Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch quy mô khu phố cổ Hà Nội chỉ còn 82 ha

Lan Hương| 20/12/2012 15:41

(HNMO) – Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu các đơn vị chức năng cần hoàn thiện lại việc xây dựng dự thảo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, đồng thời với việc hoàn thiện quy hoạch phân khu, lựa chọn một số tuyến đường hoặc khu vực để làm quy hoạch chi tiết hoặc thiết kế đô thị.

Tại cuộc họp, ý kiến của ông Dương Đức Tuấn – Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho biết: Khu phố cổ Hà Nội đang phải đối mặt với 4 thách thức lớn: điều kiện nhà ở thấp kém, cơ sở hạ tầng xuống cấp, cảnh quan đô thị không hấp dẫn, nổi cộm nhiều vấn đề giao thông. Hệ lụy kéo theo là các công trình có giá trị mất dần; các công trình tôn giáo văn hóa bị xuống cấp và xâm phạm; thiết kế đô thị không được quan tâm; cảnh quan lộn xộn, mất mỹ quan; thiếu cây xanh, điểm đỗ xe… Ngoài ra, các phố nghề truyền thống của Hà Nội đang có nguy cơ bị mai một, gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, việc xây dựng quy chế nhằm cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Từ quy chế này cũng làm căn cứ để chính quyền các cấp, các đơn vị, cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác quản lý, kiểm soát kiến trúc – quy hoạch, cấp phép xây dựng, đầu tư cải tạo, chỉnh trang; là cơ sở nghiên cứu hoàn chỉnh Quy hoạch phân khu khu phố cổ để các tổ chức, cá nhân liên quan đề xuất các phương án xây dựng mới, cải tạo chỉnh trang, sửa chữa công trình và các không gian kiến trúc trong phạm vi khu phố cổ. Tiếp theo đó, quy chế là hành lang pháp lý để bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của khu phố cổ Hà Nội – di sản văn hóa lịch sử quốc gia.


Đáng chú ý, so với các quy định quản lý trước đây, dự thảo quy chế được xây dựng lần này có nhiểu điểm mới. Một là, quy mô khu phố cổ hiện nay được xác định rộng 82 ha chứ không phải 100 ha như quy hoạch trước đây phê duyệt.

Hai là, trong điều lệ quản lý trước đây chỉ quy định bảo tồn các di tích hay công trình kiến trúc nhà ở có giá trị nhưng trong quy chế lần này còn đề xuất các quy định để bảo tồn các không gian đặc trưng, giá trị của khu phố cổ như không gian mở, ô phố đặc thù với loại hình kiến trúc giá trị chiếm đa số… và đặc biệt tập trung vào việc nghiên cứu bảo tồn, phục dựng hình ảnh các tuyến phố chính.

Ba là, quy chế phân định 2 vùng không gian phát triển phù hợp với mục tiêu mức độ bảo tồn và kiểm soát chức năng, hình thái không gian kiến trúc. Vùng 1 (quy mô 23,2ha gồm 29 tuyến phố và 17 ô phố) sẽ bảo tồn tôn tạo, phát huy giá trị khu phố cổ. Vùng 2 (quy mô 58,8ha gồm 57 tuyến phố, 66 ô phố) sẽ bảo tồn chỉnh trang, kiểm soát phát triển.

Thứ tư, quy chế đề cập đến việc kiểm soát không gian liền kề; xác định vùng hỗ trợ chức năng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật. Trong khu vực khu phố cổ 82 ha, tuyến phố Trần Quang Khải được nghiên cứu trong tổng thể thiết kế đô thị toàn tuyến từ Trần Khát Chân đến Yên Phụ, nhằm tạo dựng và kết nối hài hòa với không gian quy hoạch hai bên sông Hồng…. Khu vực hỗ trợ chức năng hạ tầng, bên ngoài khu phố cổ gồm 2 phường ngoài đê (Phúc Xá, Chương Dương - phía đông), công viên Vạn Xuân - phía bắc và phố Lý Nam Đế - phía Tây khu phố cổ nhằm xác định quỹ đất hỗ trợ các chức năng còn thiếu, yếu trong khu phố cổ như trường học, bến bãi đỗ xe, cây xanh…

Thứ năm, quy chế xác định việc bảo tồn và phục dựng các loại hình kiến trúc đặc trưng, giá trị (điều lệ trước đây chỉ quản lý công trình xây dựng 3 tầng lớp ngoài, lớp trong là 4 tầng, mái nhà dốc…).

Tại cuộc họp, ngoài việc đề xuất UBND TP xem xét phê duyệt dự thảo quy chế trên, Sở Quy hoạch Kiến trúc còn đề xuất UBND TP sớm phê duyệt dự án “Khảo sát, điều tra, đánh giá công trình kiến trúc có giá trị phục vụ bảo tồn và phát huy giá trị Khu phố cổ Hà Nội” do UBND quận Hoàn Kiếm triển khai để góp phần kiện toàn hệ thống công cụ quản lý quy hoạch – kiến trúc khu phố cổ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội khu phố cổ.

Góp ý vào việc xây dựng quy chế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi nhấn mạnh: Trong quy chế cần cụ thể hóa hơn những vấn đề liên quan đến giãn dân phố cổ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Khanh đánh giá quy chế đã làm rõ được các hình thái kiến trúc. Tuy nhiên về vấn đề bảo tồn không chỉ có nhà ở mà còn có cả vấn đề văn hóa, tập tục. Về vấn đề dân cư, hiện nay, tại khu phố cổ có khoảng 850 người/ha, theo Đề án giãn dân phố cổ phải giảm xuống 500 người/ha; nhưng trong dự thảo quy chế lại kiến nghị đẩy tầng cao xây dựng công trình lên ở lớp 2 sẽ có nguy cơ gia tăng thêm người gây mâu thuẫn. Về hạ tầng ở khu phố cổ không đơn giản như khu phố cũ; nên đưa thêm cơ cấu để phát triển phố cổ.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá việc xây dựng quy chế là cần thiết. Mục đích xây dựng quy chế để làm cơ sở phân bổ dân cư, sử dụng đất đai, định hướng tổ chức không gian, kiến trúc. Trong quy chế phải xác định rõ thêm phạm vi khu phố cổ, khu liền kề, phụ cận, khu phố cũ…; quy định quản lý đất đai, kiến trúc, hạ tầng (có được đi chìm, đi nổi, có được cải tạo hay không?). Kinh nghiệm từ việc trước đây Hà Nội đã vấp phải là đang lát dở đá xanh quanh hồ Hoàn Kiếm phải dừng lại….

Theo Chủ tịch, trong thời gian tới Hà Nội phải giãn dân phố cổ, tăng hạ tầng xã hội (xây thêm trường học…). Quy chế phải xác định không gian nào, khu vực nào được phục chế; đưa ra mạng lưới hạ tầng điện, nước, giao thông, hệ thống biển báo quảng cáo; đưa ra danh mục tuyến phố cần bảo tồn, tôn tạo; xác định mô hình kiến trúc đặc trưng Việt Nam; mô hình kiến trúc thuộc thẩm quyền quản lý của TP…

Cuối cùng, Chủ tịch yêu cầu các đơn vị chức năng cần hoàn thiện lại việc xây dựng quy chế, đồng thời với việc hoàn thiện quy hoạch phân khu (Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đang triển khai), lựa chọn một số tuyến đường hoặc khu vực để làm quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc thiết kế đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch quy mô khu phố cổ Hà Nội chỉ còn 82 ha

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.