹ xa lạ

An Tâm| 20/12/2016 06:06

(HNM) - Hơn chục năm qua, bà Nguyễn Thị Nhiệm (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), hằng ngày vẫn lóc cóc đạp xe đi khắp các phòng khám tư tại Hà Nội “xin” những hài nhi xấu số về chôn cất, nhang khói tại Nghĩa trang Đồi Cốc.

“Không làm thì tội lắm…”

10 năm trước, vô tình bắt gặp một hài nhi bên ruộng, bà Nhiệm đã sắm khăn áo, đưa đi an táng. Cũng từ đó, nỗi day dứt về những đứa trẻ thiệt phận cứ đeo bám suy nghĩ của bà. Sự thương xót thôi thúc hằng đêm, bà Nhiệm quyết định phải làm gì đó giúp cho những đứa trẻ tội nghiệp kia bớt lạnh lẽo, cô đơn. Tâm sự với chồng, nhận được sự ủng hộ của các con, chỉ vài ngày sau đó, bà bắt đầu hành trình đi “xin” hài nhi bị bỏ rơi tại các cơ sở y tế về chôn cất.

Công việc hằng ngày của bà Nguyễn Thị Nhiệm ở Nghĩa trang Đồi Cốc.


“Những ngày đầu ai cũng bảo tôi là đồ điên, đồ khùng. Người nói trước mặt, kẻ nói sau lưng, nhưng tôi mặc kệ tất cả. Tôi cứ càng làm càng thấy thảnh thơi trong lòng. Nắng tôi cũng đi, mưa tôi cũng đi. Mỗi khi chứng kiến những sinh linh tội nghiệp bị bỏ lại một góc nào đó trong phòng khám, tôi không bỏ đi được. Không làm thì tội các cháu lắm”, bà Nhiệm kể.

Lúc đầu, bà Nhiệm tìm đến các phòng khám để “xin”, bác sĩ, nhân viên y tế đều trố mắt nhìn bà. Nghe bà kể, nhiều người tin là thật, đồng ý cho bà đưa các cháu về an táng, nhưng cũng có không ít người nhất định từ chối vì nghĩ bà là “đồ khùng”. Không nản lòng, bà vẫn cần mẫn, kiên trì đi khắp các phòng khám. Một lần, hai lần mọi người còn bỡ ngỡ, đến lần thứ ba, thứ tư họ bắt đầu quen dần với hình ảnh bà trên chiếc xe đạp lóc cóc. Họ hiểu được việc làm của bà, trân trọng và tin tưởng bà hơn. Bà Nhiệm dần trở thành địa chỉ tin cậy của các phòng khám.

Cứ 5 giờ sáng, người phụ nữ với mái tóc hoa râm lại bắt đầu hành trình của mình. “Có những phòng khám người ta làm việc vào buổi tối, nên buổi sáng tôi đến rồi về ngay. Có những phòng khám làm giờ hành chính tôi phải đến đợi cho người ta làm xong mới đưa "các cháu" về cùng được. Trò chuyện với các sản phụ mới thấu hoàn cảnh của mỗi người. Người vì đông con, có thiếu nữ còn trẻ lầm lỡ với người yêu, có cháu bị lừa gạt nên phải bỏ. Càng thấu hiểu tôi càng thương xót cho những đứa trẻ vô tội”, bà Nhiệm kể.

Không chỉ lắng nghe, thấu hiểu, nhiều lần bà Nhiệm ­được nhiều sự hỗ trợ của các tổ chức từ thiện, họ sắm áo, sắm mũ, mua tiểu đỡ đần bà phần nào. Nhờ vậy, nghi lễ cuối cùng của những đứa trẻ cũng được sắm sửa chu toàn hơn. Chồng, các con của bà cũng thay phiên đi “đón” các bé giúp bà. Các đoàn sinh viên tình nguyện cũng thường xuyên về Nghĩa trang Đồi Cốc, cùng với bà lo “giấc ngàn thu” cho các cháu. Mỗi tiểu chôn cất được 5-6 hài nhi, bà Nhiệm là người tự tay mặc từng bộ quần áo, đội mũ cho các bé. Những hài nhi nào chưa nên hình hài hay không còn nguyên vẹn, bà vẫn đặt lên người các bé một bộ đồ với một mong ước nếu có “thế giới bên kia” sẽ ấm áp, trọn vẹn.

Nghĩa trang Đồi Cốc nằm nép mình giữa mênh mông cánh đồng của xã Thanh Xuân. Những ngôi mộ nằm chơ vơ như cô đơn trở nên ấm áp khi bà Nhiệm đến. Nhang được thắp lên, những phần mộ được quét dọn, hoa cúc trắng ngần, trong trẻo trên những phần mộ như những đứa trẻ tội nghiệp đang nằm kia...

Mái ấm của những cô gái lầm lỡ

Khi chúng tôi đến nhà bà Nhiệm cũng là lúc bà đang bế đứa cháu nuôi bị bỏng ra taxi để mẹ cháu đưa đi viện. Dáng vẻ tất tả, lo lắng hằn lên khuôn mặt hiền lành của bà. Bên trong ngôi nhà nhỏ mới xây của bà Nhiệm ríu rít tiếng trẻ con, tiếng các bà mẹ trẻ ru con.

Cứ mỗi lần đến các phòng khám, bà lại tha thiết nhờ các bác sĩ, hễ có cô gái nào lầm lỡ thì bảo họ về ở với vợ chồng bà. Mười năm đến các phòng khám “xin” hài nhi cũng là mười năm ngôi nhà của bà thành chốn nương mình của nhiều cô gái. “Tháng nào cũng có ít nhất hai cháu về sống chung với vợ chồng tôi. Có cháu từ lúc mang thai 4 tháng đã đến đây, sinh xong 3-4 tháng mới rời đi. Các cháu đến đây đều tứ cố vô thân nên vợ chồng tôi thương lắm. Tôi dặn các cháu, mình có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, miễn sao những đứa trẻ sinh ra được sống, được mạnh khỏe là vợ chồng tôi hạnh phúc”, bà Nhiệm chân thành.

Trước đây, vợ chồng bà Nhiệm sống trong gia đình 4 thế hệ, mẹ già, các con, cháu đều quây quần với nhau. Tuy nhiên, từ ngày nhận giúp đỡ các sản phụ không chốn đi về, ông bà bàn với nhau dọn ra ở riêng. Tích góp, vay mượn, bà và chồng xây hai dãy nhà cấp 4, vừa là nơi sinh sống, vừa có chỗ rộng rãi để “các con, các cháu về đây sinh hoạt được thoải mái”.

Ngồi cùng chúng tôi bên hiên nhà đầy nắng vào một ngày mùa đông, chị N (21 tuổi, quê ở Hòa Bình) nghèn nghẹn: “Em với người yêu trót thương nhau nhưng không đến được với nhau. Em thương con, không muốn bỏ cháu, được nghe giới thiệu mẹ Nhiệm sẵn lòng cưu mang nên em một mình tìm đến đây. Em sinh cháu cũng được 3 tháng rồi, con khỏe, mẹ khỏe. Được mẹ Nhiệm động viên nhiều nên em cảm thấy lạc quan hơn vào tương lai. Em sẽ cố gắng nuôi dạy con thật tốt để không phụ công những người đã cưu mang mẹ con em lúc khốn khó”. Nói rồi chị N. cúi xuống hôn lên khuôn mặt mũm mĩm, xinh xắn đang cười trong giấc ngủ say của đứa con nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm cho biết, mỗi tháng vợ chồng bà lo chôn cất cho khoảng hơn 200 hài nhi, số trẻ bị cha mẹ bỏ rơi khi chưa kịp chào đời cũng nhiều hơn. Người phụ nữ sống gần Nghĩa trang Đồi Cốc chua xót: “Vợ chồng tôi tuổi cũng đã cao nên không còn sức đi, nhưng chỉ loanh quanh các huyện ngoại thành, các xã trong huyện Sóc Sơn. Nếu tính cả Hà Nội, cả nước thì không biết bao nhiêu cháu nhỏ như vậy nữa. Nói thật là tôi không sợ, chỉ thấy đau, thấy thương thôi. Tôi mong các bạn trẻ sớm hiểu biết, đừng vì một phút sai lầm mà bỏ đi cả một mạng sống, một sinh linh vô tội, không chừng còn ảnh hưởng đến tương lai của chính mình”.

Chia tay, bà Nhiệm tần ngần rồi nắm tay tôi thật chặt: “Nhà báo nhớ nhắn nhủ những cháu nào không may lầm lỡ, nếu không có nơi nương tựa cứ đến đây tìm tôi. Lúc nào vợ chồng tôi cũng sẵn sàng cưu mang, bao bọc các cháu. Đừng dại dột bỏ đi những đứa trẻ vô tội. Đáng thương, đáng trách lắm!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tấm lòng một người mẹ xa lạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.