Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây xanh trên phố Hà Nội xưa

Nguyễn Ngọc Tiến| 25/08/2012 08:15

(HNM) - Trước năm 1882, Hà Nội không có đường gạch, vỉa hè và các dãy nhà gạch xây thẳng hàng từ đầu phố đến cuối phố như bây giờ. Phố khi đó chỉ là nơi tập trung các hộ buôn bán sản phẩm của phường nghề.


Từ phố Hàng Than đến Cầu Gỗ hiện nay thời kỳ đó vẫn còn nhiều hồ ao, vườn cây và rất nhiều nhà tranh vách đất. Cây xanh trồng trong nhà dân ở các thôn, trên đất công chủ yếu là đa, phượng vĩ, bàng, xoan, mít, một ít muỗm hay gạo và các giống cây linh tinh khác do dân tự trồng và không có bất cứ quy định nào.


Cây xanh trên phố Hàng Khay (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền

Cây được trồng chủ yếu lấy bóng mát. Đường ở các phố buôn bán chủ yếu là đường đất, vốn đã hẹp lại bị các cửa hàng lấn ra nên càng hẹp. Vào ngày mưa, đường lầy lội, mỗi khi có kiệu hay ngựa của quan đi qua thì dân đi chợ phải dạt sang hai bên rãnh thoát nước, có chỗ sâu đến mấy chục phân bùn. Phố không có vỉa hè, không có tên phố, không có cây xanh. Chỉ một vài đường phố tập trung nhiều Hoa kiều như: Mã Mây, Hàng Ngang, Lãn Ông... là có đường gạch.

Năm 1883, Bonnal - Công sứ Pháp đầu tiên ở Hà Nội, đã lên kế hoạch kiến thiết khu vực xung quanh hồ Gươm, đặc biệt là phía đông hồ để xây công sở phục vụ cho việc thống trị lâu dài của thực dân Pháp, gồm có Tòa Đốc lý (nay là UBND TP), ngân hàng, bưu điện... Con đường quan trọng từ khu vực Đồn Thủy chạy qua Hàng Khảm (nay là Tràng Tiền và Hàng Khay) ra Cửa Nam vào thành được cải tạo mở rộng. Hai bên phố Hàng Khảm dần mọc lên những ngôi nhà gạch thay cho nhà lá. Cuối năm 1885, Hàng Khảm là phố đầu tiên được lát vỉa hè và cũng là phố đầu tiên trồng cây phượng, một giống cây bản địa, mở đầu cho việc trồng cây trên hè phố sau đó. Hai hàng phượng trồng trên hè phố Hàng Khảm lớn nhanh và hoa đỏ rực vào mùa hè tạo cảm giác thích thú cho người Việt Nam thì người Pháp sống ở phố này bắt đầu sinh sự. Họ kêu lên Tòa Đốc lý là cành và thân cây đã che lấp cửa hàng khiến họ không buôn bán được, họ cũng la lối rằng những con ve sầu bám trên cây kêu rầm rĩ vào mùa hè làm họ không ngủ được. Rồi họ vu hai hàng phượng là nơi trú ngụ của muỗi, nguyên nhân gây ra bệnh sốt rét cho người Châu Âu. Thế là chính quyền thành phố ra lệnh chặt hai hàng phượng.

Khi Hà Nội trở thành nhượng địa năm 1888 thì kế hoạch mở rộng và xây dựng thành phố theo kiểu Châu Âu được triển khai nhanh hơn. Chính quyền đã cho lấp hồ, di dân khu vực phía nam hồ Gươm để xây khu phố hoàn toàn mới với những quy định cụ thể về diện tích một căn nhà, vỉa hè và chiều rộng lòng đường. Đó chính là các phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Bà Triệu (đầu phố) ngày nay. Để phục vụ cho nghiên cứu và đáp ứng hoa, cây xanh khi thành phố mở rộng, ngay từ năm 1888, một số nhà thực vật người Pháp đã thành lập vườn Bách thảo để trồng cây và nuôi chim thú ngay sát làng Ngọc Hà. Trong bản đồ do người Pháp vẽ năm 1890 ghi là Jardin d'essal (Vườn thí nghiệm thực vật). Khi mới hình thành, vườn có diện tích 33ha, đất đai không bằng phẳng, có gò núi do dồn đất lên cao, có ao hồ. Vườn được chia thành hai khu: khu cao làm vườn Bách thảo, khu thấp làm vườn ươm (sau tách riêng thành vườn ươm Laforge ở đầu phố Thụy Khuê). Laforge ươm các giống cây bản địa, giống nhập từ Châu Phi, Châu Mỹ và Châu Âu.

Năm 1897, Paul Doumer nhậm chức Toàn quyền Đông Dương đã ra nhiều văn bản, trong đó xóa bỏ nhà lá, cấm làm nhà lá ở các phố nay là Hàng Trống, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay và người dân khu vực "36 phố phường" khi xây nhà phải xây thẳng hàng, có rãnh thoát nước... Năm 1902, Hà Nội trở thành thủ đô của Liên bang Đông Dương thì người ta càng chú ý đến bộ mặt đô thị. Chính quyền cho treo biển tên phố, đánh số nhà. Ngày 22-8-1903, đốc lý Baille Frédéric (nắm quyền từ 1901-1903) ra quy định cây xanh chỉ được phép trồng trên các phố có vỉa hè rộng từ 3 mét trở lên và phải tuân theo tiêu chí: có bóng mát, bảo đảm mỹ quan, không có nhựa và khí độc hại, không đổ trước các trận bão vừa phải. Quy định cũng phạt tiền với người có hành vi phá hoại cây trên phố và phải trồng lại đúng giống cây đó. Theo quy định thì các phố ở khu vực "36 phố phường" do vỉa hè hẹp nên không trồng cây. Ở các phố Bà Triệu, Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, ngoài lát vỉa hè, chính quyền thành phố bắt đầu cho trồng cây lấy bóng mát. Ban đầu, người ta trồng thử xà cừ ở Bách thảo và chỗ đất trống quanh khu vực này vì giống này có ưu điểm là lớn nhanh, bóng mát rộng, song trong quá trình theo dõi và nghiên cứu, các nhà thực vật phát hiện ra giống cây này có nhiều nhược điểm là không chịu được ở khu vực đất trũng, rễ cây ăn ngang gây nguy hiểm cho các nhà mặt phố, đồng thời dễ đổ khi mưa bão lớn. Mặt khác, lá xà cừ rụng rải rác trong các mùa làm cho công nhân vệ sinh phải quét lá quanh năm. Trong khi các giống bản địa đang ươm gồm: sấu, sao, muồng, cơm nguội, sưa... lại có ưu điểm là rễ cọc, tán gọn, thân thẳng, chống chọi được với gió to thì các nhà thực vật vẫn cho trồng xà cừ với số lượng hạn chế ở những nơi xa các công trình, nhà cửa để lấy bóng mát. Khi có giống, các nhà thực vật cho trồng mỗi phố một loài để tạo kiến trúc phong cảnh. Ở các phố phía nam hồ Gươm và các phố đang xây dựng ở phía bắc mà nay là Phan Đình Phùng, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, đầu phố Bà Triệu, cuối phố Đinh Tiên Hoàng... chỉ trồng sấu, Lý Thường Kiệt trồng cơm nguội, nửa trên phố Lò Đúc trồng cây sao đen. Các vườn hoa Paul Bert (nay là Lý Thái Tổ) trồng sưa, Canh Nông (nay là vườn hoa Lênin), Nayet (nay là Cửa Nam) trồng cọ Châu Phi, muồng; các công thự trồng hoàng lan, cọ. Cây sấu tuy phát triển chậm nhưng có nhiều ưu điểm như: lá hình mắt nai rất đẹp, lại chỉ rụng vào một mùa. Rất lãng mạn khi hoa rụng trắng vỉa hè tỏa mùi thơm dịu, làm người đi qua ngây ngất. Đặc biệt, quả sấu còn được dùng trong chế biến thức ăn, nước giải khát rất ngon. Giống cây sao có rễ cọc và nhìn hàng sao thẳng tắp nom khỏe khoắn và uy nghi vô cùng. Cây cơm nguội lại toát lên vẻ chân chất, cọ nhập từ Châu Phi cho cảm giác khát khao bầu trời, khát khao tự do, còn hoàng lan mang lại cảm giác gần gũi.

Tính đến năm 1954, Hà Nội có 1.512 cây sấu chiếm tới 60% trong tổng số cây xanh ở bốn quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa. Song có một điều khó hiểu là cây xà cừ có nhiều nhược điểm lại được trồng khá phổ biến sau 1954, sau này có người giải thích sở dĩ trồng giống xà cừ để che mắt máy bay Mỹ?! Trận bão lớn năm 1967 và năm 1969 cho thấy các nhà thực vật đã hoàn toàn có lý khi chọn các giống bản địa vì các cây bị đổ trong hai trận bão này chủ yếu vẫn là xà cừ, phượng. Cuối thời bao cấp, lấy lý do giống cơm nguội hay bị sâu bên trong thân gây nguy hiểm nên họ đã chặt gần hết để thay vào đó là phượng khiến nhiều người nuối tiếc và câu hát "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng..." của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chỉ còn trong ký ức.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây xanh trên phố Hà Nội xưa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.