Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Giặc còn chiến thắng huống chi đói nghèo!"

Bạch Thanh| 10/05/2017 06:21

(HNM) - Có lẽ sự lạc quan đã trở thành

Không lùi bước trước khó khăn

Cung đường uốn lượn một bên là sườn non Tản, bên kia là dòng Đà giang trong xanh in bóng núi rừng hùng vĩ đưa chúng tôi về Khánh Thượng (huyện Ba Vì) - một trong những xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của Thủ đô. Đến đây, mới thấm thía sự thiếu thốn, nhọc nhằn của người dân vùng này. Ấy vậy, khi chứng kiến ánh mắt đầy nghị lực của thương binh 2/4 Bùi Văn Chung ở thôn Gò Đình Muôn, chúng tôi như cảm nhận được ý chí phi thường của "Bộ đội Cụ Hồ" - không chịu lùi bước trước khó khăn!

Bệnh binh Phan Huy Tĩnh, thôn Mai Trai (xã Vạn Thắng) luôn đi đầu trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.



Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1976, chàng thanh niên Bùi Văn Chung lên đường nhập ngũ. Chiến đấu tại chiến trường Campuchia, anh bị thương nặng, một cánh tay vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Năm 1981, trở về quê hương, anh Bùi Văn Chung quyết tâm “đuổi” đói nghèo với đủ nghề, từ nuôi trâu, bò, lợn, trồng mía, sản xuất đường thủ công đến mở xưởng đóng gạch bê tông, bán vật liệu xây dựng... Sau gần 20 năm miệt mài, người cựu chiến binh ấy đã có thành công với thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 200-300 triệu đồng. Noi gương cha, các con ông đều chịu khó học tập, trưởng thành và có nhiều đóng góp cho xã hội. Không chỉ vậy, ông Chung còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động địa phương; trong đó, đa số là con em cựu chiến binh. Năm nào, gia đình ông cũng tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng cho các hoạt động từ thiện, chia sẻ khó khăn với những số phận kém may mắn...

Ở Ba Vì, không chỉ có thương binh Bùi Văn Chung thắng "giặc nghèo" mà còn rất nhiều cựu chiến binh khác cũng không chịu thua kém... Trong chuyến đi này, người để lại ấn tượng khá đặc biệt trong chúng tôi là bệnh binh Phan Huy Tĩnh (thôn Mai Trai - xã Vạn Thắng). Nhìn tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát, cương nghị, quyết đoán của ông Tĩnh, ít ai nghĩ đó là người trở về từ chiến trường Vĩnh Linh - Quảng Trị với cân nặng chỉ còn 38kg (mất 70% sức khỏe), có thời điểm tưởng "không qua khỏi" vì phải trải qua 4 lần phẫu thuật, nhưng nhờ sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ, ông dần bình phục...

Ngày đó, tuy ốm yếu nhưng thương vợ tần tảo chăm chồng, nuôi con, ông Tĩnh quyết tâm học nghề may để giúp đỡ gia đình. Sau gần chục năm gắn bó, nghề may thoái trào, ông xoay sang học nghề cơ khí và mở xưởng nhỏ, phục vụ người dân với các sản phẩm như: máy trộn bê tông mini, công cụ sản xuất... Từ bệnh binh sức yếu, nhưng nhờ nghị lực và quyết tâm, gia đình ông đã trở thành một trong những hộ làm kinh tế giỏi nơi miền quê đầy gian khó. Điều ấy khiến người dân trong vùng cảm phục. Ông Tĩnh tâm sự: "Biết không kham được việc nặng thì mình phải học hỏi, rồi truyền lại kỹ thuật, kinh nghiệm cho người khác làm theo... Giặc ngoại xâm còn chiến thắng, thì không thể để đói nghèo đánh gục mình".

"Ngọc trong đá" càng mài, càng sáng...

Chiến tranh đã lùi xa, dù mỗi người mỗi cảnh, nhưng mỗi khi gặp lại, những người đồng đội đều động viên nhau vượt qua bệnh tật, sống lạc quan vui vẻ. Không ai bảo ai, nhưng mỗi người đều coi việc chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau để cùng thoát nghèo là "nhiệm vụ" mang nặng nghĩa tình. Cùng với sự đồng hành của chính quyền các cấp, tình cảm ấy chính là điểm tựa để những thương bệnh binh vượt lên trên khó khăn, vui sống. Thương binh Bùi Văn Chung cảm động chia sẻ: Suốt những năm tháng lặn lội làm kinh tế, nhiều lúc tưởng không thể "trụ vững", gia đình tôi luôn nhận được sự cổ vũ, động viên, đồng hành của chính quyền địa phương và đồng đội. Ngoài việc tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi bằng tín chấp, gia đình còn được cán bộ khuyến nông hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi; các phương án sản xuất kinh doanh khi trình lên các cấp đều được giúp đỡ nhiệt tình, nhanh chóng.

Nói về ý chí, nghị lực của những thương bệnh binh vươn lên chiến thắng đói nghèo nơi miền núi còn nhiều gian khó, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ba Vì Đặng Quyết Thắng chia sẻ: Thấu hiểu những khó khăn của các thương bệnh binh, chính quyền cấp cơ sở luôn tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, vốn, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; các con của họ cũng được chính quyền các cấp quan tâm đào tạo nghề, ưu tiên vay vốn...

Để giúp người có công, đặc biệt là các thương bệnh binh nâng cao chất lượng cuộc sống, rất cần sự tri ân, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Đặc biệt cấp cơ sở cần sâu sát, nắm rõ từng hoàn cảnh để có sự tham mưu, trợ giúp kịp thời, phù hợp... Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Ba Vì Nguyễn Văn Mễ cho biết: Số lượng thương bệnh binh làm kinh tế giỏi của huyện không nhiều nhưng số cựu chiến binh "thắng giặc nghèo" trên địa bàn ngày một tăng. Hiện có đến 90% cựu chiến binh ở Ba Vì có đời sống bằng hoặc khá hơn mức bình quân của người dân trên địa bàn. Nhiều năm gần đây, Ba Vì là một trong những huyện đi đầu trong hỗ trợ vốn ưu đãi cho thương bệnh binh, cựu chiến binh đang có hoạt động kinh tế với số vốn lên tới 57 tỷ đồng cho 1.753 người. Nhờ vậy, 5 năm trở lại đây, toàn huyện đã có 175 cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo; 250 cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Ngoài ra, còn có 340 thương binh, cựu chiến binh đã và đang đóng góp sức lực, trí tuệ tham gia công tác quản lý, chính quyền, đoàn thể... Trong lĩnh vực nào, họ cũng đều phát huy phẩm chất gương mẫu, tiên phong của "Bộ đội Cụ Hồ".

Trân trọng sự đóng góp của các thế hệ cha anh - những thương bệnh binh - không ngừng nỗ lực vượt khó vươn lên trong cuộc sống, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội Khuất Văn Thành nhận định: Những thành quả của người có công, thương bệnh binh, cựu chiến binh nơi miền núi Ba Vì thật đáng trân quý. Họ thực sự là những "viên ngọc trong đá" - càng "chà xát" càng tỏa sáng - những tấm gương ấy thực sự rất đáng tôn vinh để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Giặc còn chiến thắng huống chi đói nghèo!"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.