Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xưởng làm dụng cụ chỉnh hình miễn phí của người thương binh hạng 2/4

Quang Thái| 05/01/2018 09:22

(HNMO) - Bản thân là thương binh với tỉ lệ thương tật 61%, thấu hiểu được sự khó khăn, cực nhọc khi một phần cơ thể bị mất đi, ông Lê Thành Đô (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quyết định mở xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn để họ tự tin hòa nhập với cộng đồng.


Không ngừng lao động

Gặp ông trong căn nhà số 1, ngách 5 (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khi ông đang tất bật dọn dẹp nhà cửa. Nhìn những bước đi nhanh nhẹn, đôi tay linh hoạt, không ai nghĩ rằng ông là một thương binh hạng 2/4 và đã ở cái tuổi thất thập. Vừa lau bộ bàn ghế, ông vừa nói: “Những ngày giữa tuần vắng khách đến làm dụng cụ chỉnh hình nên tôi thuê thợ về sửa lại nhà để cuối tuần họ có đủ chỗ ngồi”. Căn nhà 3 tầng rộng hơn 30m2 của gia đình, tầng 2 và 3 là nơi ở của vợ chồng ông cùng 2 con, còn tầng 1 ông để làm văn phòng tiếp người khuyết tật.

Ông Lê Thành Đô đang hoàn thiện chiếc chân giả tại xưởng sản xuất.


Ông Lê Thành Đô sinh năm 1945, nhập ngũ năm 1963 và xuất ngũ năm 1968, với tỷ lệ thương tật 61%. Về trung tâm an dưỡng ít lâu, ông quyết định theo học tại trường Đại học Y Hà Nội. Sau 6 năm miệt mài đèn sách, khi tốt nghiệp, ông nhận công tác tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Hơn 10 năm hết mình với công việc, ông chuyển công tác về Hà Nội để tham gia Dự án sản xuất chân giả cho thương binh, người tàn tật (do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ cho Viện Chỉnh hình, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Hoàn thành dự án, ông được điều làm giảng viên của Dự án đào tạo kỹ thuật viên chỉnh hình (do chính phủ Đức tài trợ cho trường Đại học Lao động - Xã hội). Ông về hưu năm 2005.

Thấu hiểu được sự mất mát của những người khuyết tật, khi về hưu, ông quyết định biến căn phòng nhỏ tại ngôi nhà tập thể (số 242 Minh Khai) của gia đình thành xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn.

Từ những mối quan hệ sẵn có khi còn đang công tác, ông đã kêu gọi bạn bè trong nước và các tổ chức quốc tế như: UniReach International (Mỹ), YoungSan-ChoyoungKi Founation (Hàn Quốc)... hỗ trợ chi phí sản xuất dụng cụ chỉnh hình, mua sắm trang thiết bị. Khi đang lo lắng về nhân sự sản xuất dụng cụ chỉnh hình, ông đã nhận được sự giúp đỡ tình nguyện của các kỹ thuật viên chỉnh hình tại trường Đại học Lao động - Xã hội.

Nhớ lại ngày đầu mở xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình, ông tâm sự: “Khi đó, kinh tế gia đình tôi không mấy khá giả. Nhưng được sự động viên, hỗ trợ từ vợ và các con, tôi đã có thêm động lực để gây dựng xưởng sản xuất”. Từ đó, ông dồn hết công sức, tâm huyết và những đồng lương hưu ít ỏi để phục vụ vào công việc sản xuất. Hơn 12 năm qua, xưởng sản xuất của ông đã giúp cho 15 em nhỏ được làm phẫu thuật chỉnh hình và cấp miễn phí hơn 600 dụng cụ chỉnh hình như: Chân, tay giả, áo nẹp chỉnh hình… cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ở mọi lứa tuổi. Nhiều người sau khi có được dụng cụ chỉnh hình đã hoàn thành được ước mơ và có những công việc để ổn định cuộc sống, như: Ông Nguyễn Văn Dậu ở Linh Đàm sau khi có chiếc chân giả đã xin vào làm bảo vệ tại một công ty trên địa bàn thành phố; em Nguyễn Thùy Dương ở phường Hoàng Văn Thụ sau khi có được chiếc chân giả đã hoàn thành được việc học tập; em Dương Hồng Nhật ở Phú Thọ nhờ có áo nẹp chỉnh hình và chiếc máy may công nghiệp do ông Đô tặng, giờ đã mở được một hiệu may nhỏ tại nhà...

Luôn luôn học hỏi

Để tạo ra một dụng cụ chỉnh hình phải trải qua rất nhiều công đoạn, cần sự tỉ mỉ đến từng chi tiết, vì vậy đòi hỏi kỹ thuật viên chỉnh hình phải có tay nghề cao thì người khuyết tật mới cảm thấy thoải mái mỗi khi sử dụng dụng cụ. Chính yếu tố chất lượng, buộc ông Đô phải không ngừng tìm tòi, học hỏi, cập nhật những kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào xưởng sản xuất của mình. Ông Đô cho biết: “Mỗi người khuyết tật có một điểm cụt khác nhau, những người phải tháo khớp háng thì việc chế tạo sẽ phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí sản xuất cao gấp 3 đến 5 lần so với những người bị cụt đùi và dưới đầu gối”. Chi phí sản xuất cao, mà kinh phí tài trợ có hạn nên ông phải tìm mọi cách để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, nhằm giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn.

Anh Lê Hải Linh, kỹ thuật viên trong xưởng sản xuất cho hay: “Xưởng sản xuất của chúng tôi có 3 kỹ thuật viên chính và một số cộng tác viên. Mỗi năm, chúng tôi chế tạo được khoảng 50 dụng cụ chỉnh hình miễn phí cho người khuyết tật”. Ngoài việc chế tạo miễn phí dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật, anh Linh cùng các kỹ thuật viên cũng làm cả dịch vụ để có thêm nguồn thu cho xưởng sản xuất.

Hạnh phúc khi nhận được chiếc chân giả miễn phí từ ông Lê Thành Đô, anh Trần Hải Đăng, huyện Thường Tín chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 tôi đến xưởng sản xuất của bác Đô để thay chân. Mỗi lần tôi đến, bác đều hỏi thăm sức khỏe, ân cần chỉ dạy cách giữ gìn chiếc chân giả”. Từ khi có chiếc chân giả, anh Đăng đã hoàn thành được việc học tập tại trường Đại học Lâm nghiệp và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.

Bà Trần Thu Nguyệt, chuyên gia kỹ thuật chỉnh hình, trường Đại học Lao động - Xã hội nhận xét: “Ông Lê Thành Đô là người giỏi chuyên môn và rất tâm huyết với nghề. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường xuyên trao đổi kiến thức chuyên môn với các đồng nghiệp còn đang công tác để bắt kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện đại”.

Với những đóng góp của mình cho xã hội, ông Lê Thành Đô đã nhận được kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội” do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ký tặng năm 2016 và rất nhiều bằng khen từ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xưởng làm dụng cụ chỉnh hình miễn phí của người thương binh hạng 2/4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.