Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không đơn giản là bàn giao và tiếp nhận

Tuấn Lương| 02/10/2012 07:11

(HNM) - Trong buổi họp bàn về "số phận" Công viên Tuổi trẻ Thủ đô (CVTTTĐ) gần đây, lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo đầu tháng 11-2012 sẽ chuyển đổi công viên này sang mô hình hoạt động phục vụ công ích; có biện pháp phân loại để xử lý dứt điểm sai phạm trong quá trình quản lý, khai thác các giai đoạn trước. Đây là một chủ trương phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Chuyển từ kinh doanh sang phục vụ công ích

Theo quy hoạch, CVTTTĐ có diện tích 26,277ha. Giai đoạn trước năm 2006, Công ty Đầu tư và Dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội đã giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 18ha, phần 8,3ha còn lại đến nay vẫn vướng mắc, thành phố giao nhiệm vụ cho UBND quận Hai Bà Trưng thực hiện.

Một công trình trong khuôn viên Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Ảnh: Đàm Duy

Tại cuộc họp, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Sở Xây dựng đã đề xuất chuyển CVTTTĐ sang hoạt động phục vụ công ích. Theo đó, Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội phải bàn giao cho Công ty Công viên cây xanh quản lý vận hành theo mô hình "công viên mở", đáp ứng nhu cầu văn hóa, vui chơi, giải trí của nhân dân. Công ty Công viên cây xanh quản lý khai thác công trình bảo đảm an toàn, hiệu quả. Duy trì thường xuyên cây xanh, hồ nước, quản lý duy trì các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch, bảo đảm kết nối hạ tầng chung, hạ tầng nội bộ của từng khu chức năng…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi khẳng định, chủ trương của thành phố sớm chuyển giao CVTTTĐ từ Công ty Đầu tư và dịch vụ Tuổi trẻ Hà Nội sang một đơn vị chuyên ngành để hoạt động theo mô hình công ích. Việc chuyển giao sẽ được thực hiện từ đầu tháng 11-2012. Yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc có ngay văn bản thẩm định để khẳng định công trình nào vi phạm quy hoạch làm căn cứ để UBND quận Hai Bà Trưng xử lý triệt để. Sở đôn đốc quận quyết liệt trong việc xử lý vi phạm. Các ngành cần vào cuộc để hỗ trợ quận đẩy nhanh tiến độ GPMB 8,3ha còn lại.

Còn nhiều việc cần làm rõ

Chủ trương nêu trên được người dân đồng tình, ủng hộ. Ông Lâm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết: Trước thực trạng công viên bị "xẻ thịt", biến tướng làm nhà hàng, quán karaoke, sân tennis, sân bóng đá… quận đã nhiều lần kiến nghị TP thu hồi. Trong khi mọi việc chưa được giải quyết đã lại phát sinh hàng loạt sai phạm mới. Nhiều diện tích quận đã GPMB bàn giao cho chủ đầu tư bị chuyển thành bãi trông giữ ô tô. Do buông lỏng quản lý, nhiều khu vực đã hoàn thành GPMB nay bị 17 hộ dân tái lấn chiếm, không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà sẽ khiến cho công tác GPMB sau này gặp nhiều khó khăn. Nay UBND TP Hà Nội đã có chủ trương như vậy, quận chỉ mong sớm được thực hiện.

Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là việc bàn giao và tiếp nhận khi chuyển đổi mô hình CVTTTĐ. Bởi lẽ, công viên này đã trải qua hai đời "chủ" nhưng hoạt động vẫn không hiệu quả. Đất công bị "xẻ thịt", nhiều khoản nợ ngân hàng không có khả năng thanh toán… Lần chuyển đổi thứ ba này cần được nghiên cứu cẩn trọng và triển khai bài bản.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một số chuyên gia quản lý đô thị phân tích: Nhiều người đang hiểu khái niệm "công viên mở" là không có hàng rào, người dân có thể ra vào tự do. Nếu làm như vậy sẽ rất khó quản lý, tạo điều kiện cho việc lấn chiếm và phát sinh các tệ nạn xã hội. Vẫn cần hàng rào nhưng người dân có thể ra vào tập thể dục, vui chơi giải trí như ở Công viên Nghĩa Đô, Hòa Bình, Thủ Lệ, Thống Nhất… Trong công viên cần có căng tin, khu thể dục thể thao và các dịch vụ vui chơi giải trí lành mạnh nhưng phải được quy hoạch phù hợp. Phần diện tích này cần hạn chế, không lấn át cây xanh, hồ nước, đường dạo…Với 8,3ha đang vướng mắc, tới đây GPMB thêm được tới đâu phải đưa ngay vào xây dựng công trình như kiến trúc trang trí, tượng đài, thảm cỏ, vườn hoa. Về những hợp đồng kinh doanh khai thác nhà hàng, bể bơi, sân tennis, siêu thị… hàng chục năm nay vẫn chưa hết hạn, cần rà soát cụ thể và có giải pháp xử lý hài hòa.

Phục vụ công ích, công viên chỉ có một chủ duy nhất là Nhà nước. Ngân sách sẽ là nguồn chính để đầu tư, quản lý và vận hành. Việc đầu tư, cải tạo, xây mới công trình, Sở Xây dựng giao cho Ban QLDA thực hiện, phần duy trì, quản lý giao cho một đơn vị chuyên ngành tiếp quản đảm trách. Có như vậy, nhân dân mới là đối tượng được thụ hưởng trực tiếp. Còn nếu vẫn giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư, trước áp lực bảo toàn vốn và sinh lợi nhuận, họ lại chạy theo mục đích kinh doanh. Khi đó, e rằng mọi việc sẽ một lần nữa "rối như tơ vò", chưa biết bao giờ mới có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đơn giản là bàn giao và tiếp nhận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.