Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2020: 70% số hộ dân phố cổ Hà Nội được di dời ra khu đô thị mới

V.A| 12/07/2012 16:57

(HNMO) - Chiều 12/7, Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND Thành phố Hà Nội thông qua với đa số đại biểu tán thành.


2020: 70% số hộ dân phố cổ Hà Nội được di rời ra các khu đô thị mới

Mục tiêu chung của qui hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là thủ đô của đất nước, trung tâm văn hóa hàng đầu của khu vực, phấn đấu trở thành địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại về nội dung, vừa phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc. Xây dựng Thành phố xanh - sạch - đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa vừa hiện đại vừa mang tính truyền thống, tiêu biểu cho văn hóa cả nước trong quan hệ giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới.

Trên cơ sở đó, Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2015, phấn đấu 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hoá, đến năm 2020, đạt tỷ lệ 86 - 88%; Đến năm 2015, phấn đấu 55% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu làng, thôn, bản văn hoá, đến năm 2020, đạt tỷ lệ từ 60 - 62%; Đến năm 2015, phấn đấu 65% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hoá, đến năm 2020, đạt tỷ lệ 70 - 72%; Đến năm 2015, phấn đấu 60% số đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu đơn vị văn hoá, đến năm 2020, đạt tỷ lệ 70 - 72%; Đến năm 2015, phấn đấu 45% trở lên số người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên. Đến năm 2020, đạt tỷ lệ trên 55%; Đến năm 2015, phấn đấu 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đến năm 2020, đạt tỷ lệ 75-80%; Tăng cường việc nhân rộng mô hình nông thôn mới, trong đó hoàn thiện đầy đủ 19 tiêu chí, chú trọng các tiêu chí phát triển văn hóa đến năm 2015, phấn đấu 40% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, đến năm 2020 phấn đấu đạt tỷ lệ 70% và đến năm 2030 phấn đấu đạt tỷ lệ 100%.


Từ 2015 Hà Nội thực hiện bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ


Đáng chú ý, trong quy hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2015, phấn đấu 65% di tích quốc gia được chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo các di tích trọng điểm, hàng năm thực hiện được khoảng 20% việc chống xuống cấp và tu bổ tôn tạo các di tích cấp thành phố bằng nguồn kinh phí ngân sách và xã hội hóa. Đến năm 2020, 70% di tích quốc gia, 75% di tích cấp thành phố được tu bổ, tôn tạo.

Đặc biệt, đến năm 2015, thực hiện bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ. Phấn đấu đến năm 2020, bố trí được 70% số hộ sống trong các khu phố cổ được di rời ra các khu đô thị mới.

Cũng tới mốc 2015, Hà Nội hoàn thành quy hoạch đối với khu di tích thành cổ Hà Nội rộng 151.600m2. Tập trung lập quy hoạch bảo tồn và xây dựng công viên lịch sử văn hóa khảo cổ học khu Hoàng thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) với tổng diện tích 60.692 m2, trong đó xác định vị trí và diện tích thành lập bảo tàng thiên nhiên, bảo tồn nguyên trạng tại chỗ. Sau năm 2016, khu vực Hoàng thành sẽ chính thức đón khách tham quan cũng như là nơi nghiên cứu, khai thác tiếp các hiện vật khảo cổ học.

Về quy hoạch hệ thống quảng trường, công viên, vườn hoa, Hà Nội phấn đấu đến năm 2015, 45% các khu đô thị mới, các trung tâm quận, huyện, các vùng đô thị, vùng liên xã có công viên hoặc vườn hoa; đến năm 2020, phấn đấu đạt tỷ lệ 65 - 70%; đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100%. Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025, tại khu vực trung tâm của 5 khu đô thị vệ tinh đều có quảng trường, gắn với tượng đài, vườn hoa có quy mô phù hợp với dân cư và quy mô đô thị.

Về hệ thống thư viện, đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt 01 cuốn sách/mỗi người dân trong thư viện công cộng, 100% số tài liệu quý hiếm trong thư viện cấp thành phố được số hóa; đến năm 2030, phấn đấu có trên 1,5 cuốn sách/mỗi người dân trong thư viện công cộng.

Đến năm 2020, phấn đấu có 1.500 - 1.600 tủ sách, phòng đọc xã; cấp thẻ cho 20.000 - 25.000 bạn đọc; tổng số đầu sách, tạp chí đạt 1.550 - 1.600 ngàn cuốn, trong đó đầu sách thư viện Thành phố đạt 1.450 - 1.500 ngàn cuốn, đầu sách thư viện quận, huyện đạt 1.200 - 1.300 ngàn cuốn, đầu sách thư viện xã 1.450 - 1.500 ngàn cuốn. Đến năm 2030, phấn đấu có trên 2.000 tủ sách, phòng đọc xã.

Để thực hiện được quy hoạch trên, Thành phố đã xác định một số giải pháp lớn, trong đó chú trọng tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý Nhà nước, gắn phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hóa. Đặc biệt, Thành phố xác định phải nâng cao vai trò của chi bộ Đảng trong việc xây dựng phong trào văn hoá cơ sở; xác định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng về việc đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tại cơ sở, tránh tình trạng đưa các cán bộ khó bố trí làm công việc khác chuyển sang phụ trách văn hóa; Nâng cao trách nhiệm, vai trò của từng đảng viên trong việc xây dựng phong trào văn hoá cơ sở; Đổi mới tổ chức, nội dung và cơ chế quản lý; Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội tham gia sáng tạo, sản xuất, phổ biến và kinh doanh trên lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật...

Không phát triển cơ sở lưu trú nhà nghỉ quy mô nhỏ dưới 10 phòng

Mục tiêu chung của Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là phấn đấu đến năm 2020, Du lịch Hà Nội thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, đưa Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp và xứng đáng là trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.

Dựa trên phương hướng đó, Hà Nội đặt ra một số chỉ tiêu phát triển chính.

Về khách du lịch: Năm 2015 tổng số khách đạt 16,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2,5 triệu lượt khách và khách nội địa đạt 14,2 triệu lượt khách. Năm 2020 tổng số khách đạt 21,1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 3,0 triệu lượt khách và khách nội địa đạt 18,1 triệu lượt khách. Năm 2030 tổng số khách đạt 31,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 4,5 triệu lượt khách và khách nội địa đạt 26,8 triệu lượt khách.

Về thu nhập từ du lịch: Năm 2015 thu nhập từ du lịch đạt 44.000 tỷ đồng; năm 2020 thu nhập từ du lịch đạt 79.000 tỷ đồng; năm 2030 thu nhập từ du lịch đạt 186.000 tỷ đồng.

Về chỉ tiêu GDP du lịch: Năm 2015, GDP du lịch đạt 31.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,2%; năm 2020, GDP du lịch đạt 52.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,7%; năm 2030, GDP du lịch đạt 121.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,3%.

Về nhu cầu buồng phòng cơ sở lưu trú: Năm 2015, nhu cầu số lượng phòng là 49.100 phòng; năm 2020, nhu cầu phòng là 64.800 phòng; năm 2030, nhu cầu phòng là 110.300 phòng

Về nhu cầu lao động: Năm 2015, nhu cầu lao động là 78.500 lao động trực tiếp; năm 2020, nhu cầu lao động là 116.600 lao động trực tiếp; năm 2030, nhu cầu lao động là 220.600 lao động trực tiếp.

Ngoài thị trường trong nước, Hà Nội xác định thị trường du lịch nước ngoài gồm có các thị trường truyền thống (Đông Bắc Á chú trọng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc và Đài Loan; Tây Âu chú trọng Đức và Pháp; Bắc Mỹ và ASEAN) và các thị trường mới (Trung Đông và Bắc Âu).


Đi vào quy hoạch cụ thể, Hà Nội lựa chọn du lịch văn hóa là thế mạnh lớn nhất của Hà Nội và là sản phẩm du lịch đặc trưng của Hà Nội, tập trung vào các loại hình: Tham quan di tích lịc sử văn hoá, làng nghề, tham quan phố cổ, du lich lễ hội, du lịch cộng đồng. Ngoài ra, Hà Nội còn có du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch Hội thảo, Hội nghị; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mua sắm, du lịch nông nghiệp.
.
Các cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội gồm: Cụm du lịch Trung tâm Hà Nội (với sản phẩm du lịch chủ yếu: du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm, dịch vụ vui chơi giải trí); Cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì (với sản phẩm du lịch chủ yếu là sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch tâm linh núi Ba Vì; du lịch văn hóa làng Việt Cổ Đường Lâm - Đền Và; du lịch vui chơi giải trí; du lịch thể thao cao cấp; du lịch nông nghiệp); Cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn (với sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch văn hóa tâm linh lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và sinh thái, du lịch thể thao cao cấp với các sản phẩm golf, thể thao nước); Cụm du lịch đền Sóc - hồ Đồng Quan (với sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tâm linh gắn với hội Gióng và hệ thống đền chùa, công trình tôn giáo; du lịch sinh thái: hồ đầm, sinh thái nông nghiệp, núi Sóc; du lịch nghỉ cuối tuần; du lịch thể thao, vui chơi giải trí); Cụm du lịch Vân Trì - Cổ Loa; Cụm du lịch Hà Đông và phụ cận. Ngoài ra, Hà Nội còn có vành đai sông Hồng và vành đai sông Đáy với sản phẩm du lịch chính là tâm linh, sinh thái, văn hóa.

Các tuyến du lịch được Hà Nội xác định gồm: Tuyến du lịch mang tính quốc tế kết nối Hà Nội với thế giới và Tuyến du lịch quốc gia trên cơ sở các tuyến quốc lộ với đầu mối là Hà Nội; Tuyến du lịch nội vùng (Các tuyến du lịch City tour nội thành; Tuyến du lịch Hồ Tây - Cổ Loa - Đền Sóc; Tuyến du lịch: Trung tâm Hà Nội - Vân Trì - Đền Sóc - Bắc Ninh; Tuyến du lịch Hà Nội - Sơn Tây - Ba Vì; Tuyến du lịch sông Đáy; Tuyến du lịch sông Hồng: Chương Dương - Đền Lộ - Bát Tràng)...

Đáng chú ý, về hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch, Hà Nội sẽ không cho phép phát triển cơ sở lưu trú nhà nghỉ quy mô nhỏ dưới 10 phòng, ưu tiên phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp từ 3 sao trở lên.

Các dự án trọng điểm ưu tiên đầu tư giai đoạn 2011 - 2020 gồm: Công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành - Thăng Long; Mở rộng không gian tuyến phố đi bộ khu vực phố cổ - hồ Hoàn Kiếm; Khu du lịch văn hóa lễ hội và cảnh quan Hương Sơn; Khu du lịch sinh thái, văn hoá và nghỉ ngơi cuối tuần Sóc Sơn; Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí phức hợp sườn tây núi Ba Vì; Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây); Khu du lịch nghỉ dưỡng Làng quê Việt ven sông Hồng hoặc sông Đáy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2020: 70% số hộ dân phố cổ Hà Nội được di dời ra khu đô thị mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.