Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải sát thực tế và có tầm nhìn

Hà Minh Luân| 01/12/2012 08:20

(HNM) - Không phải bỗng nhiên lãnh đạo TP Hồ Chí Minh tỏ ra rất băn khoăn về tính khả thi của một số đề xuất trong phương án điều chỉnh quy hoạch hạ tầng GT-VT TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 của Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận  tải phía Nam (TEDISOUTH). TEDISOUTH là đơn vị được Bộ GT-VT giao nhiệm vụ lập phương án này…

Xe cá nhân lưu thông vào nội thành sẽ được siết chặt hơn để giảm ùn tắc giao thông.


Tăng kết nối giao thông mở

Đề án quy hoạch hạ tầng GT-VT TP đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Chính phủ phê duyệt từ năm 2007. Tuy nhiên, TEDISOUTH cho rằng, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh lại quy hoạch nhằm tăng khả năng kết nối vùng, cũng như giải quyết căn bản vấn nạn ùn tắc giao thông trên địa bàn. Trong phương án của mình, đơn vị này đề xuất, TP cần tăng gấp đôi quỹ đất dành cho quy hoạch giao thông, tức vào khoảng 16 - 20% vào năm 2020 và 22 - 24% vào năm 2025.

Với quỹ đất quy hoạch lớn hơn, TEDISOUTH đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ cơ cấu vận tải, ưu tiên giao thông ngầm, cầu đường vượt sông, trên cao theo hướng kết nối mở. Cụ thể, phương án điều chỉnh bắt đầu từ hướng đường Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyên - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu qua Phan Xích Long và kết thúc ở đường Ngô Tất Tố (nối dài) với chiều dài đã giảm xuống còn 9,8km. Với điều chỉnh này, sẽ có tổng cộng 5 tuyến đường trên cao, 3 cầu vượt sông Sài Gòn và một hệ thống đường sắt đô thị hiện đại được hoàn chỉnh đến năm 2030.

Trong số 5 tuyến đường trên cao, tuyến số 5 là tuyến được TEDISOUTH đề xuất bổ sung thêm, bắt đầu từ nút giao Trạm 2 (quận 9), chạy dọc theo Vành đai 2 (QL 1A) và kết thúc tại nút giao An Lạc (quận Bình Tân) với chiều dài tổng cộng khoảng 34km, gồm 4 làn xe. Trước đó, Sở GT-VT TP đã xác định cơ bản về hướng tuyến và quy mô của 4 tuyến đường trên cao, với tổng kinh phí dự kiến lên tới hơn 56.000 tỷ đồng. Các tuyến này được đánh số thứ tự từ 1 đến 4 và đi qua hầu hết các quận nội thành. Tuy nhiên, TEDISOUTH đề xuất giảm chiều dài của tuyến số 1 từ 10,8km xuống còn 9,8km, nhằm giảm chi phí xây dựng. Đối với 3 tuyến đường trên cao còn lại, đơn vị này cũng đề xuất thay đổi hướng kết nối cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đối với quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị, TEDISOUTH chỉ yêu cầu điều chỉnh về hướng tuyến kết nối để tăng năng lực vận tải hành khách. Cụ thể, các tuyến metro số 1 và tuyến metro số 3A được điều chỉnh về lộ trình kết nối cho phù hợp hơn. Riêng tuyến 3A, bắt đầu từ Depot Tân Kiên kết nối với ga Tân Kiên chiều dài dự kiến khoảng 4,5km. Trong khi đó, 3 cầu đường vượt sông được TEDISOUTH đề xuất xây thêm, gồm: cầu Bình Quới - Thủ Đức 1, cầu Bình Quới - Thủ Đức 2 và cầu Bình Quới - Thủ Đức 3.

Về cơ cấu giao thông vận tải, TEDISOUTH cho rằng, cần điều chỉnh theo hướng tăng các phương tiện giao thông công cộng và hạn chế dần phương tiện cá nhân. Mục tiêu đến năm 2030, TP sẽ tăng năng lực vận tải hành khách công cộng lên 35-45%, thậm chí sau năm 2030 sẽ tăng lên 50-60% tỷ lệ người dân đi lại bằng phương tiện này. Đặc biệt, nhằm giảm ùn tắc giao thông và hạn chế dần xe cá nhân, 6 tuyến xe buýt nhanh được đề xuất xây dựng thêm, hoạt động trên những tuyến đường rộng trên 30m. Để đạt được mục tiêu nêu trên, các phương tiện cá nhân sẽ được hạn chế chỉ còn 35-45% từ sau năm 2030.

Băn khoăn về tính khả thi

Tại buổi làm việc với UBND TP mới đây về phương án điều chỉnh quy hoạch của TEDISOUTH, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh tính cấp thiết của công tác điều chỉnh quy hoạch phát triển GT-VT TP Hồ Chí Minh, bởi trong tháng 12-2012 là hạn chót phải trình Thủ tướng Chính phủ phương án cuối cùng.

Tuy nhiên ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP lại bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của một số đề xuất trong báo cáo của TEDISOUTH. Cụ thể, đề xuất xây dựng thêm tuyến đường trên cao số 5 sẽ buộc TP phải rất vất vả trong công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng. "Hiện nay, lộ giới quy hoạch của tuyến này tại các đoạn qua đường Vành đai 2, An Sương - An Lạc có mật độ dân cư dày đặc, là vấn đề mà bao nhiêu năm qua chưa thể mở rộng được", ông Tín phân tích.

Đối với đề xuất điều chỉnh tuyến đường trên cao số 1, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GT-VT TP cũng đề nghị cần tính toán kỹ tính khả thi vì lộ giới đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) vừa giải tỏa, nếu giải tỏa thêm nữa sẽ gây ra nhiều xáo trộn khu vực dân cư xung quanh. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hữu Tín, việc giải tỏa đền bù hiện nay đối với TP là vấn đề cần phải được tính toán thận trọng. "Tôi thấy nhiều nơi trên thế giới không có TP nào lại quy hoạch nhà dân để làm đường. Tại sao chúng ta không bàn đến việc mở các đường vành đai, các trục xuyên tâm, hình thành những đô thị vệ tinh để giãn dân trên cơ sở chỉnh trang đô thị và giao thông? Do đó, quy hoạch và điều chỉnh giao thông nhất thiết phải bảo đảm cho việc phát triển trước mắt và lâu dài nhưng phải bảo đảm tính khả thi, làm sao để ít xáo trộn cuộc sống người dân", ông Tín đặt vấn đề.

Trước ý kiến của TP, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu đơn vị tư vấn nhanh chóng hoàn tất điều chỉnh quy hoạch bảo đảm phù hợp với thực tiễn để Bộ GT-VT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong tháng 12 này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải sát thực tế và có tầm nhìn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.