Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi tạo những toa tàu "5 sao"

Gia Bảo| 27/09/2017 06:17

(HNM) - Những toa tàu thế hệ mới theo tiêu chuẩn

Những toa tàu thế hệ mới được đóng tại xưởng của Công ty cổ phần xe lửa Dĩ An.



Tâm tình người đóng tàu

Dưới cái nắng gay gắt buổi trưa ở ngoài trời, những âm thanh chan chát vang lên của tiếng búa, tiếng lẹt xẹt của máy mài, mùi khen khét từ mũi hàn đỏ rực,… phát ra tại xưởng đóng toa tàu thuộc Công ty CP xe lửa Dĩ An (tỉnh Bình Dương), khiến chúng tôi ấn tượng. Ở mỗi toa đều có hệ thống giàn giáo chuẩn bị cho việc sơn phết bên ngoài thân tàu. Bên trong toa tàu, bộ phận chuyên lắp bồn nước và bồn vệ sinh miệt mài gắn chặt thiết bị vào mỗi toa; hệ thống điện phục vụ thắp sáng và dùng máy điều hòa cũng dần hoàn thiện… Một không khí làm việc khẩn trương của các kỹ sư, thợ bậc cao, công nhân, đang dần làm ra “chiếc áo” mới trên từng toa tàu.

Dẫn chúng tôi tham quan khu nhà xưởng, kỹ sư Nguyễn Nhất Thắng, Phó Giám đốc Công ty CP xe lửa Dĩ An cho biết, công ty đang đóng 7 toa tàu mới trong tổng số 30 toa được đặt hàng từ Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội. Khoảng 100 kỹ sư, công nhân sẽ phải làm việc 2 ca liên tục trong gần 2 tháng để kịp giao sản phẩm vào cuối tháng 11 năm nay.

Đến tổ sản xuất phụ tùng phục vụ cho việc đóng mới giá chuyển và toa tàu, chúng tôi gặp anh Ngô Minh Hà, Tổ trưởng tổ sản xuất, cũng là thợ bậc cao gắn bó gần 30 năm với nghề. Ở tuổi 50, anh Hà vẫn còn đam mê với nghề lắm, anh say sưa kể về quá trình sản xuất ra một bộ phận kỹ thuật, rồi dẫn đến phòng sản xuất để thấy được cái nghề lắm gian truân này. Cầm trên tay một thiết bị phục vụ cho công trình vệ sinh tự hoại, anh Hà cho hay, đây là bộ phận kết nối ống chất thải nhà vệ sinh theo công nghệ Mỹ. Do công ty chưa có khuôn máy để sản xuất nên anh em kỹ thuật phải tự mày mò làm, lắp ghép sản phẩm thành công. Hay như thùng chứa chất thải vệ sinh, để đáp ứng tiêu chí không xả thải ra môi trường như trước đây, tổ anh Hà đã sản xuất ra thùng chứa chất thải khắc phục được hạn chế trên. “Trước đó, anh em đã phải làm thử nghiệm nhiều lần, với không biết bao nhiêu ngày mới thành công, qua đó tiết kiệm chi phí cho ngành Đường sắt”, anh Hà chia sẻ.

Hiện tổ anh Hà có 9 người, hằng ngày những người thợ này vẫn không ngừng tìm tòi, sáng tạo để cho ra những phụ tùng mới. Với mức thu nhập trung bình trên 20 triệu đồng/tháng của anh Hà được xem là niềm mơ ước của rất nhiều người lao động. Anh tâm niệm, để gắn bó với nghề kỹ thuật cơ khí phải có niềm đam mê, sự chăm chỉ, quyết tâm và không ngừng học hỏi, tìm tòi, nâng cao tay nghề.

Ngồi trên giàn giáo bên hông toa tàu, ông Phạm Văn Thanh Tùng (quê Long An, 54 tuổi) đang cặm cụi với chiếc máy mài trên thân tàu. Làm tại bộ phận máy hút bụi và sơn toa tàu, ông Tùng cho hay, ông gắn bó với nghề gần 20 năm nay. Đến nay, công việc sơn từng toa tàu cũng khác với những năm trước khi ngành Đường sắt sử dụng loại sơn chống gỉ epoxy cho những toa tàu thế hệ mới. Đây là loại sơn có thể chịu được trong môi trường ăn mòn cao, chống gỉ và các điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khác với độ bền trên 10 năm, thời gian sơn các toa tàu cũng được rút ngắn hơn nhiều.

Quyết tâm thay mới những toa tàu cũ

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Khiên, Giám đốc Công ty CP xe lửa Dĩ An cho biết, theo lộ trình của ngành Đường sắt, từ nay đến năm 2021 sẽ loại bỏ hoàn toàn các toa tàu cũ. Với quyết tâm trên, Công ty CP xe lửa Dĩ An dù đang gặp nhiều thiếu thốn về cơ sở hạ tầng nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị…, nhưng tập thể cán bộ, công nhân viên luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt mục tiêu đề ra. Điểm nhấn trong đó là đầu năm 2016, công ty có kế hoạch đóng mới hoàn toàn những toa tàu với nội thất tiêu chuẩn “5 sao” để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân. Đến tháng 8-2016, lần đầu tiên, công ty cho ra mắt đoàn tàu khách thế hệ mới để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Đường sắt Việt Nam (21/10/1946 - 21/10/2016). Theo đó, hình thức trang trí nội thất bên trong khác xa so với các toa tàu cũ. Cụ thể, thành toa được làm bằng thép cường lực cách âm, cách nhiệt bằng vật liệu mới chống gỉ sét để tăng tuổi thọ thay vì dùng gỗ hay ván ép như các toa tàu cũ; nền sàn, giường ngủ, thành vách đều sử dụng vật liệu composite màu sắc hài hòa tạo nên không gian sống động của các phòng; nước sơn ngoài thân tàu chống gỉ trong mọi điều kiện thời tiết. Bên cạnh đó, nhà vệ sinh sử dụng Module bằng composite với thiết bị tự hoại công nghệ tiên tiến, đồng thời nguồn thải này sẽ được xử lý vi sinh, không xả chất thải trực tiếp xuống đường ray mà được xử lý vào bể chứa lắp dưới mỗi toa tàu; bồn rửa mặt với vòi nước nóng lạnh và thiết bị cảm ứng...

Ngoài ra, toa tàu còn sử dụng thiết bị van, lò xo giảm chấn của Nhật Bản, nhằm giảm tối đa việc rung lắc, xóc khi đoàn tàu di chuyển và hạn chế tiếng ồn. Kết quả là việc sử dụng vật liệu mới giúp trọng lượng từng toa tàu giảm từ 3 đến 4 tấn so với toa tàu cũ. Không những vậy, các toa tàu mới này còn được trang bị hệ thống camera ghi hình trên tàu nhằm kiểm soát an ninh, trật tự cũng như cung cách phục vụ của tiếp viên đối với hành khách; hệ thống thiết bị đo nhiệt độ trong và ngoài tàu, vận tốc, báo địa điểm ga sắp đến…, tạo thuận lợi cho hành khách khi đi lại.

Dự kiến năm nay, công ty sẽ đóng mới và bàn giao 60 toa tàu do Công ty CP vận tải Đường sắt Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đặt hàng, đây là nỗ lực chung của toàn ngành Đường sắt nhằm đổi mới các toa tàu cũ. Điều đáng mừng ở chỗ, các toa tàu mới này được đóng với trên 80% trang thiết bị do công ty tự sản xuất và lắp ráp, gần 20% thiết bị ngoại nhập chủ yếu là bánh xe, thiết bị van, lò xo giảm chấn… Bằng quyết tâm và nỗ lực của cả hệ thống ngành Đường sắt, ông Khiên mong muốn, thời gian tới, Nhà nước và bộ, ngành liên quan sẽ có chính sách phát triển và bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề; từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tạo nguồn vốn đáp ứng cho việc hiện đại hóa ngành đóng tàu nói riêng và ngành Đường sắt Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi tạo những toa tàu "5 sao"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.