Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “hạt sạn” chốn linh thiêng

Thanh Thủy| 06/02/2017 06:22

(HNM) - Đã thành phong tục, đi lễ khai xuân luôn là hoạt động mở đầu năm mới của nhiều người. Dòng người đổ về các đình, chùa, đền, phủ… bất kể ngày đêm trong dịp này phần nào khẳng định tín ngưỡng truyền thống luôn hiện hữu trong đời sống hiện đại.

Thế nhưng, trong dòng chảy đó vẫn còn những “hạt sạn” hiện diện chốn linh thiêng cho thấy văn hóa tín ngưỡng mãi là câu chuyện chưa có hồi kết nếu thiếu sự định hướng quyết liệt của chính quyền địa phương cũng như sự hợp tác từ phía người dân.

Trong những ngày Tết, rất đông người chen nhau khấn lễ tại phủ Tây Hồ. Ảnh: Hoàng Hà.


Chen chân lễ hội đầu năm

Chuẩn bị tâm lý kỹ càng trước khi khởi hành chuyến du xuân mới nhưng tôi, và có lẽ nhiều du khách vẫn bị bất ngờ, choáng ngợp trước khung cảnh đông đúc có phần hỗn loạn tại nhiều đền, chùa, miếu, phủ, đặc biệt là những điểm di tích tâm linh nổi tiếng. Đơn cử như phủ Tây Hồ, một điểm di tích nổi tiếng thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Khi đường vào còn cách xa cả cây số nhưng người, xe đã nườm nượp. Nhẫn nại dịch chuyển ì ạch qua những chướng ngại vật là khói bụi, tiếng còi xe…, du khách rất có thể gặp phải thử thách tiếp theo là tìm điểm gửi xe bởi không phải ai cũng đủ kiên nhẫn cũng như may mắn để có được chỗ trong bãi trông xe miễn phí. Chật vật một hồi, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi gửi xe với giá 20 nghìn đồng/lượt, mức phí cao gấp nhiều lần so với quy định của thành phố, nhưng vì “ngày Tết” và cả câu nói “vẫn còn tử tế hơn khối chỗ khác chém tới 50 nghìn đồng” của người bạn đồng hành, tôi đành vui vẻ trả tiền.

Nhưng những vất vả khó nhọc “vòng ngoài” vẫn chưa thấm gì so với thời điểm hòa vào dòng người tiến vào phủ, đông tới mức có lúc phải đứng chôn chân bất lực hoặc buộc di chuyển theo sự xô dạt của đám đông. Tay thận trọng ôm túi, chân len lỏi tìm đường, tôi và cô bạn nỗ lực hết sức nhấc từng bước một mới tới được sân chính của di tích và nhận ra không thể tiến thêm được bước nào nữa. Giữa biển người quyết liệt chen lấn, xô đẩy, không ai chịu nhường ai trong khói hương nghi ngút, chúng tôi đành chọn cách kính lễ từ xa với tâm niệm “Một vái xa bằng ba vái gần” rồi tìm cách quay ra…

Nhiều người dân sống gần khu vực này cho hay: Chính quyền địa phương rất quan tâm, sâu sát tới công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở phủ Tây Hồ, mỗi năm đều tăng cường sáng kiến, giải pháp bảo đảm an toàn, thuận tiện cho du khách tới dâng hương, vãn cảnh nên khách thập phương về đây không mấy khi gặp cảnh người bán hàng lôi kéo mời mọc hay hành khất đeo bám. Cờ bạc, bói toán… càng không. Duy có tình trạng tắc đường do lượng người hành hương dịp đầu năm mới thường tăng đột biến, hiện tượng nâng giá ở một số quán ăn, điểm gửi xe… là vẫn chưa giải quyết triệt để được.

Tắc đường, chen lấn không chỉ xuất hiện ở phủ Tây Hồ mà đã là tình trạng chung ở rất nhiều địa chỉ tâm linh nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội như chùa Trấn Quốc, chùa Hương, đền Quán Thánh, đền Gióng, Bia Bà… Hiện tượng này phản ánh nhu cầu có thực của người dân trong việc thể hiện tín ngưỡng, hướng về nguồn cội đồng thời cũng là một phần hệ lụy nảy sinh, gây bức xúc, mệt mỏi cho chính du khách.

Đâu là văn hóa chốn linh thiêng?


Là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của mỗi con người, tín ngưỡng được hiểu là đức tin, sự ngưỡng vọng vào “cái thiêng” mà con người nhất tâm hướng tới. Đức tin ấy góp phần làm tính thiện nảy sinh, bám rễ bền lâu, giúp con người thấm nhuần chân, thiện, mỹ để sống chân thành, từ bi hơn. Tục đi lễ đầu năm, được truyền qua bao đời dân tộc Việt, cũng không nằm ngoài mục đích ấy.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, phong tục tốt đẹp này đã và đang bị biến tướng thể hiện qua những hình ảnh phản cảm, những việc làm vô ý thức… xuất hiện nhan nhản ở nhiều lễ hội, nơi vốn được coi là chốn linh thiêng, khiến sự thú vị, nét văn hóa của lễ hội phai nhạt, nhường chỗ cho cảm giác mệt mỏi, bất an cho du khách.

Có hòa vào dòng người đi lễ tại nhiều đình, chùa, đền, phủ dịp đầu xuân, mới thấy được phần nào những xô bồ trong các hoạt động lễ hội, trong đó phải kể đến các hiện tượng, hành vi phản cảm, dù bị lên án nhiều năm, vẫn tái diễn, làm giảm phần nào giá trị tốt đẹp của phong tục đi lễ khai xuân ngày đầu năm mới, trong khi mùa lễ hội thực sự chỉ mới bắt đầu. Đó là các dịch vụ ăn theo mùa lễ hội, bủa vây nhiều điểm di tích nổi tiếng như: Đổi tiền lẻ, cúng thuê, lễ mướn, bói toán… dẫu chịu sự kiểm soát, quản lý gắt gao của chính quyền địa phương, vẫn bền bỉ tồn tại ở các di tích như chùa Hà, Bia Bà…

Hiện tượng ẩu đả, giẫm đạp tranh cướp lộc thánh thần, dù được khuyến cáo, chấn chỉnh nhiều năm, vẫn xuất hiện tại các lễ hội chùa Hương, đền Gióng... Tình trạng “găm” tiền giọt dầu, bất chấp khuyến cáo của ban quản lý di tích, vẫn tiếp tục tái diễn ở phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn… Hiện tượng ăn mặc tùy tiện, phản cảm, đùa giỡn chốn tôn nghiêm gây nhức mắt người đi lễ… chưa kể hàng trăm câu chuyện, tình huống bi hài khác, đã và đang gây bất mãn cho người dân tham gia lễ hội như nạn móc ví, rạch túi, nạn chặt chém, ép giá hay câu chuyện cụ già bị đánh đến ngất xỉu chỉ vì lỡ giẫm lên chân người khác vừa mới xảy ra tại chùa Hương...

Nhận định về hiện tượng này, nhà nghiên cứu Nguyễn Lân Bình cho rằng: “Những chuyện dở khóc, dở cười đang diễn ra ở nhiều di tích tâm linh là hệ quả của tình trạng thiếu định hướng về lòng tin trong một thời gian dài khiến một bộ phận người dân có cái nhìn chưa đúng về tục đi lễ đầu năm, coi đây là dịp để “hối lộ thánh thần”, tranh giành lộc rơi, lộc vãi… Để làm được điều này, họ cố công đi đến những nơi được đồn đại linh thiêng, làm nhiều việc nực cười, phản cảm. Với niềm tin lệch lạc, một người làm sẽ có trăm người làm theo, gây nên tình trạng bát nháo, xô bồ, đi ngược lại truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Muốn thay đổi điều này, cần có những tác động phù hợp tới gốc của vấn đề chứ không chỉ bằng những biện pháp hành chính như hiện giờ…”.

Là nét đẹp trong đời sống tinh thần của dân tộc, đi lễ đầu năm trở thành dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn với tiền nhân cũng như cầu mong bình an, may mắn cho một khởi đầu mới, nơi gửi gắm đức tin, giúp bản thân vượt qua chông gai, trắc trở trong cuộc sống. Đây cũng là cơ hội cho mỗi người ngẫm để thấm tư tưởng, đạo đức lối sống, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cũng như xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Ở một góc độ khác, lễ hội còn là tấm gương phản chiếu thái độ sống của một dân tộc trong đó hành vi của người tham gia lễ hội quyết định ý thức, phông văn hóa bản thân đối với hoạt động mang tính tâm linh, tín ngưỡng này.

Tiếc rằng, dù không phổ biến, nhưng những hành vi không chuẩn mực đã và đang làm biến tướng, giảm đi phần nào giá trị, ý nghĩa của phong tục tốt đẹp ấy mà nếu không được chấn chỉnh, định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ loang rộng, ngấm sâu, làm thay đổi, mai một tính chất, ý nghĩa tinh thần của hoạt động tâm linh đáng quý ấy cũng như bỏ quên văn hóa ứng xử ở chốn linh thiêng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “hạt sạn” chốn linh thiêng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.