Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đẩy nhanh tiến độ

Hà Tuấn| 15/02/2012 07:56

(HNM) - Theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12-8-2005 của Thủ tướng Chính phủ, hạn chót TP Hồ Chí Minh phải hoàn thành di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn là năm 2010. Tuy nhiên, đến nay, hầu hết các cảng chưa thể thực hiện do vướng mắc về vốn và mặt bằng.


Chờ vốn

Theo Quyết định số 791/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, các cảng phải di dời gồm: Tân Cảng, cảng Sài Gòn, Nhà máy Đóng tàu Ba Son, cảng Bến Nghé, Tân Thuận Đông... Thế nhưng, đến nay mới chỉ có Tân Cảng cơ bản hoàn thành di dời ra khu vực Cát Lái và Cái Mép, còn hầu hết vẫn dang dở.

Công tác quy hoạch cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh hiện nay đang còn nhiều vướng mắc.


Ban lãnh đạo cụm cảng Sài Gòn cho hay, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện di dời, xây dựng cảng mới là vốn đầu tư. Và muốn có vốn thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại cảng cũ (trong đó có khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội). Tuy nhiên, do UBND TP chưa phê duyệt nên chưa thể triển khai dự án đầu tư tại khu đất cũ nhằm tạo nguồn vốn xây dựng cảng mới.

Bên cạnh đó, mặc dù Quyết định số 46/2010/QĐ-TTg cho phép doanh nghiệp di dời cảng cũ được vay vốn xây dựng cảng mới, nhưng với lãi suất cao như hiện nay, hơn nữa chỉ được Nhà nước hỗ trợ lãi suất không quá 12 tháng, thì việc này khó khả thi, làm tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án.

Hiện nay, cụm cảng Sài Gòn đang chờ ý kiến của Bộ GTVT và Bộ Tài chính trong việc hỗ trợ vốn để hoàn thành giai đoạn 1 dự án xây dựng khu cảng mới Hiệp Phước, vốn dự kiến trên 3.000 tỷ đồng. Theo lãnh đạo cụm cảng, khoảng 2 tuần nữa hai bộ này mới có phản hồi chính thức. Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cũng cho biết, UBND TP hứa hỗ trợ vốn xây dựng tuyến đường dài 2km vào cảng Hiệp Phước, dự kiến cần khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên cảng cũng nên huy động vốn từ các doanh nghiệp thành viên để sớm hoàn thành tuyến đường này.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng đã trình lên UBND TP xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về "Đồ án thiết kế khu đô thị khu trung tâm hiện hữu" do Công ty Tư vấn Nikken Sekkei nghiên cứu đề xuất, trong đó bao gồm khu cảng Sài Gòn. Nếu đồ án trên được duyệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho việc di dời và chuyển đổi công năng cụm cảng Sài Gòn. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay đồ án vẫn đang được TP… xem xét.

Vướng chuyện mặt bằng

Theo ông Nguyễn Ngọc Tới, Thư ký Hội đồng thành viên Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn, hiện nay việc xây dựng cảng mới Hiệp Phước - Nhà Bè gặp nhiều khó khăn, nhất là chuyện giải phóng mặt bằng. TP đã giao trách nhiệm giải phóng mặt bằng cho chính quyền địa phương, tuy nhiên đến nay huyện Nhà Bè mới chỉ bàn giao 50% diện tích mặt bằng, trong khi gần 2km đường vào cảng vẫn dở dang và nếu chưa hoàn thành tuyến đường này sẽ không thể di dời cảng Sài Gòn về Hiệp Phước. Hiện cảng Sài Gòn đã kiến nghị TP và huyện Nhà Bè đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Ông Tới khẳng định: "Nếu những vướng mắc trên được giải quyết, chúng tôi sẽ hoàn thành tuyến đường trong vòng một năm rưỡi và sẽ đưa vào khai thác sau đó". Do đường sá, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thành nên cũng chưa thể di dời cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4) về khu cảng mới, bởi cảng Nhà Rồng - Khánh Hội có công năng vận chuyển lớn nhất cụm cảng Sài Gòn với chiều dài cầu cảng 1,8km, nếu di dời về khu cảng mới Hiệp Phước sẽ làm tắc nghẽn hàng hóa, gây thiệt hại kinh tế không nhỏ.

Một vấn đề nữa là theo thông tin từ cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT), hiện nay do luồng Soài Rạp vào cụm cảng Hiệp Phước chỉ dài 40km nên các phương tiện đi luồng này tiết kiệm được thời gian và chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, thực tế các tàu vào cảng Hiệp Phước vẫn theo luồng Lòng Tàu qua mũi Bình Khánh vào sông Soài Rạp, chiều dài toàn tuyến 77km; nguyên nhân bởi luồng Soài Rạp có độ sâu thấp (chỗ cạn nhất 5,3m), hạn chế khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn. Do vậy, việc nạo vét luồng Soài Rạp sẽ tạo điều kiện thu hút các tàu tải trọng lớn vào cảng Hiệp Phước. Tuy nhiên, dự án nạo vét luồng Soài Rạp vẫn đang gặp khó khăn về tài chính, kéo theo sự chậm trễ của việc hình thành khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng như kế hoạch di dời cảng biển TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, mới đây UBND TP đã kiến nghị và Thủ tướng chấp thuận cho tổ chức đấu thầu lại dự án nạo vét luồng Soài Rạp và Sở GTVT được giao làm chủ đầu tư thay cho Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) vì lý do không đáp ứng được nguồn vốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đẩy nhanh tiến độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.